Nhân thêm những mái trường Xanh - Sạch - Đẹp

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nhà báo Nguyễn Ngọc Nam - TBT báo Giáo dục và Thời đại (thứ nhất từ phải qua) - chào mừng các vị khách mời

CÁC VỊ KHÁCH MỜI:

1. Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội;
2. Cô Lê Mai Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội);

3. NGƯT Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội);

4. Cô giáo Nguyễn Thị Phượng - GV dạy giỏi cấp thành phố, Trường Mầm non Việt Bun (Hà Nội);


Công tác xây dựng trường học Xanh – Sạch - Đẹp đã được các trường học trên cả nước chú trọng triển khai từ nhiều năm nay: Trồng thêm cây xanh; vệ sinh môi trường trong lớp học, sân trường, khu vực xung quanh trường học; xây công trình vệ sinh, công trình cấp nước; giữ gìn nguồn nước sạch…

Ngành giáo dục cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường trong trường học, góp phần tăng cường tuyên truyền, phổ biến và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là công tác truyền thông về sử dụng, bảo quản công trình nước sạch, vệ sinh trong các trường học nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, nhân viên, nhà giáo, người học và cộng đồng.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động đưa nội dung truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường vào Chỉ thị năm học để chỉ đạo toàn ngành thực hiện, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về Nước sạch, Vệ sinh môi trường và ngày Môi trường thế giới hằng năm (5/6).

Thực hiện các chỉ đạo của ngành Giáo dục, vận dụng sáng tạo, mềm dẻo các sáng kiến triển khai chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học, Hà Nội hiện là một trong những địa phương có nhiều trường học khang trang, môi trường vệ sinh sạch sẽ - một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo sức khỏe của giáo viên và học sinh, nhằm tăng cường chất lượng môi trường giáo dục.

Nắm bắt được nhu cầu mong muốn trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu khoa học về nước sạch, vệ sinh môi trường trong các hoạt động chính khóa và ngoại khóa của các nhà trường, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Nhân thêm những mái trường Xanh – Sạch – Đẹp”.

Đúng 9h, buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Nam - Tổng Biên tập báo Giáo dục và Thời đại - tuyên bố lý do và cảm ơn các vị khách mời đã tham gia giao lưu cùng bạn đọc.


Nhà báo Nguyễn Ngọc Nam phát biểu mở đầu buổi giao lưu trực tuyến

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến

Tôi rất mừng khi năm học này Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo thực hiện nếp trực nhật. Phải chăng đây là chỉ đạo để tăng cường xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp từ việc nâng cao ý thức của mỗi học sinh? Tôi muốn hỏi thực tế triển khai việc học sinh trực nhật đang diễn ra như thế nào ở các nhà trường?
Thanh Xuân - Hà Tây, Hà Nội

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Việc cho học sinh trực nhật ngoài mục đích giữ gìn xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp còn mang lại nhiều giá trị khác như: Các em nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, có kỹ năng lao động, có ý thức giữ gìn của công, xây dựng tình đoàn kết, hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm, có thái độ làm việc độc lập, tự chủ, và có ý thức giữ gìn của công.

Chủ trương này được các nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh hoan ngênh và triển khai tốt.

Có phụ huynh đã tâm sự với tôi: Trước đây, khi con đi học về, cặp sách vứt trên ghế để bố cất, ăn xong bát để mẹ dọn. Thậm chí có những bậc cha mẹ sáng sớm còn bóp thuốc đánh răng cho con đánh răng, rồi trẻ còn không biết tự cài quai mũ bảo hiểm,...

Giờ đây, những việc này, các con dần phải tự làm.


Con tôi hiện nay đang học tiểu học ở Hà Nội. Phải nói thật là, chiều nào đón con, tôi cũng chứng kiến cảnh học sinh mua đồ ăn ngoài cổng trường và không ít em xả rác luôn ra đường. Tôi không biết có phải ra ngoài cổng trường thì không còn là trách nhiệm của nhà trường nữa hay không?

vucamtu@...

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:
Chào bạn, khi hình thành bất kỳ 1 kỹ năng hoặc thói quen nào cho học sinh đều cần tác động của 3 yếu tố: Gia đình - nhà trường - xã hội.

Việc học sinh không vứt rác ở ngoài cổng trường là do các con chưa nhận thức và hiểu hết được tác hại của việc vứt rác nơi công cộng. Bản thân người lớn chưa làm gương để các con nhận thức được việc đó.

Tôi cho rằng, vai trò và trách nhiệm giáo dục của nhà trường trong việc này là rất quan trọng, đặc biệt đối với các con lứa tuổi nhỏ. Nếu nhà trường đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục nhận thức và các thầy cô làm gương tốt cho các con thì hành vi của các con sẽ thay đổi tích cực và trở thành thói quen.

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:
Đó là hiện tượng đáng buồn và thường xuyên bắt gặp nhưng không nên đổ lỗi tất cả cho các con. Tôi cũng nhận thấy rõ ở ngoài đường phố, rất hiếm khi có được thùng rác công cộng ở những nơi cần thiết.

Nên chăng, các quán hàng cũng như chính quyền cần nhắc nhở việc đặt thùng rác tại những địa điểm phù hợp. Khi đó, tôi tin rằng, lúc đó học sinh sẽ không vứt thẳng rác xuống đường phố.


Xin hỏi cô Phượng, ở trường Việt Bun, môi trường có được đưa vào trong tiêu chí thi đua hay không? Tôi thấy trường mình dù rộng nhưng lúc nào cũng rất sạch sẽ, chắc Ban giám hiệu phải nghiêm khắc lắm thì mới giữ gìn được như vậy.

uyentran196@...

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Trường mầm non Việt Bun rất quan trọng vấn đề này nên nội dụng Môi trường được Ban Giám hiệu đưa vào kế hoạch của năm học, là một tiêu chí để đánh giá giáo viên, xét thi đua...

Nhà trường cũng luôn đi chấm các lớp có môi trường thân thiện, xanh - sạch - đẹp.

Do đó, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường luôn ý thức được vấn đề quan trọng này và thực hiện thường xuyên, liên tục.


Cảnh quan đẹp của Trường Mầm non Việt Bun
Tôi thấy nhìn chung ở các trường ngoài công lập, cha mẹ hay đóng tiền nhiều hơn mặt bằng chung để đảm bảo con cái không phải lao động như trực nhật, dọn vệ sinh chung... Với trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thì sao, thưa cô Nguyễn Thị Hiền?
Phan Thị Thảo – Huế

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:
Tôi quan niệm rằng, đóng góp của phụ huynh không đồng nghĩa với việc học sinh được "phục vụ đến tận răng". Nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục toàn diện cho học sinh, dạy các con biết chia sẻ và yêu thương.

Tại trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, các con được làm những việc đơn giản như tự phục vụ khi ăn uống, tự làm sạch đẹp trường, lớp.

Chúng tôi cho rằng, nếu học sinh đã được sinh ra trong những gia đình có điều kiện kinh tế thì việc giáo dục ý thức yêu lao động, trân trọng sức lao động của người khác là vô cùng quan trọng, cung cấp thêm hành trang cho các con vững bước vào đời.


Trường THPT Chu Văn An có khuyến khích học sinh nghiên cứu về môi trường hay không? Nếu các em có đề tài hay, nhà trường có sẵn sàng hỗ trợ kinh phí hay không?

nguyentuyetnhi@...

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:
Tất cả các đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có đề tài nghiên cứu về môi trường nhà trường đều có chế độ hỗ trợ kinh phí để động viên khuyến khích và phân công giáo viên đồng hành.


Giáo dục nước sạch, vệ sinh môi trường không phải là một môn học mà là một nội dung được tích hợp vào tất cả các hoạt động trong ngày của trẻ theo các chủ đề. Bản thân tôi thường gặp khó khăn trong việc chọn nội dung giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ theo từng chủ đề khác nhau, sao cho phù hợp với nội dung của chủ đề đó. Rất mong được cô Phượng chia sẻ cách chọn nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, làm sao để không nặng quá về nội dung hoặc tích hợp không phù hợp với nội dung chính của mỗi hoạt động?

xungdb@...

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Bản thân tôi thấy giáo dục môi trường rất gần gũi và ý nghĩa nên chủ đề nào tôi nghĩ cũng có thể lồng ghép được.

Ví dụ, chủ đề "Thế giới thực vật", lồng ghép dạy trẻ ý thức bảo vệ cây xanh từ việc hiểu và biết ý nghĩa quan trọng của cây xanh với con người..

Chủ đề "Gia đình", lồng ghép ý thức trẻ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, cất đồ dùng đồ chơi, lao động tự phục vụ..., khi chơi nấu ăn phải ăn hết suất và có ý thức vứt đồ phế thải sau sơ chế vào thùng rác...

Chủ đề "Giao thông", lồng ghép dạy trẻ ý thức không ném vỏ bánh kẹp, hộp sữa khi tham gia giao thông; không la hét nơi công cộng...

Chủ đề "Nghề nghiệp", có thể cho trẻ đóng vai bác lao công để trẻ được thực hành công việc vệ sinh môi trường...

Trong chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, tôi thấy khó khăn nhất chính là nguồn vốn để thực hiện xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh tại các trường. Không biết các trường ở Hà Nội có gặp khó khăn này không, thưa ông Hiệp Thống?
minhhuenguyen75@...

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Hà Nội có hơn 2.500 trường học, hàng năm, thành phố đã chi hơn 22% tổng chi ngân sách dành cho giáo dục. Bởi vậy, nguồn kinh phí thật sự không phải là khó khăn.

Hiện nay chúng tôi có hơn 50% trường đạt chuẩn Quốc gia. Trong đó, điều kiện vệ sinh nước sạch là bắt buộc cần phải thực hiện.

Tuy nhiên, để chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường bền vững thì phải có kinh phí bảo dưỡng và ý thức giữ gìn của các nhà trường...


Tôi làm công tác đoàn trong trường THPT và được giao nhiệm vụ tổ chức một hoạt động với mục đích nâng cao ý thức môi trường cho học sinh. Tôi đang làm kế hoạch để triển khai hoạt động này trong hơn 1 tháng nữa. Thật may có chương trình hôm nay để hỏi kinh nghiệm của Trường THPT Chu Văn An trong tổ chức các hoạt động này, làm sao thật hấp dẫn, thu hút học sinh mà vẫn đạt các hiệu quả về giáo dục?

Huỳnh Kim Xuân - Nam Kỳ, Quảng Nam

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:
Theo tôi, bạn hãy khảo sát thực trạng về môi trường về chính ngôi trường bạn đang làm việc. Từ đó, bạn sẽ xác định được việc thiết thực nhất mà mọi người cần chung tay hành động cho môi trường Xanh – Sạch – Đẹp, không cần nghĩ đến những điều to tát, mà hãy bắt đầu từ những việc làm cụ thể, phù hợp và hữu hiệu.

Muốn thuyết phục thanh niên, học sinh thì lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Bạn hãy gợi ý một số chương trình hành động rồi đi đến thống nhất. Trong các hoạt động thì nên sử dụng hình thức sân khấu hóa, và xây dựng các tiêu chí thi đua, khen thưởng...

Tôi có người bạn làm chuyên viên ở Sở GD&ĐT. Tôi thấy các anh chị ở đó hay được đi nước ngoài để tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm. Tôi muốn hỏi có đoàn công tác nào của Sở ra nước ngoài để học hỏi xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp không? Và những thu lượm đó áp dụng với các trường học Hà Nội như thế nào?
Nhữ Thị Hài - Bắc Quang, Hà Giang

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống trả lời câu hỏi của bạn đọc

Sở GD&ĐT Hà Nội không có nhiều đoàn được tham quan mô hình của nước ngoài.

Trước đây, mỗi năm chỉ có 1, 2 đoàn cán bộ quản lý được đi tham quan học tập kinh nghiệm. Trong đó có nội dung xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp.

Tuy nhiên, phải nói rõ, các nước khác xa với chúng ta về điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, đất đai, và ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân. Vì vậy, có nhiều điều cần phải học hỏi trong tương lai.


Việc tạo cảnh quan trong phòng học là việc làm vô cùng quan trọng. Nhưng hình như ít thấy trường nào có Góc thiên nhiên, trang trí và trồng cây cảnh để tạo không gian xanh cho trẻ. Một trường có diện tích rộng rãi như Việt - Bun không biết có làm được điều này. Nếu có, các bạn làm như thế nào đề duy trì góc cây xanh thường xuyên mà vẫn giữ được vệ sinh trong lớp?

haivanmn@...

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Trường Việt - Bun có diện tích rất rộng nên có vườn trường chia cho từng lớp phụ trách. Các con được hoạt động rất hiệu quả với mảnh vườn riêng của lớp mình.

Ngoài ra, chúng tôi vẫn đầu tư không gian Xanh - Sạch - Đẹp ngay ngoài hành lang của lớp với Góc thiên nhiên xinh xắn. Thường mỗi góc có khá nhiều loai cây, hoa phong phú, có biển tên từng loài hoa và dụng cụ làm vườn bên cạnh để khi trẻ ra chơi được tự tay chăm sóc cây. Các con vô cùng hứng thú với hoạt động này.


Tôi có cháu học ở trường Đoàn Thị Điểm. Lúc mới vào trường thì rất còi, sau khi học một năm thì tăng lên 4kg! Cháu nói rất thích bữa ăn trưa ở trường. Tôi tò mò đến trường xem thử thì cũng mê luôn! Bếp ăn sạch như lau như li, bát đũa nồi soong cứ sáng bóng như soi gương! Nhân có chương trình hôm nay, tôi muốn hỏi đầu tư cho một bếp ăn như vậy ở trường hết bao nhiêu tiền ạ?

lehoangthuquangtri@...

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:
Cảm ơn bạn đã nhận xét "ưu ái" về bếp ăn của trường tôi. Như tôi đã nói, mục tiêu của lãnh đạo nhà trường là luôn đặt quyền lợi của học lên trên hết.

Do vạy, việc đầu tư một bếp ăn như bạn đã biết, vấn đề kinh tế không phải là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi mà tất cả vì sức khỏe các con học sinh.

Có thể đầu tư "hoành tráng" chưa mang lại lợi ích trước mắt nhưng bảo đảm được sức khỏe cho các con, đó mới là điều quan trọng nhất.


Nếu được Hiệu trưởng giao tổ chức cho học sinh một buổi ngoại khóa về nước sạch, vệ sinh môi trường cô Phượng sẽ làm thế nào nhỉ. Thực ra đây cũng là nhiệm vụ tôi vừa được giao, mong được sự gợi ý, chia sẻ của cô.

Nguyễn Thị Vẻ - thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Với hoạt động này, quan trọng nhất là việc phải lên kế hoạch thật chi tiết và đầy đủ và có ý tưởng tổ chức hoạt động vui chơi, thông qua đó lồng ghép giáo dục môi trường.

Ví dụ, khi đến công viên, giáo viên tận dụng lá vàng để hướng dẫn học sinh làm con trâu; tết cỏ thành côn trùng... Học sinh vừa được đi chơi, vừa được thực hành, các con vui chơi cùng các đồ chơi mình tự tạo ra. Chúng tôi đã thực hiện nhiều lần và thấy trẻ rất hào hứng, kết quả giáo dục mang lại rất cao.


Tôi thấy hiện nay có nhiều nội dung lồng ghép trong dạy học quá mà nội dung nào cũng quan trọng. Vậy theo chị Mai Anh, làm thế nào để có thể lồng ghép có hiệu quả nội dung giáo dục về môi trường? Nội dung này nên lồng ghép vào những môn học, hoạt động giáo dục nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Nguyễn Hồng Xứng - Rạch Giá, Kiên Giang

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:

Có nhiều môn học có thể lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường phù hợp và hiệu quả - Cô Lê Mai Anh

Bất kỳ một môn học nào cũng có nội dung liên hệ thực tiễn vì vậy, lồng ghép giáo dục môi trường trong các môn học tại nhà trường là đương nhiên và cần thiết. Trong năm học này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường tham dự cuộc thi giảng dạy tích hợp môi trường trong Hóa học.

Cuộc thi này thực sự có ý nghĩa giáo dục đối với học sinh về việc ứng dụng môn Hóa học vào môi trường sống. Đồng thời cũng tác động đến các giáo viên bộ môn khiến họ ý thức sâu sắc hơn về việc giảng dạy các bộ môn khoa học gắn với thực tiễn của đời sống.

Theo tôi, có rất nhiều môn để có thể lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường phù hợp và hiệu quả như: Môn Hóa học, Sinh học, Giáo dục công dân, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp…


Tôi có con gái năm nay lên 4 tuổi. Cháu rất thích làm thủ công. Giờ trong nhà tôi, vỏ chai sữa, lõi giấy vệ sinh để cả túi lớn vì cháu cứ tích trữ không cho vứt đi. Tôi biết nếu biến được những đồ này thành đồ chơi hữu ích, con cũng sẽ từ đó học được bài học tiết kiệm và bảo vệ môi trường, nhưng trong chuyện này tôi quả thực khá vụng về. Nếu không phiền, cô Phượng có thể chỉ giúp một vài cách đơn giản để tôi có thể cùng con tạo đồ chơi từ các vận dụng này hay không?

Huỳnh Thu Vân - Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Trước hết xin được chúc mừng chị vì cháu gái có một sở thích rất đáng yêu, lành mạnh. Nếu khéo léo biết "tận dụng" sở thích này của cháu, chị sẽ dễ dàng dạy con ý thức bảo vê môi trường.

Với câu hỏi của chị, tôi xin chia sẻ một vài cách làm đồ chơi rất đơn giản, không hề tốn thời gian từ nguyên liệu phế thải trong gia đình.

Ví dụ, từ thìa sữa chua có thể làm các con ong, hoặc con chuồn chuồn; từ hộp sữa chua có thể làm thành con mèo, con lơn vô cùng đáng yêu; từ lõi giấy vệ sinh có thể phết màu, thêm đế, trang trí bên ngoài là có thể thành ống đựng bút để bàn học xinh xắn...

Chính từ nguyên liệu phế thải này, con cũng có thể làm thành những bông hoa đẹp tặng người thân các dịp quan trọng. Tôi tin rằng, khi nhận được món quà nhỏ nhưng ý nghĩa của con gái, mọi người sẽ rất xúc động...

Hiện trên internet cũng có nhiều địa chỉ hướng dẫn làm các đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ nguyên liệu tái sử dụng. Bạn có thể vào đó để tham khảo thêm.

Tôi ở vùng Tây Bắc, chúng tôi rất khó khăn trong việc triển khai xã hội hóa khi thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, tôi muốn xin kinh nghiệm xã hội hóa từ lãnh đạo Sở và lãnh đạo các trường học ở Hà Nội. Mong các thầy cô chia sẻ với chúng tôi. Xin cảm ơn rất nhiều!
truonghocvietbac@...

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Chính sách xã hội hóa là chính sách quan trọng của nhà nước. Nhưng cần phải hiểu rằng ở những vùng khó việc này triển khai nhiều vướng mắc, nguồn kinh phí, nhân lực.

Với những vùng xa của Hà Nội, nhiều trường học đã mời các nhà khoa học lên nghiên cứu, khảo sát để hướng dẫn cách khai thác nguồn nước sạch cho học sinh đã mang lại hiệu quả tích cực.

Đây cũng là một hình thức xã hội hóa mà kiến thức khoa học, công nghệ có giá trị hơn rất nhiều so với kinh phí. Bạn có thể tham khảo các trung tâm, các viện nghiên cứu, Bộ Khoa học Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, để liên hệ tư vấn giúp đỡ.


Theo NGƯT Nguyễn Thị Hiền, nếu nói về giáo dục chủ đề nước sạch, vệ sinh môi trường, nên đưa những nội dung kiến thức cụ thể nào để phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh tiểu học?

ttnhungyen12@...

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:
Giáo dục ý thức bảo vệ nước sạch, vệ sinh môi trường là điều các nhà trường cần trang bị cho học sinh ngay từ lứa tuổi mầm non.

Đối với bậc tiểu học, chương trình của Bộ GD&ĐT đã có trang bị kiến thức về lĩnh vực này ở môn học Tự nhiên & Xã hội. Tuy nhiên, để học sinh có thể thấm và ngấm những kiến thức này, tạo thành ý thức và thói quen thì trong các bài giảng giáo viên cần tạo những tình huống để các con hiểu sâu hơn đồng thời luôn giám sát việc thực hiện của các con trong thời gian học tập tại trường.

Ví dụ: Việc nhắc nhở các con bỏ rác đúng nới quy định, giữ gìn vệ sinh phòng học, không vẽ bậy, không xả nước bừa bãi,quản lý chăm sóc chậu hoa, cây xanh trong sân trường...


Tôi thấy việc giáo dục ý thức nước sạch, vệ sinh môi trường cho học sinh lớn đã khó, không biết, với lứa tuổi mầm non còn khó đến mức nào vì các em quá nhỏ, không thể hiểu những điều "đao to, búa lớn" mà người lớn hay nói. Biết cô Phượng là giáo viên dạy giỏi của thành phố Hà Nội nên rất mong được nghe kinh nghiệm của cô.

Lê Thị Vân - giáo viên, Lạng Sơn

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Cô Nguyễn Thị Phượng rất vui được chia sẻ kinh nghiệm dạy học trẻ mầm non ý thức bảo vệ môi trường với bạn đọc của báo GD&TĐ
Thực ra, việc giáo dục ý thức nước sạch, vệ sinh môi trường hoàn toàn không phải nói điều gì "đao to búa lớn" cả.
Như tôi đã nói ở trên, kiến thức này nên được cung cấp thường xuyên, liên tục để trẻ hình thành càng sớm càng tốt và qua những công việc rất đơn giản hàng ngày.


Đối với trẻ mầm non, thì giáo dục ý thức môi trường gần nhất là để các em biết sạch - bẩn, từ đó biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, như đánh răng trước khi đi ngủ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cất đồ dùng đồ chơi gọn gàng sau khi chơi, để rác đúng nơi quy định...

VIệc hình thành kiến thức về môi trường cho trẻ không phải qua sách vở hàn lâm, khó hiểu mà chủ yếu qua hành động sinh hoạt thường ngày của trẻ.

Được biết Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường hết năm 2015 là kết thúc. Tôi muốn hỏi ông Nguyễn Hiệp Thống về tính bền vững của chương trình tại các trường học Hà Nội? Liệu kết thúc chương trình thì cũng thôi luôn không?
Trần Thùy Dương - Bắc Ninh

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và cá nhân mang lại những hiệu quả tích cực và sẽ tiếp tục song hành đưa vào sử dụng tại các nhà trường nhưng không phải những thứ đã đầu tư sẽ bền vững mãi mãi, cần có sự chung tay chăm sóc, giư gìn của giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh trong suốt quá trình sử dụng.

Cũng từ đó, các địa phương cũng có những chính sách hỗ trợ, tiếp tục đầu tư ở những điểm trường mới theo mô hình này.

Chúng tôi hoan nghênh, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức xã hội có khả năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cùng nghiên cứu tham gia và hỗ trợ cho các em học sinh có nguồn nước sạch ở những trường học vùng khó, vùng sâu, vùng xa.


Tôi được biết, hoạt động giáo dục về môi trường được Trường THPT Chu Văn An thực hiện thường xuyên, liên tục tạo thành một hoạt động văn hóa cho học sinh. Trong chương trình này, rất mong được nghe chị Mai Anh chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo các hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh?

luan1068@...

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:
Hoạt động giáo dục về môi trường là một trong những nội dung mà chúng tôi đặc biệt quan tâm, chú trọng. Điều đó thể hiện qua rất nhiều chương trình giáo dục cụ thể như: Các giờ học chuyên đề vào cuối tuần, các chương trình chào tuần mới vào tiết chào cờ sáng thứ 2.

Đồng thời, khuyến khích các em tham gia đề tài nghiên cứu khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh trung học về môi trường, tham gia các cuộc thi hiểu biết về môi trường và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo khác…

Để có được ngôi trường đẹp như trường Đoàn Thị Điểm hiện nay, phải chăng điều quan trọng nhất chính là vốn đầu tư lớn? Nếu như vậy thì cứ theo công thức trường nhiều tiền thì sẽ Xanh - Sạch - Đẹp? NGƯT Nguyễn Thị Hiền nghĩ sao về điều này?
myvanthieuxuan@...

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:

Cô Nguyễn Thị Hiền cho rằng để trường Xanh - Sạch - Đẹp, quan trọng là ý thức của GV và học sinh chứ không phải số tiền đầu tư

Chào bạn, suy luận của bạn đã không hoàn toàn đúng đối với trường tôi. Không phải cứ đầu tư nhiều tiền là có thể "Xanh - Sạch - Đẹp" mà quan trọng là xác định được mục đích và ý thức của con người.

Mục đích của lãnh đạo nhà trường là tạo ra những điều tốt đẹp nhất cho học sinh. Một trong những điều kiện đó là môi trường phải Xanh - Sạch - Đẹp để các con thích đến trường và tự hào về ngôi trường mình đang theo học là rất Sạch và Đẹp.

Các con cần phải được ngồi trong lớp học sạch sẽ, thoải mái để tập trung cao độ cho việc học. Do vậy, ngoài những trang bị về cơ sở vật chất hiện đại thì chúng tôi cũng tạo điều kiện để nhà trường luôn Xanh - Sạch - Đẹp.

Nếu có cơ hội, mời bạn đến thăm trường Đoàn Thị Điểm, bạn sẽ thấy không phải tốn quá nhiều tiền cho việc xây dựng trường Xanh - Sạch - Đẹp mà điều quan trọng làm nên thành công của chúng tôi chính là ý thức của giáo viên và các con học sinh chứ không phải ở số tiền đầu tư.


Ở lứa tuổi mầm non, thời gian học rất ít, chủ yếu các cháu học qua vui chơi. Vậy nếu muốn dạy các cháu ý thức về nước sạch, vệ sinh môi trường thì các cô sẽ ưu tiên trong hoạt động nào và thường thời gian kéo dài bao nhiêu lâu để các cháu hào hứng tiếp thu?

Phan Thị Vượng - Giáo viên, TP Bến Tre

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Để giáo dục cho trẻ ý thức về nước sạch, vệ môi trường, cô có thể dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi, trong tiết học cũng như giờ hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, qua trò chơi, lao động tự phục vụ...

Ví dụ: Dạy trẻ vệ sinh cá nhân rửa tay trước khi ăn, cô tạo tình huống: Đi vào nhà vệ sinh trước và mở nhỏ vòi nước, sau đó hỏi trẻ: Nếu gặp tình huống này con sẽ làm gì? Lúc đó trẻ sẽ tự khóa vòi nước, nếu không làm được cần gọi cô ngay. Đó là cách đơn giản để hình thành ý thức, thói quen tiết kiệm nước.

Hoặc trong hoạt động góc, cho trẻ chơi ở góc học tập, cô phải tạo ra các phiếu bài tập có nội dung về môi trường để cho trẻ lựa chọn hành đông đúng...

Còn dựa vào kinh nghiệm của bản thân, với nội dung này, tôi ưu tiên dạy trẻ trong khi cho trẻ tham gia hoạt độnng ngoài trời vì đây là lúc trẻ được gần với thiên nhiên nhất, những kiến thức được hình thành qua trải nghiệm thực tế và tình huống cụ thể nên trẻ nhớ rất lâu. Đồng thời, khi ở ngoài trời, trẻ sẽ hào hứng học tập hơn, từ đó nhớ lâu hơn.

Xin chào ông Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống! Tôi muốn biết năm 2015, Sở GD&ĐT Hà Nội có sáng kiến chỉ đạo gì so với các năm học trước trong triển khai xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp?
vulancuong@...

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Trong năm 2015 có những chỉ đạo lớn:

- Tiếp tục chỉ đạo xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực do Bộ GD&ĐT phát động năm 2009. Trong đó có nội dung: Xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp .

- Tiếp tục thực hiện chỉ thị 01 năm 2014 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về "Xây dựng năm trật tự văn minh đô thị". Trong đó, yêu cầu các trường học quét vôi sơn cửa, giải tỏa quảng cáo cổng trường, giữ gìn cảnh quan sư phạm.

- Thiết lập nền nếp vệ sinh trực nhật cho học sinh các cấp học, kể từ năm học mới 2015 - 2016.

- Hưởng ứng phong trào trồng cây xanh trong các trường học và đưa nội dung thi tìm hiểu bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng vào nhiệm vụ trọng tâm của công tác học sinh, sinh viên.

- Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí thi đua của các đơn vị trường học.


Tôi được nghe, được đọc rất nhiều thông tin khen ngợi về Trường THPT Chu Văn An, đặc biệt là khung cảnh rất đẹp của trường. Xin hỏi chị Mai Anh, trong thời gian tới, nhà trường có hoạt động gì về nước sạch, vệ sinh môi trường nhằm lan tỏa ý thức tốt đẹp cho học sinh hay không?

Văn Thị Vân - Nha Trang, Khánh Hòa

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:
Cô Lê Mai Anh cho biết: Trường THPT Chu Văn An đang dự định trồng thêm những thảm cây và hoa dưới gốc cây cổ thụ

Chúng tôi rất tự hào về ngôi trường của mình, nhưng chúng tôi chưa bao giờ bằng lòng với những gì hiện có. Không phủ nhận vẻ đẹp cảnh quan của trường tôi được mang lại từ những tòa nhà kiến trúc Pháp và những cây cổ thụ.

Hiện tại cũng như trong thời gian tới, chúng tôi luôn củng cố và thực hiện tốt hơn nữa việc vệ sinh lớp học, sân, vườn trường. Đồng thời quan tâm đến việc làm sạch các khu nhà vệ sinh hằng ngày sau mỗi tiết học.

Trường tôi rất may mắn là một trong 20 trường được thực hiện Dự án “Trường học an toàn, thân thiện, bình đẳng”. Mỗi ngôi trường chỉ thực sự an toàn, thân thiện khi công tác về nước sạch, vệ sinh môi trường được đảm bảo.

Chúng tôi cũng đang có dự định trồng thêm những thảm cây và hoa dưới những gốc cây cổ thụ, dưới hàng cây sa mộc phía ven hồ nhằm tạo cảnh quan sư phạm thêm mềm mại và thân thiện hơn.

Tôi có con nhỏ, cũng rất nghiêm khắc với con trong chuyện không được vứt rác bừa bãi. Nhưng khi ra ngoài, nhìn thấy người lớn xả rác lung tung ngoài đường, cháu luôn thắc mắc khiến tôi nhiều khi khó xử. Xin hỏi cô giáo có gặp phải tình huống như tôi không, cô sẽ xử sự ra sao trong trường hợp này. Cũng rất mong cô chia sẻ cách dạy con/cháu về ý thức bảo vệ môi trường. Xin cảm ơn cô!
NGƯT Nguyễn Thị Hiền:
Chào bạn, việc hình thành thói quen tốt cho trẻ là không đơn giản. Vì vậy nhà trường và gia đình cần phải rất kiên trì. Không thể chỉ nhắc nhở một vài lần là được mà cần phải thực hiện thường xuyên.

Khi các con đã có thói quen tốt, chính các con sẽ là "tuyên truyền viên" về ý thức bảo vệ môi trường cho người lớn.

Trong tình huống này, bạn cần phải giải thích thêm cho con hiểu, những người có hành vi xả rác ngoài đường là do họ chưa hiểu hết tác hại của việc bảo vệ môi trường. Nếu có thể, con hãy giải thích cho người lớn hiểu và tự động nhặt những rác đó bỏ vào đúng nơi quy định.

Chính những hành động đẹp của con sẽ tác động tích cực đến hành vi của người lớn và những hành vi xấu sẽ không lặp lại nữa.

Theo tôi hiểu, trường học Xanh là trồng nhiều cây xanh. Nhưng vào mùa mưa bão thì cây Xanh trong sân trường lại trở thành mối họa cho giáo viên và học sinh. Sở GD&ĐT Hà Nội có giải pháp gì cho vấn đề này?
toiyeuhanoi@...

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Mùa hè năm nào, nội dung cắt tỉa cành cây khô, cành cây nguy hiểm đều được bạn chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích các trường học đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của các nhà trường.

Trên thực tế, chúng tôi phối hợp tốt với Công ty cây xanh để ngăn ngừa trường hợp khi cây gãy đổ trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và công trình.


Tôi cho rằng, để trẻ yêu môi trường thì trước hết các con phải được sống gần gũi với thiên nhiên, được tiếp xúc hàng ngày với cỏ cây hoa lá. Nhưng thú thực, trường tôi chật chội vô cùng, sân chơi ngoài trời cho các con còn chẳng có. Nếu phải làm việc ở môi trường như thế, không biết cô Phượng sẽ làm thế nào để giúp trẻ biết yêu, rồi từ đó trân trọng, giữ gìn nguồn nước, bảo vệ môi trường sống xung quanh mình?

luongphan63...

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Các cụ có câu "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", chính vì vậy, không phải trường có diện tích chật hẹp mà việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các con bị hạn chế. Nếu thực sự có tâm huyết, tình yêu với công việc này, tôi tin rằng bạn sẽ tìm ra cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Nếu là bản thân tôi, tôi sẽ đầu tư cây xanh trong góc thiên nhiên ở ngay ban công hoặc hành lang ở ngay trước lớp; chọn những chậu cây nhỏ phù hợp, an toàn để trên các kê đồ chơi, bên cửa sổ lớp học...

Nếu trường không có vườn, bạn có thể dùng vỏ họp sữa chua, bát - cốc nhựa sử dụng 1 lần, thùng xốp... để các con gieo hạt, ngày ngày cho các con quan sát và chăm sóc. Các con vô cùng yêu thích việc này.

Làm như vậy, không chỉ tạo ra một môi trường xanh vô cùng dễ chịu cho lớp học mà còn giúp trẻ gần gũi hơn với thiên nhiên, từ đó các con biết yêu và bảo vệ cây xanh, môi trường sống...

Tại một số khu vực "nóng" của Hà Nội, sĩ số học sinh trong một lớp rất cao, lên đến 60 học sinh/lớp. Theo đó, số lượng học sinh trong toàn trường cũng quá tải, trong khi số lượng giáo viên, cán bộ thì không được tăng theo do đóng khung theo quy định. Vấn đề này có làm khó trong chỉ đạo các trường thực hiện xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp không thưa ông?
maimai888@...

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:

"Chạy trường, chạy lớp" của một số phụ huynh dẫn đến sĩ số học sinh cao cũng gây khó khăn trong việc xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp"

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống


Sĩ số học sinh cao không chỉ gây khó khăn trong việc xây dựng trường học Xanh -Sạch - Đẹp mà còn khó khăn cho giáo viên trong việc truyền đạt kiến thức và nhận xét đến từng học sinh.

Bản thân học sinh cũng khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng. Nhiều năm nay, Sở GD&ĐT HN đã đặt tiêu chí "3 tăng, 3 giảm" trong tuyển sinh. Trong nội dung 3 giảm có việc giảm sĩ số học sinh trên lớp, giảm số lớp của những trường có quy mô quá lớn và giảm số học sinh trái tuyến.

Tuy nhiên, việc này không chỉ ngành Giáo dục làm được. Ở đây, tôi muốn nói đến nhiều bậc cha mẹ, học sinh khi tìm lớp, chọn trường cho con học theo những lời "đồn thổi".

Họ không biết rằng trong một lớp có tới 60 học sinh thì sự quan tâm chỉ bảo của giáo viên hoàn toàn khác xa so với những lớp 30 - 35 học sinh. Các bậc phụ huynh đều muốn cuối ngày, cuối tuần cô giáo nhận xét về con mình như thế nào. Với lớp trên 60 học sinh, người giáo viên khó mà làm tròn trách nhiệm ấy.

Đó là chưa kể, học trái tuyến, hơn 60 trẻ "nhồi nhét" vào một lớp vốn thiết kế cho 35 học sinh sẽ gây các bệnh tật học đường, cận thị, cong vẹo cột sống, rồi sẽ phải dậy sớm hơn, đi xa hơn, giao thông hỗn loạn, ùn tắc,...

Tôi được biết trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm có "truyền thống" các chuyến từ thiện, nhân ái, về nguồn. Xin NGƯT Nguyễn Thị Hiền cho biết hoạt động này có ý nghĩa gì không trong việc triển khai xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp?
Trần Quyết Thắng – giáo viên tại Yên Bái

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:
"Khẩu hiệu của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là: Ngôi trường của ước mơ và lòng nhân ái" - NGƯT Nguyễn Thị Hiền
Khẩu hiệu định hướng của trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là "Ngôi trường của ước mơ và lòng nhân ái'. Mục tiêu của trường là đào tạo nên những học sinh phát triển toàn diện và trở thành công dân toàn cầu.
Thông qua các hoạt động và từ chính những điều kiện các con đang được thụ hưởng tại ngôi trường của mình, các con có thể chia sẻ với các bạn học sinh vùng khó khăn hơn.

Để đạt được mục tiêu này, một trong những hoạt động truyền thống của nhà trường là hoạt động từ thiện. Chúng tôi gây quỹ từ thiện bằng rất nhiều chương trình, ví dụ Chương trình "Vầng trăng yêu thương" tổ chức vào dịp Trung thu hàng năm, các con học sinh mang đồ chơi cũ đến trường để bán cho nhau.

Số tiền thu được sẽ gửi vào quỹ từ thiện để nhà trường ủng hộ các trường vùng khó khăn có thêm điều kiện xây dựng trường xanh - sạch - đẹp hơn.


Tôi thấy nhiều câu lạc bộ đã được thành lập ở các trường phổ thông hiện nay. Thực tế thì hình thức này khá có hiệu quả và sức lan tỏa khá tốt. Tuy nhiên, dường như những câu lạc bộ này thiên nhiều về môn văn hóa, câu lạc bộ về nước sạch, vệ sinh môi trường rất ít. Không biết Trường THPT Chu Văn An có câu lạc bộ về nước sạch và môi trường hay không? Hiệu quả của câu lạc bộ này như thế nào? Rất mong được nghe đại diện nhà trường chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, hoạt động để câu lạc bộ về môi trường hoạt động thực sự hiệu quả.

dang_quoc@...

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:
Ở trường chúng tôi có rất nhiều câu lạc bộ sở thích, trong đó có câu lạc bộ tình nguyện vì môi trường.

Để cho các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả và đáp ứng nhiệm vụ giáo dục toàn diện chúng tôi đã thống nhất giờ sinh hoạt thường kỳ từ 13h15 đến 15h15 vào thứ 4 hằng tuần.

Các câu lạc bộ được thành lập khi có đề án hoạt động, ban chủ nhiệm là học sinh, các giáo viên trẻ được mời làm cố vấn.

Các câu lạc bộ chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, nhà trường hỗ trợ cơ sở vật chất. Ví dụ như với câu lạc bộ tình nguyện vì môi trường, chúng tôi hỗ trợ địa điểm sinh hoạt, tư vấn, giám sát các hoạt động. Về kinh phí, chúng tôi cũng hỗ trợ một phần được trích từ quỹ hoạt động của đoàn thanh niên.

Chúng tôi sẵn lòng ủng hộ việc xây dựng Đề án và cung cấp giấy giới thiệu để xin kinh phí hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa.


Nhà tôi ở phố Lò Đúc nên gần như chiều tối nào cũng cho cháu vào trường Việt - Bun chơi. Tôi thấy trường lúc nào cũng thật sạch, thật đẹp, nhiều hoa, cây xanh. Tôi tò mò không biết, các cô vốn đã bận rộn như vậy thì lấy đâu ra thời gian để chăm cây tươi tốt đến như vậy?

Trần Thị Xứng - 54 tuổi, Hà Nội

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:

Các vị khách mời nhiệt tình giao lưu trực tuyến với bạn đọc

Trường Việt - Bun là trường mầm non chất lượng cao và đang làm điểm về giáo dục thẩm mỹ cho trẻ. Do đó, từ lãnh đạo đến nhân viên, giáo viên trong trường đều luôn ý thức rất cao trong vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường sư phạm thân thiện, xanh - sạch - đẹp.

Với giáo viên, dù rất bận rộn, nhưng các cô cũng tận dụng mọi thời gian có thể để tự làm vệ sinh trường lớp. Bên cạnh đó, cô còn hướng dẫn các cháu cùng tham gia công việc ý nghĩa này, như nhặt lá, chăm sóc cây, lau dọn đồ chơi trong lớp học cũng như ngoài trời...

Các cô luôn dặn các con mỗi khi quan sát cây cối xung quanh trường, nhận ra ích lợi của cây xanh, từ đó hình thành cho trẻ tình yêu với cây cối trong vườn trường, không ngắt hoa, bẻ cành, dẫm lên cỏ...

Nhà trường cũng luôn thay đổi những cây cảnh, chậu hoa đẹp theo mùa để làm tươi thắm hơn cảnh quan sư phạm...


Ai cũng biết việc giáo dục ý thức về môi trường cho học sinh là quan trọng và cần thiết. Nhưng trên thực tế, đây không phải là điều dễ dàng và ngày một ngày hai có thể làm được, bởi quan trọng nhất vẫn là phải thay đổi từ nhận thức, ý thức tự giác của mỗi học sinh - đây cũng là điều khó khăn nhất. Rất mong được nghe chị Mai Anh chia sẻ kinh nghiệm của Trường THPT Chu Văn An về điều này.

Hà Thục Khánh Vân - Đống Đa, Hà Nội

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:
Việc thay đổi nhận thức rất cần có thời gian và cả một quá trình. Việc này cần bắt đầu từ người lớn. Trong trường chúng tôi, việc nghiêm cấm hút thuốc lá đã được thực thi rất nghiêm ngặt, tôi biết để thực hiện được điều này là rất khó khăn với một số thầy giáo. Nhưng trường tôi đã làm được qua hoạt động của tổ chức công đoàn.

Bản thân mỗi cán bộ, nhân viên, thầy, cô giáo phải là tấm gương thực sự. Đặc biệt trong mỗi giờ lên lớp, các thầy cô giáo hãy lưu ý sử dụng hai đến ba phút đầu giờ để làm việc quan sát, ghi nhận và nhắc nhở tạo tâm thế cho giờ học của mình chất lượng hơn.

Một trong những điều kiện khá hiệu quả là quan sát vệ sinh môi trường lớp học. Nếu cần thiết giáo viên có thể cho dừng việc học để yêu cầu học sinh vệ sinh sạch sẽ.

Với một số trường học mới xây thì không thể nào có cây xanh ngay được, mà chỉ đáp ứng được tiêu chí Sạch và Đẹp. Đợi có cây xanh rợp bóng thì cũng phải mất mấy năm, rất thiệt thòi cho các trường. Tôi cho rằng tiêu chí Xanh cần phải nới ra, như không chỉ cây xanh bóng mát mà còn là cây hoa vườn trường, rồi lớp học mát mẻ... Không biết lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội có đồng quan điểm này?
Trần Thị Hồng Ngọc - Nghệ An

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Chào bạn!

Tôi đồng quan điểm với bạn và khi xây dựng trường học mới, chúng tôi cũng yêu cầu trong Dự án phải đầu tư những loại cây thân lớn, đường kính 15 - 20 cm để sớm đáp ứng được yêu cầu sử dụng và nhu cầu cây xanh, bóng mát cho nhà trường.

Cùng với cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ là những việc có thể làm được ngay và không tốn kinh phí. Nhiều trường học ở Hà Nội đã vận động phụ huynh không đóng tiền nhưng ngày thứ Bảy, Chủ nhật cùng đến trường góp công, góp cây để tạo cảnh quan cho nhà trường. Đó là một cách làm hay cần khuyến khích.


Con tôi rất thích xem phim hoạt hình. Tôi chợt nghĩ, nếu biết cách chọn phim phù hợp, chính những bộ phim đó sẽ giúp giáo dục bé nhiều điều. Tôi thì không rành về điều này lắm. Nhân có chương trình hôm nay chủ đề về nước sạch, vệ sinh môi trường, cô Phượng có thể chỉ giúp một số bộ phim phù hợp giáo dục các con về vấn đề này không? Tôi tin rằng, không chỉ tôi mà rất nhiều bố mẹ đều quan tâm đến điều này. Cảm ơn cô!

Trịnh Thu Tuyết - Hai Bà Trưng, Hà Nội

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Thực ra hiện nay bố mẹ có thể rất dễ dàng tìm ra các bộ phim hoạt hình hay, hợp với nội dung bố mẹ muốn giáo dục trên internet.

Tuy nhiên, là một giáo viên mầm non lâu năm, tôi khuyên rằng, nếu con đã thích xem phim hoạt hình, các bạn không nên "tiếp tay" thêm cho sở thích đó, vì trẻ sẽ dễ dẫn đến bị "nghiện". Nếu trẻ xem phim thì không có sự tương tác hai chiều, trở lên thụ động và ngôn ngữ không phát triển được.

Do đó, bố mẹ nên chuyển hướng bằng cách kể chuyện cho con nghe, cho con xem những bức tranh có nội dung về môi trường để tìm ra những điều đúng, chưa đúng và khích lệ , động viên kịp thời khi trẻ làm đúng...

Cách làm này không chỉ giúp cha mẹ gần gũi với con hơn mà sẽ phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ, trẻ sẽ nói lên được mong muốn cũng như suy nghĩ của mình.

Bố mẹ cũng có thể cùng con đi dạo để nhân đó trò chuyện về ích lợi của cây xanh, của việc giữ gìn vệ sinh đường phố... Cách đó tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả vì trẻ sẽ nhớ rất lâu.

Cháu đang là sinh viên sư phạm, đang trong kỳ thực tập ở một trường tiểu học. Cháu muốn nhờ cô tư vấn một tình huống: Cô đã bao giờ bắt gặp học sinh của trường xả rác, vẽ bậy lên tường hay nghịch nước trong khu vệ sinh chưa ạ? Nếu gặp, cô sẽ làm gì ạ? Cháu cảm ơn cô nhiều!
nguyendoquyen99@...

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:
Chào bạn, tình huống như bạn nêu hiện nay đã không còn tồn tại ở trường Đoàn Thị Điểm nữa nhưng đây cũng là tình huống tôi từng gặp trước đây và tôi đã xử lý thế này:

Tôi giải thích để các con hiểu đó là những hành vi không đẹp, học sinh không nên làm, sau đó chính tay tôi cùng các con nhặt rác bỏ vào đúng nơi quy định hoặc thực hiện những thao tác khắc phục lỗi cũng như làm mẫu cho các con hành vi đúng.

Nếu đi trong sân trường mà bắt gặp rác, tôi cũng tự tay nhặt bỏ vào thùng trước sự chứng kiến của các con. Tôi cho rằng, hành động cụ thể của thầy cô là bài học quý, là lời nhắc nhở nhiều giá trị nhất để tác động tới nhận thức và góp phần thay đổi hành vi cho các con học sinh.


Cô Phượng ơi, nếu ở trường, cô nhìn thấy phụ huynh vứt rác không đúng nơi quy định cô sẽ làm thế nào. Tôi đã từng gặp trường hợp này nhưng tính tôi ngại va chạm nên chưa biết có cách nào phù hợp để nhắc khéo.

vietanh @..

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Nếu là học sinh, việc nhắc nhở rất dễ, nhưng quả thực nếu là phụ huynh thì không có cách nào hiệu quả và tế nhị hơn là tự cô giáo sẽ nhặt rác đó cho vào thùng rác nơi gần nhất phụ huynh đó. Vì nếu trực tiếp nhắc nhở phụ huynh có thể sẽ làm phụ huynh cảm thấy ngượng vì hành vi không đúng của mình.

Tôi cho rằng, chỉ 1 đến 2 lần nhìn thấy hành động của cô giáo như vậy, chắc chắn phụ huynh đó sẽ hiểu và không lặp lại việc đó nữa.


Chị Mai Anh đã từng gặp học sinh của trường vứt rác, bẻ cây bừa bãi hay chưa? Nếu gặp phải tình huống như vậy, chị sẽ làm gì?

vanha@...

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh nhiệt tình trả lời câu hỏi của bạn đọc

Việc bẻ cây thì tôi chưa gặp nhưng vứt rác không đúng nơi quy định thì đôi khi tôi đã chứng kiến, thậm chí ngay trong sân trường mình.

Với những tình huống đó, tôi yêu cầu em học sinh ấy nhặt rác mang đến đúng nơi quy định và sau đó tôi có nhắc nhở nhẹ nhàng lần sau em đừng làm thế nữa.

Ở trường tôi việc phân bố các thùng rác cũng khá khoa học, mỗi tầng đều có hai thùng rác mang hình con chim cánh cụt khá thân thiện. Trong sân trường chúng tôi cũng bố trí nhiều thùng rác ở các vị trí phù hợp với sinh hoạt của học sinh.

Tôi cùng độ tuổi với ông Đỗ Hiệp Thống. Tôi nhớ trước đây chúng tôi có các buổi lao động tập thể, dọn vệ sinh xung quanh sân trường, vừa sạch đẹp trường lớp, học sinh làm chung nói chuyện trao đổi với nhau rất vui, y như dã ngoại mà lại nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống. Còn hiện tại, dường như ít có hoạt động này. Tôi không hiểu lý do tại sao. Xin ông Đỗ Hiệp Thống có thể chia sẻ được không?
Hoàng Minh Loan - 55 tuổi, Vĩnh Phúc

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Bắt đầu từ năm học này, Hà Nội yêu cầu tất cả học sinh của các lớp phổ thông phân công tổ chức trực nhật. Mục đích của việc này không chỉ giữ gìn nhà trường xanh - sạch - đẹp mà tạo ý thức lao động, ý thức giữ gìn của công, đặc biệt là tạo kỹ năng cho các em thông qua việc lao động.

Việc này được phụ huynh, học sinh đón nhận và hưởng ứng. Các em học sinh trở nên có trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao.(Dậy sớm hơn 30 phút vì hôm đó là trực nhật). Chưa kể thông qua việc lao động gắn chặt tình đoàn kết, tương trợ, khả năng làm việc theo nhóm của các em,....

Những năm trước đây, nề nếp lao động đã có trong những trường học nhưng dần bị mai một bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân cha mẹ ít con, gia đình nào cũng muốn o bế, chăm sóc, không muốn con động chân tay làm việc gì nên đóng tiền để làm vệ sinh. Đây là việc sai lầm cần bỏ.

Để vấn đề giáo dục ý thức bảo vệ môi trường được phát triển bền vững, lâu dài, cần phải có những biện pháp tích cực, phong phú, đa dạng, không nhàm chán để có thể thu hút và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền và các giáo viên trong nhà trường đã có những sáng kiến gì trong công tác nước sạch, vệ sinh môi trường? Chúng tôi rất muốn học tập trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm để áp dụng.
annguyen_70@...

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:
Chào bạn, vấn đề nhận thức là rất quan trọng và cần thiết những nếu chỉ dừng lại ở đó thì quả thực rất nhàm chán, khó thu hút các con học sinh, nhất là lứa tuổi nhỏ.

Tất cả những tác động ý thức cần phải dược biến thành những hành động thực tế, cụ thể và thầy cô phải làm gương và nhắc nhở các con.

Ở trường có đội Sao đỏ, các con tự kiểm tra nhắc nhở lẫn nhau. Cuối mỗi buổi học các con nhặt giấy vụn ở trong lớp và ngoài hành lang, gom lại để xây dựng quỹ từ thiện của nhà trường.

Về ý thức bảo vệ nguồn nước, chúng tôi giáo dục các con từ những việc nhỏ nhất: nhắc nhở các con tiết kiệm nước, thường xuyên hướng dẫn các con cách rửa tay.

Nhà trường sử dụng rất nhiều khẩu hiệu treo ở khu vực sử dụng nước, trong lớp học và ngoài hành lang để thường xuyên nhắc nhở các con ý thức bảo vệ nguồn nước sạch - tài sản vô giá đối với con người.

Tôi rất ủng hộ xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp. Nhất là thời gian gần đây nhiều dịch bệnh trong trường học. Tuy nhiên, dường như vòi nước trong một số trường còn thiếu, học sinh xếp hàng rửa tay, đến lượt mình thì cũng đến giờ vào lớp, dẫn đến tiêu chí "Sạch" của các cháu không đảm bảo. Tôi muốn biết Hà Nội có kế hoạch đầu tư các vòi nước rửa tay cho các cháu học sinh trường tiểu học không?
Đỗ Tuấn Minh - Phụ huynh học sinh, Kim Liên, Hà Nội

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống: Có những vùng khó khăn như Ba Vì, Sóc Sơn, khoan đến 60m cũng không có nguồn nước.

Thành phố đã có chương trình vệ sinh nước sạch bằng tiền ngân sách cho tất cả các trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, có những vùng khó khăn như Ba Vì, Sóc Sơn, khoan đến 60m cũng không có nguồn nước.

Chúng tôi đang đề xuất giải pháp hỗ trợ nguồn cấp nước từ những vùng lân cận và không chỉ bằng nguồn ngân sách còn có sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân.

Tuy nhiên, số lượng này không nhiều. Việc cải tạo hệ thống vòi nước, khu vệ sinh phải làm song song hai việc.

Một là đầu tư có nguồn nước có vòi nước. Hai là thầy và trò cùng chung tay giữ gìn những phần cơ sở vật chất đã được đầu tư. Đây là nọi dung cần giáo dục trong nhà trường.


Cách đây khoảng 30 năm, khi tôi học tiểu học, nhà trường thường xuyên yêu cầu học sinh mang cây, hoa đến trường trồng. Rồi chuyện làm vệ sinh lớp học, cắt cỏ vườn trường cũng là một hoạt động học sinh khi đó phải làm hàng tháng. Nhưng tôi thấy, hình như bây giờ, học sinh không được yêu cầu làm những hoạt động này nữa, đặc biệt là các trường ở thành phố. Tôi nói như vậy không biết có đúng cả với Trường THPT Chu Văn An hay không?

Trần Văn Ý - Phường 9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:

Học sinh trường THPT Chu Văn An trực nhật, vệ sinh lớp học hàng ngày

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh


Điều này không đúng với Trường THPT Chu Văn An. Ở trường chúng tôi, việc vệ sinh lớp học hàng ngày do học sinh thực hiện. Vào các buổi chiều trong tuần học sinh được phân công để lao động vệ sinh chung.

Việc làm này có ý nghĩa giáo dục thực sự. Khi học sinh tự mình quét dọn, nhặt rác thì các em sẽ có ý thức không xả rác.

Với việc quản lý nhà trường, chúng tôi có quy định về việc bảo quản giữ gìn vệ sinh lớp học và không đồng ý với các lớp có đề xuất thuê nhân công quét lớp. Có một thực tế, giờ học buổi sáng bắt đầu rất sớm (7 giờ) học sinh đã phải có mặt ở trường để chuẩn bị cho tiết học đầu tiên.

Vì vậy, nếu trực nhật vào đầu giờ sáng khiến cho một bộ phận học sinh phải đến trường quá sớm và một số em đã không hoàn thành nhiệm vụ trực nhật của mình. Chúng tôi đã hướng dẫn các em vệ sinh lớp học ngay sau kết thúc buổi học. Yêu cầu này đã khắc phục được những tồn tại trước đó.


Con tôi mới 2 tuổi, năm nay cháu bắt đầu đi nhà trẻ, không biết ở độ tuổi này, tôi đã có thể giáo dục cháu về ý thức môi trường được hay chưa? Và ở độ tuổi này, tôi nên dạy cháu như thế nào để phù hợp với khả năng tiếp nhận của cháu?

Lương Thị Thùy - Sóc Sơn, Hà Nội

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Việc giáo dục ý thức môi trường cho trẻ cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Ví dụ: Bản thân tôi, ngay từ khi con còn rất nhỏ tôi đã luyện cháu thói quen vệ sinh đúng giờ. Lớn hơn một chút, khi cháu ném đồ chơi, mẹ sẽ thể hiện thái độ không đồng ý qua nét mặt, từ đó con ý thức rằng mình đã làm chưa đúng.

Còn khi trẻ lên hai, đã giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ, đây là thời điểm tốt nhất để bố mẹ dạy con. Ví dụ, riêng về ý thức môi trường, có thể dạy con cất dép, mũ, ba lô... ngăn nắp; vứt vỏ bánh kẹo vào thùng rác; xúc cơm ăn dạy con hạn chế làm rơi vãi; đi chơi dặn con không đòi mẹ ngắt hoa, bẻ cành nơi công cộng...

Tuy nhiên, lứa tuổi này, bố mẹ phải thực hiện theo cách "mưa dầm thấm lâu", lặp đi lặp lại hàng ngày mới dần hình thành ý thức, tạo thói quen tốt cho con. Để làm được điều này, đòi hỏi bố mẹ phải hết sức kiên trì.

Đặc biệt bố mẹ phải hành động đúng để làm gương vì đặc trưng lứa tuổi, trẻ hay bắt chước theo kiểu "soi gương", chứ thực sự chưa hiểu nhiều về ý nghĩa của lời nói.


Thực tế nhiều trường của chúng ta hiện nay đã có màu xanh, nhưng theo tôi thấy, có nơi cây cỏ trồng dường như không theo một trật tự nào, hệ thống cây xanh của nhà trường chưa được phong phú, nhiều khu đất còn bỏ trống chưa được trồng cây phủ xanh; khuôn viên trường chưa được qui hoạch theo một mô hình tổng thể... Vậy theo ông, cứ phải có nhiều cây xanh là đạt tiêu chí trường học xanh hay không?

Đông A Trần - Hà Nội

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
"Chúng ta phủ xanh đất trống và cũng phải quy hoạch cây xanh trong trường học" - PGĐ Nguyễn Hiệp Thống
Cách đặt vấn đề của bạn rất đúng.
Chúng ta đang trong giai đoạn phủ xanh những khoảng đất trống ở trong trường học để bảo vệ cảnh quan môi trường. Nhưng còn một nội dung rất cần phải làm đó là quy hoạch cây xanh trong trường học.

Theo đó, phải chọn và nhận biết các loại cây phù hợp với môi trường trong trường học. Không trồng, sử dụng cây nguy hiểm, độc hại.

Cùng với đó, chọn những loại cây vững bền theo thời gian, rễ cây không gây hại trong các công trình ngầm.

Và cuối cùng là đảm bảo thuận lợi cho các hoạt động của học sinh trong nhà trường (Không cản trở đường giao thông, cứu nạn, cứu hộ, không che khuất ánh sáng,...)

Hiện trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là một ngôi trường có thương hiệu! Xin hỏi trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm có học tập mô hình trường học nào ở nước ngoài không mà đẹp đẽ, khang trang như vậy? Để gây dựng được trường Xanh - Sạch - Đẹp như hôm nay, cô Nguyễn Thị Hiền có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất? Xin cô chia sẻ!
Trần Hồng Hà Nhi – Ninh Thuận

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:

Tôi đã choáng ngợp trước ngôi trường có cảnh đẹp như công viên ở Lào Cai...

NGƯT Nguyễn Thị Hiền


Cảm ơn bạn đã chia sẻ thiện cảm đối với trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm của chúng tôi.

Không một người làm công tác quản lý nào có thể khẳng định là mình biết tất cả. Tôi cũng như vậy.

Để xây dựng ngôi trường của mình, tôi cũng đã tham quan, học tập ở một số trường có tiếng là Xanh - Sạch - Đẹp ở trong nước và có cơ hội tham quan, học hỏi thêm ở các trường nước ngoài.

Một lần, tôi đến trường tiểu học ở Thành phố Lào Cai, tôi đã bị choáng ngợp trước cảnh đẹp của trường - đẹp như một công viên với những bồn hoa để các con có thể thư giãn và các con học sinh nhỏ tuổi đã giới thiệu những thành quả do chính các con tạo dựng.

Lần tham quan đó đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm và tôi ý thức hơn việc xây dựng ngôi trường của mình "xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn" bằng chính sức lao động của thầy cô và các con học sinh trong trường.


Tôi cũng làm công tác quản lý, muốn tham khảo ý kiến của PGĐ Nguyễn Hiệp Thống! Chúng ta thường "quản" nhà trường, học sinh, nhưng có vẻ ít "quản" đến chính cán bộ của mình! Sở GD&ĐT Hà Nội có giải pháp gì để các cán bộ trong Sở làm gương về ý thức bảo vệ môi trường?

Như Ngọc - 26 tuổi, TPHCM

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Ở trên tôi đã nói về việc này: Việc giáo dục đạo đức và tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ luôn được coi trọng.

Chúng ta không thể chỉ yêu cầu học sinh nếu bản thân mình không là tấm gương mẫu mực.


Tôi thấy Trường THPT Chu Văn An có lợi thế là diện tích rộng và vốn đã rất nhiều cây xanh cổ thụ từ xưa - điều mà những trường tuổi đời non trẻ không thể có được. Không biết nhà trường có liên tục trồng thêm cây xanh hay không? Những cây nào được nhà trường ưu tiên chọn lựa và vì sao?

hongxung66@...

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:
Hằng năm nhà trường vẫn thường xuyên bổ sung trồng thêm cây xanh, trong đó ưu tiên trồng những loại cây cho bóng mát và những cây nở hoa theo mùa.

Do đặc thù của nhà trường giao lưu và đón khách quốc tế nhiều, nên một trong những món quà lưu niệm và ý nghĩa là cây xanh. Ở trường chúng tôi, có khá nhiều loại cây biểu tượng của các nước bạn như: Cây hoa anh đào của Nhật Bản, bàng Đài Loan, bạch đàn – biểu tượng của nước Úc, cây hoa dâm bụt – biểu tượng của nước Malaysia v.v…

Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động trồng các loại cây như: Phi lao ở phía đường bên hồ tạo cảm giác gần biển hơn; cây xoài tứ quý để nhớ miền Nam hơn, cây bưởi diễn mùa Xuân tỏa hương hoa ngào ngạt…


Trường mầm non vốn không có biên chế lao công nên việc làm vệ sinh trường lớp hầu như giáo viên phải "kiêm nhiệm" luôn. Thú thực nhiều lúc vô cùng mệt mỏi vì ai cũng biết giáo viên mầm non nhiều việc và vất vả như thế nào! Rất muốn được nghe chia sẻ của chị Phượng, bởi có thể chị cũng sẽ giống chúng tôi. Đặc biệt, nếu có, tôi rất muốn được nghe cách các chị và các giáo viên trong trường biến vất vả thành niềm vui như thế nào để học hỏi, có thêm động lực?

ttnhungyen@...

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:

Cô Nguyễn Thị Phượng (bên trái ảnh) chia sẻ bí quyết truyền tình yêu ngôi trường - ngôi nhà thứ hai - cho các học sinh mẫu giáo

Đúng là hiện nay trong trường mầm non không có biên chế lao công nên các cô giáo phải kiêm nhiệm cả nhiệm vụ này. Nhưng tôi và các cô giáo ở Trường mầm non Việt - Bun luôn tìm cách biến vất vả thành niềm vui cho mình, nhiều khi cũng là một cách thay đổi "không khí" để sau đó trở lại lớp thực hiện tốt hơn công việc của mình.
Bản thân tôi, coi trường như ngôi nhà thứ hai nên tôi luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh cho quang cảnh ngôi nhà thứ hai của mình luôn sạch đẹp trong mắt phụ huynh và học sinh.

Tình yêu này tôi truyền cho cả các con, cùng các con ra nhặt lá vàng, vừa giúp làm sạch khuôn viên trường, vừa tận dụng làm nguyên vật liệu cho các con học môn tạo hình (tranh làm bằng lá, con vật được tết từ lá...).

Những việc làm đơn giản như vậy đã khiến công việc trở thành niềm vui.

Tôi đã có dịp đến Sở GD&ĐT Hà Nội liên hệ công tác. Ấn tượng của tôi là trụ sở của Sở có nhiều chậu cây xanh, chiếu nghỉ lên cầu thang thì có gương để mọi người có thể chỉnh trang trang phục, có thùng rác ở các hành lang... Tôi trộm nghĩ chắc Sở Hà Nội cũng đang cố gắng triển khai Sở Xanh - Sạch - Đẹp, có phải vậy không thưa PGĐ Nguyễn Hiệp Thống?
Đặng Thị Yến - 33 tuổi, Tây Nguyên

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Sở GD&ĐT Hà Nội hiện đang có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Hiện có hai nơi làm việc chính ở 2 phố, diện tích chật hẹp.

Chúng tôi đã và đang làm tất cả những gì có thể để cơ quan Sở cũng là nơi thân thiện, viên chức Sở là những thành viên tích cực.

Trường cháu diện tích không được rộng lắm, khó có thể trồng được cây xanh bóng mát. Xin cô Hiền tư vấn làm thế nào để trường đạt được tiêu chí Xanh? Xin cảm ơn cô rất nhiều!
Ngô Thị Hoài Thu - Thái Bình

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:

Khéo léo tận dụng không gian, diện tích để trồng cây, đặt chậu hoa..., Đoàn Thị Điểm luôn là "trường học Xanh - rất Xanh" và rất đẹp nữa.

NGƯT Nguyễn Thị Hiền


Chào bạn, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cũng khiêm tốn về diện tích, chỉ có hơn 6.000 m2 mà có tới 90 lớp học bán trú.

Chúng tôi đã khắc phục việc trồng cây xanh bằng cách tận dụng tối đa vị trí đất có thể trồng được cây xanh và trang trí cùng với rất nhiều chậu hoa treo ở ban công, ở các hành lang lớp học. Bởi vậy, Đoàn Thị Điểm vẫn luôn là "trường học Xanh - rất Xanh" và rất đẹp nữa.

Cũng mong trường của bạn sớm trở thành "trường học Xanh". Có dịp, mời bạn đến thăm trường tôi để chúng ta cùng trao đổi thêm kinh nghiệm.


Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Trường học Xanh - Sạch - Đẹp
Xin cho biết Sở GD&ĐT Hà Nội có những chỉ đạo gì trong việc lồng ghép kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường trong giảng dạy của học sinh phổ thông? Chỗ tôi cũng tiến hành lồng ghép nhưng đang gặp khó khăn vì giáo viên không có nhiều cơ hội tham gia tập huấn nội dung này.
tamminhly2288@...

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Chào bạn!

Trong xu thế đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, nội dung lồng ghép các kiến thức liên môn trong mỗi môn học là hết sức cần thiết. Trong đó, lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước luôn được coi trọng và nhấn mạnh với học sinh các cấp.

Hiểu biết về tầm quan trọng của môi trường và nguồn nước thì giáo viên nào cũng có thể nắm được. Tuy nhiên, để khéo léo lồng ghép trong các môn học đòi hỏi giáo viên không những có kiến thức, kỹ năng ứng xử tình huống phù hợp. Từ đó, gửi thông điệp đến từng học sinh.

Đây cũng là nội dung mà trong những năm gần đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa vào một trong những nội dung cần tập huấn cho giáo viên về kiến thức này. (Năm vừa qua, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho hàng chục nghìn lượt giáo viên về nội dung chuyên môn và công tác quản lý).


Tôi từng có thời gian dài sống ở nước ngoài, sau đó về Việt Nam lấy vợ, sinh con. Tôi rất muốn con mình cũng phải có nếp sống văn minh, từ những việc nhỏ nhất như ý thức để rác đúng nơi quy định, tiết kiệm điện, tiết kiệm nước. Tuy nhiên, là người cha luôn bận rộn với công việc, tôi không có nhiều thời gian ở bên con. Tôi rất mong được nghe cô giáo mầm non cho sẻ kinh nghiệm, làm sao để rèn cháu ý thức tốt này từ nhỏ.

hungtu.tuyengiao@...

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng:
Việc rèn cho trẻ có ý thức với môi trường không phải mất quá nhiều thời gian. Anh có thể tận dụng những lúc như khi đưa đón con đi học, trong giờ ăn, lúc chơi cùng con, khi tắm rửa cho con... nói chung là trong sinh hoạt hàng ngày để nhắc nhở con ý thức bảo vệ môi trường.

Ví dụ, trên đường đi học về nhắc con không ném vỏ hộp sữa ra đường; trong lúc ăn, nhắc con không làm rơi vãi đồ ăn; khi tắm dạy con thói quen tiết kiệm nước.

Anh cũng có thể hướng dẫn con lao động tự phục vụ những việc nhỏ như cất đồ dùng, đồ chơi đúng nơi quy định; nhờ con quét nhà, nhiều khi con làm chưa sạch nhưng qua đó giúp hình thành thói quen yêu lao động... Trong khi bố mẹ nấu ăn, có thể nhờ con mang ra thùng rác vất những nguyên liệu bỏ sau sơ chế. Khi đưa con đi chơi công viên, nhắc con không dẫm lên cỏ, không ngắt hoa...

Những điều đó thực ra không mất quá nhiều thời gian của bố mẹ, chỉ cần mình thực sự lưu tâm là có thể làm tốt được.

Xin hỏi NGƯT Nguyễn Thị Hiền, với một trường dân lập, khi xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp, vấn đề "nóng" nhất cô gặp phải là gì? Và cô có giải pháp gì để tháo gỡ?
minhhoangnguyen@...

NGƯT Nguyễn Thị Hiền:

NGƯT Nguyễn Thị Hiền rất thú vị trước những câu hỏi bạn đọc gửi tới

Đối với trường dân lập, việc xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp có nhiều thuận lợi. Chúng tôi có kinh phí để hiện thực hóa các ý tưởng và xác định, trường học Xanh - Sạch - Đẹp cũng là một trong những yếu tố thu hút học sinh và tạo dựng thương hiệu cho nhà trường.

Vấn đề "nóng" ở đây chính là, đối với các trường ngoài công lập, việc xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp là một trong những mục tiêu quan trọng cần phải thực hiện ngay để xây dựng thương hiệu.

Các trường ngoài công lập thường có những mối quan hệ giao lưu quốc tế rộng rãi, có cơ hội học hỏi các trường tiên tiến trên thế giới, vì vậy việc áp dụng các kinh nghiệm vào thực tế của nhà trường dễ dàng hơn.

Xin hỏi thầy, khi đến các trường kiểm tra, phổ biến triển khai xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp, lời khuyên của các thầy cô với cơ sở giáo dục, nhà trường là gì?
Liễu Giang Minh - Biên Hòa

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:

Xuống cơ sở, chúng tôi luôn yêu cầu trước hết, mỗi nhà giáo phải là một "tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo".

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống


Chào bạn!

Việc xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp là trách nhiệm của mỗi người chứ không chỉ trông chờ vào Ngân sách Nhà nước. Trong đó, vai trò gương mẫu của các nhà giáo chuẩn mực trong hành vi, thấm nhuần về ý thức tư tưởng sẽ là tấm gương cho học sinh trong việc giữ gìn cảnh quan Sư phạm.

Ở đây, tôi muốn nói cảnh quan Sư phạm không chỉ nhà trường Xanh - Sạch - Đẹp mà còn là những chuẩn mực của hành vi, trang phục, ngôn ngữ của mỗi nhà giáo để học sinh noi theo.

Xuống cơ sở, chúng tôi luôn yêu cầu trước hết, mỗi nhà giáo phải là một "tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo".


Xin hỏi chị Mai Anh, ở Hà Nội, ngoài hai trường là Trường THPT Chu Văn An và Trường tiểu học Thực nghiệm, còn trường nào nữa được nhận giải thưởng "Trường học sinh thái ASEAN” không ạ? Nếu chúng tôi - một trường học ở Hưng Yên - cũng muốn đăng ký giải thưởng này có được không? Xin chị chia sẻ kinh nghiệm làm sao để có thể được nhận giải thưởng này?

Nguyễn Kim Vũ - Phương Mai, Hà Nội

Cô Hiệu trưởng Lê Mai Anh:

Trường THPT Chu Văn An đoạt Cúp Nhà trường sinh thái của ASEAN

Vào năm 2012, tổ chức ASEAN về môi trường có trao giải thưởng "Nhà trường sinh thái" cho các trường học trong khối ASEAN. Chỉ có hai trường là: Trường THPT Chu Văn An và Trường tiểu học Thực nghiệm của Hà Nội được nhận Cup "Nhà trường sinh thái" do Bộ Môi trường của các nước ASEAN trao tặng.

Việc đăng ký giải thưởng này căn cứ trên thông tin và thể lệ của cuộc thi. Thời điểm đó, sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã khẩn trương triển khai và tham gia với 2 nội dung: Viết bài luận bằng tiếng Anh và chuẩn bị clip về các hoạt động tại trường liên quan đến bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp. Sau đó chúng tôi gửi qua đường link đến Ban tổ chức tại Malaysia.

Tôi đọc các tiêu chí về trường học Xanh - Sạch - Đẹp thấy đều yêu cầu học sinh làm cái này, nhà trường thực hiện cái kia, giáo viên cần phải làm gì... nhưng không thấy yêu cầu phụ huynh. Theo tôi, phụ huynh cũng cần phải đóng góp, chung tay vào xây dựng nhà trường Xanh - Sạch - Đẹp. Xin hỏi quan điểm của các thầy/cô là như thế nào?
Hoàng Xuân Nghĩa - chuyên viên nội vụ

PGĐ Nguyễn Hiệp Thống:
Câu hỏi của bạn rất đúng!

Thực ra, trong việc quản lý trường học, tam giác gia đình - nhà trường - xã hội rất quan trọng. Không chỉ có các thầy cô giáo, các em học sinh mà các lực lượng xã hội đặc biệt là cha mẹ học sinh cần chung tay đóng góp.

Đây cũng là một phần của chính sách xã hội hóa giáo dục đào tạo cuả Đảng và Nhà nước. Nhiều năm nay, Hà Nội đã làm tốt việc này. Ban đại diện cha mẹ học sinh, từng bậc phụ huynh học sinh luôn bám sát mọi hoạt động của nhà trường và ủng hộ giúp đỡ bằng cả tinh thần, vật chất và những ý tưởng sáng tạo. Trong đó, việc quản lý và xây dựng, giữ gìn nhà trường Xanh - Sạch- Đẹp không thể thiếu vai trò cha mẹ học sinh.


Các vị khách mời chụp ảnh kỷ niệm cùng phóng viên, biên tập viên ban Điện tử báo Giáo dục và Thời đại

Trong chương trình giao lưu, chúng tôi đã nhận được hơn 270 câu hỏi của bạn đọc gửi về.

Do thời gian giao lưu có hạn nên nhiều thắc mắc của bạn đọc chưa được các khách mời giải đáp. giaoducthoidai.vn đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý bạn đọc đến các khách mời để sớm có giải đáp riêng, trao đổi trong những chương trình giao lưu trực tuyến tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý bạn đọc!
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top