Tích hợp nội dung để giúp trẻ làm quen với Văn học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thanh Hải - Giáo viên dạy giỏi của Trường Mầm non Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội).

Tích hợp nội dung

Cô Hải dẫn giải, chẳng hạn như khi cho trẻ làm quen với truyện Gấu con chia quà giáo viên có thể sưu tầm bài hát, vận động có nội dung liên quan tới câu chuyện để đưa vào tích hợp trong tiết học.

"Với truyện này, tôi đã lựa chọn bài hát Gia đình Gấu đưa vào bài học bằng cách cô, trò cùng hát và vận động theo lời bài hát “gia đình gấu”. Đây là một bài hát mới, nhạc nước ngoài rất vui nhộn, trẻ vừa hát vừa vận động nên rất thích thú.

Không chỉ vậy, tôi còn nghiên cứu và tìm cách ngâm những bài thơ hay hoặc chuyển lời của những bài thơ đó thành những câu hát, chuyển từ truyện sang thơ.

Đây cũng là hình thức hay, tạo hứng thú cho trẻ giúp trẻ dễ nhớ, dễ thuộc nội dung câu chuyện mà cô muốn mang đến cho trẻ" - Cô Hải trao đổi.

Dùng thủ thuật âm thanh

Đó là cách mà cô Hải vẫn thường áp dụng khi giới thiệu những bài thơ hoặc truyện cho trẻ. Cô quan niệm, với một câu chuyện có tiếng suối chảy róc rách, câu chuyện ấy sẽ hay hơn rất nhiều khi nghe giọng kể truyền cảm của cô giáo và cảm nhận được âm thanh thực sự tiếng suối.

"Chẳng hạn như, tôi đã dùng tiếng suối chảy có trong đàn organ để đưa vào đoạn đầu của truyện Chú Dê Đen. Lúc gay go nhất là lúc xuất hiện con sói gian ác. Tôi dùng âm thanh diễn tả sự hồi hộp.

Với một truyện cụ thể, tình tiết cụ thể ta sử dụng hợp lý đúng lúc, đúng chỗ âm thanh của tiếng đàn sẽ mang lại hiệu quả đáng kể trong quá trình cho trẻ làm quen với văn học" - Cô Hải chia sẻ.

Từ việc áp dụng những phương pháp nêu trên, cô Hải nhận thấy, trẻ hào hứng với bài học hơn và có cảm xúc nghệ thuật khi tiếp xúc với tác phẩm Văn học.

Đặc biệt là trẻ đã biết thể hiện tình cảm yêu ghét rõ ràng với nhân vật. Qua đó đã góp phần giáo dục nhân cách trẻ một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và thấm sâu.

Ngoài ra, trẻ cũng biết rung động và yêu thích Văn học và có nhu cầu tham gia vào các hoạt động văn học nghệ thuật. Đồng thời, trẻ được mở rộng kiến thức về thế giới xung quanh, phát âm chính xác, phát triển vốn từ, ngôn ngữ cũng như khả năng diễn đạt của trẻ. Bước đầu thể hiện tác phẩm văn học bằng nhiều hình thức khác nhau.

Qua thử nghiệm giảng dạy có áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này tôi thấy, trẻ rất hứng thú và tích cực tham gia vào các hoạt động của lớp. Việc đưa nội dung cho trẻ làm quen với tác phẩm Văn học đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong phát triển phẩm chất và nhân cách của trẻ.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top