Những cô giáo của đổi mới, sáng tạo

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Các cô luôn tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng với học sinh và không ngừng tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện để có những giờ lên lớp đạt hiệu quả cao nhất.

Kho tư liệu bài giảng E-Learning

Vừa là đoàn viên thanh niên, nay là Chi ủy viên, cô Lại Thùy Dương - GV Trường Tiểu học Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) luôn tâm đắc với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người thầy phải là kiểu mẫu cho các cháu”. Vì thế, cô luôn trăn trở, tìm tòi, đổi mới để có những giờ lên lớp lý thú cho học trò. Theo đó, cô chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. Cụ thể, cô đã ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các bài giảng E-Learning, tạo hứng thú cho HS, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

“Phân môn Lịch sử thường làm khó HS nên tôi đã xây dựng rất nhiều bài giảng E-Learing hay ở phân môn này nhằm tạo cho các em niềm đam mê, yêu thích và hứng thú học tập. Khi học bằng bài giảng E-Learning, HS được làm các bài tập tương tác, được xem các hình ảnh, video về các mốc thời gian, nhân vật lịch sử, diễn biến các trận đánh. Ngoài ra, hệ thống các bài tập được củng cố bằng các trò chơi hấp dẫn và hệ thống kiến thức bằng bản đồ tư duy. Điều này giúp các em nắm chắc kiến thức và yêu thích môn học hơn” - cô Dương chia sẻ.

Ngoài việc thiết kế các bài giảng E-Learning tạo thành một kho tư liệu và đưa vào giảng dạy ở các khối lớp, cô giáo Lại Thùy Dương còn viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm từ thực tế giảng dạy. Tiêu biểu là “Một số kinh nghiệm giúp giáo viên xây dựng bài giảng E-Learning từ bài PowerPoint” và “Một số biện pháp xây dựng bài giảng E-Learning từ bài PowerPoint đạt hiệu quả cao”. Hai đề tài này được Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá cao và được đồng nghiệp học hỏi, đưa vào áp dụng có hiệu quả trong dạy học.

Cô Dương đã truyền cảm hứng và lan tỏa kinh nghiệm xây dựng bài giảng E-Learning cho các đồng nghiệp trong trường cũng như trên địa bàn huyện Đông Anh bằng những buổi hướng dẫn, tập huấn. Ngoài ra, cô trực tiếp chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế về cách làm bài giảng E-Learning như: Cách cắt ghép phim, cách làm bản đồ tư duy… giúp đồng nghiệp có thể xây dựng được nhiều bài giảng hay.

Trong công tác chủ nhiệm, cô Dương luôn dành sự tâm huyết, thương yêu học trò của mình. Trong mỗi hoạt động ngoài giờ lên lớp, cô đã tổ chức rất nhiều hoạt động sáng tạo giúp học sinh phát triển kĩ năng mềm và phát triển toàn diện. Cô đã biến những giờ sinh hoạt lớp trở thành ngày hội với nhiều hoạt động giáo dục có ý nghĩa như: Thi Olympic; Ai nhanh ai đúng, thi văn nghệ, biểu diễn thời trang, rung chuông vàng, hùng biện theo chủ đề… Qua đó, giúp HS tự tin và phát triển kỹ năng sống.

Truyền cảm hứng bằng khoa học

Vừa là đảng viên trẻ và là đoàn viên thanh niên nên cô Trần Thanh Thủy – GV Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trao thi đua của trường cũng như của ngành Giáo dục. Cô tâm sự: “Với tôi, dạy học không chỉ đơn thuần là một công việc mà còn là sự đam mê. Sống với nghề, gắn bó với nghề, tôi muốn đem tri thức đến học trò, truyền cho các em niềm tin khoa học và niềm tin vào lẽ sống, vào tương lai. Sứ mệnh cao cả ấy là niềm vinh quang của nhà giáo chúng tôi”.

Được biết, cô Thủy tốt nghiệp loại Giỏi ngành Vật lý - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trước khi là giáo viên, cô từng là nghiên cứu viên Vật lý. Vì thế cô luôn biết cách truyền cảm hứng học tập đến học trò, khiến các em yêu thích môn Vật lý, thông qua những câu chuyện về khoa học và những thí nghiệm trực quan…

Theo cô Thủy, xã hội của thế kỉ XXI dựa vào tri thức, vào tư duy sáng tạo và tài năng sáng chế của con người. Vì thế trong môi trường học đường, cần đưa học sinh vào vị trí chủ thể hoạt động nhận thức, thông qua hoạt động tự lực của bản thân mà chiếm lĩnh kiến thức, phát triển năng lực trí tuệ. Đối với các môn khoa học thực nghiệm nói chung và môn Vật lý nói riêng thì việc đổi mới gắn liền với việc tăng cường sử dụng thí nghiệm trong quá trình dạy học. Xuất phát từ thực tiễn đó, cô Thủy nhận thấy, cần thiết phải chú trọng vào thiết bị dạy học nói chung và thí nghiệm vật lý nói riêng.

Theo đó, cô Thủy đã có những sáng kiến kinh nghiệm nhằm thiết kế, nâng cao chất lượng các bộ thí nghiệm Vật lý trong chương trình phổ thông như “Cải tiến bộ thí nghiệm quang hình học”; Nghiên cứu thiết kế bộ thí nghiệm “Khảo sát hiện tượng quang điện ngoài sử dụng LED công suất cao”; Phương pháp giảng dạy tích cực bài “Các dạng cân bằng. Cân bằng của vật có mặt chân đế”... Đặc biệt, cô Thủy còn là đồng tác giả của báo cáo khoa học về thiết kế mới của bộ thí nghiệm hiện tượng quang điện: “New design of photoelectric effect experimental setup using high power LED as excitation sources” và cô là người trực tiếp trình bày báo cáo tại Hội nghị Vật lý chất rắn toàn quốc.

5 năm gắn bó với bục giảng và với những nỗ lực của bản thân, những thành tích đã được ghi nhận, cô Thủy vinh dự được nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017 - 2018.


Là một giáo viên trẻ, cô Trần Thanh Thủy luôn tự hứa với lòng mình: Dạy học bằng cả trái tim. Cô sẽ tích cực lao động bằng sự tâm huyết của mình, bởi cô tâm niệm, có lao động thì mới có sáng tạo, nhất là đối với nghề dạy học.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top