Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục: Đang có sự hiểu nhầm lớn từ một số phụ huynh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Để rộng đường dư luận và những phụ huynh có con đang học cấp tiểu học trên cả nước nhìn nhận thông tin một cách chính xác và khách quan, chúng tôi xin nêu 2 ý kiến phân tích của một nhà giáo và một cựu HS đã dạy và học chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại từ hơn 20 năm trước.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một số clip một em nhỏ đi học về chỉ ô vuông đọc vanh vách 2 câu: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, sau đó các trang mạng xã hội khác cũng a dua làm clip ăn theo để kích động một số phụ huynh thiếu hiểu biết để bắt con em mình nghỉ học.

Theo phân tích của chị Phạm Thị Phương, cựu HS Trường Thực nghiệm Khánh Hòa, một em nhỏ mới đi học lớp 1 ngày đầu tiên đã thuộc được 2 câu thơ như vậy là rất tốt. Chúng ta phải mặc định rằng, các em nhỏ khi bắt đầu học lớp 1 thì chưa biết mặt chữ là gì làm sao chỉ vào chữ đã in ở trên và nói đó là chữ gì được. Cách dạy theo sách CNGD giúp các em biết số tiếng trong câu trước tiên, vẽ ra các hình để cho các em hình dung bao nhiêu tiếng là tương đương với bao nhiêu hình, chưa liên quan gì đến chữ viết hết.


Ở bất kỳ lĩnh vực nào, việc tranh luận, phản biện và đóng góp ý kiến là rất cần thiết, tuy nhiên đối với lĩnh vực chuyên môn rất cần ý kiến của các chuyên gia trong ngành hoặc có trình độ học thuật cao mới có thể đưa ra ý kiến xác đáng. Như vậy, những người không am hiểu sẽ yên tâm khi được giải thích rõ ràng, mạch lạc

Bà Hoàng Thị Lý nhấn mạnh


Theo chị Phương, ngay tại một số nước có nền giáo dục phát triển ở phương Tây cũng dùng phương pháp dạy nhận biết số tiếng trước rồi đến chữ sau. Ví dụ, tiếng Anh từ “bicycle” đọc ra có 3 âm thì cũng ví dụ như 3 hình tròn ở dưới để các em nhận biết, hay như từ “hello” đọc ra 2 âm thì có 2 hình vuông, từ I đọc ra 1 âm thì có 1 hình tam giác ở dưới…

Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa chia sẻ, chương trình CNGD của GS Hồ Ngọc Đại được thí điểm năm từ 1978, đến năm 1985 được mở rộng ra các tỉnh, sau đó Luật Giáo dục quy định thực hiện một chương trình và cả nước bắt đầu dùng chung một bộ sách thì tỉnh Khánh Hòa đã không áp dụng sách CNGD để dạy nữa.

Tuy nhiên, cách đây 20 năm cô Lý cũng từng là giáo viên được điều chuyển xuống dạy chương trình CNGD ở Trường Tiểu học Thực nghiệm Khánh Hòa đến gần 3 năm nên nhớ rất ấn tượng với nội dung trong sách.

Theo bà Hoàng Thị Lý, nội dung trong sách CNGD lúc đó rất hay, những em HS đã được học qua chương trình này sẽ có một nền tảng ngữ pháp tiếng Việt rất chắc chắn, lỗi viết chính tả hầu như không bao giờ mắc phải. Ví dụ, 3 chữ c,k,q phát âm giống nhau nhưng trong cách viết khi đứng trước chữ e thì chỉ có chữ k là có nghĩa. Các em HS đã học qua chương trình thực nghiệm sẽ nhớ rất rõ những quy luật này, nhờ vậy sẽ giúp các em nắm rất chắc về lỗi chính tả.

Bà Hoàng Thị Lý chia sẻ thêm, những em HS đã học qua chương trình thực nghiệm sau này đều rất giỏi. Có năm khi luyện thi đại học, hỏi ra trong lớp có 20 em đã từng học trường Thực nghiệm thì cả 20 em đó đều thi đậu đại học. Tuy nhiên hiện nay, những em đã học chương trình thực nghiệm ngày xưa bây giờ đều trở thành phụ huynh của các em nhỏ lại rất ít người lên tiếng và những giáo viên từng dạy trường thực nghiệm ngày trước cũng vậy.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top