Nhỏ ơi !!!

cohonnhien

Thành viên
#1
Bông tuyết bên ngoài đang bay bay, trắng xóa, gợi cho ta hình ảnh của nhỏ ngày ấy . Tự nhiên, đêm nay ta nhớ nhỏ quay quắt và kỷ niệm cứ thế tràn về trong ta, lũ lượt.
Nhỏ nhỉ, ta và nhỏ có cả 1 núi kỷ niệm hồn nhiên, ngây thơ và vô số tội . Nhà nhỏ sát cạnh nhà ta, lại cùng độ tuổi, thảo nào "đeo dính với nhau như sam" - lời bà ngoại ta đó. :) Ta còn nhớ, nhiều buổi trưa hè nóng ơi là nóng, ta và nhỏ rủ nhau trốn ngoại, không thèm ngủ trưa để trèo lên cành mận của bà hàng xóm. Hai đứa nằm vắt vẻo trên tàn cây với tay bẻ từng chùm mận, rồi đem chấm với gói muối ớt nhỏ mang theo, nhai ráu ráu . Nhìn vào ai cũng tưởng là cây mận kia thuộc sở hữu của hai đứa mình. Để rồi, đi đêm phải gặp ma, có một buổi trưa, ta và nhỏ quen lệ chun rào, trèo tót lên tàn cây mận nằm vắt vẻo và cười khúc khích. Chợt đâu nghe tiếng tằng hắng ở dưới, dòm xuống thì thấy bà hàng xóm đang đứng nhìn lên. Làm sao diễn tả cái tâm trạng của ta và nhỏ nhỉ. Hai đứa chỉ mới có 9 tuổi, mặt mày xanh lè xanh lét đến độ bà hàng xóm lo rủi ta và nhỏ chết giấc (vì sợ) nên lật đật cho cả hai đứa đi về mà không trách 1 tiếng nào . Hú hồn thiệt.
Rồi vài năm về sau, khi ta vào độ tuổi 12, ông ngoại ta bắt ta bước vào con đường nghệ thuật như 1 lối uốn luyện tính tình quá ư con trai của ta, ta đi học dương cầm. Ta không phản ứng vì đâu biết cái gì để mà phản ứng đâu . Chỉ biết ù té chạy sang nhà nhỏ báo cho nhỏ hay cái tin giật gân này . Nhỏ nghe xong nhe răng ra cười với ta và nói "ta đi học với nhe". Ta làm ngon gật đầu nghe cái cụp. Hai đứa mình lúc ấy coi trời bằng vung. Cứ đứa xướng đứa họa, đưa nhau cùng bay bỗng lên trời, để rồi rớt 1 cái bịch xuống đất. Tỉnh. Nhỏ chạy vô nhà hỏi Mẹ nhỏ để được đi học đàn với ta . Nhưng mẹ nhỏ hình như đã không bằng lòng, nên ta thấy nhỏ bước ra ngoài với ta bằng cặp mắt hoe hoe đỏ và ướt. Ngày đầu tiên ta bước vào lớp dương cầm, cũng chính là lần đầu tiên ta đi học mà thiếu bóng nhỏ bên cạnh. Ta chợt thấy sợ hãi, bơ vơ vô cùng. Năn nỉ ngoại cho ta về, nhưng ngoại cương quyết dẫn ta vô . Ngày học đầu trôi qua thật chậm chạp. Ta chỉ mong hết giờ để về kể cho nhỏ nghe cảm giác của ta khi đặt bàn tay nhỏ bé vào hàng phím trên chiếc dương cầm. Ngoại dẫn ta vừa vào đến ngõ thì ta đã thoát ra khỏi vòng tay ngoại để chạy đâm bổ vào nhà nhỏ. Nhưng ba nhỏ đã cười cười và nói với ta là nhỏ đi học vẽ chưa về. Nhỏ học vẽ ??? Lạ nhỉ, ta có bao giờ nghe nhỏ nói chuyện này đâu nè ? Thấy ta còn sững người đứng đó thì ba nhỏ nhẹ nhàng bảo ta rằng nhỏ có khiếu vẽ từ bé, nên ba mẹ nhỏ nhất định để nhỏ phát triển khả năng của nhỏ trong hội họa . À thì ra là vậy, ta cười khoe hàm răng sún với ba nhỏ rùi chạy về nhà. Tối đó, nhỏ còn nhớ hai đứa mình làm gì không hả thiệt là tức cười, mới có 12 tuổi đầu, đi học đàn với đi học vẽ, mà ta với nhỏ cứ làm như là một biến cố quan trọng trong lịch sử :). Nhỏ và ta cùng hứa với nhau sẽ ráng học hết sức để vượt trội và đè đầu bạn bè trong lớp. Cũng vẫn là tật hiếu thắng mà ta và nhỏ đều có.
Từ đó, sau những buổi học ở trường và những giờ ta học đàn nhỏ học vẽ, nhỏ thường sang rủ ta đi vào tận cùng con hẻm nhỏ. Nơi có con suối trong vắt nhỏ xíu nằm bắt ngang đường, nhỏ đặt giá vẽ và hý hoáy mãi . Ta thì cởi dép ra, xắn quần cao quá gối để lội nước bì bõm. Lội chán chê, ta bò lên cạnh nhỏ để xem nhỏ vẽ, dể rồi nhiều lúc bắt chước nhỏ ta cũng tập tành vẽ vời đôi chút. Nhưng sao kỳ ghê đi . Tranh nhỏ vẽ dòm sống động ghê, còn tranh ta vẽ cứ y như người ta lấy cả chục loại màu khác nhau tưới lên trang giấy . Nhỏ nhìn tranh ta và đùa bảo tranh của ta chỉ dùng ở cõi trên, con mắt người phàm tục không thể nhìn thấu được. Nhìn tranh nhỏ và nghe lời mẹ nhỏ tự hào khi nói chuyện với ngoại ta, ta biết nhỏ đã không phụ với lời hứa của nhỏ với ta hôm nào . Nhỏ đã vượt trội .
Ta nhìn sự cố gắng nơi nhỏ mà vươn lên. Và để rồi, ngày thi cuối khóa đầu tiên của lớp dương cầm, ta đem về cho nhỏ lời hứa của ta: ta dẫn đầu lớp. Ngoại sung sướng lắm, cứ vỗ đầu khen ta có khiếu . Tối đó Ngoại bàn với Mẹ ta sẽ bán đi lứa heo vừa ra đời để mua cho ta một cây đàn dương cầm nho nhỏ đặt tại nhà. Từ lúc có đàn tại nhà, ta học khá lên thấy rõ. Trong ta lúc bấy giờ nẩy sinh một sự đam mê tột cùng. Ta thả hồn mình vào từng nốt nhạc, từng phím đàn. Bao giờ cũng vậy, nhỏ luôn ngồi bên ta để nghe, thưởng thức và đánh giá. Chẳng hiểu sao nhỏ không học đàn nhưng lại hiểu rất rõ cảm xúc của ta qua từng nốt nhạc. Hôm nào ta chơi rời rạc, nhỏ trách ta không tập trung. Trái lại hôm nào ta say sưa đàn, mãi miết, nhỏ lại im lặng ngồi nghe, để rồi an ủi ta, vì biết ta có chuyện buồn. Lúc vui, lúc buồn, ta không cần nói ra, vậy mà nhỏ thâu tóm được cả, hay thật !!!
Thấm thoát thời gian cứ trôi qua, ta và nhỏ cũng lớn dần. Ngày mà nhỏ nhận được giấy báo tranh của nhỏ được chiếm hạng nhất trong cuộc thi "Tranh tự chọn" của thanh thiếu niên toàn quốc, cũng là ngày ta hồi hộp theo Ngoại bước vào cuộc thi tuyển sinh của trường Quốc Gia Âm Nhạc thành phố. Thi xong ta ra về để vui chung niềm vui của nhỏ lẫn trong sự hôi hộp đợi chờ kết quả của chính ta . Những ngày ấy ta ngồi đứng không yên, hết ra lại vào . Nhỏ cũng chẳng kém ta, cũng bị ta lây cho cái hồi hộp vào người, làm cho đôi khi nhỏ cáu lên cả với chính ta "mi đừng đi đi lại lại nữa, ta sắp phát điên rồi" Ta phì cười ngồi xuống, bây giờ đến phiên nhỏ đứng lên và.... đi đi lại lại . Chiều hôm đó, Ngoại ta đi coi kết quả về. Khi bước vào nhà, Ngoại đã cười to sung sướng và xoa đầu ta, Ngoại nói "Cháu gái Ngoại giỏi ghê" Ngoại ôm cả ta và nhỏ vào lòng, một già hai trẻ với một niềm vui chung. Niềm hãnh diện vô bờ.
Nhỏ nè, nhỏ còn nhớ không huh? Suốt 9 năm trời dưới mái trường phổ thông, ta và nhỏ như cặp bài trùng. Năm nào cũng cùng lớp, cùng bàn. Nhớ mùa thi tốt nghiệp không nhỏ ??? Ta với nhỏ bỏ cả dương cầm và giá vẽ cả tháng trời để gạo bài . Sân thượng nhà ta biến thành chỗ cho ta và nhỏ bày là liệt những sách vở và đồ ăn. Không sao bỏ được thói ăn hàng nhỏ nhỉ :) Ta và nhỏ cứ lẩm nhẩm học được vài câu lại với tay chộp ngay vài trái sơ-ri bỏ vô miệng nhai chóp chép. Để rồi chỉ lát sau thì phun phèo phèo những hạt sơ-ri xuống mái tôn nhà hàng xóm. Bánh kẹo ăn xong, bóc vỏ, ta và nhỏ cứ thế thi nhau xả rác xuống mái tôn nhà bên cạnh. Ta nghĩ, nếu như 1 năm có chừng vài bận thi tốt nghiệp như lúc ấy có lẽ cái mái tôn bên hàng xóm nhà ta bị xụm bà chè quá đi mất. Mà không xụm sao được với sức xả rác tàn khốc như ta và nhỏ thời ấy . Chắc có lẽ nhờ đồ ăn và mấy ông bà bán hàng rong phù hộ, cả ta và nhỏ đều vượt qua kỳ thi một cách suông sẻ. Mùa hè năm ấy đối với hai đứa mình vui thiệt nhỏ nhỉ ? Cứ mỗi sáng nhỏ đèo ta đi học nhạc rồi nhỏ vào trường vẽ, trưa đến ta chở nhỏ về nhà. Chiều lại, chờ cho Ngoại vừa qua hàng xóm đánh cờ, ta réo nhỏ 1 tiếng thì đã thấy nhỏ to te chạy ra với giá vẽ trên tay và hộp màu kẹp nách. Ta đèo nhỏ ra vùng ngoại ô thành phố. Nơi mà không có những ồn ào của tiếng động cơ xe máy, nơi không có bon chen giành giựt của miếng cơm manh áo, nơi mà nhỏ có thể đặt hết tâm hồn vào từng nét cọ, nơi mà ta có thể ngồi hàng giờ ngắm nhìn tác phẩm của nhỏ với sự khâm phục khôn cùng. Để rồi những ngày mưa bất chợt tầm tả, nhỏ nhớ mà phải không hả ? Mưa mùa hạ ở Sài Gòn bao giờ cũng dai dẳng và bất chợt đôi khi phát ghét. Những ngày đó, nhỏ chạy tọt qua nhà ta bảo ta đàn cho nhỏ nghe . Cùng với nhỏ, ta thả hồn vào từng nốt nhạc, khi trầm khi bỗng, thanh thoát lạ thường.
Mùa hạ lại qua đi để cho ta và nhỏ háo hức lẫn rụt rè trong tà áo dài trắng đến trường cấp ba hôm khai giảng. Năm nay, ta và nhỏ không có dịp chung lớp để được chung bàn nữa rồi . Ta biết nhỏ buồn, và ta cũng buồn nữa . Ta dắt xe vào trường, nhỏ đi bên cạnh ta, bàn tay nắm chặt tay ta . Tà áo dài e ấp thẹn thùng. Ta không dám dòm ngang, nhỏ cũng chẳng màng liếc dọc. Gởi xe xong, ta và nhỏ đành rời nhau dể ta tìm lớp ta, nhỏ theo lớp nhỏ. Ta lang thang trong sân trường, bàn tay thiếu sự nắm níu của nhỏ... bơ vơ lạ lùng.
Vậy mà rồi nhỏ lại quen nhiều bạn mới hơn ta . Nhỏ hòa nhập nhanh hơn ta với tập thể lớp của nhỏ. Ngày đầu tiên về, trên đường đi, nhỏ tíu tít cùng ta những điều ngồ ngộ xảy ra trong lớp. Ta vui cùng niềm vui của nhỏ, niềm vui của cái thưở chập chững bước vào đời . Ngày tháng qua đi, thoắt cái mà Noel đã lại về. Nhỏ nhớ không huh? Mùa Giáng Sinh năm đó hai đứa nắm tay nhau dung dăng dung dẻ trên các con lộ lớn dẫn tới nhà thờ Đức Bà. Nhỏ nhìn dòng người xuôi ngược trên đường cùng ta bình phẩm rồi lại bá vai ta cười khúc khích. Nhỏ cười toe khi ta chạy đến bên xe bong bóng mua về cho nhỏ một chiếc bong bóng bay hình con thỏ màu hồng nhạt. Nhỏ cũng bắc chước ta, mua tặng lại cho ta chiếc bong bóng hình con voi to tướng. Ta nhìn nhỏ rồi nhìn ông bán bong bóng, hai đứa khi không bỗng ôm nhau cười như có ai thọc lét. Ta nhìn lên thấy bác bán bóng đang đưa đôi mắt ngạc nhiên chăm chăm nhìn vô ta và nhỏ như thể ông ta đang thấy hai con nhỏ điên mới trốn ra từ một nhà thương nào vậy . Chán chê, ta rủ nhỏ chui vào thảm cỏ ngay trước cổng nhà thờ nằm lăn ra đếm sao đêm. Chợt ta nghe tiếng nhỏ ước ao "giá như bây giờ tuyết rơi mi nhỉ". Ta bật cười thành tiếng bảo nhỏ "trời Sài Gòn này mà mong có tuyết hả cưng, còn lâu". Nhỏ quay sang ta và rủ "thôi đi mua cà rem nghe ?" Hai đứa lon ton đi lại xe cà rem đang đậu bên góc đường, mỗi đứa một cây, cứ thế mà vừa đi vừa mút. Chợt nhỏ bảo ta phóng thích hai chiếc bong bóng đi . Ta gật đầu thế là chú thỏ hồng và chàng voi xám to tướng kia từ từ bay bỗng lên trời mang theo tiếng cười trong vắt như thủy tinh của ta và của nhỏ. Vẳng lại quanh đó là tiếng chuông đổ dồn của nhà thờ.
Ngày hay tin ta sắp đi xuất cảnh, nhỏ sang chúc mừng ta với thái độ vui vẻ nhưng bình thường. Nhìn sâu vào mắt nhỏ, ta hiểu nhỏ cố gượng vui để ta an lòng ra đi . Nhỏ có nhớ buổi sáng trước ngày ta ra sân bay không nhỉ ? Mờ đất là nhỏ đã lôi ta ra khỏi giường bảo ta thay đồ nhỏ dẫn đi chơi . Tưởng đi đâu, thì ra nhỏ dẫn ta lại con suối thuở bé ta và nhỏ ươm đầy kỷ niệm. Nhỏ dặn dò ta những gì nhỏ biết, nhỏ khuyên ta ráng công thành danh toại . Hai đứa ngồi suy tư bên bờ suối, bỗng dưng ta thấy nhỏ chợt đứng phắt dậy và chạy một mạch đi . Lát sau nhỏ quay lại với giá vẽ và hộp màu nước trên tay . Nhỏ nhớ lúc đó nhỏ nói gì với ta không nè ? "mi cứ ngồi mơ mộng đi, đừng lo cho ta". Ta lại tiếp tục hình dung mình trong những ngày sắp tới . Những ngày mà mọi thứ ta đều phải khởi đầu trở lại từ số không tổ bố. Lát sau, tiếng đằng hắng khe khẽ của nhỏ kéo ta về lại với thực tế, nhỏ chìa bức tranh vừa vẽ xong cho ta coi . Thì ra nãy giờ nhỏ vẽ ta há. Nét vẽ nhỏ hôm nay xuất thần thiệt. Hình ảnh ta ngồi bó gối bên lòng suối phơi bày toàn bộ tậm tư ta vào đó. Bên dưới góc bức tranh có hàng chữ nhỏ còn chưa khô nét màu "thương tặng mi". Đơn sơ, thật đơn sơ nhưng với ta, với nhỏ là cả mười mấy năm của tình bạn.
Tối hôm đó, ngồi bên ta ngoài sân thượng, nhỏ cười cười bảo ta "nè, mai ta không đưa nhỏ ra sân bay đâu nha, ta muốn nhỏ nhớ ta và giận ta đó" ta quay lại và thấy mắt nhỏ bỗng đỏ hoe lên. Vội vàng chuyển đề tài, ta kéo nhỏ vào trong phòng và bật nắp cây đàn lên, dạo khẽ bài Hoài Cảm - cái bài ruột mà hai đứa đều mê . Cung đàn ta hôm nay hình như thanh thoát, bay xa theo tiếng hát có chút gì nghèn nghẹn của nhỏ. Chưa xong bài mà nhỏ đã đứng lên nhét vội vào tay ta chiếc khăn tay, nhỏ ra về không nói câu từ biệt. Ta đóng nắp cây đàn, vuốt ve lần cuối rồi cột vào nó một dãi lụa hồng với dòng chữ "Thương trao về nhỏ vật quý nhất của ta". Ta nhờ Ngoại sáng mai sau khi gia đình ta đi khỏi hãy chuyển sang cho nhỏ như một sự bất ngờ cuối cùng trước lúc ta rời đất nước.
Tờ mờ sáng, gia đình ta ra đi, tuy không quay lại nhưng ta biết rõ phía sau rào dăm bụt có cái nhìn của nhỏ theo từng bước chân ta . Ta cũng không có can đảm để nhìn lại, bởi ta biết rõ nếu quay lại, ta sẽ mất đi sự can đảm mà ta ráng hết sức để lấy lại được sau khi từ giã Ngoại ... Và nếu, đôi mắt nhỏ...
Thời gian đầu trên mảnh đất này, ta bị sốc nặng nề, nếu không nhờ những động viên và an ủi từ những lá thư thường xuyên của nhỏ. Để rồi cũng tạm quen dần. Ta nhớ hôm ấy là ngày thi cuối cùng cho khóa học đầu tiên của ta trên đất Mỹ. Chạy ra xe bus ta nôn nao về nhà để viết thư cho nhỏ. Đến phòng, ngồi vội vào bàn, háo hức kể cho nhỏ nghe những khả quan trong bài thi của ta cùng sự tự tin là đã đè đầu tụi Mỹ con cùng lớp. Xếp lá thư lại cầm trên tay, ta đang lúi húi tìm con tem dán vào để đi gởi cho nhỏ thì Mẹ vào phòng chìa cho ta coi lá thư Ngoại gởi khẩn cấp hồi sáng. Cầm thư, ta mở ra đọc thật nhanh và... thảng thốt: nhỏ đã bỏ ta ra đi vĩnh viễn vào một thế giới khác vì chấn thương sọ não cấp tính. Ta muốn gào lên, hét to nhưng sao cổ ta như có gì nghèn nghẹn, môi ta mặn chát... ta khóc. Cầm lá thư của ông Ngoại trên tay cùng lá thư vừa viết - cũng sẽ là lá thư cuối cùng của ta cho nhỏ, ta quỵ xuống. Ta trách nhỏ thờ ơ, bỏ ta ra đi mà không nói một lời từ giã, nhỏ ơi nhỏ tệ thật là tệ đó.
Lúc đó, ta như suy sụp tinh thần hoàn toàn. Dù có Ba Mẹ và mọi người xung quanh an ủi, nâng đỡ, nhưng sao ta vẫn thèm có thêm được sự nâng đỡ từ nhỏ đến lạ lùng. Ba tháng trôi qua cho ta nguôi ngoai dần nỗi mất mát nhỏ trong ta . Lần tìm đến chiếc dương cầm, ta dạo lại bài nhạc của hai đứa năm nào - Hoài Cảm. Tiếng đàn ta hôm ấy kỳ lạ ghê, sao ta nghe như một sự chán chường, rời rạc trong từng cung bậc. Rồi ta lại nhớ về điển tích "Bá Nha-Tử Kỳ" ngày xưa, ta chợt hiểu . Tri âm của ta là nhỏ, vắng nhỏ tiếng đàn ta lạc lõng giững thinh không mất rồi nhỏ ơi . Từ dạo đó, ta rời xa cây đàn, rời xa phím nhạc.
Bông tuyết vẫn cứ bay bay hoài, nhỏ có nhìn thấy không nhỉ ? Thò tay ra ngoài cửa sổ, ta hứng vài những bông tuyết đang rơi trong lòng bàn tay rồi đưa lên miệng khe khẽ thổi . Gió bên ngoài bất chợt thốc mạnh vào tàn cây là tuyết bay tung tóe khắp mọi nơi . Ta chợt nghe lòng đang thầm nức nở : Nhỏ ơi !!!

MeoCon
Seattle 12/1996
 

Bình luận bằng Facebook

Top