Tết Bính Thân nói chuyện Hầu quyền

tinhtam

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trương Văn Bảo
Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt

Năm Bính Thân là năm con khỉ. Đảo một vòng qua các cửa hiệu sách và văn hoá phẩm thành phố Đà Lạt, ít thấy hình ảnh, bóng dáng của “hầu vương” xuất hiện trên lịch tường, lịch bàn chuẩn bị ngày Tết. Thật tội nghiệp, vì khỉ cũng là loài vật bình thường như những con vật khác. Hay là con người sợ hình ảnh khỉ xuất hiện đầu năm vì những “trò khỉ” mà khỉ đã làm, gây những điều phiền toái trong đời sống chung giữa con người với khỉ. Nhưng trong lãnh vực Võ thuật cổ truyền, khỉ là ‘hầu vương”. Khỉ có riêng một khung trời bao la, bát ngát, một môn phái võ đàng hoàng, tên gọi là “Hầu quyền”.

Nói về khỉ, không ai xa lạ, khỉ là giống thú cao cấp rất gần với người, bàn tay, bàn chân có thể cầm nắm được, khả năng leo trèo và đánh đu rất giỏi, các vận động viên thể dục thể thao, thấy khỉ đánh đu phải tâm phục khẩu phục vì thao tác nhẹ nhàng, khoan thoai, linh hoạt, chính xác, tinh thần tự tại, an nhiên, đu mà như không đu, loài người không dễ gì bắt chước.

Môn phái Võ Thiếu Lâm nổi tiếng có Ngũ hình quyền: Long (rồng), Hổ (cọp), Xà (rắn), Hạc (hạc), Báo (beo). Có môn chọn Long (rồng), Hổ (cọp), Xà (rắn), Hầu (khỉ), Báo (beo) - Thành Long, diễn viên điện ảnh Hồng Kông, diễn bài Ngũ hình quyền Long, Hổ, Xà, Hầu, Báo rất thành công. Trong Thập hình quyền Thiếu Lâm có: Long (rồng), Xà (rắn), Hổ (cọp), Báo (beo), Hạc (hạc), Sư (sư tử), Tượng (voi), Mã (ngựa), Hầu (khỉ), Điêu (chim). Như vậy thấy rằng khỉ cũng có vị trí quan trọng trong làng Võ thuật cổ truyền bởi tính cách đặc thù tự tồn giữa thiên nhiên hoang dã.

Hầu quyền là tượng hình quyền, hay còn gọi là hình ý quyền linh thú, được giới võ yêu chuộng vì diễn luyện Hầu quyền đòi hỏi không những thể hiện được các động tác của loài khỉ mà còn làm sống được cái thần thái, thần khí của loài vật này. Việc luyện tập Hầu quyền mang lại sự nhẹ nhàng, thanh thoát cho cơ thể, nhặm lẹ trong động tác, chạy, nhảy, tránh, né, cầm, bắt với những tư thế mà con người bắt chước đưa vào ứng dụng để phòng thủ hoặc tấn công trong võ thuật, nhất là có được sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai.

Môn võ nào cũng có nguồn gốc, chủ yếu do con người sáng tạo dựa trên kinh nghiệm đời sống với thiên nhiên, hoặc tranh sống cùng những loài động vật khác, mà chính con người cũng là động vật. Đối với Hầu quyền, tài liệu sách vở vẫn còn trong vòng nghiên cứu, dù rằng Hầu quyền rất nổi tiếng, song hậu thế thường trước tác rồi gán ghép ánh hào quang bí kíp võ công để tô vẽ, giương oai, quảng cáo cho cá nhân mình không đúng với thực tế.

Theo “Thượng thư” (Trung Quốc cổ thư), những tư thế mô phỏng dáng điệu, động tác của muông thú được gọi chung dưới tên “Bách thú vũ”. Sau kết hợp động tác với kỹ thuật chiến đấu thành một thể loại võ thuật là “Hình tượng quyền”.

Hầu quyền là “Hình tượng quyền” được biết đến từ thời nhà Hán (206 trước Công nguyên) với điệu “Mi hầu vũ”. Thời Tây Hán, một viên quan trong buổi đại yến, lúc ngà ngà say đã trình diễn vũ điệu Mi hầu. Thời Hậu Hán (25 - 220) và Tam quốc phân tranh (220 - 260), danh y Hoa Đà sáng chế “Ngũ cầm hí” gồm: Hổ (cọp), Lộc (nai), Hùng (gấu), Viên (vượn) và Điểu (chim) để luyện tập cơ thể. Đời nhà Minh (1368 - 1644), Hầu quyền đã nổi tiếng và phổ biến rộng trong giới võ lâm. Thích Kế Quang, danh tướng đương thời, đã viết “Kỷ hiệu tân thư”, nói rằng Tống Thái Tổ không những có Tam thập nhị thế Trường quyền mà còn có Lục bộ quyền, Hầu quyền và Ngoa quyền.


Theo “Giang Nam kinh lược”, sách được in vào năm Long Khánh thứ ba (1569), Trịnh Nhược Tăng đã chép rằng có 36 đường Hầu quyền, điều này cho thấy Hầu quyền đã phát triển mạnh vào thế kỷ 16. Cuối đời nhà Thanh (1644 - 1911), tại địa khu Cao Sơn, thuộc huyện Nhạc, tỉnh Thiểm Tây, lưu truyền một loại hình quyền thuật với tên gọi “Diêu tử Cao Sơn đấu luyện quyền”, môn luyện này giống với Hầu quyền ngày nay.

Thực tế, khi nói đến Hầu quyền vang danh thiên hạ, thường được nhìn qua lăng kính để thấy hình ảnh của một Hầu vương mà các nhà nghiên cứu võ học cho rằng nhờ vào tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân cảm tác nhân vật Tôn Ngộ Không đưa Hầu quyền trở thành tuyệt kỹ công phu võ học. Nhưng dù truyền thuyết hay lý luận thực tiễn thì có một điều không thể phủ nhận đó là tính cách đặc thù của loài khỉ trong chiến đấu của võ thuật truyền thống tượng hình quyền.

Đặc điểm của Hầu quyền là lấy nhu chế cương, kết hợp sự linh hoạt trong các động tác chạy, nhảy, nhào, lộn, tránh, né, chụp, bắt rồi tấn công vào yếu huyệt trên cơ thể đối phương. Người luyện tập Hầu quyền thân thủ cao diệu, các động tác được phối hợp giữa thân pháp, thủ pháp, cước pháp, nhất là nhãn pháp phải xuất thần. Để thể hiện đúng ý nghĩa Hầu quyền, phương pháp thở cũng vô cùng quan trọng, bởi các động tác, thế võ Hầu quyền uyển chuyển, nhẹ nhàng mang tính cách của khinh công và khí công.

Võ tăng Chùa Thiếu Lâm truyền nhau từ đời này qua đời khác công phu “Nhị thập nhị Hầu quyền yếu lĩnh - 22 yếu lĩnh Hầu quyền”: Cương (cứng), Nhu (mềm), Khinh (nhẹ), Linh (linh hoạt), Miên (dai dẳng), Xảo (khéo léo), Đoá (ẩn náu), Thiểm (nghiêng mình), Thần (thần khí), Thúc (đeo ghì), Trảo (gãi, chộp lấy), Toái (vung tay), Thỉa (hái), Thiết (cắt), Điêu (gò, kềm bằng cổ tay), Nã (bắt lấy), Khấu (giằng bằng hai tay), Đính (khiêu, chọc), Triền (quấn quanh), Đặng (ngơ ngác), Đoán (giậm gót chân hoặc đá ra sau bằng gót chân), Đàn (đá rút chân nhanh). Quyền pháp Hầu quyền còn yêu cầu người tập phải “tĩnh tại nhãn, khí tại khứu, thần tại tâm”.

Ca quyết Hầu quyền:

Khiêu dược toàn chuyển khoái như phong;
Tam thiểm lục đóa mật lâm trung;
Gian hiểm hoàn cảnh năng thiên ứng;
Cơ cảnh mẫn tiệp thể khinh tông;
Thái trích tiên đào tập như thường;
Tứ xứ khuy vọng thiện đoá tàng;
Trảo đả câu quải hiển linh khí;
Hầu quyền thần kỹ kham tán dương.

Dịch nghĩa (người viết dịch):

Nhảy múa quay cuồng như gió lốc;
Ba lần nghiêng tránh, sáu lần che;
Hoàn cảnh khó khăn nào cũng vượt;
Nhẹ nhàng thân thể khéo biến di;
Thành thạo hái đào như thường lệ;
Ẩn mình khéo léo bốn phương trông;
Chộp, đánh, móc, treo linh hoạt khí;
Hầu quyền tài nghệ đáng khen thay.

Cũng như những tượng hình quyền khác, luyện tập Hầu quyền có những nguyên tắc mô phỏng động tác, diễn cảm, tập trung tinh thần không sơ hở trong đòn thế, bộ pháp nhẹ nhàng, thân pháp linh hoạt, nhãn pháp xuất thần, đó là “Hầu quyền Ngũ cú kinh” gồm Hình tượng, Ý chân, Pháp mật, Bộ khinh và Thân hoạt.

Căn bản của Hầu quyền là “Thủ nhãn thân pháp bộ, tinh thần khí lực công” (tay linh hoạt, mắt lộ thần, thân thể tráng kiện, kỹ thuật chiến đấu hiệu quả, chân di chuyển khéo léo kết hợp với tinh thần khí lực và công phu). Người luyện Hầu quyền luôn tâm niệm câu “Thủ đáo nhãn bất đáo, đẳng ư hạt triêu náo” (tay đã đạt đến sự linh hoạt mà mắt không đạt đến việc lộ thần thì sự thành công ở thủ pháp không còn đáng kể nữa”. Chính vì vậy đôi mắt trong Hầu quyền vô cùng quan trọng.

Một số chiến thuật giao đấu của Hầu quyền:
- Lực tranh chủ động, kích đả nhược điểm;
- Thức phá ý đồ, tiên phát chế nhân;
- Đa đầu tiến công, nhất điểm đột phá;
- Lợi dụng quy luật, điều động đối thủ;
- Nhược điểm dụ hoặc, kiềm chế đối thủ;
- Chuyển di mục tiêu, bãi thoát đối thủ.

Hiện nay, ở Hà Nội có Hầu quyền của các Môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông, Bình Định Gia, Võ phái Nam Long Quyền với những bài quyền và binh khí rất xuất sắc; Huế có Hồng phái Hầu quyền đạo Việt Nam, thành lập năm 1975, phát triển năm 1980, dựa trên nguyên lý âm dương tương tế, đặc trưng nhu nhuyễn âm kình. Tại Sài Gòn có Hầu quyền của Thiếu Lâm Châu Gia do Lão võ sư Trần Lâm truyền dạy và kế thừa là võ sư Hầu quyền Trần Cửu nổi tiếng trong võ lâm Việt Nam.

Môn phái Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, có các bài: Hầu vương quyền pháp (quyền pháp của vua khỉ), La hán Hầu quyền (quyền pháp La hán với Hầu quyền), La hán Hổ Hầu quyền (quyền pháp La hán với Hổ quyền và Hầu quyền), Hầu quyền Đường lang thủ (quyền pháp Hầu quyền với Đường lang quyền - Bọ ngựa), Hầu Hạc song hình quyền (Hầu quyền và Hạc quyền)… Thực tế chiến đấu, nếu đơn phương chỉ sử dụng Hầu quyền sẽ có nhiều khiếm khuyết, bởi các môn võ có nhiều môn rất dũng mãnh, hội đủ các yếu tố nhanh, mạnh, khéo léo, hiểm hóc, nên các môn như Hầu quyền, Đường lang quyền, Xà quyền, Hạc quyền ngay cả Long quyền, Hổ quyền, Báo quyền cũng đều kết hợp với La hán quyền để có được những kỹ thuật thích hợp trong nhiều tình huống giao đấu khác nhau.

Một số tên thế võ Hầu quyền:
- Kinh hầu đào thoán (khỉ sợ bỏ chạy);
- Hầu nhi thỉa đào (khỉ con hái đào);
- Viên hầu ba thụ (khỉ vượn trèo cây);
- Linh hầu phi chuyển (khỉ khôn bay chuyển);
- Hầu tử thu đào (con khỉ hái đào);
- Toạ hầu nghinh tân (khỉ ngồi đón khách);
- Hầu vương trá tẩu (vua khỉ giả chạy);
- Lão hầu toạ thạch (khỉ già ngồi trên đá)…

Tết Bính Thân nói chuyện Hầu quyền nhưng vương vấn lòng người có lẽ là hình ảnh Tôn Ngộ Không trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Một con khỉ tài ba lỗi lạc, thông minh đỉnh đạc có nhiều “trò khỉ” cộng với 72 phép thần thông biến hoá, cân đẩu vân, thiên lý nhĩ, thiên lý nhãn, đánh võ Hầu quyền bách chiến bách thắng, sử dụng Như ý côn gió cuốn mây bay, xuất quỷ nhập thần, nhất tâm phò Đường Tam Tạng thỉnh kinh nơi xứ Phật. Chỉ có “con khỉ mang tâm Bồ tát” Tôn Ngộ Không - Tề thiên Đại thánh, mới có khả năng nhìn ra đâu là Phật thật, Phật giả, đâu là con người, đâu là ma vương, quỷ sứ mà chính Đường Tam Tạng, Sa Tăng, Bát Giới đôi khi không phân biệt được thật hư, chân giả. Cả một đời người sống để đi tìm chữ “Ngộ”, khi ngộ rồi thấy được chữ “Không” - “Sắc sắc không không”. Đó là điều trân quý như bảo ngọc trong câu chuyện Hầu quyền nhân Tết Bính Thân giữa cõi Ta bà này.

Bính Thân 2016 - TVB
 

Bình luận bằng Facebook

Top