Thực nghiệm và điện phân (môn Hóa học): Nắm vững lý thuyết, am hiểu thực hành

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Ăn điểm phần phân loại

Qua nghiên cứu đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, thầy Nguyễn Việt Hưng (GV môn Hóa học, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho rằng: Mức độ đề đã giảm tải theo chương trình học. Dù vậy, đề thi vẫn bảo đảm tính phân loại HS cao, lấy cơ sở dữ liệu cho các trường ĐH sử dụng trong xét tuyển đầu vào.

Trong đó, kiến thức thực nghiệm, điện phân chính là những câu hỏi dành cho HS khá giỏi, để kiếm điểm 7 – 8 trở lên trong đề thi tốt nghiệp THPT. Để làm được những câu hỏi này, HS cần nắm vững lý thuyết, có kỹ năng thực hành và kiến thức tích hợp đối với các môn Toán, Vật lý... Đây cũng là cái hay của đề thi môn thành phần Hóa học trong bài thi Khoa học tự nhiên.

Kiến thức phần thực nghiệm thường chiếm 1- 2 câu hỏi và thường rơi vào hóa hữu cơ. Như đề minh họa năm 2020 có 2 câu thực nghiệm: 1 câu ở mức độ hiểu (câu 57 lần 1 và câu 63 lần 2), 1 câu ở mức độ vận dụng (câu 77 lần 1 và câu 77 lần 2). Đề thi THPT quốc gia 2019 mã 201 cũng có 2 câu thực nghiệm (câu 55 và câu 73).

Với câu thực nghiệm mức độ hiểu thường thuộc kiến thức hóa hữu cơ lớp 11 như điều chế hiđrocacbon, tính chất của ancol... Còn câu thực nghiệm mức độ vận dụng thường thuộc kiến thức hóa hữu cơ lớp 12 như điều chế, tính chất của este, chất béo...

Ở dạng câu hỏi này, HS cần nắm vững tính chất vật lý, hóa học của các chất tham gia và sản phẩm tạo thành, phương pháp điều chế các chất cũng như các thao tác thực hành thí nghiệm. Như vậy, các em không những cần có nền kiến thức vững chắc mà còn phải am hiểu kĩ năng thực hành. Kĩ năng này được rèn luyện trong quá trình học lý thuyết trên lớp và làm thí nghiệm tại phòng thực hành bộ môn.

Vận dụng kiến thức liên môn



Câu hỏi về điện phân, trong đề thi chiếm số lượng ít, thường chỉ 1 câu nhưng thuộc phần vận dụng cao, nhằm phân loại HS giỏi, xuất sắc, kiếm điểm 10 cho bài thi.

Ví dụ câu 76 đề tham khảo lần 1 năm 2020, câu 80 mã đề 217- đề thi THPT quốc gia 2019, câu 75 mã đề 201- đề thi THPT quốc gia 2019: Dạng bài hay gặp ở câu này là điện phân dung dịch hỗn hợp muối CuSO4 hoặc Cu(NO3)2 và NaCl, có thể tích hợp đồ thị hoặc phản ứng của dung dịch thu được với các chất khác, ví dụ Fe, Cu, Al2O3...

Theo thầy Nguyễn Việt Hưng, điện phân dung dịch là nội dung tương đối khó ở chương trình Hóa học phổ thông, chủ yếu là liên quan đến H2O có trong dung dịch. Để làm tốt câu hỏi thuộc phần này, HS cần nắm chắc khả năng, thứ tự xảy ra quá trình oxy hóa ở anot (cực dương) và quá trình khử ở catot (cực âm); mối quan hệ giữa thời gian điện phân và lượng chất tạo thành, khả năng phản ứng của dung dịch thu được với các chất thêm vào sau khi điện phân.

Về tính toán, các em cần vận dụng linh hoạt phương pháp giải nhanh như phương pháp bảo toàn, kết hợp linh hoạt với công thức.

Thầy Nguyễn Việt Hưng cũng thông tin: Trong đề thi môn Hóa học, số câu định tính chiếm khoảng 60%. Vì vậy, HS cần nắm chắc lý thuyết, không nên quá tập trung giải bài tập mà chủ quan, gặp sai sót ở những câu dễ, cơ bản. Học thật kỹ phần lý thuyết không những giúp các em làm nhanh, tốt phần này mà còn là cơ sở để các em hoàn thành tốt phần câu hỏi định lượng, qua đó hoàn thành mục tiêu của mình.

Kinh nghiệm từ nhiều năm ôn thi THPT cho HS của thầy Hưng cũng cho thấy, nhiều em giỏi làm tốt các câu hỏi khó nhưng lại mất điểm ở những câu lý thuyết cơ bản. Do vậy, thầy Hưng khuyến cáo, ngay từ bây giờ, các em cần hệ thống lại kiến thức theo sơ đồ tư duy để nắm chắc lý thuyết, tăng thực hành để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế sẽ giúp ích nhiều trong quá trình làm bài thi.

Thời gian này, các nhà trường đã hoàn thành chương trình lớp 12 cho HS và bước vào ôn thi tốt nghiệp THPT. Việc ôn tập cho các em trong giai đoạn nước rút này vừa theo chủ đề vừa luyện đề. Qua đó, giúp HS có phản ứng nhanh trong vận dụng kiến thức và làm bài. Theo thầy Nguyễn Việt Hưng - Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, các em chọn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên đều có nguyện vọng vào ĐH, mục tiêu đạt điểm cao. Ngoài việc luyện đề theo hướng dẫn của thầy cô, có thể làm thêm các đề trên

Internet, tập thi thử theo thời gian quy định để làm quen với tâm lý, áp lực cũng như biết cách phân bổ thời gian hợp lý trong khi làm bài thi".

Thầy Bùi Viết Thông (Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết: Đa số HS của trường là con em dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, mục tiêu chính là đậu tốt nghiệp THPT. Lực học của các em ở mức trung bình, khả năng giải thích hiện tượng, suy luận hạn chế nên sẽ gặp khó khăn ở các câu hỏi dài. Vì thế, các em nên tập trung học kỹ lý thuyết để qua đó trả lời đúng các câu hỏi nhận biết, làm được làm các bài tập dạng thông hiểu cơ bản. Do ở trường vùng khó, điều kiện thực hành cho HS khó khăn, các em nên tham khảo thêm trên Internet xem các video về thí nghiệm hóa học để quan sát, học bài qua hình ảnh cũng là một cách ghi nhớ tốt. Số lượng các câu hỏi này trong đề thi tốt nghiệp THPT thường chiếm 10 câu, đủ điểm cho mục tiêu tốt nghiệp THPT.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top