Nguyễn Trãi trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Có thể nói, Nguyễn Trãi chỉ thấp thoáng xuất hiện trong thơ chữ Hán Tố Như thông qua một số điển cố văn học và lịch sử liên quan đến Ức Trai nhưng ta cảm nhận được ở Nguyễn Du tấm lòng cảm thương, kính phục vô bờ đối với một nhân cách vĩ đại có cuộc đời chịu nhiều oan khốc trong lịch sử dân tộc.


1.

Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nhiều nhân vật lịch sử của Trung Hoa được ông nhắc đến với một thái độ yêu ghét khá rõ ràng. Trong những nhân vật ấy, Khuất Nguyên và Đỗ Phủ có lẽ là hai người được Tố Như kính trọng, yêu mến nhất. Bởi họ không chỉ là những nhân cách vĩ đại mà còn gặp gỡ đại thi hào của chúng ta ở nhiều điểm tương đồng trong cuộc đời cũng như nghệ thuật. Điều này cũng dễ hiểu, bởi sự ảnh hưởng của những nhân cách và tài năng lớn đối với người đời sau là điều có tính phổ quát, không riêng gì Nguyễn Du mà còn ở nhiều tác giả khác, không riêng gì ở nước ta mà trên thế giới đều có hiện tượng này.

Việc Nguyễn Du ngưỡng mộ, cảm thương Linh Quân, Tử Mỹ của Trung Hoa là điều đã rõ. Thế nhưng việc Tố Như kính phục, yêu quý Ức Trai Nguyễn Trãi của Việt Nam ta không phải ai cũng nhận ra. Bởi tình cảm này Tố Như không thể hiện trực tiếp trong thơ, nó ẩn chìm đằng sau những điển cố mà ông sử dụng trong sáng tác của mình. Tuy vậy, dù chỉ nhắc đến một cách gián tiếp, nhưng bằng lòng cảm phục đối với vị anh hùng toàn tài lại chịu số phận oan nghiệt của dân tộc, ta vẫn thấy bóng dáng Ức Trai tiên sinh hiện lên qua những vần thơ được “viết dưới sự thôi thúc của những nỗi niềm không nói ra không được” (1) của Tố Như.

2.

Trong bài Thu dạ II, hai câu cuối “Tảo hàn dĩ giác vô y khổ/ Hà xứ không khuê thôi mộ châm” (Mới chớm lạnh đã hiểu hết nỗi khổ không có áo mặc/ Nơi nào phòng khuê vắng tiếng chày đập vải giục bóng chiều tà) mượn ý từ bài thơ Thôn xá thu châm (Tiếng chày đập vải mùa thu gần nhà trọ nơi thôn xóm) của Nguyễn Trãi:

Mãn giang hà xứ hướng đông đinh

Dạ nguyệt thiên kinh cửu khách tình

Nhất chủng Tiêu Quan chinh phụ oán

Tổng tương li hận nhập thu thanh

Thảo Nguyên dịch thơ (2):

Bập bùng tiếng giã vải đầy sông

Xao xuyến đêm trăng khách não lòng

Như ải Tiêu Quan chinh phụ oán

Tiếng-hờn hòa với tiếng-thu chung

Lấy tứ thơ tiếng chày nện vải vọng khắp sông của người chinh phụ như mang bao nỗi oán hờn trong đêm trăng hiu vắng làm não lòng khách ở trọ lâu ngày gần đấy trong bài thơ trên của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đã khắc họa thành công hình ảnh người thiếu phụ có chồng ra trận trong bài thơ của mình. Ở đây, Tố Như đã học tập Ức Trai và phát triển tứ thơ ở một cấp độ mới.

Tác giả không nói gì đến tâm trạng oán hờn của người chinh phụ, nhưng qua nỗi lo chồng sắp vào mùa lạnh không có áo mặc nơi sa trường và qua tiếng chày lặng lẽ mỏi mòn nơi chập tối nơi phòng vắng, ta hiểu ở người vợ không chỉ có nhớ thương, buồn lo mà còn có cả oán hờn.

Bởi chính người chinh phụ, trong hoàn cảnh bi đát của riêng mình, mới hiểu hết sức tàn phá ghê gớm của chiến tranh, không chỉ với người ra đi, mà với cả người ở nhà chờ đợi mòn mỏi. Có thể xem Thôn xá thu châm của Nguyễn Trãi và Thu dạ II của Nguyễn Du là hai tác phẩm hay viết về đề tài chiến tranh trong dòng thơ khuê tình cung oán ở nước ta nói riêng và thơ ca phương Đông nói chung.

Trong bài Tái du Tam Điệp sơn, miêu tả phong cảnh đèo Ba Dội nhân lần quay trở lại nơi đây, Nguyễn Du có viết câu “Chướng tĩnh phong loan sấu”, nghĩa là “khói núi tan, dáng núi hao gầy”. Câu này lấy ý từ câu thơ thứ ba trong bài Giang hành của Nguyễn Trãi là “Vũ quá sơn dung sấu”, nghĩa là “sau cơn mưa, núi mang dáng gầy”. Như vậy, có thể thấy, câu thơ trên của Nguyễn Trãi đã được Nguyễn Du dẫn lại hầu như nguyên vẹn, từ ý thơ đến ngôn từ, cấu trúc câu thơ. Đây là một trong những trường hợp dụng điển đặc biệt mà chúng tôi sẽ trình bày trong phần dưới đây.

Nếu như ở hai bài thơ trên, Tố Như học tập, dẫn lại thơ Ức Trai thì trong bài thơ dưới đây, ông dụng một điển gắn liền với một trong những sự kiện đau lòng nhất trong lịch sử dân tộc. Đó là họa tru di tam tộc thảm khốc mà 74 người trong gia đình Nguyễn Trãi phải chịu oan vào năm Nhâm Tuất 1442. Tác phẩm nhắc đến sự kiện này là bài thơ Độ Phú Nông giang cảm tác:

Nông thủy đông lưu khứ

Thao thao cánh bất hồi

Thanh sơn thương vãng sự

Bạch phát phục trùng lai

Xuân nhật thương thuyền hợp

Tây phong cổ lũy khai

Du nhân vô hạn cảm

Phương thảo biến thiên nhai

Trương Chính dịch thơ (3):

Phú Nông dòng nước tràn trề

Luôn luôn chảy mạnh xuôi về hướng đông

Non xanh việc trước đau lòng

Bạc đầu ta lại long đong chốn này

Thuyền buôn xuân họp tới đầy

Lũy xưa bỏ trống gió tây lạnh lùng

Khách qua cảm động không cùng

Chân trời man mác một vùng cỏ thơm.

Trong bài thơ này, Nguyễn Du có nhắc đến một địa danh nổi tiếng. Đó là sông Phú Nông hay Phú Nông giang, còn gọi là sông Luộc, chảy từ sông Hồng sang sông Thái Bình, nằm giữa hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, là con sông đào cổ, có vai trò quan trọng trong việc trị thủy canh nông của vùng (tên gọi “Phú Nông” có nghĩa là làm cho nghề nông phát triển, giàu lên).

Sông Luộc chảy qua Quỳnh Côi, nơi Nguyễn Du ẩn nấu và Hưng Nhân quê của Phạm Đôn Lễ, trạng nguyên đời Hồng Đức, cũng là tổ nghề dệt chiếu. Nghề này lan rộng cả vùng Hải Hậu tạo nên cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền tấp nập trên sông Luộc, gần ngã ba sông Hồng. Nơi đây, cũng chính là quê bà Nguyễn Thị Lộ, cô hàng chiếu thông minh xinh đẹp ngày xưa” (4), có một mối lương duyên kì ngộ để rồi bà trở thành một tiểu thiếp của Nguyễn Trãi, giữ chức Lễ nghi học sĩ trong triều được hầu cạnh bên vua. Bà gắn với thảm kịch án Lệ Chi Viên mùa thu năm Nhâm Tuất.

“Chuyện cũ đau lòng” mà cả núi xanh đến bây giờ vẫn còn như nhắc lại chính là họa tru di ba họ mà gia tộc Nguyễn Trãi phải gánh chịu một cách oan khốc, là vết nhơ không bao giờ xóa bỏ được mà triều Lê đã gây ra cho lịch sử dân tộc.

Có thể nói, Nguyễn Du cảm phục, kính trọng Nguyễn Trãi không chỉ ở nhân cách, tài năng và công lao vĩ đại đối với dân tộc của người anh hùng trọn đời “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” mà còn ở những điểm gặp gỡ mà Tố Như tìm thấy ở Ức Trai tiên sinh.

Cũng là một con người cô độc, “ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ” (ta có một tấc lòng không biết nói cùng ai), có tài nhưng không được trọng, có lí tưởng cao đẹp nhưng không làm sao thi thố được và cùng số phận suốt đời lao đao. Chưa quá nửa đời mà tóc đã bạc trắng, qua chốn này thấy số mình long đong, cho nên thi nhân viết “Du nhân vô hạn cảm”. Nỗi niềm cảm thương vô hạn ấy, Nguyễn Du dành cho tiền nhân mà có lẽ cũng dành cho cả chính mình.


Xao xuyến đêm trăng khách não lòng
1. Hoài Thanh, “Tâm tình Nguyễn Du qua một số bài thơ chữ Hán”, in trong Nhiều tác giả, Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm, tái bản lần 2, Nxb Giáo Dục, H., 2001, tr.33.
2, 5. Thảo Nguyên, Đọc và dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Nxb Hội Nhà văn, H., 2007, tr.48.

3. Nguyễn Thạch Giang - Trương Chính (biên khảo và chú giải), Nguyễn Du niên phổ và tác phẩm, Nxb Văn hóa Thông tin, 2000, tr.547.

4. Thảo Nguyên, Sđd, tr.56.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top