Ôn tập thi THPT quốc gia 2020: Chắc kiến thức cơ bản, phát huy tinh thần tự học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học dài ngày ảnh hưởng đến kế hoạch năm học, Bộ GD&ĐT đã công bố hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kì II năm học 2019-2020. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục công bố bộ đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 với 14 đề thi các môn.

Việc công bố đề thi tham khảo, bám sát các nội dung dạy học đã được tinh giản nhằm hỗ trợ giáo viên, học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 kịp thời điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho phù hợp.

Lưu ý học sinh ôn tập trước Kỳ thi THPT quốc gia, TS Sái Công Hồng cho rằng, thí sinh cần phân tích rõ định dạng, cấu trúc đề tham khảo; từ đó hệ thống lại các câu hỏi theo từng cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) theo từng chủ đề nội dung kiến thức, từ đó ôn luyện cho tốt các chủ đề.

Phân tích đề tham khảo, có thể thấy 70% là kiến thức cơ bản; do đó, thí sinh cần chú trọng học để nắm thật chắc khối lượng kiến thức này. Riêng với học kỳ II của lớp 12 năm học 2019-2020, các nội dung sau tinh giản cũng hầu hết là kiến thức cơ bản; đề thi có nội dung kiến thức ở phần này chỉ nằm ở cấp độ nhận biết, thông hiểu; do đó, học sinh có thể tự tin tiếp thu kiến thức thầy cô giảng dạy, truyền đạt qua hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình.

Cùng với đó, thí sinh kết hợp với tự học, tự ôn luyện, tự tìm tòi các tài liệu chính thống trên các kho dữ liệu của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT, của nhà trường và từ thầy cô gửi để học, ôn tập tốt hơn. Nếu thấy nắm kiến thức chưa vững, các em có thể mở lại các bài giảng trên truyền hình để có thời gian nghiền ngẫm, tiếp thu kiến thức mới tốt nhất.

“Các em bình tĩnh, vững tâm, tiếp tục học kiến thức mới qua sự giảng dạy của thầy cô với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có dạy học qua internet và trên truyền hình. Cần nắm thật chắc các kiến thức cơ bản để tạo nền móng tiếp nhận kiến thức cao hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, không đến trường, việc xây dựng lịch trình, kế hoạch học tập và sự chủ động, tự giác để thực hiện lịch trình, kế hoạch đó là vô cùng quan trọng. Những nội dung chưa rõ, hãy tự tin hỏi lại thầy cô. Các em cũng chú ý hài hòa giữa việc học và giữ gìn sức khỏe để có thể học tập tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh” – TS Sái Công Hồng đưa lời khuyên.

Đối với các thầy cô giáo, Trưởng ban điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020 cũng nhấn mạnh việc phân tích, khai thác kỹ đề tham khảo để hướng dẫn học sinh của mình theo từng đối tượng, trước hết kiến thức nền tảng, cơ bản. Chỉ cần nắm chắc kiến thức này là có thể đạt được điểm 7 trong kỳ thi THPT quốc gia tới.

Cùng với đó, thầy cô cần hết sức lưu ý hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đó là không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh này yêu cầu "không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học".

Quá trình giảng dạy, giúp học sinh ôn tập, giáo viên có thể cho học sinh làm thử đề tham khảo, hoặc các đề tương tự do thầy cô tự soạn căn cứ vào ma trận được xây dựng từ phân tích đề tham khảo. Điều này vừa rèn học sinh kỹ năng làm bài thi, giúp các em làm quen, tạo tâm thế tự tin; đồng thời qua đó thầy cô nắm được những nội dung nào học sinh nắm chưa chắc chắn để bổ sung kiến thức.

“Với thông điệp chung của toàn ngành là “tạm dừng đến trường, không dừng học”, mong các thầy cô nỗ lực, sử dụng nhiều hình thức, phương tiện dạy học, trong đó có dạy học qua internet, trên truyền hình, giúp học sinh tự tin, vững vàng kiến thức. Riêng với dạy học trên truyền hình, do hạn chế về tương tác, mong thầy cô bằng các hình thức khác nhau, giao bài, nhận các sản phẩm học tập từ học sinh, có tương tác phản hồi sau khi học, giúp học sinh học tập tốt hơn” – TS Sái Công Hồng cho hay.


Đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia không ra vào phần kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng của Bộ GD&ĐT yêu cầu “không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học”. Tuy nhiên, thầy cô và học sinh hết sức lưu ý, phần nội dung học tự học có hướng dẫn, hoàn toàn có thể kiểm tra, ra trong đề thi.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top