Những điều cần lưu ý để “rinh” trọn điểm Toán

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Học sinh phải nắm chắc kiến thức


Đề thi minh họa môn Toán có nhiều câu hỏi lạ nhưng mà hay và sinh động đòi hỏi học sinh phải tư duy. Vì vậy ngay từ bây giờ các em phải luyện tập nhiều các dạng bài thi dưới dạng trắc nghiệm, nhất là những bài liên quan đến thực tiễn.

Trong đề thi đã có những câu hỏi về những bài toán ứng dụng trong thực tiễn, những câu hỏi liên môn, có vận dụng kiến thức vật lý, hình học, bất đẳng thức để giải quyết các bài toán trong thực tiễn nên đòi hỏi học sinh phải nắm chắc, hiểu bản chất các định nghĩa, định lý mới có thể đưa ra đáp án đúng.
Theo đó, giáo viên cũng phải giải thích cho các em học sinh hiểu cặn kẽ bản chất của các vấn đề để các em có thể vận dụng vào việc giải toán.

Đặc biệt, đề thi có đến 4 câu hỏi liên hệ thực tiễn rất hay, chưa xuất hiện ở đề thi Toán tự luận của những năm trước. Cả 4 câu này đều thuộc mức độ khó, mất nhiều thời gian để giải như: bài toán về lãi suất, ứng dụng nguyên hàm trong bài toán chuyển động… sẽ là nội dung mà các bạn học sinh nếu muốn "rinh" điểm 9, 10 về cho mình thì cần đặc biệt chú ý ôn luyện.

Trong đề thi có nhiều câu học sinh có thể sử dụng máy tính để tìm kết quả nhưng không nhiều, chủ yếu rơi vào phần tích phân và số phức. Học sinh cần làm quen với việc dùng máy tính bỏ túi giải toán, tăng tốc độ làm bài để quen với tiến độ thời gian.

Học sinh giỏi, (ở mức từ điểm 8 trở lên) sẽ được phân loại khoảng 10 câu hỏi, đặc biệt là các câu hỏi yêu cầu học sinh hiểu bản chất kiến thức như: tiệm cận, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, bài toán yếu tố thực tế như: lãi ngân hàng, chuyển động, thể tích…

Để làm tốt đề thi năm nay, học sinh phải học rất chắc kiến thức và học rộng, nhưng không cần tập trung những phần quá khó.

Rèn luyện những kỹ năng cần thiết

Với đề thi này, thay vì luyện giải toán ở dạng trình bày ghi chép cẩn thận, các em cần thay đổi cách học mới. Theo đó, 3 kỹ năng cần luyện kỹ gồm: có thói quen suy đoán để phân tích chọn lựa đáp án đúng, suy nghĩ nhanh để phản xạ nhanh và các thao tác làm bài phải được luyện tập nhiều.
Học sinh cần chú ý nhiều hơn đến việc ứng dụng và vận dụng kiến thức Toán vào đời sống kinh tế, môi trường sống, dân số, các chỉ số xã hội…Trên cơ sở đó phối hợp với các phương tiện hỗ trợ như máy tính cầm tay, phần mềm hỗ trợ môn Toán; rèn luyện kỹ năng phân tích loại trừ.

Với đề thi trắc nghiệm môn Toán và những lưu ý như trên, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản theo chương trình lớp 12, ôn bao quát các vấn đề kiến thức, không nên bỏ qua phần nào.

Học sinh cũng cần thay đổi cách tư duy từ làm tự luận sang làm bài trắc nghiệm, tìm tòi các phương pháp tư duy nhanh cho từng dạng bài toán để có thể làm kịp thời gian.

Đồng thời, các em cần chú trọng việc rèn thường xuyên với các bài tập trắc nghiệm để quen với các dạng câu hỏi, hình thành được các phản xạ tư duy và các phương pháp giải nhanh cho chính mình, từ đó không bị bị động trong quá trình làm bài.

Để chuẩn bị tốt cho kì thi tới học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản thuộc phần kiến thức lớp 12, thành thạo giải các dạng toán thường gặp, hình thành các kĩ năng, tư duy giải nhanh, thành thạo và tận dụng tốt công cụ tính toán nhanh bằng máy tính. Nếu muốn đạt mục tiêu lấy trọn điểm, các em cần chú trọng thêm các dạng toán gắn liền với thực tiễn.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top