Những bài học kỹ năng đáng yêu

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Với chương trình dạy học lấy trẻ làm trung tâm, tùy theo từng độ tuổi, nhà trường chủ trương trong mọi hoạt động phải làm sao hướng tới hình thành cho trẻ các kỹ năng xã hội, kỹ năng tương tác tích cực với cộng đồng.

Bé học đi chợ, làm bánh

Sau nhiều lần tổ chức cho bé đi chơi rồi mua sắm đồ ở siêu thị, trường mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã mạnh dạn cho trẻ đi chợ ở ngay gần trường dưới sự giám sát của cô giáo. Cả một góc chợ, nơi bán rau củ quả sinh động hẳn lên vì sự có mặt của những khách hàng nhí.

Có bé chọn mua cà chua, dưa chuột, có bé chọn rau mồng tơi, bí đỏ, thậm chí có nhiều bé còn chọn mua ớt, hành tím… Cô Vy Lan - giáo viên chủ nhiệm lớp Nhỡ - cho biết: “Mỗi cháu được bố mẹ cho sẵn 10.000 đồng, các cháu sẽ tự lựa chọn mua đồ theo ý thích riêng của mình. Giáo viên chỉ phải lưu ý để tách các cháu thành từng nhóm nhỏ, tránh việc một nhóm nhiều cháu tập trung mua ở một hàng sẽ hạn chế sự tương tác của các cháu”.

Sau mỗi buổi chợ, giáo viên đều ghi sẵn tên của trẻ lên mỗi túi đồ, cuối ngày, các bé sẽ nhận lại để đưa về cho gia đình.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng trường Mầm non Bình Minh - chia sẻ: “So với tổ chức cho trẻ đi siêu thị thì việc cho trẻ đi chợ có rất nhiều khác biệt. Ngoài việc rèn cho trẻ về lễ giáo như phải gửi tiền cho người bán hàng bằng hai tay, thì qua cách thưa gửi, trẻ còn có cơ hội phát triển ngôn ngữ, các cháu phải diễn đạt được mình muốn mua cái gì chứ không chỉ đơn thuần đến kệ lấy hàng cho vào giỏ”.

Cô Thư Trâm cho biết, giáo viên các lớp chỉ cần đăng ký lịch tổ chức cho học trò đi chợ, nhà trường sẽ bố trí thêm một người trong ban giám hiệu và cử thêm bảo vệ đi cùng để tăng cường giám sát, quản lý học sinh. “Tuy có vất vả cho nhà trường và giáo viên nhưng trẻ lại có cơ hội tương tác được rất nhiều, các cháu tự tin hơn và cũng biết thêm các kỹ năng sinh hoạt tập thể, tìm hiểu được môi trường xung quanh.

Chị Phạm Thị Mai Hương, có con học lớp Nhỡ kể: “Dù đã được đi siêu thị nhiều lần với ba mẹ, thế nhưng, lần đầu tiên được tự tay đi chợ lựa chọn thức ăn, bé nhà mình phấn khởi lắm, về nhà cứ khoe suốt. Bé cũng hào hứng ăn canh rau vì “rau này là con mua được” chứ không lười ăn như trước đó”.

Trong các hoạt động ở lớp, trường Mầm non Bình Minh cũng tổ chức cho trẻ học làm bánh, pha nước chanh, làm sinh tố bơ, xoài rồi hít hà thưởng thức thành quả lao động của chính mình… Trong khoảnh vườn nhỏ của trường, ngoài chăm sóc những luống rau, trẻ còn hồi hộp xem mầm cây lớn lên từng ngày từ hạt đậu mà các cháu gieo trồng, thú vị khi xem gà đẻ trứng hồng.

Khó có thể tả hét niềm hân hoan, háo hức của trẻ nhỏ khi có điều kiện tiếp xúc và tương tác với môi trường bên ngoài lớp học. Cô Thư Trâm nhận xét: “Trẻ học được rất nhiều từ những buổi học bên ngoài lớp học như thế. Các cháu đặt rất nhiều câu hỏi, có lúc cô giáo không kịp trả lời thế nên đây cũng là cơ hội để phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Có khi học ở trường cả tuần cũng không bằng đưa các cháu đi ra ngoài một ngày”.

Tương tác với phụ huynh học sinh

Mỗi năm học, trường Mầm non Bình Minh đều có ít nhất một lần mời phụ huynh tham gia một tiết học cùng con ở trường. Ngoài ra, trong các hoạt động như Ngày hội tái chế, Học kỳ quân đội…, nhà trường đều có những tiểu mục để phụ huynh cùng tham gia. Từ sáng kiến tổ chức giao lưu, tương tác với phụ huynh, theo như cô Thư Trâm, nhà trường có cơ hội tuyên truyền cùng phụ huynh cách để trẻ hình thành các kỹ năng như tự phục vụ cũng như các kỹ năng xã hội.

Theo cô Thư Trâm, sự tương tác giữa phụ huynh - giáo viên và nhà trường có tác động rất tốt để trẻ được phát triển toàn diện. Chính sự đồng thuận cao của phụ huynh mà nhà trường đã mạnh dạn tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm, tự khám phá tìm hiểu, phát huy tính tích cực, khả năng độc lập, sáng tạo và vốn ngôn ngữ cho trẻ…

Cô Thư Trâm cũng cho biết, các bé ở trường Mầm non Bình Minh đều được ăn buffet mỗi tháng một lần tại trường. Nhìn những bé 3-4 tuổi đã biết xếp hàng chờ đến lượt mình, không lấy quá nhiều thức ăn cho mình mới thấy bài học “học ăn, học nói, học gói, học mở” phải được rèn luyện từ khi còn nhỏ. Các bé lớp Nhỡ, lớp Lớn còn được cô giáo tập ăn bằng đũa.

Những bài học mà các cô giáo dày công tập luyện cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ như cách tự ăn uống, tự thay áo quần, cho áo quần bẩn vào túi bóng, bỏ vào ngăn cặp của bé, tự đi giày dép, tự vệ sinh cá nhân sau khi ăn, tự gấp chăn sau khi ngủ dậy… sẽ vẫn được duy trì lúc trẻ sinh hoạt ở nhà, tạo thành một thói quen tốt cho các con sau này.

Với chủ trương lấy trẻ làm trung tâm, các hoạt động tập thể của trường Mầm non Bình Minh không chú trọng đến giải thưởng để “vừa tránh áp lực cho giáo viên, giúp họ tập trung toàn lực cho trẻ, vừa để tất cả các cháu đều cùng được tham gia”. Giáo viên có thể đề xuất tất cả các sáng kiến của mình với Ban giám hiệu nhà trường, nếu thấy có khả năng nhân rộng ra toàn trường, nhà trường sẽ tổ chức cho tất cả các lớp thực hiện, hoặc có thể chỉ thực hiện ở quy mô từng lớp học.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top