Sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học truyện ngắn “Chí Phèo”

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trải nghiệm tác phẩm bằng phương pháp đóng vai

Cuối năm 2017 “Chí Phèo” lại trở thành tâm điểm dư luận khi tiến sĩ Nguyễn Sóng Hiền đưa ra đề xuất việc bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn.

Cuộc tranh luận nổ ra sau đó đã khiến tôi băn khoăn tìm hướng tiếp cận văn bản cũng như các hình thức tổ chức dạy học để gây hứng thú, kích thích tư duy sáng tạo và tư duy phản biện cho học sinh, đồng thời tránh được những cách nhìn xã hội học thiển cận, hời hợt, gây lỗ hổng không đáng có cho học sinh về một kiệt tác của văn học nước nhà.

Một phương pháp tôi sử dụng khá hiệu quả chính là đóng vai tổ chức đóng vai. Đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành để trình bày những suy nghĩ, cảm nhận và ứng xử theo một “vai giả định”.

Đây là phương pháp giảng dạy nhằm giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách đứng từ chỗ đứng, góc nhìn của người trong cuộc, tập trung vào một sự kiện cụ thể mà các em quan sát được từ vai của mình. Học sinh đóng vai tác giả hoặc nhân vật để cùng trải nghiệm, cùng chia sẻ với nhà văn và con người trong tác phẩm về những suy nghĩ, những cách ứng xử trong cuộc sống.

Để đóng vai tác giả, nhân vật nên học sinh cần phải đồng cảm, cộng cảm với họ. Tuy nhiên, đóng vai không phải là sự chuyển hóa một cách tuyệt đối, học sinh có thể mang vào đó những cách cảm, cách nghĩ, cách ứng xử của riêng mình trên cơ sở tôn trọng ý nghĩa khách quan của tác phẩm và ý đồ chủ quan của nhà văn. Đây chính là tiền đề để học sinh phát huy được khả năng “đồng sáng tạo” của mình.

Gv có thể lựa chọn tổ chức đóng vai tác giả, đóng vai nhân vật, đóng vai nhà phê bình văn học…

Một phiên toà đặc biệt

Khi tổ chức dạy học truyện ngắn “Chí Phèo”, tôi lựa chọn hình thức đóng vai tổ chức một phiên toà đặc biệt: Phiên toà của Nam Cao với tiêu đề XÉT XỬ KẺ ĐẨY CHÍ PHÈO THA HOÁ THÀNH QUỶ DỮ LÀNG VŨ ĐẠI.

GV tổ chức học sinh đóng vai tác giả để trao đổi với các bạn đọc HS khác về một số vấn đề xoay quanh nguyên nhân tha hoá của Chí Phèo. Hình thức tổ chức là một học sinh đóng vai trò người dẫn dắt, giới thiệu với bảng bảng phân vai như sau:

- một học sinh đảm nhiệm vai trò tác giả Nam Cao – chủ toạ phiên toà.

- một học sinh vai Chí Phèo – nguyên đơn

- một học sinh vai Bá Kiến – bị cáo

- một học sinh vai đại diện chế độ nhà tù thực dân – bị cáo

- một học sinh vai đại diện làng Vũ Đại – bị cáo

- ba học sinh vai luật sư bị cáo (mỗi luật sư đại diện cho một bị cáo).

- ba học sinh vai kiểm sát viên

- các học sinh còn lại: vai bồi thẩm đoàn.

Kịch bản phiên toà:

- Chủ toạ phiên toà – Nam Cao: dẫn dắt phiên toà

- Kiểm sát viên giúp Chí Phèo tố cáo các bị cáo đã góp phần đẩy Chí Phèo vào con đường tha hoá, trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại

+ Kiểm sát viên 1: Đọc bản cáo trạng về Bá Kiến: Lai lịch, tính cách, thủ đoạn cai trị thâm độc, tội ác đã gây ra với Chí Phèo (đẩy Chí Phèo vào tù vô cớ, dụ dỗ biến Chí thành tay sai đòi nợ,…)

+ Kiểm sát viên 2: Đọc bản cáo trạng về nhà tù thực dân (tiếp tay Bá Kiến, nhào nặn Chí từ người nông dân lương thiện trở thành kẻ lưu manh)

+ Kiểm sát viên: Đọc bản cáo trạng đám đông làng Vũ Đại (thờ ơ, vô cảm, ngại va chạm, để mặc một mình Chí Phèo trong cuộc đối đầu với Bá Kiến)

- Các luật sư biện hộ đưa ra các lí lẽ biện minh cho các thân chủ (người mình bảo vệ).

- Kiểm sát viên phản bác, đưa ra dẫn chứng cụ thể.

- Bồi thẩm đoàn: họp kín, biểu quyết các bị cáo: có tội hay không có tội.

- Chủ toạ kết luận.

Giáo viên nhận xét phần đóng vai, trả lời của học sinh, biểu dương, cho điểm, rút kinh nghiệm và nhấn mạnh những ý cần thiết. Về cơ bản, các em đề xuất mấy nguyên nhân: do cái ghen của Bá Kiến khiến Chí đi tù; do nhà tù thực dân phong kiến; do sự lợi dụng của Bá Kiến đã biến Chí thành tay sai cho hắn; do sự lạnh lùng, vô cảm (phân biệt đối xử) của người dân làng Vũ Đại. Các em đã tập trung phân tích khá kĩ những nguyên nhân trên.

Trong lúc phản biện, HS đóng vai bị cáo Bá Kiến xin phép có ý kiến thêm rằng: “Theo tôi, Chí Phèo tha hóa là do chính bản thân hắn”. Lập luận như sau: “Chí Phèo tha hóa qua hai giai đoạn, từ anh nông dân lương thiện thành thằng du côn liều lĩnh và từ thằng du côn liều lĩnh thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Trong đó, giai đoạn tha hóa thứ hai là đáng nói. Cứ cho ở giai đoạn đầu, vì cái ghen của Bá Kiến, Chí phải đi tù. Rồi nhà tù Phong Kiến đã biến Chí thành du côn, liều lĩnh. Nhưng khi đứng trước những lời ngọt nhạt, những thủ đoạn thâm hiểm của cụ Bá – không trị được thì dùng – (là tôi) Chí như đứng trước một sự lựa chọn: vào hoặc không vào nhà Bá Kiến. Nếu không vào, Chí Phèo có thể sẽ khác. Chí đã chọn cách hành động vào, đồng nghĩa với việc Chí đã thỏa hiệp với Bá Kiến.

Như vậy mục đích ăn vạ của Chí đã không những không đạt được mà từ đây Chí còn dần dần trở thành tay sai của tôi”. Đây thực sự là một phát hiện sâu sắc. Đúng là Chí tha hóa một phần do chính hắn. Đó xuất phát từ nỗi sợ cố hữu, tâm lí lệ thuộc, yếu đuối của người nông dân trước cách mạng tháng Tám- 1945.

Hay nói cách khác, Chí Phèo đã phải lựa chọn con đường tha hóa cho mình (chọn cách còn lại thì Chí vẫn tha hóa nhưng có thể theo mức độ, hình thức khác thôi). Cách cảm nhận này cũng phù hợp với tư tưởng của Nam Cao, một nhà văn luôn “trăn trở, đau đớn trước tình trạng con người không giữ nổi nhân tính, nhân phẩm vì miếng cơm manh áo và cái chất hèn, chất nô lệ đã thấm vào trong máu không biết từ kiếp nào”.

Ngoài đóng vai dưới hình thức phiên toà này không chỉ áp dụng khi dạy về nguyên nhân tha hoá của Chí Phèo mà còn còn có thể sử dụng trong phần kết thúc tác phẩm: xét xử vụ án Chí Phèo giết Bá Kiến.

Như vậy, hình thức phiên toà này có thể được áp dụng vào rất nhiều tình huống dạy học, vừa giúp học sinh có được những trải nghiệm thú vị vừa gợi mở học sinh tự khám phá, giải mã các kí hiệu trong văn bản.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top