Thơ kể - tiếp nhận một thể mới cho thơ Việt!

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thể thao & Văn hóa - Ngày 17/7/2010

Thơ kể - tiếp nhận một thể mới cho thơ Việt!


(TT&VH) - Tuyển tập Thơ kể (Poetry Narrates) gồm 22 tác giả do NXB Lao động vừa ấn hành là tuyển thơ tân hình thức Việt đầu tiên xuất bản tại Việt Nam. Là người sáng lập CLB Tân hình thức (từ năm 2004 đến nay) ở Mỹ, có thể dễ dàng để nói Khế Iêm (sinh năm 1946 tại Lê Xá, Vụ Bản, Nam Định) là người bắt nhịp cầu cho thơ tân hình thức từ tiếng Anh sang tiếng Việt và là người “giữ lửa” cho phong cách thơ này. Nhân Thơ kể đến với độc giả Việt Nam, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà thơ này.* Anh đến với thơ tân hình thức từ năm nào, và như thế nào? Năm nào thì những bài tân hình thức Việt đầu tiên xuất hiện? - Thật ra, tôi cũng không nhớ đã đến với thơ tân hình thức như thế nào (ở đây câu hỏi chắc muốn nói tới thơ tân hình thức Mỹ?!). Tôi chỉ nhớ đã làm bài “Tân hình thức và câu chuyện kể” và viết thành bài tiểu luận “Chú giải về thơ tân hình thức” trong đó lọc ra một số yếu tố như vắt dòng, lặp lại câu chữ, tính truyện và ngôn ngữ đời thường. Bài thơ và tiểu luận đó in vào mùa Xuân năm 2000, cùng với sự hưởng ứng của 11 nhà thơ Việt, chào đón thiên niên kỷ mới.

* Thơ tân hình thức Mỹ đã hình thành như thế nào? - Tân hình thức là một phong trào thơ Mỹ, khởi đầu từ thập niên 1980 và phát triển vào những năm 1990, cao điểm với tuyển tập đầu tiên Rebel Angels (Những thiên thần nổi loạn), xuất bản 1996, tái bản 1998, chủ trương bởi một số những nhà thơ trẻ sáng tác theo thể luật truyền thống. Họ phản ứng với thơ tự do, phát triển mạnh mẽ ở Mỹ sau Thế chiến II, thời kỳ hậu chiến, với rất nhiều phong trào tiền phong, bị cạn kiệt và làm mất người đọc vào cuối thế kỷ. Như vậy, giữa tân hình thức Mỹ và Việt không hề giống nhau vì có hai mục đích khác nhau, chúng ta chỉ mượn thuật ngữ “tân hình thức” để giới thiệu vào thơ Việt một thể thơ mới. Thơ tân hình thức Mỹ, sử dụng ngôn ngữ nói thông thường, để chuyển đời sống thực tại, xảy ra trong sinh hoạt thường ngày vào thơ. * Một khái niệm ngắn gọn của anh về thơ tân hình thức Việt? - Đối với thơ tiếng Anh thì không có gì trở ngại vì tiếng Anh là một ngôn ngữ đa âm, nhiều vần nên khi vắt dòng và đưa ngôn ngữ thông thường vào thơ dễ dàng, dù cuối dòng có vần hay không. Còn tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm, khó mang những câu nói thông thường vào thơ vì vướng phải luật vần. Nên khi bỏ vần, phải thay bằng kỹ thuật vắt dòng mới đưa ngôn ngữ thông thường vào thơ được. Chúng tôi muốn nói thêm về kỹ thuật lặp lại. Trong luật thơ, ở bất cứ thể loại thơ nào, kỹ thuật lặp lại đều được sử dụng để tạo nhạc tính hay nhịp điệu cho thơ. Như thơ Đường luật, lặp lại những âm thanh bằng bằng trắc trắc, và trong thơ tiếng Anh, là những âm không nhấn, nhấn, lặp đi lặp lại 5 lần trong 1 dòng thơ. Những cách trên của thơ truyền thống là lặp lại những âm tiết. Khi thơ tự do tiếng Anh, muốn thoát ra khỏi những luật tắc và âm điệu truyền thống, họ thay cách lặp lại âm tiết bằng cách lặp lại chữ và câu chữ. Cũng vậy, khi thoát ra khỏi âm điệu của thơ vần, thơ không vần Việt tiếp nhận cách tạo nhịp điệu của thơ tự do tiếng Anh, lặp lại chữ và câu chữ trong bài thơ. Những kỹ thuật trên phải sử dụng sao cho tự nhiên, cái hay là dùng kỹ thuật để tạo nên nghệ thuật thơ mà người đọc không nhìn thấy kỹ thuật. Thơ tân hình thức coi vậy mà rất khó. Còn khó hơn nếu theo đúng tinh thần và phong cách của nó. * Sau gần 10 tác phẩm tân hình thức in chung và riêng xuất bản tại các nước, anh nghĩ sao về tuyển tập Thơ kể vừa xuất bản và phát hành tại Việt Nam? - Về tuyển tập Thơ kể mới xuất bản và phát hành tại Việt Nam, tôi nghĩ rằng đó là cách rất tốt để các bạn trẻ yêu thơ, có được cái nhìn đúng về một thể lạ (tên gọi thơ không vần khi du nhập vào Anh từ Ý). Thơ tân hình thức Việt không phải là một phong trào, hay nói khác, chỉ mượn cách xuất hiện như một phong trào để tiếp nhận một thể thơ mới cho thơ Việt, phù hợp với sự thay đổi đời sống xã hội, và đưa thơ Việt giao lưu với những nền thơ khác, qua dịch thuật. Vì cách làm thơ này, với kỹ thuật lặp lại, khi dịch ra ngôn ngữ khác vẫn giữ được nhịp điệu của thơ, thành thơ, và người đọc khác ngôn ngữ và văn hóa sẽ đọc như một bài thơ sáng tác chứ không phải như một bài thơ dịch. Tuyển tập thơ Không vần xuất bản 2006 và tuyển tập Thơ kể này đã chứng minh được điều đó.

Cái khôn thừa

Mặt đất có lắm người khôn tôi gặp thuở con nít thời trai trẻ, gặp nhiều hơn khi lớn, họ khôn nhiều rất nhiều. Cái khôn như không thể đếm nhưng vẫn có thể như bọn trẻ đếm viên bi, nhiều muốn tràn khỏi túi đã ních chật phồng căng tiền, người tình, chiếc xe hơi, bài thơ, sự nghiệp rách. Khôn giành hết
về phần mình để làm gì không hiểu. Tôi thấy họ giấu kĩ, đôi lúc cũng xòe ra sẵn sàng đối phó hay ra tay với ai không biết. Thỉnh thoảng tôi
cũng thèm khôn như họ, khôn để viết lách hay bon chen nhưng khi ngồi trước giấy trắng tôi quên khôn. Ồ khôn nhiều mà làm gì, ôi cuộc đời để làm gì chú họ?

(Thơ Tân hình thức của Inrasara)

Văn Bảy (thực hiện)
 

Bình luận bằng Facebook

Top