Nữ nghiên cứu sinh tuổi 69

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cả cuộc đời theo đuổi một công trình

Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại có tên “Sự phát triển đại học ngoài công lập ở TPHCM giai đoạn 1992 - 2012” diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) thu hút sự chú ý đặc biệt, khi người bảo vệ luận án là một nghiên cứu sinh (NCS) gần 70 tuổi. Bà là Nguyễn Thị Hồng Cúc (sinh năm 1952) nguyên là giảng viên, cán bộ từng nhiều năm công tác ở một trường đại học ngoài công lập tại TPHCM.

“Tôi từng làm việc tại một trường đại học ngoài công lập trong thời gian dài. Tại đây khi người sáng lập đầu tiên không còn, thì xảy ra nhiều chuyển biến với quá nhiều điều chưa thỏa về mặt chính sách. Từ thực tế này, tôi bắt đầu nghiên cứu về vấn đề các trường ngoài công lập”, bà Cúc cho biết.

Ở luận án nghiên cứu của mình, NCS Nguyễn Thị Hồng Cúc đã phác họa toàn cảnh các trường đại học ngoài công lập tại TPHCM trên nhiều góc độ: Quan điểm, chủ trương của Nhà nước và quá trình xây dựng, phát triển, tìm hiểu những vấn đề cần làm rõ và những vấn đề đang đặt ra trong nhận thức về loại hình cũng như trong tổ chức, quản lý đại học ngoài công lập.

Ngoài ra, luận án cũng mong muốn làm rõ những đóng góp của các đại học ngoài công lập tại TPHCM cũng như những khuyết điểm với cái nhìn khoa học. Qua đó, rút ra những thành tựu, hạn chế, đặc điểm, xu hướng phát triển và đề xuất các giải pháp tháo gỡ để hệ thống phát triển.

TS Lưu Văn Quyết - Trưởng khoa Lịch sử cho biết, lúc thi vào trường, cô Cúc đã 63 tuổi. Suốt gần 6 năm miệt mài học tập và nghiên cứu, bản thân cô đã nỗ lực rất nhiều, không chỉ từ việc nghiên cứu mà còn ở tinh thần nghiêm túc với khoa học.

“Tôi nhớ, thời điểm khi bảo vệ luận án cấp đơn vị chuyên môn xong, cô Cúc bị bệnh tai biến nhẹ phải nằm bệnh viện. Lúc ấy, mọi người đều lo rằng không biết cô Cúc có đi đến kết quả cuối cùng hay không?

Tuy nhiên, với sự nỗ lực và phấn đấu, cô Cúc đã vượt qua được. Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng với cô Cúc chính là việc bản thân cô cũng nhiều lần nói thẳng việc nhận bằng tiến sĩ với cô bây giờ cũng chẳng để làm gì.

Nhưng cô vẫn quyết bảo vệ thành công nghiên cứu của mình. Bởi đó là mục tiêu của cuộc đời cô. Còn với chúng tôi, điều đó lại ý nghĩa hơn rất nhiều vì cô chính là động lực để thế hệ trẻ nhìn vào mà noi theo. Đây là học thực, học cho bản thân, học cho xã hội, học để tìm hiểu chứ không phải học vì danh lợi”, TS Quyết nhìn nhận.

Hữu ích cho trường ngoài công lập


Bà Nguyễn Thị Hồng Cúc nhận bó hoa chúc mừng bảo vệ thành công luận án trước Hội đồng.

Không giấu được vẻ xúc động sau buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, bà Nguyễn Thị Hồng Cúc cho biết: “Trong hành trình theo đuổi đề tài, có những lúc khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tư liệu, cộng với những bất lợi về tuổi tác, tôi từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng, chính sự động viên kịp thời của các giảng viên hướng dẫn, của khoa Lịch sử, những lời động viên đến từ phía gia đình đã xốc lại tinh thần để tôi tiếp tục hoàn thành ước mơ của đời mình”.

Vui mừng với kết quả nghiên cứu, bà Cúc cũng đồng thời cho biết những khó khăn, khúc mắc của các trường đại học ngoài công lập trong bối cảnh mới hiện nay đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và giải quyết nhiều vấn đề. Các trường ngoài công lập sẽ bước vào một giai đoạn hoạt động hiệu quả trong tương lai không xa. Riêng ở TPHCM, với những thuận lợi đặc biệt ở địa phương này, các trường sẽ phát triển nhanh hơn nữa.

“Khi tôi nghiên cứu về vấn đề lịch sử thì tư liệu về khoa mở trong trường đại học công ở giai đoạn năm 1988, không có số liệu. Lúc ấy PGS.TS Ngô Minh Oanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM - hỏi tôi về việc đi kiếm số liệu, tôi phải chạy ra Bộ GD&ĐT, may mà tôi tìm ra số liệu này. Thực tế, sự phát triển của loại hình ngoài công lập là một quá trình tất yếu trong xây dựng và phát triển đất nước. Sự phát triển các trường ĐH ngoài công lập tại TPHCM hiện tại và trong thời gian tới có thể sẽ ngày càng bùng nổ vì nhu cầu lao động quá lớn của thị trường. Vì vậy, công tác nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay và tương lai vẫn rất cần thiết”, bà Cúc chia sẻ.

Đánh giá về NCS mà mình hướng dẫn, GS.TS Võ Văn Sen - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết: NCS Nguyễn Thị Hồng Cúc thật sự để lại trong ông nhiều ấn tượng. Không chỉ vì tư duy, ý thức và trách nhiệm làm khoa học, mà ở sự quyết liệt đến tận cùng cho mục tiêu duy nhất của đời mình. Công bố những gì mà mình học hỏi, tích lũy, ghi nhận được trong cả cuộc đời học tập, làm việc, NCKH của mình, cô Cúc xứng đáng là tấm gương sáng để thế hệ giảng viên trẻ soi rọi, làm động lực cho mình trong công tác NCKH.

“Đề tài nghiên cứu của NCS Nguyễn Thị Hồng Cúc là sự tích lũy cả đời, suốt một chặng đường công tác, làm việc của cô ấy. Để rồi sau những đúc kết, nghiên cứu độc lập, cô ấy công bố công trình đó dưới dạng luận án tiến sĩ. Đây cũng là một nhánh khác trong NCKH mà tại các trường đại học trên thế giới chúng ta hay thấy. Tôi nghĩ đó là một biểu hiện tốt của chúng ta trong việc hội nhập với thế giới về GDĐH và sau đại học. Và những tấm gương nghiên cứu, học tập suốt đời như cô Cúc rất đáng để chúng ta trân trọng và lan tỏa cho thế hệ trẻ biết” - GS.TS Võ Văn Sen nói.


“Không phải vì vấn đề gia đình, hay tuổi tác, ngay cả khi về hưu, chúng ta vẫn có thể thực hiện được mục tiêu đời mình. Tôi đã từng có suy nghĩ dừng lại, đã từng có đoạn chững trong quá trình nghiên cứu vì bệnh tật, nhưng chỉ cần ta có niềm tin vào bản thân, khát vọng về mục tiêu của đời mình, tôi tin các bạn sẽ làm được. Và tôi đã làm được điều đó ở tuổi 69”. Bà Nguyễn Thị Hồng Cúc
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top