Tinh thần võ học

Duy Ly

Lang thang mạng
#1
Lời tác giả: Nhân ngày 20/11/2015, tác giả bài viết muốn dâng tấc lòng thành kính đến các vị Thầy - những người đã dành nhiều tâm lực để huấn thị và huấn luyện mình trở thành người hữu dụng. Đặc biệt, tri ân Sư phụ Trương Văn Bảo - người Thầy đã giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức của người dụng võ dày dạn, chuẩn mực nhưng âm thầm sống vì hạnh phúc và lẽ phải. Chính Thầy hằng ngày đã nhiệt tâm vun bón cho những mầm sống xã hội tương lai bằng Tinh thần võ đức, trong đó có tác giả bài viết này. (Thích Hoằng Trí)


Đại đức Thích Hoằng Trí, thế danh Nguyễn Hà, Võ sư cấp Quốc gia, đệ tử Môn phái Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, Tiến sĩ Hán Nôm

Võ đức là tinh thần chuộng võ sùng đức của người dụng võ. Đây là chuẩn tắc về lời nói, hành động được giới võ thuật bao đời nhận thức và thực hành rốt ráo. Người tập võ cần theo chuẩn tắc này để tu dưỡng thân tâm, uốn nắn tính tình và biện biệt thiện ác.

Cách đây gần 2.500 năm, Khổng tử đã đưa ra quy phạm “Ái nhân” và đạo “Trung thứ”. “Bậc Nhân, tức là những gì mình muốn lập thì lập cho người khác, những gì mình muốn đạt thì giúp người khác đạt”[1] là đức Trung; “Những gì mình không muốn thì chớ có thi hành cho người khác”[2] là đức Thứ. Thực hành đạo “Trung thứ” cũng chính là thực hiện được tình thương yêu của mình đối với người khác. Trong Luận ngữ có ghi: “Tử Trương hỏi: ‘Thế nào là Nhân?’ Khổng tử trả lời: ‘Thường thực thi năm điều nơi thiên hạ, là Nhân vậy’. ‘Thế nào là năm điều?’ Tử Trương hỏi. Khổng tử trả lời: ‘Đó là Cung kính, khoan thứ, trung tín, cần mẫn, huệ ái’”[3]. Ở một chương khác, Khổng tử lại bảo: “Cương trực, kiên nghị, mộc mạc, chậm rãi thì gần với đức Nhân”[4]. Hiển nhiên, nội dung của đức Nhân bao quát luôn các đức tính như Thương yêu, giản dị, khoan dung, thật thà, thận trọng, khiêm tốn… nên đức Nhân là phạm trù đạo đức mang hàm nghĩa cực kỳ sâu rộng.

Võ đức là sự thống nhất giữa tinh thần chuộng võ và sùng đức. Hàng ngàn năm nay, giới võ thuật Việt Nam và Trung Hoa coi trọng tinh thần “Sùng chuộng võ đức”, vì đó là truyền thống võ học lấy đạo đức và nhân cách làm đầu. Tinh thần này được ông cha ta không ngừng phát huy rạng rỡ và mọi thời đại đều mang màu sắc đặc trưng của nó. Sự ra đời và phát huy Võ đức luôn luôn thích ứng với đặc trưng của Võ thuật. Sự ra đời của Võ đức có thể được chia làm bốn giai đoạn.

1. Giai đoạn manh nha: Lao động và đấu tranh của người nguyên thuỷ là tiền đề để từ đây sinh ra mầm mống của võ thuật, đồng thời cũng thai nghén tinh thần võ đức.

2. Giai đoạn hình thành: đặc trưng là sự xuất hiện của tiêu chuẩn võ đức và giáo dục võ đức. Trong Tả truyện, thiên Tuyên công thập nhị niên có quy định rõ ràng về nội dung của võ đức “Phàm nói về Võ, đó là: 1. Ngăn chặn bạo quyền, áp bức; 2. Đánh dẹp can qua; 3. Giữ gìn các giá trị cao thượng; 4. Bảo tồn các công trình đã thực hiện được; 5. Đem an ninh tới cho người dân; 6. Mang lại hoà bình cho số đông; 7. Gây dựng nên sự trù phú cho dân tộc Võ có bảy Đức, ta không tuân theo một Đức nào trong đó, thì lấy gì để dạy con cháu?”[5]. Đây là tiêu chuẩn mang tính quy định của Võ đức xuất hiện sớm nhất trong các thư tịch Trung Quốc.

3. Giai đoạn phát triển: Võ đức được phát triển lâu dài trong chế độ phong kiến Trung Hoa và Việt Nam, mang dấu ấn thời đại sâu sắc, phần lớn đều lấy các đức tính tôn sư trọng đạo, hiếu đễ nhân nghĩa, phò nguy cứu khổ, trừ bạo an dân làm tín điều. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thừa nhận tính tiêu cực của người dụng võ như thiên kiến bè phái, kiêu căng bảo thủ, và nghĩa khí giang hồ cũng sinh ra từ đây.

4. Giai đoạn nâng cao: Gần đây, võ thuật được phát triển trên diện rộng, từ thành thị đến thôn quê, võ đức cũng bắt đầu phổ cập, nâng cao chiêu thức công thủ cũng như nghiên tầm giá trị triết lý của nội dung môn phái để phù hợp với thời đại mới.

Trong quá trình phát triển của võ thuật, các môn phái đều có chế định “Môn quy” và “Giới ước” cho riêng mình. Mặc dù thanh quy và giới điều trong từng môn phái có phái nhiều, có phái ít nhưng vẫn tập trung vào phạm trù đạo đức của người dụng võ được biểu hiện qua phong cách sống và hành động.

I. Tôn sư trọng đạo

Giới võ thuật thường nói: “Biết Lễ trước lúc học nghề, rõ Đức trước khi tập võ”. Từ xưa đến nay, giới võ thuật rất coi trọng mối quan hệ giữa người thầy truyền đạt và học trò tiếp nhận. Nhấn mạnh tiêu chuẩn: “Tất cả những người tập võ của [nhà Phật] ta, cần phải chọn người hiền đức làm thầy, khiêm cung hiếu học, kính trọng sư trưởng, tôn sùng và phát huy võ đức”[6]. Võ thuật chú trọng vào những giá trị đạo đức trong mối quan hệ giữa người thầy truyền đạt và học trò tiếp nhận một cách nghiêm túc. Quan hệ đặc biệt này từ lâu đã ngấm sâu vào máu thịt của người luyện võ từ thành thị đến nông thôn.

“Tôn sư” tức là tôn trọng sư trưởng, tôn kính những bậc trưởng thượng đã đem tâm huyết và sức lực để đào tạo mình nên người. Cha cho ta huyết nhục và tình thương để sống, Thầy cho ta kiến thức và đạo lý làm người, nên người xưa thường coi trọng vị trí của người thầy: “Một chữ truyền trao cũng là thầy mà nửa chữ truyền trao cũng là thầy”. Nói chung, tinh thần này như một thứ lễ nghi đã thành lề của học trò đối với thầy giáo. Từ người thầy dạy chữ nghĩa ở trường học đến thầy dạy võ thuật ở các võ đường, địa vị người thầy luôn được đặt lên trên hết. “Tôn sư” là chỉ cho lễ nghi tiết độ của học sinh đối với thầy cô giáo, môn đệ đối với sư phụ đã dày công dạy dỗ và huấn luyện mình.

“Trọng đạo” tức là tôn kính sùng chuộng võ đạo, yêu thích luyện tập võ thuật và tu dưỡng đạo đức nhân luân, tức chỉ chung cho tinh thần kiêm tu cả phẩm chất đạo đức lẫn kỹ năng luyện tập của người học võ. Tiêu chuẩn nhân luân của Nho gia là phải đạt đến mức Trung dung, thể hiện lòng khiêm tốn cung kính và coi trọng sự hoà hợp. Thực hành trọn vẹn những đức tính này mới thể hiện được một trong những nội dung cơ bản về đức “Nhân” của người quân tử.

Giới võ thuật thường chú ý đến nghi thức lễ tiết giữa người thầy và học trò, giữa bạn bè luyện tập võ thuật với nhau. Thiếu Lâm thập cấm ước là cuốn sách xuất hiện khá sớm tại Trung Quốc, trong chương mở đầu có quy định “Thứ nhất, nghiêm cấm phản thầy”, nói rõ tính quan trọng về mối quan hệ thân ái giữa tình thầy và trò như cha với con. Trong tác phẩm có nói: “Thường ngày đối đãi với sư trưởng, nên kính cẩn làm theo, chớ có hành vi ngạo mạn chống lại”, “Một ngày làm thầy, suốt đời làm cha”. “Tôn sư” từ rất sớm đã trở thành đức tính truyền thống của giới võ lâm Trung Hoa và Việt Nam. Không những đối với thầy, người học trò bắt buộc phải thể hiện lòng tôn kính mà khi giao tế với mọi người cũng phải đề cao tác phong khiêm tốn. “Đối đãi cùng bạn bè, phải hoà thuận ôn tồn, thành kính chớ có khinh khi”[7].

Võ đức phải bao hàm cả hai nội dung là “Thủ đức- đạo đức thể hiện ở quyền thế” và “Khẩu đức- đạo đức thể hiện ở ngôn từ”, nên người xưa thường nói “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất”. Khẩu đức là sự khiêm tốn, không bàn luận hay phê phán một cách thiếu nghiêm túc về sở trường sở đoản của người khác. Hiện nay, người ta khái quát Võ đức bao hàm bốn phương diện, đó là Khẩu đức- đạo đức ở ngôn từ, Thủ đức- đạo đức thể hiện ở quyền thế, Tâm đức- đạo đức phát khởi ở tâm ý và Công đức- đạo đức đối với cộng đồng xã hội. Trong đó, Khẩu đức là không nói những lời có thể làm tổn thương người khác, không bình luận về võ công tốt xấu của người khác. Người dụng võ phải tuân thủ các giới điều: “Răn thách đấu vì tư ý, răn háo thắng, răn háo danh, răn háo lợi, răn kiêu ngạo, răn dối trá, răn khoa trương trổ tài, răn giở trò lừa bịp, răn gây xích mích chia rẽ, răn làm chuyện xằng bậy”[8]. Trong mười điều răn này, có đến một nửa nội dung và yêu cầu liên quan đến đức khiêm tốn. Giúp người bằng việc nghĩa hoàn toàn không chỉ ở thái độ khiêm tốn mà còn là lẽ đương nhiên liên quan đến việc kiềm chế bản thân của mỗi người. Trong thiên hạ, chúng ta nhìn thấy sự thất bại nặng nề nhất thường rơi vào những người có tính ỷ lại, cống cao. Kẻ nào ỷ lại vì tiền tài thì kẻ ấy sẽ thất bại vì tiền tài; kẻ nào ỷ lại về trí khôn thì kẻ ấy sẽ thất bại vì trí khôn; kẻ nào ỷ lại về sức mạnh thì kẻ ấy sẽ thất bại vì sức mạnh. Giới võ lâm thường lấy câu nói nổi tiếng của Nho gia để tự nhắc nhở mình “Có mà như là không, thực mà như là giả. Ai vô cớ xúc phạm đến mình cũng không mưu tính báo thù”[9].

II. Trọng nghĩa khinh lợi

Phạm trù “Nghĩa” và “Lợi” đã có mặt từ rất sớm trong kinh điển cổ Trung Hoa. “Nghĩa” là những gì phù hợp với đạo lý, hợp với quy phạm và tiêu chuẩn đạo đức nhất định. Sách Trung dung định nghĩa: “Nghĩa, tức là hợp nghi vậy!” Mạnh tử bảo: “Tâm trắc ẩn tức là Nhân; tâm phân biệt thiện ác tức là Nghĩa”. Hàn Dũ có nói: “Hành động hợp với lẽ phải gọi là Nghĩa”[10]. Luận ngữ cũng ghi: “Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là kẻ dũng”[11]. Sau này, Nguyễn Đình Chiểu viết trong tác phẩm Lục Vân Tiên:Thấy câu kiến ngãi bất vi. Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” cũng lấy ý từ câu nói trong sách Luận ngữ. Những câu nói trên đều biểu đạt tinh thần của chính nghĩa. So với các đức tính như Trung, Hiếu, Tiết thì phạm trù “Nghĩa” mang đầy đủ ý nghĩa và phạm vi sử dụng sâu rộng hơn nhiều, hầu như nó bao quát tất cả những quan niệm đạo đức, tiêu chuẩn nhân luân nhất định để xử lý các quan hệ ứng xử giữa con người với con người trong xã hội. Còn “Lợi” thì thường chỉ chung cho những lợi ích, danh lợi của cá nhân hay một tập thể nhỏ mang ý nghĩa tiêu cực hơn.

Trọng nghĩa khinh lợi là phẩm chất đạo đức được giới võ lâm tôn sùng xưa nay. Người có chính nghĩa là người có tinh thần hy sinh cao độ, coi nhẹ việc sinh tử, không ngại gian nan khi dấn thân vào nơi nguy hiểm. Nói cụ thể hơn, “Nghĩa” bao quát cả tinh thần xả mình vì người, thi ân không mong đền đáp. “Lấy đức báo oán, coi nặng đức thi ân mà coi nhẹ sự đền đáp”[12]. Mặc gia thường xem phẩm đức hy sinh lợi ích cá nhân để cứu giúp người khác là trách nhiệm của mình. Cho nên, Mạnh tử khen ngợi tinh thần hiến thân vô tư của Mặc tử mà chê chủ nghĩa Vị ngã của Dương tử: “Dương tử chủ trương Vị ngã, nhổ một sợi lông mà làm lợi cho cả thiên hạ, cũng không làm. Mặc tử chủ trương Kiêm ái, dù mài đầu mòn gót để làm lợi cho thiên hạ, cũng quyết làm”[13].

Tinh thần trọng nghĩa khinh lợi của giới võ lâm còn bao quát cả những nghĩa cử cao đẹp như lấy của nhà giàu cứu giúp người nghèo, quét sạch bạo tàn đem đến hạnh phúc cho muôn dân, cứu kẻ lâm nguy giúp người yếu đuối, bỏ qua điều xấu biểu dương điều thiện, đả phá bất bình tồn tại trong xã hội. Nó còn thể hiện ở tinh thần hiến dâng vì quốc gia dân tộc, phấn đấu hết mình cho tư tưởng cao đẹp vì chân lý và chính nghĩa. Nếu ai đi ngược lại tinh thần này thì giới võ lâm sẽ không bao giờ tha thứ. Trong giới võ lâm, thông thường mà nói, khi cảm thấy có lợi cho điều chính nghĩa thì đại đa số những người võ nghệ cao cường sẽ đường đường chính chính bước ra chống trả để quét sạch gian tà; khi sức mạnh bên ta không đủ để chống lại đối phương thì giới hảo hán sẽ âm thầm ứng cứu nhằm bảo vệ chính nghĩa. Tất cả những hành động này hoàn toàn không xuất phát từ tâm ý màng danh lợi, chuộng tiếng thơm mà vì mục đích phụng sự cho lý tưởng xã hội, lý tưởng đạo đức và lý tưởng nhân cách.

Theo đánh giá về giá trị nhận thức của đạo đức, thực chất của việc trọng nghĩa khinh lợi là nhận thức của người tập võ từ hai phương diện cá nhân và xã hội, thông thường được thể hiện ở mối quan hệ “Lợi - hại” của người dụng võ và kẻ thống trị, bạo cường cũng như mối quan hệ của họ đối với dân chúng bé bỏng, quốc gia dân tộc. Tinh thần trọng nghĩa khinh lợi sẽ cảnh tỉnh người luyện tập võ nghệ trang bị cho mình lòng tự trọng, kiên cường bất khuất, dũng lược chí cao, không vì bất kỳ thứ tư lợi nhỏ nhen nào mà làm lụn bại đi nhân cách kẻ sỹ. Có như vậy người dụng võ mới thể hiện được đầy đủ tinh thần nghĩa hiệp như câu nói nổi tiếng của Đổng Trọng Thư: “Hãy làm cho nghĩa chân chính, không được mưu cầu điều lợi; hãy làm cho đạo sáng tỏ, không được kể lể công lao”.


III. Khổ luyện cầu tiến

Người tập võ trước hết phải học Võ đức, vì Võ thuật và Võ đức không chỉ là nhu cầu bắt buộc của xã hội, không chỉ là vấn đề tu dưỡng phẩm đức của tự thân mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiến bộ trong tập luyện, đến việc tiếp nhận tinh thần cốt tuỷ của võ nghệ. Có nghĩa rằng, việc luyện võ và tu đức giống như hai bánh của một chiếc xe kéo, hai cánh của một con chim, hai thứ cùng tồn tại song song mà không thể thiếu đi một thứ nào. Trong sách Quản tử có câu: “Bỏ lòng ham muốn thì sáng, sáng thì tĩnh, tĩnh thì độc lập, độc lập thì tỏ, tỏ thì tinh thần phát huy”. Khổng tử cũng nói: “Người Trí thì động, người Nhân thì tĩnh”[14], “Khắc chế chính mình để quay về với Lễ là Nhân”[15]. Chỉ có khắc chế được ham muốn riêng tư thì mới có khả năng đạt đến cảnh giới của đức Nhân. Những động tác mềm mại tiến thoái của bộ môn Thái cực quyền biểu hiện rõ tính cách ôn nhu, tính tình hoà ái của các các võ sĩ phái này. Võ thuật Thiếu Lâm nhấn mạnh: “Người tập kỹ thuật này lấy mục đích cường kiện thân thể làm tông chỉ, nên sớm tối luyện tập, không được tuỳ ý xao lãng”[16]. Người học võ phải chuyên sâu, khắc khổ luyện tập, chớ có vượt cấp mà mong cho mau lẹ và cũng không nên giữa đường bỏ cuộc.

Trong quyền pháp của Thiếu Lâm có “Năm điều cấm kỵ, đó là: Kỵ lười nhác phóng túng; Kỵ khoa trương kiêu căng; Kỵ hấp tấp vội vàng; Kỵ vượt cấp; Kỵ rượu bia nữ sắc; và Bảy điều tổn thương, đó là: Gần sắc tổn thương tinh; Nổi giận tổn thương khí; Suy nghĩ [vẩn vơ] tổn thương thần; Mừng lo tổn thương tâm; Háo uống [rượu] tổn thương huyết; Lười biếng tổn thương gân; Nóng nảy tổn thương cốt”[17]. Sở dĩ có những điều cấm kỵ nghiêm khắc như vậy là vì mục đích người tập võ nhằm tìm đến một thế giới nội tâm yên tĩnh, ý khí trung hoà, giữ tâm lý ổn định để chuyên tâm tập luyện, đạt đến thành công. Những anh hùng hảo hán trong giới võ lâm không phải là những tên nát rượu háo dâm, mà họ sống hiên ngang vững chãi như một kẻ sĩ đem lại niềm tin và lợi ích cho mọi người.

Phương pháp tu dưỡng nhân cách của người học võ như trên cũng được thể hiện trong kỹ thuật và chiến thuật thi đấu. Người tham gia chiến đấu của võ thuật truyền thống Trung Hoa và Việt Nam thường chuộng đức chứ không chuộng sức, trọng thủ mà không trọng công. Đối phương tấn công, mình phòng thủ thì tâm sẽ vững, khí sẽ gom, tinh thần sẽ mạnh mẽ, lúc bấy giờ mặc cho đối phương có tấn công thì ta cũng chẳng lấy làm lo lắng.

Từ những câu nói của Khổng tử: “Học mà không mỏi, dạy người không chán”[18], “Người thông minh mà hiếu học thì không cảm thấy xấu hổ khi hỏi người dưới mình”[19], người tập võ có thể vận dụng trong suốt cuộc đời luyện tập của mình. Qua quá trình luyện tập võ thuật và kinh nghiệm tu chứng, nhiều câu ngạn ngữ được các đại sư Võ lâm truyền tụng, như: “Sư phụ dắt vào cổng, tu hành phải do ông!”, “Muốn học kinh nhân nghệ, phải khắc khổ công phu”, “Luyện quyền không luyện công, đến già cũng như không”, “Muốn luyện võ, chớ sợ khổ; muốn luyện công, chớ buông lung”…

THÍCH HOẰNG TRÍ
(Đại võ sư Trương Văn Bảo - Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt gửi cho diễn đàn Bụi Phấn)

[1] Luận ngữ, thiên Ung dã
[2] Luận ngữ, thiên Nhan Uyên
[3] Luận ngữ, thiên Dương Hoá
[4] Luận ngữ, thiên Tử Lộ
[5]Phù võ, cấm bạo, tập binh, bảo đại, định công, an dân, hòa chúng, phong tài, giả dã…Võ hữu thất đức, ngã vô nhất yên, hà dĩ thị tử tôn? 夫武,禁暴,戢兵,保大,定功,安民,和眾,豐財,者也…武有七德,我無一焉,何以示子孫?
[6] Thiếu Lâm võ thuật tân giới ước
[7] Thiếu Lâm thập giới ước, thiên Tông pháp đệ nhất thời kỳ
[8] Vịnh Xuân bạch hạc quyền, thiên Lẫm thập giới
[9] Luận ngữ, thiên Thái Bá (trích lời của Tăng Sâm “Hữu nhược vô, thực nhược hư, phạm nhi bất giảo”).
[10] Cổ văn quán chỉ, thiên Nguyên đạo
[11] Luận ngữ, thiên Học nhi
[12] Tư Mã Thiên, Sử ký, thiên Du hiệp liệt truyện
[13] Mạnh tử, thiên Tận tâm, thượng: “Dương tử thủ vị ngã, bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ, bất vi. Mặc tử kiêm ái, ma đỉnh phóng chủng lợi thiên hạ, vi chi”.
[14] Luận ngữ, thiên Ung dã
[15] Luận ngữ, thiên Nhan Uyên
[16] Thiếu Lâm thập giới ước, thiên Tông pháp đệ nhất thời kỳ
[17] Kim Ân Trung, thiên Thiếu Lâm thất thập nhị nghệ luyện pháp
[18] Luận ngữ, thiên Thuật nhi
[19] Luận ngữ,thiên Công Dã tràng
 
Last edited:

Bình luận bằng Facebook

Top