Nghệ An: Xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm trái quy định

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Việc dạy thêm học thêm được quy định Thông tư số 17/2012TT-BGD&ĐT, theo đó tổ chức dạy thêm học thêm phải trên tinh thần tự nguyện, nhằm đáp ứng nhu cầu được củng cố, ôn tập và mở rộng kiến thức của học sinh.

Vừa qua, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã có kết luận thanh tra công tác dạy thêm, học thêm tại các nhà trường năm học 2016 – 2017 và phát hiện có một số bất cập như: Tổ chức lớp học thêm còn xếp lớp theo lớp học chính khóa chưa đảm bảo theo tinh thần Thông tư 17; Việc xây dựng chương trình dạy thêm, học thêm, phân chia thời lượng, nội dung các buổi dạy thiếu cụ thể.

Có trường chưa thống nhất được thời lượng học thêm theo từng môn học cho từng khối, lớp (Trường THPT Hoàng Mai 2, THPT Hoàng Mai, THPT Nghi Lộc 3). Một số trường để cho giáo viên dạy thêm tự xây dựng chương trình mà chưa có sự thống nhất của nhóm chuyên môn (THCS Nghĩa Yên - Nghĩa Đàn).

Việc quản lý kinh phí dạy thêm ở một số trường chưa đúng quy định như Trường THCS Lê Xuân Đào (Hưng Nguyên); THCS Quỳnh Lập (TX Hoàng Mai); Nhiều trường chưa có phiếu thu tiền học thêm đến từng học sinh; Một vài nội dung chi chưa đúng quy định như THCS Hải Hòa (TX Cửa Lò), THCS Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên).

Ngoài ra, một số trường, một số giáo viên tự tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định. Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, hè 2017, nhà trường đã xử lý nhiều giáo viên do tự ý tổ chức các lớp dạy thêm trái quy định và không được sự cho phép của nhà trường.

Năm học 2016 – 2017, Phòng GD&ĐT Tp Vinh cũng đã tiến hành xử lý 2 giáo viên vi phạm dạy thêm, học thêm. Đó là trường hợp của một giáo viên Trường Tiểu học Cửa Nam 1 và một giáo viên Trường Tiểu học Đông Vĩnh. Hiện hai giáo viên này đã được luân chuyển đến 2 trường tiểu học khác.

Ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng GD&TĐ TP Vinh cho biết: Thành phố đang tăng cường chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm trái quy định. Mặc dù đã tăng cường biện pháp xử phạt nhưng vẫn còn nhiều trường hợp giáo viên ”nể” phụ huynh nên tổ chức dạy hoặc một số đơn vị, tổ chức cố tình lách các quy định để vi phạm dạy thêm như: Một số trung tâm đăng ký tổ chức dạy ngoại ngữ, học kỹ năng nhưng lại tổ chức dạy không đúng chức năng và dạy cả những môn văn hóa…

Vì vậy, Phòng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần quản lý chặt chẽ trong quá trình cấp phép trung tâm ngoại ngữ, trung tâm kỹ năng. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra để việc quản lý được hiệu quả và đúng quy định.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An, đến thời điểm này, Sở đã tổ chức cấp phép dạy thêm cho 87 Trường THPT và 41 tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, các trường THCS thuộc quản lý của UBND huyện và Phòng GD&ĐT cũng đã tổ chức thẩm định, cấp giấy phép dạy thêm, học thêm. Ngoài dạy thêm có thu tiền, nhiều trường ở vùng khó khăn, miền núi, các thầy cô giáo tổ chức dạy bổ trợ kiến thức miễn phí cho học sinh.

Ngoài ra, đối với bậc Tiểu học, ngoài chương trình học 2 buổi/ngày với số tiết và chương trình theo hướng dẫn năm học của Bộ GD&ĐT, nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm. Để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày cần 1,5 giáo viên/lớp.

Tuy nhiên, tại Nghệ An, theo biên chế bố trí chỉ đạt 1,2 giáo viên/lớp. Vì thế, các địa phương tuyển thêm giáo viên hợp đồng, giáo viên thỉnh giảng và cho phép nhà trường thu tiền dạy học buổi 2 của phụ huynh. Số tiền đóng góp này dùng để chi trả chế độ cho các giáo viên không được trả lương trong ngân sách nhà nước.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An – bà Nguyễn Thị Kim Chi – ckhẳng định: Sở sẽ xử lý nghiêm túc những trường hợp tổ chức dạy thêm trái quy định và lợi dụng việc dạy thêm để gây áp lực cho học sinh, đặc biệt là trong thi cử.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top