Trực quan tiết học Vật lý theo phương pháp STEM

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Bài học số 36 với nội dung "Sự giãn nở vì nhiệt của vật rắn" do cô Huỳnh Thị Mỹ Linh – GVBM Vật lý thực hiện tại lớp 10A5 Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TPHCM bằng tiến trình dạy học theo phương pháp STEM.

Thách thức cho các nhóm

Sau vài phút GVBM giới thiệu ngắn gọn về mục tiêu bài học, tập trung vào 2 vấn đề: Nội dung lý thuyết và thực hành, ứng dụng Sự nở vì nhiệt của vật rắn nhằm định hướng chương trình, không gian lớp học liền thay đổi hoàn toàn khi hoạt động 2 do HS đứng ra thực hiện.

Nếu trước đây phần giới thiệu bài học vẫn do GVBM đảm nhận, đôi khi gây sự lặp lại nhàm chán với người học thì ở đây bằng giọng nói truyền cảm và cách xướng ngôn linh hoạt, 2 học sinh trong vai MC trong lớp trình bày đã mang lại sự gần gũi và thích thú cho người nghe. Bài học thật sự hấp dẫn khi file trình chiếu các công trình nổi tiếng trên thế giới đang chịu ảnh hưởng dưới sự biến đổi nhiệt độ trong đó có Việt Nam. Nhưng tất cả đây cũng chỉ là màn mở đầu cho nội dung chính vì phần trình bày thí nghiệm mới là cốt lõi của phần biểu diễn bài học.

Điều bất ngờ tiếp theo là ở phần trình bày thí nghiệm, GVBM chỉ là người đứng ngoài quan sát và sửa sai kịp lúc, HS được vào vai các thí nghiệm viên thực hiện các thao tác đúng như bài học. Đây chính là thử thách khó khăn nhất đối với các nhóm nhưng cũng chính là phần hấp dẫn nhất của bài học. Trong lúc các nhóm khác ngồi dưới lớp để diện kiến thì một số em được phân công đã xắn tay áo vào vai những kỹ thuật viên để thực thành như trong phòng thí nghiệm. Hỗ trợ cho phần thực hành là những kiến thức lý thuyết được trình chiếu qua file như để minh họa, bổ trợ và cả dẫn đường cho các thí nghiệm.

Nếu phần thí nghiệm có tính chất minh họa làm sáng tỏ tri thức bài học thì phần kết luận lại đóng vai trò quan trọng nâng cấp phần minh họa lên thành kiến thức cần nắm để hướng đến công thức bài học dãn nở dài và dãn nở khối, lợi và hại của dãn nở vì nhiệt. Qua thí nghiệm, nhóm 1 đã đưa ra minh chứng về sự nở dài, sự nở khối và quan trọng hơn là tính ứng dụng của chúng trong đời sống con người. Đây chính là sự thăng hoa rực rỡ nhất của tiết học đi theo phương pháp dạy học STEM với vai trò HS là người làm chủ. Kiến thức thực tế về sự dãn nở tại các khớp nối của vật liệu giúp các em biết lợi dụng đặc điểm của sự dãn nở làm ra các ứng dụng có ích.


Sản phẩm bài học được trưng bày. Ảnh: TG

Sản phẩm nhiều ý nghĩa

Cũng như các chuyên đề cụm khác, trước khi vào dự tiết học, quan khách đã được đi một vòng để thăm thú các mô hình do các nhóm và cá nhân HS thiết kế phục vụ bài học với tên gọi là Hội thi sản phẩm STEM. Qua các sản phẩm một lần nữa ứng dụng bài học lại được phát huy vai trò để trở thành "nhân chứng sống" tăng thêm giá trị ý nghĩa bài học. Các sản phẩm được trình làng với nhiều hình thức phong phú như bàn triển lãm, trình chiếu latop, thuyết trình riêng theo từng nhóm. Người ngoài cuộc biết thêm về kiến thức người trong cuộc lại hiểu sâu hơn về kiến thức bài học STEM.

Một hoạt động cuối cùng cũng khác lạ so với những nơi khác chính là định giá sản phẩm. Đây là những giây phút mà công sức của HS được tôn vinh, năng lực các em được khẳng định. Phần bán đấu giá có ý nghĩa giáo dục và nhân bản khi toàn bộ số tiền thu được sẽ góp vào quỹ hỗ trợ HS nghèo vượt khó trong trường. Trước đó, việc chấm điểm sản phẩm dựa theo các tiêu chí kiến thức khoa học, tính thực tiễn, mức độ khả thi, tính nhân rộng và cả mức độ hoàn thiện về chất lượng và hình thức. Cuối cùng 3 sản phẩm được vinh danh trong tiếng vỗ tay hưởng ứng của mọi người.

Kết quả thu về được GVBM đánh giá qua phiếu học tập và chấm điểm của từng thành viên. Những nhận xét các nhóm trình bày được đưa ra khách quan và từng câu trả lời do GVBM đưa ra đánh giá sản phẩm chính là "bộ lọc" tốt nhất để đánh giá công bằng sản phẩm và các thí nghiệm. Không chỉ vào vai thí sinh, qua phiếu đánh giá này học sinh lại thử sức mình ở vai trò ban giám khảo công tâm, chính xác và khoa học. Đó là sự trưởng thành không hề nhỏ mà tiết dạy học theo phương pháp STEM mang lại. Không chỉ tự giác mà các em còn vui vẻ hấp thu kiến thức, kích thích "ngòi nổ" ham tìm tòi.

Qua hoạt động nhóm, từng học sinh biết giúp đỡ lẫn nhau, biết tôn trọng ý kiến và thành quả của bạn bè. GVBM cũng đánh giá cao các kỹ năng về trình bày ý kiến, chú ý lắng nghe, phân công việc, thưởng thức âm nhạc mà HS đã hình thành do bài học tích hợp nên. Dù trải qua nhiều thách thức nhưng các nhóm HS thật sự nhẹ lòng khi tiết học trôi qua vì đã đọng lại trong lòng không chỉ là tri thức mà còn là những kỷ niệm đẹp về một tiết học sáng tạo, chủ động.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top