Thú vị học Văn với Nhật ký văn học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Vì sao phải yêu cầu, khuyến khích học sinh ghi nhật ký văn học?

Điều quan trọng và khó khăn nhất đối với việc định hướng, điều chỉnh tiếp nhận trong giờ học tác phẩm văn chương là phải làm sao cho người học tự bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ, phát biểu những nhận thức của bản thân về các tính chất, sự kiện, tình huống được miêu tả, về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm...

Với điều kiện thời gian của một, hai tiết học trên lớp, người học khó có thể bộc lộ hết những cảm xúc, suy nghĩ của mình về tác phẩm; đồng thời cũng chỉ được một số học sinh tham gia tranh luận, đối thoại trong một giờ học.

Hình thức tổ chức cho học sinh ghi nhật ký văn học góp phần khắc phục được điều trên. Theo yêu cầu và định hướng của giáo viên, tất cả học sinh đều tham gia, mỗi em sẽ có cảm nhận riêng, những suy nghĩ riêng của mình và ghi vào nhật ký.

Hình thức này có thể tiến hành ở nhà, thực hiện trước và sau khi học xong một tác phẩm. Trước khi lên lớp một giờ học về một tác phẩm nào đó, thầy cô yêu cầu người học đọc văn bản trước ở nhà. Người học sẽ viết nhật ký ghi lại những xúc cảm, suy nghĩ diễn ra trong lúc đọc. Ghi nhật ký là một cuộc trò chuyện với tác phẩm theo kiểu đối thoại bằng viết.

Trong nhật ký văn học, người học có thể ghi những lời tâm tình với nhân vật nào đó trong tác phẩm mà mình yêu thích, tạo nhiều ấn tượng nhất.

Người học cũng có thể bày tỏ với tác giả hoặc bè bạn những ý kiến, những bức xúc, thắc mắc của mình về tác phẩm. Điều quan trọng là qua nhật ký, người học đối thoại với chính mình.

Hình thức đối thoại, giao tiếp với tác phẩm bằng cách ghi nhật ký nhằm giúp tổ chức những suy nghĩ của người học về một tác phẩm. Các em có thể tự nhiên thoải mái hơn trong khi viết, trình bày, phát biểu ý kiến của mình một cách chân thật, giàu cảm xúc (những em nhút nhát, ngại nói trước tập thể cũng có thể thực hiện được điều này).

Đọc nhật ký của người học, giáo viên cũng có thể so sánh và đối chiếu những cách tiếp nhận, cách đáp ứng khác nhau ở mỗi học sinh; từ đó có thể nắm bắt tư tưởng, nhận thức của các em để định hướng, bổ sung hoặc điều chỉnh.

Ngoài việc phát triển năng lực đồng cảm, chia sẻ, năng lực đánh giá, tự nhận thức, tự bộc lộ, hình thức ghi nhật ký còn rèn luyện cho học sinh kỹ năng viết văn, kỹ năng phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm, về một hay nhiều nhân vật...

Hướng dẫn cho học sinh cách ghi nhật ký văn học như thế nào?

Khác với việc viết một bài văn, ghi nhật ký thường tự do, chủ quan và có tính trò chuyện hơn. Có nhiều cách ghi nhật ký:

+ Kiểu "ghi kép": chia mỗi trang nhật ký thành hai bên. Bên trái dùng ghi trích dẫn, kể lại những sự việc hoặc mô tả các nhân vật. Bên phải ghi những suy nghĩ hoặc đặt ra những câu hỏi về thông tin ở bên trái mà người học còn thắc mắc, chưa tán thành.

Kiểu "ghi kép" này giúp người học vừa bộc lộ được những nhận xét, những suy nghĩ đối với từng sự kiện, từng hành động của nhân vật, vừa hệ thống lại câu chuyện, nhớ được các tình tiết, các nhân vật trong tác phẩm.

+ Kiểu đối thoại: Kiểu nhật ký này giúp người học chuyển từ phương thức đối thoại bằng lời sang phương thức đối thoại bằng viết. Người học ghi chép những suy nghĩ riêng của mình rồi trao đổi nhật ký cho nhau sẽ tạo ra một cuộc đối thoại thú vị. Kiểu đối thoại này thúc đẩy người học mở rộng suy nghĩ của mình.

Những ghi chép của người học có thể được xây dựng trên cơ sở thu nhận những câu hỏi của thầy cô (ở phần định hướng chuẩn bị bài trong giờ trước) hoặc những câu hỏi trong sách giáo khoa, tài liệu. Do đó, khi tự mình viết ra những ghi nhận, người học có thể dùng những câu hỏi đó để mở rộng suy nghĩ.

Thầy cô có thể chia thành từng nhóm nhỏ trong lớp, các thành viên trong nhóm sẽ trao đổi nhật ký cho nhau để cùng chia sẻ và mở rộng suy nghĩ , tạo ra một cuộc đối thoại giữa người học với người học.

Để tổ chức tốt việc ghi nhật ký văn học, thầy cô dạy Ngữ văn cần lưu ý thêm những điều gì?

Tất nhiên, lúc đầu cách ghi nhật ký này còn mới mẻ, các em chưa biết cách ghi. Thầy cô cần xây dựng một mẫu nhật ký, rồi hướng dẫn người học ghi vào trọng tâm, tránh ghi vụn vặt, tản mạn.

Nhật ký văn học này có thể được người học ghi trước khi lên lớp học một tác phẩm nào đó. Nó được xem như một bước chuẩn bị bài (thật ra lâu nay khi học Văn, thầy cô cũng yêu cầu học sinh chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Và có giáo viên bắt buộc học sinh có tập chuẩn bị bài và có kiểm tra. Nhưng công việc này chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi, nhất là người học cảm thấy bị gò ép vào khuôn khổ).

Với việc ghi nhật ký trước khi đến lớp, trong quá trình giáo viên hướng dẫn cảm thụ tác phẩm, người học sẽ chủ động hơn, có thể so sánh những ý kiến, lý giải của thầy cô, của các bạn khác trong lớp với những suy nghĩ của mình đã ghi trong nhật ký.

Từ đó thôi thúc các em muốn trình bày ý kiến, phát biểu những cảm nhận chủ quan của bản thân, tạo ra một cuộc đối thoại trong nhiều mối quan hệ giữa người học với tác phẩm, giữa người học với thầy cô và người học với nhau.

Nhật ký này cũng có thể ghi sau khi học xong tác phẩm, người học đối chiếu những điều đã được phân tích trên lớp, soi rọi lại những điều mình đã ghi để hiểu sâu hơn, làm giàu vốn kiến thức, tự điều chỉnh những cảm nhận chưa chính xác, còn nông cạn, phát huy khả năng tự đối thoại ở bản thân.

Sau cùng, thầy cô tập hợp các cuốn nhật ký lại, tổ chức một hoạt động ngoại khóa dưới hình thức câu lạc bộ "Nhật ký văn học”. Trong câu lạc bộ này, người học có thể tóm tắt những ý kiến then chốt lấy ra từ nhật ký của mình để tiến hành thảo luận.

Tất nhiên, không phải sau mỗi tác phẩm là tổ chức câu lạc bộ mà có thể tiến hành sau khi học xong một giai đoạn văn học, một nhóm tác phẩm được sáng tác trong cùng một thời điểm, cùng đề tài hoặc cùng tác giả...

Môi trường sinh hoạt của câu lạc bộ “Nhật ký văn học” mà thầy cô cần tạo ra là tự nhiên, thân thiện, thoải mái, tránh áp đặt, chỉ trích; mọi ý kiến đều được trân trọng, sẻ chia để tạo thuận lợi cho sự phát triển của tính tích cực học tập.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top