Tử tù và những khoảnh khắc trước khi ra pháp trường

davidbeckham

Thành viên
#1
Tử tù nặn cơm thành… súng cho đỡ nhớ

Khi bản án tử hình được tuyên, ấy là khi cái chết đã được định đoạt đối với các tử tù. Câu hỏi của cổ nhân: “Sinh có hạn, tử bất kỳ” đúng với tất cả những con người bình thường của nhân gian, ngoại trừ các tử tù. Bởi, với họ, cái chết đã được báo trước. Ở Trại giam, các tù nhân thường gọi tử tù là “ma sống”…

Tử tù và những khoảnh khắc trước khi ra pháp trường
Thế nên, những ngày đợi chờ ra pháp trường là những ngày mà các tử tù sống một cuộc sống khác thường. Cuộc sống mà ở đó, sự sợ hãi đến hoảng loạn đã khiến tất cả họ đều trở nên bất bình thường. Khi cái chết càng đến gần là khi niềm tiếc đời, là khi khát vọng sống càng trở nên mãnh liệt, khiến cho tất cả mọi trạng thái cảm xúc đều dường như được đẩy đến đỉnh điểm, đôi khi đến mức điên loạn.

Có khi thoắt vui rồi lại thoắt buồn. Có khi vừa cười nói vui vẻ bỗng ôm mặt khóc hu hu như một đứa trẻ. Có khi lại vô cớ trút giận dữ bực tức cả vào quản giáo - những người phải tiếp xúc thường xuyên với các tử tù. Có tử tù vì lý do nào đó mà gia đình bỗng dưng không gửi đồ tiếp tế nữa nên cứ nhằm vào quản giáo mà chửi, cho rằng quản giáo đã cắt tiếp tế của mình.

Người quản giáo giải thích thế nào tử tù này cũng không nghe. Một thời gian sau, chắc là cơn bất ổn về thần kinh đã qua, tử tù này lại chắp tay xin lỗi quản giáo. Có tử tù chẳng ốm đau gì, vừa mới hát ông ổng lại gào lên kêu cứu làm các đồng chí quản giáo suốt đêm nhấp nhổm không yên. Còn chuyện tử tù nổi cơn khùng hắt cả bô nước tiểu vào người quản giáo và các phạm nhân phục vụ thì đã xảy ra nhiều ở trại giam.

Một quản giáo có thâm niên làm công tác quản lý tử tù tại Trại giam Hà Nội đã nói về sự khác thường ấy bằng một định nghĩa rất vần điệu rằng: “Tử tù là sáng nắng, chiều mưa, trưa giở mặt”.

Có những tử tù khi không gào thét, cũng không khóc lóc, không điên khùng nhưng lại nghĩ ra những trò chơi quái chiêu khiến quản giáo.. dựng tóc gáy mà câu chuyện của Nguyễn Hồng Kỳ là một ví dụ. Kỳ là một tướng cướp ở Hải Phòng, bị tuyên án tử hình khi mới 19 tuổi. Nhìn bề ngoài, trông Kỳ rất thư sinh trắng trẻo, nom giống một cậu học trò hơn là một tướng cướp.

Nhưng ẩn bên trong vẻ ngoài trong sáng, thư sinh ấy là sự hung hãn đến độ bất thường, như là từ trong máu huyết. Kỳ có một sở thích rất giang hồ, đó là mê… súng. Khi còn ở ngoài xã hội, chưa bị bắt, Kỳ đã từng nhiều lần tuyên bố với đám giang hồ rằng, đối với y thì “cứ có súng là có tất cả”. Vì thế, trong tất cả các vụ cướp ở Hải Phòng mà Kỳ gây ra, vụ nào Kỳ cũng… nổ súng. Thậm chí có vụ Kỳ còn hai tay hai khẩu lăm lăm chĩa vào người bị hại và chỉ cần người bị hại có bất kỳ một động thái chống trả nào là Kỳ… bóp cò.

Sau khi bị tuyên án tử hình, Kỳ không làm đơn xin tha tội chết. Người quản giáo hàng ngày trông coi Kỳ thấy lạ mới hỏi, tại sao lại từ chối ân huệ cuối cùng ấy thì Kỳ bảo: “Tội của cháu lẽ ra phải dăm bảy án tử hình mới xứng”…

Trong những ngày chờ ra ngoài pháp trường, Kỳ tỏ ra khá lành hiền, ngoan ngoãn chứ không quậy phá như nhiều tử tù khác. Nhưng cũng không vì thế mà những người quản giáo lơi là trong việc quản lý trông coi Kỳ. Bởi, nghề coi tù là một nghề đặc biệt, không bao giờ được phép bất cẩn, sơ suất.

Cho đến một hôm, khi kiểm tra xà lim của Kỳ, người quản giáo bỗng lạnh sống lưng khi thấy ngay bên cạnh chỗ nằm của y là một… khẩu súng. Kiểm tra, hoá ra đó chỉ là một khẩu súng làm bằng… cơm. Thì ra, ngày ngày, Kỳ bớt lại một ít cơm trong khẩu phần ăn để tích lại cần mẫn nhào nặn thành hình… khẩu súng, đặt ở bên người cho đỡ… nhớ(!)

Nhưng trò chơi nặn… súng như Kỳ cũng mới chỉ là một trong rất nhiều tò quái ở khu giam tử hình. Như “chơi cờ mồm” chẳng hạn. Một quản giáo có thâm niên trông coi tử tù bảo rằng, anh dám đánh cược rằng, đố ai có thể tìm thấy môn thể thao đặc biệt này ở đâu, ngoài khu giam tử hình. Này nhé, không quân cờ, không bàn cờ, hai người chơi cũng không thấy mặt nhau bởi giam ở hai buồng riêng biệt. Đường đi, nước bước, thắng – thua, hoàn toàn chỉ bằng mồm. Ấy thế mà, các tử tù có thể chơi môn cờ mồm với nhau hết ngày nọ qua tháng kia.

Lại có tử tù thì suốt ngày chỉ lẩm nhẩm bấm đọn, xem tử vi để tính ngày… đi. Có một tử tù tuổi Hợi, cứ đến ngày Dần là hét toáng lên từ đêm đến sáng chỉ có mỗi câu chào: “Vĩnh biệt” vì theo suy đoán của anh ta thì ngày ra pháp trường chắc chắn chỉ có thể là ngày Dần mà thôi. Hổ vồ lợn mà.

Những bóng ma trừng phạt giữa ban ngày

Thông thường, ở tất cả các trại giam, cuộc thi hành án tử hình bao giờ cũng bắt đầu từ lúc tinh mơ và buộc phải kết thúc trước khi mặt trời lên. Có nhiều cách lý giải về chuyện này nhưng có một cách xem chừng có lý nhất. Đó là việc thi hành án tử hình là loại trừ cái ác, cái xấu ra khỏi đời sống xã hội vì thế mà nó phải kết thúc trước khi bình minh của một ngày mới bắt đầu.

Tử tù và những khoảnh khắc trước khi ra pháp trường

Một trường bắn ở Củ Chi- TP.HCM
Cũng chính bởi vậy mà đối với các tử từ, bình minh của họ lại bắt đầu kể từ lúc lặn mặt trời. Ban ngày họ ngủ lấy sức để ban đêm thức chờ… ra trường bắn. Quãng thời gian từ 2 – 3 giờ sáng là quãng thời gian khủng khiếp nhất của các tử tù. Họ sống trong sự sợ hãi đến nghẹt thở, trong nỗi thấp thỏm chờ đợi cái chết sắp đến gần.

Sau khoảng thời gian này, chờ đợi đến chừng 4 giờ sáng mà không thấy tiếng mở khoá lách cách, tiếng cọt kẹt của cánh cửa nặng nề nơi khu xà lim mở ra khép lại là các tử tù thở phào nhẹ nhõm. Vậy là chưa có thêm một bản án nào nữa được thi hành và cuộc sống của họ lại được kéo dài thêm một ngày nữa. Tất cả lại ngủ vùi đến đêm lại thức, lại thấp thỏm, lại nghẹt thở, chờ đợi.

Nhưng cũng có những tử tù đặc biệt mà Quỳnh là một trường hợp như thế. Tôi gặp Quỳnh ở Trại giam số 5 Thanh Hoá 7 năm sau khi cô được ân giảm án tử hình. Thời gian đủ dài để Quỳnh quên đi nhiều biến cô đắng cay, đau đớn trong cuộc đời một người đàn bà như cô nhưng cô vẫn khóc khi tôi hỏi về cảm giác những ngày nằm chờ ra pháp trường trong xà lim.

Đôi vai gầy rung lên bần bật sau lần áo tù xanh xám. Quỳnh cũng có gần 1 năm sống trong sự chờ đợi nghẹt thở ấy nhưng không giống nhiều tử tù khác, cô chỉ muốn sao cho bản án tử hình được thi hành càng nhanh càng tốt. Bởi đối với cô, mỗi ngày sống thêm là một ngày đau đớn vì sự giằng xé của lương tâm. Cô, trong cơn điên loạn của sự ghen tuông, đã dã tâm ném đứa con chồng mới 4 tuổi qua lan can cầu Thăng Long xuống sông Hồng đúng đoạn nước chảy xiết nhất, đêm nào trong xà lim, dù thức hay ngủ, cô cũng nhìn thấy đứa con chồng vô tội hiện về.

Nó chập chờn trước mắt cô, mặc y nguyên bộ quần áo hoa xanh, giống hệt như khi cô đẩy nó xuống sông. Nó không nói gì cả. Cô bảo, giá mà nó cứ gào thét, cứ rủa xả cô thì cô sẽ đỡ đau đớn hơn. Đằng này, nó lại chỉ khóc. Hình ảnh ấy ám ảnh, đeo đuổi Quỳnh hàng đêm. Nó khiến trái tim cô đau đớn như bị hàng nghìn mũi kim đâm. Cô chỉ mong được chết vì cô hiểu, tội lỗi tày trời như cô, chỉ có cái chết may ra mới gột rửa được.

Những lời mơn trớn trần trụi

Cũng chính bởi các tử tù ngủ ban ngày và thức ban đêm nên ban ngày, ở khu giam tử hình thường im ắng một cách kỳ lạ nhưng khi bóng tối ập xuống, ở nơi đây là cả một núi những âm thanh hỗn độn.

Cuộc sống về đêm ở những xà lim biệt giam tử tù thật lạ kỳ. Tiếng gào thét, tiêng khóc lóc vật vã, cả những lời tự tình, yêu đương, đôi khi bạo liệt đến trần trụi… tất cả đều chỉ xuất hiện vào ban đêm. Có tử tù nhớ người yêu, đêm nào cũng tỏ tình, cũng vuốt ve, mơn trớn bằng… lời.

Bà trùm ma tuý Nguyễn Thị Thơm, có nhiều đêm nhớ người tình quá, lồng lộn gào thét làm mất trật tự khu giam, cán bộ quản giáo phải nhắc nhở, giáo dục nhiều lần Thơm mới thôi… Ngày sinh nhật của người tình, ở trong buồng giam, Thơm đã làm một tấm thiệp rất đẹp, trang trí rất nhiều hoa văn, màu sắc rực rỡ bằng cách xé dán vỏ mì tôm, vỏ hộp sữa, vỏ bánh để tặng.

Thơm còn sáng tác một bài hát bằng tiếng Trung và làm thơ gửi cho người yêu với những lời lẽ tha thiết, nồng nàn: “Mình ơi, hôm nay là sinh nhật mình, em chẳng biết làm thế nào để đến bên mình được. Em chỉ biết ngồi khóc và làm tấm thiệp này, bao nhiêu nỗi nhớ và tình yêu em dành trọn trong tấm thiệp”.

Có những tử tù ngủ thì thôi chứ cứ hễ thức là bắt đầu gào thét chửi rủa những người có tư thù với mình đang giam ở các buồng giam khác hoặc đang còn ở ngoài xã hội mãi tít tận đẩu tận đâu. Có tử tù không chửi rủa mà chỉ la hét kêu oan, có khi vừa mới chối tội xoen xoét rồi lại xin được chết để đền tội.

Lại Thị Ngấn, một tử tù trong đường dây ma tuý của Vũ Xuân Trường đã từng nhiều đêm diễn màn độc thoại: “Thưa quí toà, tôi không có tội”. Một quản giáo có thâm niên trong nghề đã kể cho tôi nghe câu chuyện về một tử tù mà nước mắt chứa chan.

Chị kể rằng, đêm đêm, trong những ca trực chị đã thắt lòng khi nghe tiếng người đàn bà này nức nở gọi mẹ và sám hối với con. Nữ tù này người Hà Nội phạm tội lừa đảo. Chồng cũng phạm tội cùng với vợ và bị kết án chung thân. Chị ta còn mẹ già và hai đứa con. Đêm nào tử tù này cũng khóc mẹ và lạy hai con tha tội cho mình vì bản thân đã không làm tròn bổn phận.

Những giờ khắc đền tội

Pháp luật nước ta qui định rất chặt chẽ về trình tự thủ tục thi hành một bản án tử hình để tránh tình trạng “bỏ lọt kẻ gian, xử oan người vô tội”. Sau các phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, kẻ tử tù còn được làm đơn xin tha tội chết gửi tới Chủ tịch nước.

Chỉ sau khi toà án Nhân dân tối cao (NDTC) và Viện Kiểm sát NDTC không kháng nghị đối với bản án tử hình này và Chủ tịch nước bác đơn, không ân giảm cho kẻ tử tội thì bản án lúc đó mới được đem ra thi hành. Giống như một qui luật tất yếu của cuộc sống: kẻ gieo gió sẽ phải gặt bão. Cái ác sẽ phải bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.

Ngày tử tù phải đền tội cũng sẽ phải đến. Pháp trường, có thể là một khu vực nằm kề trại giam nhưng cũng có thể là một nơi ở xa lắc xa lơ, cách khu giam có khi vài chục cây số. Trường bắn Cầu Ngà của Trại tạm giam Hà Nội nằm ở ngay phí sau Trại và con đường từ khu giam đến đây là một con đường độc đạo. Tử tù đã đưa đến đây và ở lại. Cuối con đường chỉ có những nấm mồ.

Một bản án tử hình khi được thi hành, cùng với những thủ tục bắt buộc đã được qui định trong Luật, vì chính sách nhân đạo, tử tù sẽ được ăn một bữa cơm cuối cùng thật thịnh soạn, được mặc quần áo mới và được viết thư về cho người thân. Khi tiếng khoá vang lên lách cách, cánh cửa xà lim mở ra là khi hầu hết các tử tù đều trở nên yếu mềm một cách lạ kỳ.

Lại Thị Ngấn là một ví dụ. Những ai đã tham dự phiên toà xử Ngấn đều ngạc nhiên vì sự ngoan cố đến khó tin của “mẹ già heroin” này. Ngấn chối tội thuộc dạng siêu đẳng. Hỏi gì cũng không biết. Tại phiên toà, Ngấn cũng bình thản đến lạnh lùng. Ngay cả khi tuyên án tử hình, Ngấn cũng vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng ấy và tịnh không rơi một giọt nước mắt. Nhưng khi thi hành án thì Ngấn lại sợ hãi đến mềm nhũn người, không thể bước đi nổi, hai tay cứ bíu chặt lấy người quản giáo.

Người nữ quản giáo hàng ngày vẫn quản lý, trông coi, chăm sóc Ngấn bây giờ lại phải dìu Ngấn đi, đánh răng, rửa mặt cho Ngấn và nói những lời động viên an ủi cho Ngấn ra đi thanh thản. Sau này, mẹ Ngấn kể lại rằng, linh cảm về cái chết của Ngấn đã bắt đầu trong bà từ lâu, ngay vào cái thời điểm mà vợ chồng Ngấn đang ở đỉnh cao của sự giàu có.

Sinh ra tại một làng quê nghèo thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên, Ngấn bỏ quê lên phố, buôn đường dài tuyến Điện Biên và rồi trở nên giàu có một cách nhanh chóng. Ngấn mua nhà mặt đường ở Hà Nội, xây khách sạn tư nhân.

Chứng kiến sự đổi thay đến chóng mặt của con, thay vì vui thì bà lại thấy bất an. Trái tim người mẹ mách bảo bà những linh cảm đau đớn. Trước khi Ngấn bị bắt chừng một tuần, đang ở quê, bỗng dưng bà thấy ruột gan nóng như lửa đốt và không hiểu sao bà chỉ nghĩ đến Ngấn chứ không hề nghĩ đến bất cứ đứa con nào trong đàn con của bà. Ngày ấy, điện thoại chưa sẵn như bây giờ.

Nhà không có điện thoại riêng, bà định bụng ngày mai sẽ bắt xe ra Hà Nội tìm con. Nhưng rồi, cái đống lửa trong lòng bà cứ thế bùng lên, thiêu đốt tâm can bà khiến bà không chịu được. Xẩm tối, bà tất tả ra bưu điện ở mãi phố huyện, gọi điện cho Ngấn. Khoảng hai tiếng sau thì Ngấn về. Bà đưa con ra chùa, thấp nến, đốt nhang, hai mẹ con quì trước cửa thiền.

Trong ánh nến mờ ảo, bà thấy gương mặt Ngấn trở nên khác lạ. Những lo âu giờ đã dồn nén quá nhiều, không còn giấu được. Ngấn khóc. Bà định khuyên can con thật nhiều nhưng không hiểu sao cổ họng bỗng trở nên đắng ngắt, nghẹn lại. Bà cầm tay con thật lâu và chỉ nói được một câu duy nhất: “Thôi, đừng làm ăn bất chính nữa, nếu không, sớm muộn rồi cũng chết, chẳng sống được mà nuôi con đâu!”. Ngấn không nói gì, chỉ khóc rồi lại quay về Hà Nội ngay, xem chừng có vẻ vội vã lắm…

Chưa đầy một tuần sau thì bà hay tin Ngấn bị bắt. Mọi sự đoán định của bà đã trở thành sự thật. Duy chỉ có điều bà không ngờ đó lại là lần gặp con cuối cùng. Cho đến cái buổi tờ mờ đất mà Ngấn bị đưa ra trường bắn Cầu Ngà, khi Ngấn đang run rẩy trong nỗi sợ hãi thì bà ở quê, một nỗi sợ hãi mơ hồ không hiểu từ đâu cũng xộc đến rất nhanh và ở lại, bám riết lấy bà.

Bà trở dậy, lật đật đi như chạy ra chùa, thắp nhang và cầu kinh chờ cho trời sáng. Đúng 5 giờ thì Đài tiếng nói Việt Nam nổi nhạc bắt đầu một ngày mới. Trong chương trình thời sự đầu tiên của ngày, đài đưa tin đã thi hành án tử hình đối với các bị án trong đường dây ma tuý Vũ Xuân Trường. Bà tức tốc thuê xe ôm lên Hà Nội. Rồi cuối cùng thì bà cũng đã tìm được đến trường bắn Cầu Ngà. Lúc này, trời đã sáng bảnh, bình minh đã lên. Cuộc thi hành án đã hoàn tất.

Trở lại câu chuyện của các tử tù trong phút giây cuối cùng trước khi ra trường bắn. Không phải tất cả các tử tù đều như Ngấn. Có những tử tù bình tĩnh đón nhận cái chết như một cơ hội để gột rửa mọi tội lỗi do họ đã gây nên. Lê Thị Thuỷ ở Đông Anh, Hà Nội là một trường hợp. Thuỷ giả vờ yêu quí Bé, mua nước ngọt cho Bé ăn nhưng lại lén pha thuốc chuột vào chai nước ngọt.

Bé chết, Thuỷ bị tuyên án tử hình. Nhưng khác với nhiều tử tù khác, Thuỷ đón nhận sự đền tội một cách khá thanh thản vì với Thuỷ chỉ có cách ấy thì mới gột rửa được tội lỗi tày trời mà Thuỷ đã gây ra. Trước khi ra trường bắn, Thuỷ tự đánh răng, rửa mặt, tự mặc quần áo mới và chải đầu gọn ghẽ. Thuỷ cũng bình tĩnh ăn hết phần xôi gà mà Trại đã chuẩn bị cho bữa sáng cuối cùng.

Thì vẫn biết rằng, thái độ của các tử tù có thể khác nhau khi đón nhận cái chết đền tội. Song, dù sợ hãi hay bình tĩnh thì tất thảy họ đều ân hận khi mà chính họ, chứ không phải ai khác đã tước đi quyền được sống của bản thân mình...

Theo Bóng Đá và Cuộc Sống
 

Bình luận bằng Facebook

Top