Nội dung tinh giản môn tiếng Nhật, Trung đáp ứng yêu cầu giảm tải

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nhận xét về hướng dẫn điều chỉnh nội dung học kỳ II năm học 2019-2020 môn tiếng Trung Quốc, giảng viên Đỗ Hồng Thanh (Trường ĐH Hà Nội) cho rằng, việc tinh giản vẫn bảo đảm cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản, cốt lõi, huyết mạch của chương trình, giúp học sinh có thể ghi nhớ, nhận biết và tái hiện lại được các kiến thức đã học, đáp ứng yêu cầu về chuẩn đầu ra.

Cũng như các môn học khác, môn tiếng Trung Quốc tinh giản chủ yếu theo hình thức: không dạy, khuyến khích học sinh tự đọc, tự làm và tự học có hướng dẫn đối với một số bài khóa chủ đề đã cũ, không phù hợp, không gần gũi với học sinh hoặc những bài khóa sử dụng từ ngữ và cấu trúc quá thiên về văn viết, hoặc cung cấp lượng kiến thức quá nhiều; một số từ, cụm tự chữ viết khó, nghĩa khó, tần suất sử dụng thấp; một số dạng bài tập nâng cao, bài tập vận dụng ở mức độ cao hoặc được luyện tập nhiều ở học kỳ 1.

Bên cạnh đó, môn tiếng Trung Quốc còn sử dụng hình thức tích hợp các phần có liên quan trong một số bài học (bài khóa, từ mới; Ngữ pháp, bài tập; Bài khóa, ngữ pháp...). Các phương thức tinh giản này đều dựa trên cơ sở khoa học và đảm bảo tính hợp lí, giữ lại được nội dung then chốt, giảm bớt thời gian lên lớp mà vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình.

Nội dung tinh giản sẽ đảm bảo cho học sinh có học lực trung bình nắm được những kiến thức cơ bản của chương trình, đạt được chuẩn đầu ra của môn học về các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Với những học sinh có học lực khá trở lên, khả năng tự học tốt thì việc nêu rõ các nội dung tự học sẽ giúp các em có thêm không gian cũng như ngữ liệu để nâng cao kiến thức, thêm hứng thú hơn với môn học.

"Tóm lại, nội dung tinh giản môn tiếng Trung Quốc được trình bày rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, đáp ứng được yêu cầu giảm tải để giảm bớt thời gian học tập trên lớp, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra của môn học. Việc tinh giản chương trình các môn học nói chung và môn Tiếng Trung nói riêng thể hiện tính nhân văn, kịp thời của Bộ GD&ĐT, đáp ứng nhu cầu của giáo viên, học sinh, phù hợp tình hình học sinh học tập tại nhà để phòng chống Covid-19 như hiện nay" - giảng viên Đỗ Hồng Thanh nhận xét.

Nhận xét về điều chỉnh nội dung dạy học môn tiếng Nhật, giảng viên Nguyễn Thị Đăng Thu, Trường ĐH Hà Nội cho rằng, việc tinh giảm và điều chỉnh chương trình dạy như đã công bố hoàn toàn phù hợp. Nội dung được giữ lại là những nội dung quan trọng, cốt lõi, đảm bảo kiến thức nền tảng. Qua đó, học sinh vẫn tiếp tục phát triển năng lực mà không bị lo hổng kiến thức hoặc không thể theo học được kiến thức của năm học kế tiếp.

“Có thể nói, việc điều chỉnh không phải là thao tác cắt xén chương trình đào tạo một cách tùy tiện mà được tiến hành một cách hợp lý, nghiêm túc và khoa học. Giáo viên cũng như học sinh đều dễ dàng nắm bắt và thực hiện một cách có hiệu quả, chủ động và linh hoạt trong bối cảnh Covid-19.

Chúng tôi cho rằng, việc điều chỉnh nội dung giảng dạy môn Tiếng Nhật là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình dạy và hoc do nghỉ dịch kéo dài như hiện nay” - giảng viên Nguyễn Thị Đăng Thu đánh giá.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top