Thật - giả trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Có thể xem đó là một trận cười lớn, một màn hài kịch thể hiện sự thành công của Vũ Trọng Phụng trong nghệ thuật trào phúng. Ở đó, các sự việc, chi tiết đều xoay quanh mâu thuẫn chủ yếu, đó là Thật và Giả.

1.


Trong xã hội Số đỏ không có một thứ gì là không thể làm giả được: Bằng cấp giả, danh hiệu giả (giáo sư, đốc tờ, anh hùng cứu quốc…), khoa học giả, thi ca giả, tôn giáo giả, văn minh, Âu hóa giả… và cả buồn đau, tang lễ cũng đều giả tạo. Tất cả hỗn độn, lập lờ. Cái thật - cái giả thật khó phân biệt. Trong chương truyện Hạnh phúc của một tang gia, đã có một cái chết thật - cái chết của cụ cố Tổ, nhưng lại chỉ là một đám tang giả - đám tang hạnh phúc. Dưới ngòi bút tinh tường, sắc sảo của nhà văn Vũ Trọng Phụng, cái giả đã được bóc trần, để trở về đúng bản chất, về cái thật của nó.

Tiêu đề của chương truyện: Hạnh phúc của một tang gia đã chứa đựng mâu thuẫn thật - giả.

Hạnh phúc là trạng thái tâm lý tích cực thường xuất hiện khi con người đạt được những điều mình mong muốn, mơ ước trong cuộc sống. Tang gia là nhà có tang, là chuyện buồn gắn với đau thương, mất mát. Nỗi đau trước cái chết của người thân và đồng loại là một tình cảm tự nhiên, đầy nhân tính, nó thể hiện sự cao quý trong tâm hồn, nhân cách con người. Ngay từ nhan đề của chương truyện, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã xây dựng được mâu thuẫn trào phúng: Tang gia mà hạnh phúc; nhà có tang mà lại vui vẻ, sung sướng; cảnh đám ma mà vui vẻ như những ngày hội lớn; cái chết trở thành đại hỉ. Một đằng là sự sống sinh sôi nảy nở, viên mãn, tròn đầy, còn kia là sinh ly tử biệt, là mất mát không thể bù đắp nổi. Thế mà trong trang văn Số đỏ chúng lại song hành, gắn kết với nhau. Thật là oái oăm, trái khoáy, ngược đời!

Như vậy, trong chương truyện Hạnh phúc của một tang gia cái chết là thật, và còn một sự thật nữa là: Cái chết đem đến niềm hạnh phúc cho bao người. Nhưng niềm hạnh phúc ấy lại phải che đậy dưới lớp mành khăn tang. Đám tang trở thành đám giả. Thật - giả là mâu thuẫn trào phúng bao trùm, xuyên suốt toàn bộ chương truyện.


Bộ tem bưu chính được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng.
2.


Mở đầu chương truyện là một cái chết thật. Điều đó được xác nhận ở ngay câu văn mở đầu: Ba hôm sau, ông cụ già chết thật. Nhưng đi suốt chương truyện lại là một đám ma giả - một đám ma hạnh phúc! Mỗi người có một cách đội lốt đám ma để thưởng thức niềm vui riêng của mình, nhưng tất thảy đều sung sướng thỏa thích. Niềm hạnh phúc, vui sướng của tang gia khi thì lộ liễu, khi lại kín đáo toát ra từ từng khuôn mặt khôi hài, tạo thành những bức biếm họa độc đáo.

Cụ cố Hồng là nhân vật được nhà văn khắc họa khá đậm nét trong số các diễn viên của màn bi hài kịch tang gia hạnh phúc. Ông cụ xuất hiện cùng với câu gắt quen thuộc Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!, trong bộ dạng nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến lúc được mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu để diễn trò già nua, để được hàng phố trầm trồ khen ngợi, chỉ trỏ: Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa! Ông cụ đang cố khoe mẽ với bàn dân thiên hạ cái phúc của gia đình mình - một gia đình mà người chết hưởng thọ cao, có con cháu đông và con lớn đã già. Lấy đồ khăn áo xô gai bên ngoài để cố chứng thực cái trống rỗng bên trong, vai diễn này xuất chúng. Nhưng dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng sự thật đã bị lật tẩy, nhân vật hiện nguyên hình trong bức hí họa về một kẻ ngu dốt, háo danh. Nghệ thuật xây dựng nhân vật thật tài tình.

Văn Minh - cháu đích tôn của cụ cố Tổ sung sướng biết bao khi biết: Thế là từ nay cái chúc thư kia sẽ vào thời kỳ thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa! Bên ngoài hắn luôn vò đầu, rứt tóc, lúc nào mặt cũng đăm đăm, chiêu chiêu, đúng với vẻ mặt người lúc gia đình tang gia bối rối, nhưng thực ra là hắn đang lo nghĩ không biết xử trí với Xuân Tóc Đỏ ra sao cho phải, khi Xuân có hai cái tội nhỏ, một cái ơn to. Hai cái tội nhỏ là quyến rũ một em gái, tố cáo tội trạng hoang dâm của một em gái khác, nghĩa là làm hại danh dự và danh tiết của hai đứa em gái Văn Minh. Nhưng bù lại, hắn lại có một cái ơn to là gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết, cũng có nghĩa là giúp cho Văn Minh có tiền khi cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kỳ thực hành. Vẻ mặt giả tạo của Văn Minh đang che giấu bản chất giả dối, bất nhân của hắn.

Sau màn đóng vai một ông con rể bị cắm sừng, Phán mọc sừng thu được lợi lớn từ đám tang cụ cố Tổ. Cảm giác ngạc nhiên, sung sướng của Phán mọc sừng khi không ngờ rằng giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến thế; sự ngưỡng mộ chân thành và ngu xuẩn về tài quảng cáo của Xuân Tóc Đỏ khi hắn chỉ nói một câu mà làm cho ông thêm được vài ba nghìn bạc; niềm phấn chấn, hi vọng khi Phán mọc sừng muốn trù tính ngay với Xuân một cuộc doanh thương, muốn gặp ngay Xuân để trả nốt năm đồng, trước khi buôn bán cũng phải biết giữ chữ tín làm đầu… đó là những trạng thái cảm xúc của một kẻ đê tiện, bất nhân, vô liêm sỉ đang kiếm chác từ nỗi nhục nhã dơ dáy của mình. Với Phán mọc sừng tất cả nhục nhã, xấu hổ đều chẳng là gì khi nó được quy đổi thành tiền - cái hắn cầm nắm thật trong tay.

Để thực hiện cuộc doanh thương đó, ông cháu rể quý hóa đã có một màn diễn trò ghê sợ. Y đã khóc - tiếng khóc giả dối, thối tha: - Hứt… hứt… hứt… Nhưng đằng sau tiếng khóc ấy, trong tư thế oặt người đi khóc mãi không thôi hiện thực về một cuộc doanh thương đang được thực hiện: Ông ta dúi vào tay Xuân Tóc Đỏ cái giấy bạc năm đồng gấp tư để giữ chữ tín làm đầu hợp tác làm ăn lâu dài với Xuân sau này.

Tang gia ai cũng vui vẻ cả, trừ một Tuyết. Cô Tuyết đi đưa đám bằng bộ y phục Ngây thơ - cái áo dài voan mỏng trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú - nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh, đồng thời trên mặt lại hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám. Thực chất cái vẻ mặt buồn lãng mạn ấy lại không phải vì người chết mà vì tìm kiếm khắp mặt trong bọn người đi đưa đám ma cũng không thấy "bạn giai" đâu cả. Và hơn thế thấy rằng thiên hạ đồn mình hư hỏng nhiều quá, nên Tuyết bèn mặc bộ Ngây thơ để cho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh. Cái thật hiện lên một cách kệch cỡm, không đủ che giấu bản chất đồi bại, lố lăng của một cô gái tân thời.

Ở đám ma cụ cố Tổ, cái thật và cái giả cứ thế lẫn lộn - trong từng thành viên trong gia đình và trong cả những người ngoài tang quyến. Đám ma lớn, người đi đưa đông, toàn giai thanh, gái lịch Hà thành, đủ các hạng người, quan chức, ai ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, với vẻ mặt buồn rầu của những người đưa ma, nhưng có một sự thật được bóc trần: Trong lúc đưa tang người ta vẫn nghe thấy những câu thì thào: Con bé nhà ai mà kháu thế! Con bé bên cạnh đẹp hơn nữa! Ừ, ừ, cái thằng ấy bạc tình bỏ mẹ! Xưa kia vợ nó bỏ nó chớ! Hai đời chồng rồi! Còn xuân chán! Gớm cái ngực đầm quá đi mất! Mỏ vàng hay mỏ chì?…

Trong đám ma giả ấy, bộ mặt thật của cả xã hội thượng lưu đồi bại, giả dối, lố lăng, vô đạo đức đều đã được bóc trần.


Bìa sách “Số đỏ”. Ảnh minh họa (Nguồn IT)
3.


Để bóc trần cái thật núp sau cái to tát của một đám ma giả - một đám ma gương mẫu, ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã tìm đến giọng văn châm biếm sâu cay.

Giọng châm biếm trước hết được tạo bằng những lời nhận xét, bình luận hài hước, những cách nói ngược thâm thúy: Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng nếu không gật gù cái đầu…! Hoặc cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm!; Hoặc Còn nhiều câu nói vui vẻ ý nhị khác nữa, rất xứng đáng với những người đi đưa đám ma. Thái độ châm biếm đặc biệt thể hiện trong những lời miêu tả, liệt kê tỉ mỉ, chính xác những lời trần thuật có vẻ rất khách quan, nhưng không giấu được sự mỉa mai tới cay độc: Các bạn của cụ cố Hồng, ngực đầy huân chương như: Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn Tượng bội tinh, vân vân… trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn… khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng.

Thái độ châm biếm còn hiện ra trong những so sánh, ví von hài hước: Cảnh sát không được phạt vi cảnh buồn rầu như nhà buôn sắp vỡ nợ; các ông lang đã từ chối chạy chữa cũng như những vị danh y biết tự trọng…

Chương truyện Hạnh phúc của một tang gia là một trận cười lớn, một màn hài kịch thể hiện sự thành công của Vũ Trọng Phụng trong nghệ thuật trào phúng. Thật và Giả là một cách xây dựng mâu thuẫn để lột trần bộ mặt của xã hội lúc bấy giờ. Trong chương truyện đã có một đám tang to tát, linh đình, thừa thải vật chất nhưng chỉ thiếu một điều duy nhất, đó là tình người - tình của người sống đối với người chết. Khi tình người không hiện hữu thì tất cả đều trở nên nhố nhăng, bịp bợm, vô đạo đức - nghĩa là nhân tính không tồn tại. Đó là nỗi đau, nỗi xót xa của nhà văn sau khi bóc trần bản chất thật - giả trên từng khuôn diện.


Thật và Giả là một cách xây dựng mâu thuẫn để lột trần bộ mặt của xã hội lúc bấy giờ. Trong chương truyện đã có một đám tang to tát, linh đình, thừa thãi vật chất nhưng chỉ thiếu một điều duy nhất, đó là tình người - tình của người sống đối với người chết. Khi tình người không hiện hữu thì tất cả đều trở nên nhố nhăng, bịp bợm, vô đạo đức - nghĩa là nhân tính không tồn tại.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top