Thầy “Ký” ở Hóa Thượng

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thầy Lê Trọng Thành trò chuyện cùng học sinh Trường THCS Hóa Thượng trong giờ ra chơi


Giờ đây, ở tuổi 57, người thương binh, người thầy ấy vẫn luôn nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người” và hơn hết, ý chí của bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn vẹn nguyên trong anh.

Trở về với nửa vòng tay

Tháng 2/1979, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra, binh nhất Lê Trọng Thành cùng với đồng đội ở Trung đoàn 851, Sư đoàn 346, Quân khu 1 được điều động lên biên giới phía Bắc. Khi ấy, anh là Khẩu đội phó của tiểu đội Pháo DK82, đơn vị của anh có nhiệm vụ cắm chốt ở cao điểm 815 (huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng) với mục tiêu phục kích, chặn đường tiến đội xe cơ giới của địch từ phía bên kia biên giới sang.

Đối phương dùng hỏa lực mạnh tấn công nhằm hỗ trợ cho bộ binh nhanh chóng đánh chiếm Cao Bằng, nhưng tiểu đội của anh Thành vẫn kiên cường bám trụ trên trận địa. Không may, trong một trận công kích bằng pháo dữ dội của địch, anh Thành bị thương và ngất đi. Khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm ở trạm xá dã chiến, toàn thân không thể cử động.

Sau đó, do bị thương nặng nên anh Thành được chuyển về Bệnh viện Quân y 91 điều trị, trải qua 2 ca phẫu thuật (cưa 1/3 tay phải, mổ lấy mảnh đạn bên hông) và 3 tháng nằm yên bất động. Đến tháng 6/1980, ở tuổi 20, chàng thanh niên Lê Trọng Thành xuất ngũ trở về quê hương khi chỉ còn lại 1 bàn tay trái, cùng các vết thương chằng chịt và những mảnh đạn pháo vẫn nằm lại trong cơ thể.

Vượt lên chính mình để xây niềm tin

Trở thành thương binh khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, trong khi bạn bè đang thỏa sức thực hiện mọi ước mơ, hoài bão, anh Thành lại loay hoay “học lại” từ đầu. Điều đó đã khiến anh hụt hẫng và tưởng chừng sự mặc cảm, tự ti sẽ đè nặng lên đôi vai của người thương binh ấy.

Một lần, anh Thành tình cờ đọc được những lời động viên của Bác dành cho anh em thương binh, bệnh binh, từng lời, từng chữ như thấm vào tâm can anh: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh... Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc…”. Lá thư Bác viết là động lực để anh quyết định đăng ký đi học lại và trở thành học sinh nhiều tuổi nhất trường cấp 3 vào thời điểm ấy.

Những buổi đầu, muốn cầm bút tập viết nhưng bàn tay “ngoan cố” quyết không chịu nghe theo ý muốn. Những tưởng anh Thành sẽ bỏ cuộc, nhưng với bản lĩnh của “bộ đội Cụ Hồ”, anh Thành lại coi đây là mục tiêu phải thực hiện bằng được.

Lúc đang bế tắc nhất, câu chuyện cuộc đời cùng hành trình viết nên số phận bằng đôi chân của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đến với anh Thành. “Đọc xong cuốn tự truyện “Tôi đi học” của thầy Ký, tôi nhận ra mình vẫn còn may mắn, bởi thầy Ký bị liệt cả hai tay nhưng vẫn có thể dùng chân viết chữ, vậy tôi vẫn còn một tay thì nhất định tôi phải viết được” - anh Thành thổ lộ.

Nghĩ là làm, kiên trì trong 1 tháng, anh đã bắt đầu cầm được bút để tập viết những nét chữ đầu tiên, sau đó đến từng từ, từng câu hoàn chỉnh, mỗi ngày anh tự đề ra cho mình một mục tiêu phải hoàn thành...

Với ý chí và sự kiên trì khổ luyện, sau 3 năm, bằng bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, thương binh Lê Trọng Thành đã vượt qua “cuộc chiến” của chính mình, anh đã có thể viết thành thạo, nhanh hơn và đẹp hơn. Niềm vui nhân đôi, khi anh thi đỗ vào khoa Văn của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên).

Đến năm 1987, đang là sinh viên năm thứ 2, anh đạt giải Ba toàn quốc trong Cuộc thi viết “Bác Hồ tấm gương đẹp nhất” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Đây chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của anh.

Ra trường, anh về giảng dạy tại Trường THCS Văn Hán (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Đây là một trong những xã miền núi nghèo nhất của tỉnh lúc bấy giờ. Về công tác một thời gian, anh nhận thấy học sinh bỏ học ngày càng nhiều.

Trăn trở với tương lai của học trò, thầy giáo Lê Trọng Thành tranh thủ 1 buổi lên lớp, 1 buổi đạp xe qua những cung đường nhiều đèo, lắm dốc, cứ “lên đẩy, xuống dắt” vượt mấy chục cây số vào từng gia đình vận động cho các em trở lại trường.

Ngày qua ngày, khi những con đường đất ngoằn ngoèo, nắng bụi mưa lầy đã in dấu chân thầy Thành trên khắp mọi nẻo, cũng là khi số học sinh quay trở lại với trường, với lớp ngày một nhiều hơn.

Đến mãi sau này, người dân nơi đây vẫn luôn kể lại câu chuyện về người thầy thương binh với chiếc xe đạp cọc cạch, chẳng quản ngại nắng mưa, đông hay hè, 1 mình, 1 tay vượt quãng đường xa “cõng cái chữ” đến với học sinh vùng cao. Với họ, anh chính là người hùng thầm lặng, người đã thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn, no đủ hơn...

Gần 30 năm đứng trên bục giảng dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng tình yêu nghề và tinh thần tự học hỏi trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, vì thế nhiều năm liền thầy giáo Lê Trọng Thành đều có HS đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của trường và huyện, bản thân anh cũng là giáo viên dạy giỏi.

Em Tống Thị Mỹ Linh, học sinh lớp 8C tâm sự: Buổi học đầu tiên, chúng em ai cũng thắc mắc không hiểu vì sao thầy lại viết tay trái? Sau khi biết về quá trình thầy vượt qua số phận để trở thành thầy giáo như ngày hôm nay, em và các bạn rất cảm phục. Qua đó, em thấy mình cần phải học thật giỏi để học tập theo thầy và không phụ công thầy dạy dỗ, với chúng em thầy Thành chính là “Nguyễn Ngọc Ký” thứ hai.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top