Tìm tiếng nói chung để phát triển ngành sư phạm

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đó là nhận định của GS.TS Đinh Xuân Khoa và PGS.TS Phạm Minh Hùng - Trường Đại học Vinh.

Phối hợp trong xây dựng chương trình đào tạo


Trước yêu cầu đổi mới giáo dục đòi hỏi ngành sư phạm mà trước hết là các cơ sở đào tạo giáo viên; một mặt phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo – bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, mặt khác phải tăng cường sự phối hợp với nhau trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ

Theo hai chuyên gia, chương trình đào tạo (CTĐT) thể hiện mục tiêu đào tạo; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, pham vi và cấu trúc nội dung đào tạo, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động đào tạo, cách thức đánh giá kết quả đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo.
Xét về mặt quy mô, CTĐT có thể được xây dựng theo các cấp khác nhau như: CTĐT ở quy mô cấp quốc gia, CTĐT của một trường hoặc ở mức hẹp hơn nữa là CTĐT của một ngành học, một môn học.

CTĐT của các cơ sở đào tạo giáo viên trước đây thường được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung, nghĩa là CTĐT đưa ra một danh mục các môn học theo từng khối kiến thức (đại cương/chuyên nghiệp).

Còn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, CTĐT của các cơ sở đào tạo giáo viên phải được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực. Theo hướng tiếp cận này, các cơ sở đào tạo giáo viên cần thống nhất với nhau trong việc xác định hệ thống các năng lực chung và năng lực riêng mà mỗi sinh viên phải đạt được, nếu muốn trở thành giáo viên trong tương lai.

“Trên cơ sở đó mới lựa chọn các lĩnh vực kiến thức/môn học bắt buộc, tự chọn có vai trò cụ thể trong việc hình thành và phát triển các năng lực chung và năng lực riêng cho sinh viên” - GS.TS Đinh Xuân Khoa trao đổi.

Cũng theo GS.TS Đinh Xuân Khoa, CTĐT của các trường/khoa đại học sư phạm cần coi trọng việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm (NVSP), trang bị các kiến thức về khoa học đánh giá, đo lường trong giáo dục, về giáo dục hòa nhập, giáo viên chủ nhiệm lớp và tư vấn, hướng nghiệp; giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và năng lực nghề nghiệp cho SV.

Còn theo PGS.TS Phạm Minh Hùng, tuy phải đạt được sự thống nhất cao về CTĐT, những vẫn cần thiết dành một thời lượng nhất định (khoảng 20%) để giải quyết những “vấn đề đặc thù” của từng cơ sở đào tạo giáo viên.

“Cùng với phối hợp trong xây dựng CTĐT, các cơ sở đào tạo giáo viên còn phải phối hợp với nhau trong biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo.

Đã có một thời các trường ĐHSP có một tủ sách dùng chung (Tủ sách ĐHSP), do những giảng viên xuất sắc của các trường ĐHSP biên soạn. Có lẽ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải khôi phục lại Tủ sách sư phạm” - PGS.TS Phạm Minh Hùng trao đổi.

Phối hợp trong lựa chọn mô hình đào tạo

GS.TS Đinh Xuân Khoa và PGS.TS Phạm Minh Hùng, hiện nay, ở nước ta đang tồn tại một số mô hình đào tạo giáo viên. Đó là các mô hình:

Mô hình song song là mô hình đào tạo song song hai khối kiến thức khoa học cơ bản (KHCB) và NVSP. Ưu điểm của mô hình này là có tính tích hợp cao giữa hai khối kiến thức KHCB và NVSP, nhưng hạn chế của nó là sự cứng nhắc ở đầu ra (người đã có bằng đại học rồi muốn trở thành giáo viên cũng không thể có lối vào).

Mô hình chuyển tiếp là mô hình đào tạo khối kiến thức KHCB trước, khối kiến thức NVSP sau. Ưu điểm của mô hình chuyển tiếp là cung cấp cho người học một nền tảng kiến thức khoa học vững chắc, đồng thời tạo ra một đầu vào “mở” cho nghề SP. Còn hạn chế của mô hình này là thiếu sự tích hợp giữa hai khối kiến thức KHCB và NVSP.

Ngoài ra, còn có mô hình do Trường ĐHSP Hà Nội đề xuất, chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu đào tạo theo hướng tích hợp, giai đoạn hai đào tạo theo hướng phân hóa.

Trên cơ sở phân tích ưu điểm và hạn chế của từng mô hình, hai chuyên gia cho rằng, các cơ sở đào tạo giáo viên cần lựa chọn cho mình một mô hình phù hợp với yêu cầu đổi mới GD&ĐT hiện nay cũng như xu thế phát triển mô hình đào tạo giáo viên của các nước tiên tiến trên thế giới.

Khi một cơ sở đào tạo giáo viên áp dụng thành công một mô hình đào tạo mới nào, cần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các cơ sở đào tạo giáo viên khác.

“Trước đây, khoa đào tạo của các trường đại học sư phạm thường gắn với các ngành đào tạo, tương ứng với các môn học ở trường THPT. Các khoa/ngành này, về cơ bản độc lập với nhau.

Vì thế, tính liên thông giữa các khoa/ngành, giữa các môn học trong từng khoa/ngành rất hạn chế. Tình trạng một nội dung được dạy ở nhiều môn học trong khoa/ngành khá phổ biến.

Khi chương trình giáo dục phổ thông thay đổi, không còn các môn học truyền thống như trước đây nữa thì các khoa/ngành đào tạo trong trường/khoa sư phạm cũng phải tổ chức lại.

Mô hình liên khoa, liên bộ môn phải chăng sẽ là mô hình phổ biến trong các cơ sở đào tạo giáo viên? – Hai chuyên gia đặt vấn đề.


Mục tiêu phối hợp giữa các cơ sở đào tạo giáo viên

Mục tiêu phối hợp giữa các cơ sở đào tạo giáo viên là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ sơ; chia sẻ mô hình đào tạo; CTĐT; kinh nghiệm tổ chức, quản lý đào tạo; trao đổi giảng viên, sinh viên, nguồn học liệu…

Khi các cơ sở đào tạo giáo viên nói chung, các trường/khoa sư phạm khối đại học, khối cao đẳng nói riêng có phối hợp với nhau thì ngành sư phạm cả nước mới có thể tìm ra tiếng nói chung về những vấn đề cốt lõi trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, mới có thể phát triển ngành sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top