Phát hiện, sửa chữa sai lầm trong dạy học Toán

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trong hoạt động phát hiện và sửa chữa sai lầm, quá trình học sinh phát hiện lời giải bài toán của mình có mắc sai lầm hay không là quá trình tự đánh giá, còn việc sửa chữa sai lầm đó thể hiện chức năng điều khiển của hoạt động đánh giá kết quả học tập của học sinh. Do đó, đưa ra những lưu ý này cho các giáo sinh ngành Toán là rất quan trọng.

Một số lưu ý khi sửa chữa sai lầm cho học sinh

TS Phạm Xuân Chung đưa ra một số lưu ý khi sửa chữa sai lầm cho học sinh. Theo đó, điều đầu tiên, để đánh giá chính xác mức độ sai lầm của học sinh, cần tránh những nhận định chủ quan, áp đặt, thiếu căn cứ.

Để làm được điều đó, cần tuân thủ nguyên tắc: Hãy mô tả, ghi chép lại đúng những gì mà mình quan sát thấy, không vội đưa ra phán quyết khi chưa tìm hiểu, phân tích các bằng chứng thu thập được hay các bằng chứng chưa đủ để chứng minh cho điều nhận định.

Thứ hai, việc sửa chữa sai lầm cần đảm bảo tính vừa sức với học sinh. Làm rõ điều này, TS Phạm Xuân Chung cho rằng, trong một lớp học, không phải mọi học sinh đều có năng lực tiếp thu nhu nhau. Có em tiếp thu nhanh, dễ dàng, lại có em tiếp thu chậm và phải có cố gắng nhiều hơn.

Do đó, khi sửa chữa sai lầm không phải cùng một lỗi sai, tất cả các học sinh đều được sửa chữa như nhau mà cần tùy vào từng đối tượng để có cách làm phù hợp, kích thích động cơ học tập của học sinh.

"Lưu ý thứ ba, giáo viên cần quan tâm sử dụng các ví dụ cụ thể hay các phương tiện trực quan để vạch ra sai lầm cho học sinh. Cuối cùng, cũng là điều rất quan trọng, đó là sửa chữa sai lầm cho học sinh phải kịp thời" - TS Phạm Xuân Chung nhấn mạnh.

Tổ chức giáo sinh tập luyện, phát hiện, sửa chữa sai lầm

Trong từng chủ đề dạy học, cần cho sinh viên dự đoán các sai lầm có thể mắc phải của học sinh. Hoạt động này, theo tiến sĩ Phạm Xuân Chung, có thể được tổ chức như sau:

Bước 1: Giao cho các nhóm học tập chuẩn bị trước khi học chủ đề, thời gian khoảng một tuần với yêu cầu: Mỗi thành viên trong nhóm phải đưa ra các dự đoán của mình, rồi cả nhóm thống nhất xây dựng kết quả tốt nhất của nhóm.

Bước 2: Thảo luận tại lớp. Dưới sự điều khiển của giảng viên, các nhóm báo cáo kết quả, thành viên của nhóm khác có thể chất vấn, bổ sung cùng với ý kiến của giảng viên để đi đến thống nhất phương án tốt nhất có thể có.

Ngoài việc cho giáo sinh phán đoán sai lầm, giảng viên cần khai thác triệt để các tình huống dạy học để sinh viên phát hiện và sửa chữa sai lầm (nếu có) trong một câu trả lời, lời giải của một bài toán hay một dạng toán nào đó.

Trong việc phát hiện lời giải đúng - sai, giảng viên có thể trang bị một cách tường minh các dấu hiệu có thể nhận biết ra lời giải sai cho sinh viên.

"Theo tác giả Lê Thống Nhất, có 8 dấu hiệu quan trọng: Kết quả lời giải mâu thuẫn với trường hợp riêng biệt; trường hợp đặc biệt ở kết quả không thỏa mãn bài toán; kết quả lời giải không chứa kết quả trong trường hợp đặc biệt của bài toán; kết quả bài toán cụ thể khác kết quả bài toán tổng quát đã biết;

Kết quả tìm được mâu thuẫn với thực tế; kết luận không bình đẳng giữa các yếu tố bình đẳng ở giả thiết; kết quả của lời giải này khác kết quả của lời giải khác; đơn vị đo ở hai vế của một đẳng thức khác nhau" - TS Phạm Xuân Chung cho biết thêm.


"Các cấp độ phát hiện và sửa chữa sai lầm của học sinh

Cấp độ 1: Người học mắc lỗi nhưng bản thân không tự nhận ra được lỗi và cũng không tự phản ứng lại được với các lỗi đã mắc; việc sửa lỗi ở người học mang tính chậm chạp và phân tích cùng với sự giảng giải tỉ mỉ của giáo viên.

Cấp độ 2: Người học mắc lỗi, tự bản thân không sửa được lỗi nhưng dưới sự hướng dẫn của giáo viên thì sửa được nhanh chóng.

Cấp độ 3: Người học đã tự phản ứng lại với lỗi đã mắc nhưng còn chậm chạp.

Cấp độ 4: Người học mắc lỗi và tự sửa chữa được chúng ngay, thậm chí trong nhiều trường hợp, hành động mắc lỗi còn chưa kết thúc nhưng người học đã tự nhận ra và sửa chữa" - Quan điểm của I.A.Dimnhia trong tài liệu "Tự học của sinh viên" - NXB Giáo dục.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top