Rèn kỹ năng sống cho học sinh tiểu học theo cách của “Cô giáo tài năng duyên dáng“

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Kĩ năng sống được rèn luyện trong các môn học chính khóa và ngoại khóa. Ảnh minh họa/internet


Chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học được Hội đồng ghi nhận và dành nhiều lời khen.

Theo cô Nguyễn Thị Cẩm Giang, kĩ năng sống được rèn luyện ở nhà và ở trường. Kĩ năng sống được rèn luyện trong các môn học chính khóa và ngoại khóa. Việc rèn luyện kĩ năng sống cần bắt đầu từ nhỏ, từ từng hành vi cá nhân đơn giản nhất, theo đó hình thành thói quen, tính cách và nhân cách.

Phương châm “Cô giáo như mẹ hiền”


Việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh có thể thực hiện trong bất cứ lúc nào, giờ học nào nhưng phải xuất phát từ tấm lòng thương yêu học sinh, tận tâm, tận lực thực sự để học sinh cảm nhận được tình yêu thương của giáo viên, để học sinh cảm nhận Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.


"Với trẻ Tiểu học, sự gần gũi với Giáo viên là rất quan trọng để tạo sự tự tin trong học tập, giao tiếp. Sau khi nhận lớp, để tạo sự gần gũi và gắn kết giữa học sinh và giáo viên chủ nhiệm, tôi sắp xếp nhiều thời gian cho học sinh được giới thiệu về mình, động viên khuyến khích các em chia sẻ với nhau về những sở thích, ước mơ tương lai cũng như mong muốn của mình với các em" - cô Nguyễn Thị Cẩm Giang trao đổi.

Theo cô Nguyễn Thị Cẩm Giang, đây là hoạt động giúp cô trò hiểu nhau, đồng thời tạo một môi trường học tập thân thiện “Trường học thật sự trở thành ngôi nhà thứ hai của các em, các thầy cô giáo là những người thân trong gia đình".

Đây cũng là một điều kiện rất quan trọng để phát triển khả năng giao tiếp của học sinh. Bởi học sinh không thể mạnh dạn, tự tin trong một môi trường mà giáo viên luôn gò bó và áp đặt.

"Trong tuần đầu, tôi cho học sinh tự do lựa chọn vị trí ngồi của mình để qua đó phần nào nắm được đặc điểm tính cách của các em: mạnh dạn hay nhút nhát, thụ động hay tích cực, thích thể hiện hay không thích...

Và tiếp tục qua những tuần học sau, tôi chú ý quan sát những biểu hiện về thái độ học tập, những cử chỉ, hành vi tại vị trí ngồi mà các em chọn để bắt đầu có điều chỉnh phù hợp" - cô Nguyễn Thị Cẩm Giang chia sẻ.


Rèn kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm

Giáo dục qua các trò chơi, hoạt động học tập


Để hình thành những kiến thức và rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh qua môn Tiếng Việt, người giáo viên cần phải vận dụng nhiều phương pháp dạy phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh như: Thực hành giao tiếp, trò chơi học tập, phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp tổ chức hoạt động nhóm, phương pháp hỏi đáp…


Cũng theo cô Nguyễn Thị Cẩm Giang, khi đã tạo được sự thân thiện, cởi mở đối với các em, giáo viên có thể thường xuyên tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi tập thể lành mạnh, chơi các trò chơi dân gian, tổ chức các hoạt động văn nghệ thể thao, qua các hoạt động rèn cho học sinh kĩ năng ứng xử với bạn bè, xây dựng tinh thần đoàn kết tốt, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng hợp tác, kỹ năng quyết định, biết kiềm chế bản thân trong khi xử lí các tình huống với bạn bè.

Ngoài ra, có thể lồng ghép trong nội dung các tiết học phù hợp. Bởi rèn kỹ năng sống cho học sinh không chỉ ở các giờ học rèn luyện kĩ năng sống mà còn lồng ghép trong nội dung các tiết học phù hợp.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Giang dẫn giải: Chẳng hạn môn Đạo đức, giáo viên giáo dục, rèn cho học sinh kỹ năng giao tiếp ứng xử: Kính trọng, lễ phép với người lớn tuổi, đoàn kết hoà nhã với bạn bè, tôn trọng không tự ý mở xem đồ đạc của người khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, nói lời cảm ơn, xin lỗi phù hợp, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh, kỹ năng nhận lời, kỹ năng từ chối, kỹ năng quyết định, kỹ năng kiềm chế xúc cảm, kỹ năng vận động, kỹ năng xử lý một số tình huống cụ thể...

Trong các tiết tự nhiên và xã hội, khoa học, học sinh được rèn kỹ năng sử dụng có hiệu quả đồ dùng dụng cụ chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ năng giữ gìn vệ sinh các nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường...

Ở môn Tiếng việt có nhiều bài học có thể giáo dục kĩ năng sống cho các em, đó là các kĩ năng giao tiếp xã hội, như: Viết thư, điền vào giấy tờ in sẵn, giới thiệu địa phương, kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia... được lồng cụ thể qua các tình huống giao tiếp. Bản thân chỉ gợi mở sau đó cho các em tự nói một cách tự nhiên hoàn toàn không gò bó áp đặt.

Bên cạnh đó, nhiều bài luyện từ và câu có nội dung rèn luyện các nghi thức lời nói, nhiều bài Tập đọc giới thiệu những văn bản mẫu chuẩn bị cho việc hình thành một số kĩ năng giao tiếp cộng đồng như: mẫu đơn, thư, tóm tắt tin tức… hoặc cung cấp những câu chuyện mà qua đó học sinh có thể rút ra những nội dung rèn kĩ năng sống.

"Thông qua các hoạt động học tập, học sinh được phát huy trải nghiệm, rèn kĩ năng hợp tác, bày tỏ ý kiến cá nhân, đóng vai… Ngoài ra, các em có được cơ hội rèn luyện, thực hành nhiều kĩ năng sống cần thiết. Như vậy, tuỳ từng bài, tuỳ từng nội dung giáo viên có thể lồng ghép rèn kỹ năng sống cho học sinh cho hợp lý" - cô Nguyễn Thị Cẩm Giang nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top