Tăng cường quản lý Nhà nước với chương trình đào tạo chất lượng cao

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Bộ GD&ĐT cho biết: Để quản lý Nhà nước các chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) trình độ ĐH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo CLC trình độ ĐH, cụ thể:

Mục đích đào tạo CLC: Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ ĐH ở những cơ sở đào tạo có đủ điều kiện nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo CLC phải cao hơn chương trình đào tạo đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn; ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường công tác; riêng năng lực ngoại ngữ tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương đương).

Chương trình đào tạo CLC được xây dựng và phát triển trên nền của chương trình đào tạo đại trà, có tham khảo chương trình đào tạo nước ngoài, bảo đảm cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Có ít nhất 3 khóa sinh viên ĐH tốt nghiệp và đã công bố chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đại trà. Có chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên với trường ĐH nước ngoài. Có hợp tác với tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất liên quan đến chương trình CLC. Có giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên đến từ tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Trong 5 năm, tính đến thời điểm đề án đào tạo CLC được hội đồng khoa học và đào tạo thông qua, cơ sở đào tạo phải có ít nhất 5 công trình nghiên cứu có nội dung liên quan đến ngành đào tạo CLC được nghiệm thu hoặc được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành...

Các trường ĐH đầu tư cho chương trình CLC như: Giảng viên, trợ giảng, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,... Ví dụ: Giảng viên dạy lý thuyết các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành phải có trình độ tiến sĩ (hoặc chức danh GS, PGS) hoặc có trình độ thạc sĩ tốt nghiệp ở trường ĐH của các nước phát triển đúng ngành hoặc thuộc ngành gần (đối với các ngành đặc thù).

Điều kiện tuyển sinh: Thí sinh đã trúng tuyển vào cơ sở đào tạo trong kỳ tuyển sinh ĐH chính quy... Đáp ứng các điều kiện khác về tuyển sinh do cơ sở đào tạo quy định.

Việc đào tạo CLC là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhìn lại những năm qua, các chương trình đào tạo CLC nói chung bao gồm chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư CLC Việt - Pháp (PFIEV), chương trình cử nhân/ kỹ sư tài năng, chương trình giáo dục ĐH theo định hướng ứng dụng (POHE)... đã đạt được nhiều thành công. Sinh viên tốt nghiệp phải bảo đảm chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đào tạo đại trà và cả đội ngũ giảng viên cũng được nâng cao năng lực, chuyên môn khi tham gia giảng dạy chương trình này.

Nhiều trường ĐH công lập uy tín tuyển sinh chương trình CLC bằng một kỳ thi riêng sau khi thí sinh trúng tuyển để lựa chọn các sinh viên đủ năng lực học tập ngành thế mạnh của nhà trường. Hai ĐHQG, một số ĐH vùng và các trường ĐH được Chính phủ cho phép tự chủ được chủ động, tự chủ trong việc phê duyệt các đề án đào tạo chương trình CLC bảo đảm các quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT. Các trường nhận thấy việc đào tạo chương trình CLC là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xã hội đối với một số ngành học mũi nhọn của trường.

Thực tế, có tình trạng một số trường hợp cá biệt thực hiện chương trình đào tạo CLC có điểm tuyển sinh thấp, điều kiện bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra chưa tương xứng với các quy định của Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT và mục tiêu của Đảng và Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT ghi nhận ý kiến góp ý của cử tri, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo đúng quy định hiện hành và minh bạch thông tin về các chương trình đào tạo CLC. Đồng thời, Bộ GD&ĐT tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn để tăng cường quản lý Nhà nước đối với chương trình đào tạo CLC, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và văn bản pháp luật liên quan.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top