Người lái đò đưa học trò ra biển lớn

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Lớn lên trong gian khó

Cô Nguyệt sinh ra và lớn lên tại vùng quê Bảo Khê, Kim Động, Hưng Yên. Cho đến tận bây giờ, khi đã ngoài 40 tuổi, cô vẫn không thể quên những khó khăn thời bao cấp.

Cô nhớ rất rõ, vào năm cô học lớp 6, bố thường xuyên phải công tác xa nhà. Năm đó, mẹ đổ bệnh trong khi nhà còn bà và hai em nhỏ, mọi việc trong gia đình sớm phải đặt lên đôi vai bé nhỏ của cô. Gian khó đã khiến cô lớn trước tuổi và mạnh mẽ vượt lên tất cả. Bởi vậy, đến khi học lớp 9, cô Nguyệt đã phải nhận xe hương để kiếm thêm tiền lo cho gia đình.

Không chỉ vậy, suốt một thời gian dài, cô thức dậy từ 3h sáng để mang gà xuống chợ Long Biên (Hà Nội) gửi người nhà bán giúp rồi quay về Hưng Yên đi học. Đối với một đứa bé chỉ 14 tuổi, công việc ấy thật sự rất khó khăn, ấy vậy mà cô vẫn luôn có mặt tại lớp trước 7h sáng và đạt giải Nhì học sinh giỏi Văn cấp tỉnh trong năm học đó.

Thành tích của cô đã giúp cô được tuyển thẳng vào lớp chuyên Văn của trường cấp ba. Nhưng sau một thời gian, cô Nguyệt bỗng nhận ra môn học yêu thích của mình và quyết định thi sang lớp chuyên Toán. Từ một học sinh chuyên Văn, nên khi học lớp Toán, cô không khỏi bỡ ngỡ trước trình độ của nhiều bạn đã từng trải qua các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Với sự cần cù của mình, ngay trong học kỳ 1, cô đã vươn lên đứng đầu lớp ở nhiều môn học và được gọi vào đội tuyển ôn luyện học sinh giỏi của nhiều môn học.


Cô giáo Minh Nguyệt và các đồng nghiệp

“Kỳ tích” lại một lần nữa xảy ra khi cô thi đại học. Trong số 6 nguyện vọng trúng tuyển của mình, cô xuất sắc trở thành Thủ khoa của Cao đẳng Hưng yên và Á khoa Đại học Tài Chính. Sau cùng, cô theo học lớp Toán bằng tiếng Pháp của trường Đại học Sư phạm I. Đam mê sư phạm đã giúp cô có động lực để học tập và đạt nhiều thành tích tại ngôi trường này. Hết năm học thứ nhất, cô là 1 trong 4 sinh viên xuất sắc giành được học bổng khóa học ngắn hạn 3 tháng ở Pháp.

Nhìn lại mười mấy năm học với nhiều lần đạt thành tích cao, cô Nguyệt không nhận mình giỏi giang mà cho rằng đó là kết quả của sự nỗ lực.

Chắp cánh ước mơ du học cho học trò

Học xong đại học, cô Nguyệt giành được học bổng đi du học 9 tháng. Sau khi trở về nước, cô về quê nhà thi công chức, giảng dạy và kết hôn. Chỉ trong 3 năm công tác tại quê nhà, cô Nguyệt đã phát động thành công phong trào học tập và trở thành giáo viên giỏi có tiếng. Nhiều học sinh của cô đã đỗ vào các trường đại học Top đầu Hà Nội, trong đó có rất nhiều Thủ khoa đầu vào đại học.


Dù có một cuộc sống khá ổn định ở Hưng Yên, nhưng với mong muốn vượt lên chính mình, cô Nguyệt rời quê và tiếp tục học cao học ở Hà Nội. Đây cũng chính là khoảng thời gian thôi thúc cô bắt đầu lại ở nơi đất khách quê người.


Học trò về thăm cô giáo Nguyệt dịp 20/11

Cô nhớ lại: “Đó là năm 2003, mình quyết tâm lên Hà Nội học tiếp. Ở đây, để có đủ tiền trang trải nuôi con, thuê nhà, mình phải nhận dạy hợp đồng tại các trường. Ngoài thời gian học và dạy tại trường, mình nhận bồi dưỡng cho 5 6 bạn học sinh trong căn phòng thuê vỏn vẹn 10m2. Sự tiến bộ của học sinh đã giúp tiếng lành đồn xa, càng nhiều học sinh đến xin mình dạy kèm.”

Năm 2006, cô Nguyệt thi tuyển vào Đại học Xây dựng và trở thành giảng viên của trường. Ngoài giảng dạy chuyên môn, cô Nguyệt vẫn dành thời gian cuối tuần để ôn luyện cho các em học sinh thi vào lớp 10 và thi đại học. Nhiều thế hệ học sinh của cô đều đỗ đại học điểm cao và đi du học ở khắp các nước trên thế giới.

Từng là một du học sinh và định hướng cho nhiều học trò du học nên cô Nguyệt hiểu rất rõ những ưu, nhược điểm khi đi ra nước ngoài học hỏi kiến thức. Bởi vậy, cô Nguyệt mở trung tâm tư vấn du học Minh Nguyệt (62 ngõ Văn Chương, Hà Nội). Trung tâm của cô luôn tấp nập học trò và cô cũng được ưu ái gọi bằng cái tên “cô giáo du học”. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm du học của mình, cô Nguyệt luôn mong muốn rằng, “sẽ tiếp tục chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò, đưa các em vươn ra biển lớn, trang bị kiến thức để tự tin hơn, hòa mình vào dòng chảy của thế giới tri thức hiện đại và làm được nhiều điều có ích hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.”...

Hoàng Minh
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top