Tuyên ngôn độc lập năm 2/9/1945

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
[YOUTUBE]http://www.youtube.com/watch?v=9n1TNfx9LaQ[/YOUTUBE]
 

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#2
Tuyên ngôn độc lập qua cách nhìn của các nhà

nghiên cứu luật pháp và văn học

Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới cách đây 60 năm là bản hùng văn bất hủ, khẳng định quyền độc lập, tự chủ của một dân tộc. Chỉ với hơn 1000 từ, bản Tuyên ngôn đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề có ý nghĩa thời đại. Nhiều nhà nghiên cứu pháp luật và văn học khi phân tích về Tuyên ngôn độc lập đã nhận định: Đây là một văn kiện lịch sử có giá trị pháp lý hoàn thiện về quyền con người, quyền dân tộc, đồng thời cũng là áng văn chính luận có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh cho nước Việt Nam mới được chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong một khoảng thời gian rất ngắn, để kịp tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới rằng: nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập. Công việc này phải làm rất gấp trước khi quân Tưởng đến Hà Nội và quân Pháp tái chiếm Việt Nam.Tuy chỉ viết trong 2 ngày, nhưng bản Tuyên ngôn độc lập là sự đúc kết một chặng đường 30 năm tìm đường cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau này khi nghiên cứu về "Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền", ông Nguyễn Đình Lộc, Nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp khẳng định: Tuyên ngôn độc lập có giá trị pháp lý rất lớn. Ngay từ câu đầu tiên được trích dẫn trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 Bác đã đưa ra một tư tưởng rất mới, không chỉ có cá nhân mà mỗi dân tộc sinh ra đều đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Ông Nguyển Đình Lộc, Nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp phát biểu: "Quyền một cá nhân, Bác nâng lên thành quyền của một dân tộc. Đây không đơn thuần là sự phát triển về mặt lô gíc mà là sự phát triển về tư tưởng, vừa triết học, vừa chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói khát vọng của riêng dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ, mà là khát vọng của các dân tộc đang chịu áp bức thống trị của Chủ nghĩa Thực dân. Đó là bước phát triển lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phạm trù quyền dân tộc tự quyết, quyền được hưởng tự do, bình đẳng của một dân tộc. Không chỉ tự do cá nhân mà tự do của cả một dân tộc.
Dưới góc nhìn văn học, giáo sư Hà Minh Đức khi giảng dạy về chuyên đề Văn thơ Hồ Chí Minh đã truyền cho bao lớp sinh viên về giá trị nhân văn, khát vọng sống của con người trong Tuyên ngôn độc lập. Cho dù đây là một văn kiện lịch sử nhưng ngôn từ giàu cảm xúc, tạo cho người đọc sự thương cảm trước những mảng đời nghèo khổ, sự căm giận trước tội ác của kẻ thù và tiếp đó là niềm vui của tác giả cũng như cả dân tộc khi nước nhà độc lập. Giáo sư Hà Minh Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Văn học phát biểu: " Tình cảm vì con người , tôn trọng con người. Đấy là 2 giá trị cơ bản của Tuyên ngôn độc lập, nó giàu sức thuyết phục vì thực ra đối với bất kỳ một dân tộc nào nói đến độc lập dân tộc đều rất thiêng liêng. Đối với dân tộc nào, nhân dân nào nói đến quyền con người thì đấy cũng là điều thiêng liêng nhất."
Dù phân tích dưới góc độ luật pháp hay văn học, thì sự kiện chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập là thời khắc quan trọng quyết định tới vận mệnh của một dân tộc. Như vậy là sau hơn 80 năm gan góc chống ách nô lệ của Pháp và gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít, nước Việt Nam đã về với người Việt Nam. Từ thời điểm này, Việt Nam thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.


Ngọc Hà
 

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#3
Tuyên ngôn Độc lập và khát vọng con người

Kỷ niệm 63 năm bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9 lịch sử, càng đọc càng thấm thía tầm cao tư tưởng và chiều sâu văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh về khát vọng của con người, về lý tưởng giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người.


Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là khát vọng cháy bỏng ngàn đời của con người, của loài người.

Chẳng thế mà, mở đầu cho “Khế ước xã hội” ra đời năm 1762 đánh dấu cột mốc lớn trong tư duy của con người tự nhận thức về quyền làm người của mình, J.J. Rousseau phẫn nộ tuyên bố: “Con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi, con người lại đang bị cùm kẹp”.

Sự gặp gỡ giữa lý tưởng ái quốc và lý tưởng cộng sản

Hơn nửa thế kỷ, thời gian đủ để kiểm nghiệm độ chính xác và sự tường minh của một tư tưởng, trải qua những biến động dữ dội của thế kỷ XX chuyển sang thế kỷ XXI, những biến động mà những bộ óc tiên tri dường như cũng phải ngỡ ngàng, vẫn chứng minh được sức bền, độ “chín” của tư tưởng ấy. Vì đó là chân lý.

Chân lý thì luôn luôn đơn giản. Song hiểu được chân lý, đến được với chân lý thì thường lại cực kỳ gian truân. Mà gian truân nhất là phải phân biệt cho được chân lý với cái na ná như chân lý khiến đôi khi người ta ngộ nhận một cách chân thành và đầy sự sùng kính. Nguy hại của sự “na ná” ấy thật khó lường!

Viết về Bác Hồ, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một đoạn rất thú vị : “Trong những lời căn dặn lại, Bác Hồ có nói sẽ đi gặp cụ C.Mác, cụ Lênin và các bậc đàn anh khác. Trí tưởng tượng của tôi hình dung cuộc gặp giữa Bác Hồ với những người thầy sáng lập học thuyết Mác - Lênin biết bao ý nghĩa và hào hứng. Có thể C.Mác vui lòng nhắc lại một câu nói mà tôi luôn luôn ghi nhớ trong ký ức của mình: “Tôi đã gieo những con rồng và tôi đã gặt những con bọ…”. Thật có đúng như vậy, song cũng có nhiều con rồng…”.
Đúng là đã có không ít những con rồng. Chỉ có điều lại có quá nhiều những con bọ. Nhưng điều đáng ngại hơn là sự nhầm lẫn “bọ” thành “rồng”. Sự lẫn lộn vàng thau ấy, kiểu nhìn “bọ” mà thấy na ná như “rồng”, khiến cho cái giá phải trả để đến được với sự thật của chân lý là quá lớn. Mặc dầu, xét đến cùng, chân lý nằm chính ngay trong quá trình nhận thức.

Nhìn trở lại hành trình lịch sử của Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước, quanh một vòng trái đất để trở về xúc động với nắm đất của Tổ quốc trên tay, rồi những lời “dặn lại công việc” khi bị bệnh nặng sợ khó qua khỏi trong một lán nhỏ ở Tân Trào, Việt Bắc: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, cho đến khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuối cùng là Di chúc với “điều mong muốn cuối cùng” của Người. Qua đó, nổi rõ lên một điều: Độc lập cho dân tộc, tự do cho con người, hạnh phúc cho nhân dân, trong đó, “Đầu tiên là công việc đối với con người”, mục tiêu trước sau như một của Hồ Chí Minh.



Bác Hồ với thiếu nhi vùng cao Việt Bắc năm 1960. Ảnh tư liệu
Người nói, “lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Cho đến lúc cuối, trong toàn bộ Di chúc của Người cũng thể hiện nhất quán “chủ nghĩa yêu nước” đó. Điều ấy thể hiện thật tập trung trong “điều mong muốn cuối cùng” của Người, ở đây đọng lại tình cảm, ý tưởng quan trọng nhất trong Di chúc: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Đúng là sự gặp gỡ giữa lý tưởng “ái quốc” và lý tưởng “cộng sản” trong tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ của lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người . Trong đó, giải phóng con người là trung tâm.

Nhìn lại nhân cách, tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp hoạt động của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ: Mục tiêu, cứu cánh, phương tiện và động lực cách mạng đều ở trong con người. Chính ở đây, chủ nghĩa yêu nước trong Hồ Chí Minh bắt gặp lý tưởng cộng sản.

Nhà hiền triết phương Đông

Có thể nói, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” là tư tưởng đẹp nhất trong vô vàn những tinh hoa tư tưởng của loài người được đúc kết trong khát vọng cao cả và mãnh liệt ấy. Và nếu nhận thức được rằng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về giải phóng con người giữ vị trí trung tâm, thì có thể hiểu được động lực thúc đẩy Nguyễn Ái Quốc đến với lý tưởng cộng sản, và cách Hồ Chí Minh thực hiện lý tưởng ấy vào trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước mình, một đất nước mà “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây” với một nội dung thích hợp như thế nào.

Nội dung thích hợp ấy có ý nghĩa cực kỳ quyết định đối với vận mệnh của cả dân tộc, mà Hồ Chí Minh, một người “có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn” không thể nào không cân nhắc hết sức thận trọng và thực hiện một cách sáng tạo. Trên hành trình tìm đường cứu nước, với mục tiêu giải phóng dân tộc, hiểu rõ “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước... Người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”, Hồ Chí Minh tìm thấy ở Luận cương của Lênin vũ khí tư tưởng và lý luận để thực hiện mục tiêu đó. Mà với Hồ Chí Minh, vũ khí chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu.

Để thực hiện mục tiêu ấy, không hề câu nệ, Hồ Chí Minh luôn đi tìm và tìm thấy ở những đỉnh cao trí tuệ loài người những điểm tựa để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Chính Hồ Chí Minh đã nói rõ điều ấy: ở Khổng Tử “sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”, ở Giêsu “lòng nhân ái cao cả”, ở chủ nghĩa Mác “phương pháp biện chứng”, ở chủ nghĩa Tôn Dật Tiên “chính sách phù hợp với điều kiện nước ta”. Theo Hồ Chí Minh, họ gặp nhau ở điểm chung là “muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, phúc lợi cho xã hội”. Chính vì thế mà Người “cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.

Không câu nệ vì Hồ Chí Minh chỉ có một “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Qua khát vọng cao cả và nỗi niềm riêng tư ấy, nổi rõ hình ảnh một nhà hiền triết phương Đông trong người chiến sĩ cách mạng được thử thách và tôi luyện trên trường quốc tế.

Bằng sự trải nghiệm của mình, Hồ Chí Minh hiểu rõ những thành tựu cũng như những sai lầm mà phong trào cách mạng phải trả giá. Người hiểu cần thanh lọc và tiếp nhận những gì có lợi nhất cho mục tiêu đã xác định. Phải biết sáng tạo trong tiếp thu và vận dụng những nguyên lý khoa học và cách mạng vào thực tế nước mình, phù hợp với đặc điểm của dân tộc mình để có thế biến thành “rồng” chứ không hoá thành “bọ” như điều C.Mác từng cảnh báo.

Hồ Chí Minh hiểu rõ mục tiêu của từng chặng đường trên con đường dẫn đến lý tưởng đúc kết khát vọng đó của cả loài người. Người không lẫn lộn mục tiêu cụ thể và trực tiếp của từng chặng với cái đích lý tưởng ở phía chân trời để tránh đi những ảo tưởng duy ý chí, dẫn đến hành động nôn nóng “đốt cháy giai đoạn”. Dị ứng với bệnh giáo điều, Hồ Chí Minh đòi hỏi “không được sao chép nguyên văn những gì có sẵn, điều cốt yếu là hiểu đúng tinh thần và biết vận dụng các nguyên lý sát với tình hình cụ thể” nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Đặt viên gạch đầu tiên cho nhà nước pháp quyền

Tiếp nhận những tinh hoa của nền văn minh phương Tây mà Người đã có nhiều năm chiêm nghiệm, học hỏi, để rồi gắn kết với bản lĩnh và tri thức cách mạng, Hồ Chí Minh thấy được những vấn đề mà có thể những người khác chưa thấy hoặc thấy chưa rõ. Bằng chứng là, mãi hơn 60 năm sau Tuyên ngôn Độc lập và Tổng tuyển cử 6/1/1946, lập ra Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra đời Hiến pháp 1946, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền vẫn còn gặp không ít trở ngại do sự áp đặt máy móc và giáo điều của mô hình “chuyên chính vô sản” trong tư duy về nhà nước. Mãi cho đến Đại hội VII rồi Đại hội VIII của Đảng mới chính thức loại bỏ mô hình ấy.



Ngày ngày người dân ở khắp mọi miền đất nước về Thủ đô vào lăng viếng Bác. Ảnh: Vũ Điệp
Có thấm thía chuyện này mới hiểu sâu ý nghĩa của việc Hồ Chí Minh đã đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng của một nhà nước pháp quyền. Thậm chí, mặc dầu nghị quyết của Đảng từ Đại hội VII sang Đại hội VIII đã khẳng định rõ như vậy nhưng cho đến nay, vẫn còn có ý kiến cho rằng các vấn đề lớn nêu lên trong Văn kiện Đại hội X đều ẩn chứa nội dung và chức năng của chuyên chính vô sản mặc dầu không nhắc đến cụm từ chuyên chính vô sản! Thì ra, hiểu Nghị quyết và giải thích rồi vận dụng Nghị quyết cũng còn tùy thuộc vào rất nhiều gánh nặng của một quán tính tư tưởng một thời không dễ gì rũ bỏ ngày một ngày hai.

Giờ đây, ngẫm nghĩ kỹ mới hiểu sâu được tại sao mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh lại viện dẫn đến những câu tiêu biểu nhất trong Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791, những câu thể hiện tập trung nhất cho khát vọng của con người, của loài người. Lý lẽ được vận dụng trong văn kiện lịch sử ấy dựa vào những khát vọng cao cả và chính đáng đó, những “lẽ phải không ai chối cãi được”.

Ở tầm cao văn hóa, mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập của một dân tộc vừa trải qua một thế kỷ nô lệ, của một đất nước bị mất tên trên bản đồ thế giới, Hồ Chí Minh dẫn ra tư tưởng về nhân quyền bởi vì Người hiểu rằng “ý tưởng xây dựng xã hội trên nền tảng quyền con người hoàn toàn không phải là một sự dối trá của giai cấp tư sản, mà thực sự là một ý tưởng phổ quát, thực sự đáp ứng một hy vọng toàn cầu. Sẽ không bao giờ có bình đẳng thật sự giữa tất cả mọi người, song ở chân trời của tất cả mọi người, bao giờ cũng sẽ có ý tưởng bình đẳng”.

Đứng ở tầm cao của thời đại, với đôi mắt của con phượng hoàng đại ngàn trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ, Hồ Chí Minh nhìn thấu được rất rõ đường đi, nước bước của dân tộc trong một thế giới đầy biến động. Độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, tự do cho con người, đó là mục tiêu bât di bất dịch trong tư tưởng, trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh.

Vì thế, khi bước vào cuộc kháng chiến lần thứ nhất, ngày 11/9/1946, trả lời Xcô-en-brân, phóng viên tờ Thời báo New York liệu chiến tranh có phải là tất yếu không, Hồ Chí Minh khẳng định: “Có. Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu... Chiến tranh là gian nan và đau buồn nhưng chúng tôi sẽ thắng. Chúng tôi có một vũ khí hùng mạnh như những khẩu đại bác hiện đại, đó là chủ nghĩa dân tộc... tinh thần con người còn mạnh mẽ hơn máy móc và máy móc không thể có hiệu quả trong đầm lầy và rừng rậm. Hàng triệu mái lều tranh có thể được coi như con ngựa thành Tơ-roa để ngăn chặn quân xâm lược”.

Là nhà cách mạng từng trải, Hồ Chí Minh nhìn rõ sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước gắn bó rất chặt chẽ với sự vận động, biến đổi và phát triển của thế giới. Cho nên, nhờ có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống của con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại mà tư tưởng Hồ Chí Minh có sức soi rọi cho những bước tìm tòi đi tới của dân tộc ta trong một thế giới đầy biến động hôm nay mà kiểu tư duy tuyến tính và kinh nghiệm cũ không đủ cho hành trình dân tộc đi tới trên con đường chưa có bản đồ.

Xúc động đọc lại Tuyên ngôn Độc lập khi mà đất nước đang đi vào chặng đường thử thách chưa có tiền lệ, càng cảm nhận được sự bất tử của khát vọng giải phóng con người trong sự nghiệp cao cả của Hồ Chí Minh. Chỉ cần thực hiện một động tác đơn giản, mở những dòng đầu của Tập 1 Hồ Chí Minh Toàn tập và trang cuối Tập 12, tập cuối cùng của Toàn tập sẽ thấy nổi rõ lên điều đó.

Ở những trang đầu nổi lên tư tưởng đấu tranh giải phóng con người: “Nếu có một đảng độc lập tồn tại thì đảng này không phải đi ăn xin một vài quyền tự do mà thiếu nó thì con người là một tên nô lệ khốn khổ”… "Rất ôn hòa cả về nội dung lẫn hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi, và nhằm vào những quyền tự do mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn”. Ở những trang cuối là những dòng di chúc, trong đó “Đầu tiên là công việc đối với con người”.

Toàn tập khép lại bằng đoạn trả lời phỏng vấn với đầu đề : “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” với những dòng ánh sáng trong suốt được phát ra từ trái tim lớn của Người: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

Bất hạnh nhất không phải là người đau khổ nhất mà là người quá ít đau khổ và không biết đau khổ khi cuộc đời còn quá nhiều khổ đau, khi mà “Con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi, con người lại đang bị cùm kẹp". Bất hạnh còn ở chỗ không biết tìm trong đau khổ để nhận ra được niềm vui để sống. Cao hơn thế, là con người cảm nhận được rằng tôi hạnh phúc biết bao khi tôi đau khổ!

Khi Hồ Chí Minh “gộp tất cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình” thành nỗi đau khổ của mình thì đó chính là một tuyên ngôn cao cả về sứ mệnh của Con Người.


Tương Lai
 

Bình luận bằng Facebook

Top