Những xu hướng tích hợp liên môn trong xây dựng chương trình, SGK

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đổi mới nội dung SGK tạo điều kiện cho dạy học tích hợp, liên môn

Theo đó, khung chương trình giáo dục quốc gia của Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Pháp, Phần Lan, Đức, Hungary, Ý, Luxembourg, New Zealand, Nauy, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh... đều nhấn mạnh việc phát triển các kĩ năng chung như đọc hiểu, tính toán và sử dụng ICT như là công cụ học tập trong tất cả các môn học.

Ở nhiều nước phát triển như Mĩ, Anh, Đức, Thụy Điển, Australia và một số nước như Hàn Quốc, Singapore... trong chương trình phổ thông trung học đã xuất hiện chương trình và SGK cho những môn học tích hợp (nghiên cứu xã hội, nghiên cứu môi trường, nghiên cứu tự nhiên..); hoặc các môn tích hợp như Lịch sử - Địa lý hay Địa lý - Chính trị - Giáo dục công dân...

PGS.TS Trần Đức Tuấn cho biết thêm: Trong các chương trình và SGK mang tính tích hợp nhiều nội dung (môn học) khác nhau được xây dựng thành các lĩnh vực học tập mà ở đó nội dung, cấu trúc và cách thể hiện của SGK mới không hạn chế ở kiến thức, kĩ năng và vấn đề của từng bộ môn riêng biệt mà còn hướng đến thể hiện các vấn đề liên môn, xuyên môn và các kĩ năng sống, giá trị, năng lực chung...

Để tạo điều kiện phát triển dạy học tích hợp và liên môn, các nước Australia, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Italy, New Zealand, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kì, Vương quốc Anh... đều đổi mới cấu trúc, nội dung và cách trình bày của SGK để khuyến khích, hỗ trợ giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học tích cực, hợp tác và tương tác, đồng thời tạo điều kiện để học sinh học phương pháp học, cách tự học và tự đánh giá kết quả học tập của mình.

Giáo dục lấy học sinh làm trung tâm chi phối đổi mới chương trình, SGK

Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước tiên tiến, những triết lý và tầm nhìn của giáo dục phát triển bền vững, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm và công nghệ giáo dục đang định hướng và chi phối toàn bộ quá trình đổi mới và hiện đại hóa chương trình và SGK phổ thông ở nhiều nước trên thế giới.

Đưa nhận định này, PGS.TS Trần Đức Tuấn ví dụ: Giáo dục Hàn Quốc đề cao triết lí và mục tiêu phát triển ở học sinh những chuẩn mực giá trị tốt đẹp và những cá tính, những kĩ năng, tinh thần trách nhiệm công dân và tư tưởng nhân đạo cần thiết để học sinh có thể sống một cách độc lập và vì sự phồn thịnh của đất nước, nhân loại.

Giáo dục Phần Lan cam kết đào tạo những con người có tầm nhìn mới về kiến thiết và phát triển một xã hội tri thức.

Trung Quốc xem việc nâng cao phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng tinh thần sáng tạo và năng lực thực tiễn là những mục tiêu ưu tiên trong việc giáo dục và đào tạo những lớp người xây dựng sự nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Trong khi đó, mục tiêu hàng đầu của chương trình giáo dục bang Québec, Canada là phát triển ở học sinh các năng lực cốt lõi (năng lực nhận thức, năng lực phương pháp, năng lực cá nhân và xã hội, năng lực giao tiếp...) và khả năng tự chủ, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Để đạt được các mục tiêu này, các giáo viên được khuyến khích và tạo điều kiện để sử dụng có hiệu quả SGK và các tài liệu học tập khác nhau nhằm thực hiện các phương pháp dạy học theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm và quan điểm của giáo dục bền vững...

Chương trình giáo dục và SGK mới của Australia cam kết thúc đẩy sự công bằng và khuyến khích phấn đấu vươn lên trong giáo dục nhằm hỗ trợ mọi thanh niên, thiếu niên Australia phát triển các năng lực cốt lõi, để họ trở thành những người học thành công, những cá nhân tự tin và sáng tạo, những công dân hiểu biết và tích cực.

Nội dung dạy học được tổ chức thành 8 lĩnh vực học tập và 3 vấn đề ưu tiên xuyên suốt các lĩnh vực đó.

Singapore đã xem chương trình giáo dục và SGK phổ thông là những công cụ chủ chốt để tạo nên con người tự tin, tích cực và có trách hiệm với các giá trị cơ bản là có cá tính, biết quản lí bản thân và xã hội, biết giao tiếp và hợp tác, biết tư duy, sáng tạo và áp dụng kiến thức vào đời sống thực tiễn. Chương trình giáo dục phổ thông được thiết kế và tổ chức thực hiện thwo hướng tăng cường tích hợp các môn học khác nhau (môn Khoa học, Công nghệ...)

"Có thể nói, xu hướng xây dựng, chương trình, biên soạn SGK theo hướng phát triển năng lực đang phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước tiên tiến, nhằm đáp ứng những đòi hỏi và thách thức của xã hội hiện đại" - PGS.TS Trần Đức Tuấn kết luận.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top