Phó Giáo sư 33 tuổi và 22 bài báo trên tạp chí uy tín thế giới

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
PGS Đỗ Đức Thuận hàng ngày lên lớp. Một học kỳ ông lên lớp 400-450 giờ. Ảnh: HH


Trong 10 năm nghiên cứu (2008 - 2017), ông có 22 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, trong đó 17 bài nằm trong ISI có chỉ số IF cao, 13 bài nằm trong SCI xếp hạng Q1. Đặc biệt, có một số bài đăng ở các tạp chí chuyên ngành hàng đầu thế giới. Các bài báo của ông đều được giới chuyên môn đánh giá là có nhiều ý nghĩa khoa học và tính ứng dụng cao.

Ông đã có cuộc trò chuyện thú vị với PV Báo Thanh tra xung quanh câu chuyện nghiên cứu khoa học cũng như niềm đam mê Toán học.

Toán học cũng cần… cảm hứng

- 33 tuổi được phong hàm PGS và là PGS trẻ nhất năm 2017, cảm xúc của ông thế nào?

+ Nhận được thông tin mình là PGS trẻ nhất tôi vui vì những phấn đấu, nỗ lực của mình đã được ghi nhận. Đây là động lực để bản thân tiếp tục phát huy, có nhiều cống hiến hơn nữa cho giáo dục nước nhà.

- Ông “mê” Toán từ khi nào?

+ Từ lớp 1, tôi yêu thích những con số và những môn về hình học. Tôi có thể ngồi cả ngày với Toán không biết chán. Đến bây giờ vẫn vậy, niềm đam mê với Toán không thay đổi. Có nhiều hôm cả ngày làm việc tôi chỉ nghĩ về 1 vấn đề gì đấy liên quan đến Toán học. Bà xã cũng là dân Toán, nên trong gia đình có nhiều câu chuyện về Toán rất thú vị.

- Thực tế, Toán là môn học khô khan và "khó nhằn". Vậy cách ông truyền cảm hứng và niềm đam mê Toán học tới các bạn sinh viên trong mỗi giờ lên lớp?

+ Với tôi Toán không hề khô khan, thực tế đã có rất nhiều nhà Toán học làm thơ, và dạy Toán bằng thơ. Bản thân tôi, có những lúc “giam mình” trong phòng làm việc cả ngày, nhưng đôi khi cảm hứng lại được khơi dậy khi đang ngồi ở quán cà phê hay những lần về quê nghỉ ngơi, thăm gia đình.

Hiện, tôi đang giảng dạy môn Toán cho các bạn sinh viên chuyên ngành năm thứ 3, thứ 4 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong 1 năm tôi có 400 - 450 giờ lên lớp. Để truyền cảm hứng cho sinh viên đam mê học Toán, tôi luôn đưa ra các ví dụ có tính ứng dụng cao như: Toán trong các hệ điều khiển cơ học, trong công nghệ vũ trụ, tên lửa, chuyển động ô tô, rồi rất nhiều ứng dụng khác như Toán trong Sinh học, Vật lý, Hóa học… Khi nêu các ứng dụng hữu ích như vậy, các em rất thích thú, và say sưa tìm hiểu.

Đào tạo trong nước không phải là thiệt thòi

- 33 tuổi ông đã là Trưởng Bộ môn của một trường ĐH danh giá của Việt Nam, rồi được phong PGS khi tuổi đời còn rất trẻ. So với bạn bè cùng trang lứa, con đường công danh sự nghiệp của ông khá “thuận buồm xuôi gió”?

+ Tôi sinh và và lớn lên ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Bố mẹ đều là giáo viên Toán ở trường cấp 2. Tôi may mắn là từ nhỏ đã được bố mẹ định hướng và nuôi dưỡng đam mê về Toán. Trong những năm học phổ thông tôi tham gia các cuộc thi học sinh giỏi tỉnh, rồi quốc gia và giành giải.

Từ kết quả đó, tôi được tuyển thẳng vào học hệ cử nhân tài năng của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Được các thầy cô có tâm huyết và tài năng ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Viện Toán học “truyền lửa”, cộng thêm với việc có nhiều cơ hội cọ xát tại các kỳ thi học sinh giỏi, nên niềm đam mê Toán học của tôi lớn dần.

Rời giảng đường ĐH, tôi thi vào làm giảng viên tại ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ban đầu dạy hợp đồng 1 năm, rồi 3 năm các môn cơ bản cho sinh viên mới vào trường. Nhận thấy đây là môi trường tốt để nuôi dưỡng đam mê và cống hiến nên tôi gắn bó với nơi này, đến nay cũng đã 10 năm. Ngoài giảng dạy, hiện nay tôi đã tham gia hướng dẫn 5 thạc sĩ và đang hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh.

Nhưng chỉ nghiên cứu và giảng dạy thôi thì tiền lương khá thấp so với nhu cầu cơ bản, vì vậy ngoài giờ lên lớp tôi làm thêm các đề tài nghiên cứu, rồi đi trao đổi hợp tác ở nước ngoài để trang trải cuộc sống.

- Khác với nhiều nhà khoa học trẻ thế hệ 8X, lý lịch khoa học của ông có một địa chỉ đào tạo duy nhất, xuyên suốt từ ĐH đến Tiến sĩ đều là ở trong nước. Cá nhân ông thấy đây có phải là thiệt thòi?

+ Đào tạo trong nước với tôi không hề thiệt thòi bởi môi trường học tập và giảng dạy về Toán ở Việt Nam trong những năm gần đây có điều kiện tốt. Chúng ta có nhiều GS đầu ngành về Toán học được thế giới ghi nhận và đánh giá cao như GS Ngô Bảo Châu, GS Hoàng Tụy…

Tôi học Thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh ở trong nước, nhưng sau đó đã đi làm sau Tiến sĩ ở ĐH Kĩ thuật Berlin (Đức), rồi có cơ hội được sang nhiều nước phát triển khác để học tập và hợp tác nghiên cứu, tìm hiểu đưa lý thuyết vào ứng dụng thực tiễn.

- Rời giảng đường ĐH 10 năm, trong thời gian ấy ông cho “ra lò” 22 bài báo đăng tải trên các tạp chí uy tín thế giới, ông có hài lòng với con số này và định hướng của ông trong thời gian tới?

+ 22 bài báo quốc tế trong 10 năm. Đây mới ở mức độ tốt chứ không phải là con số nhiều. Mỗi năm tôi duy trì có 1-2 bài đăng trên tạp chí quốc tế nằm trong ISI. Càng về sau, tôi càng đòi hỏi khắt khe hơn, đi sâu vào chất lượng, tập trung nghiên cứu đề tài có tính ứng dụng và đăng ở những tạp chí lớn.

Hiện tại, tôi đã có 4 công trình được thưởng công trình trọng điểm Quốc gia về Toán.

Thời gian tới, tôi tiếp tục nghiên cứu, phát triển và mở rộng thêm các hướng khác để thu được các bài báo tốt và có tính ứng dụng cao. Dự kiến cho “ra lò” 30-40 công trình quốc tế.

Trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, Toán học có vai trò cực kỳ quan trọng. Tất cả mọi thứ đều tự động hóa. Lĩnh vực của tôi liên quan trực tiếp đến các hệ điều khiển tự động. Để phát triển được cách mạng 4.0 thì cần kiến thức về Toán rất nhiều.

33 tuổi được công nhận PGS so với bạn bè cùng trang lứa, tôi là người đầu tiên được nhận danh hiệu này, nhưng với tôi đó chưa phải là điểm dừng mà chỉ là động lực để tôi nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa cho Toán học nói riêng và nền giáo dục nước nhà nói chung.

- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top