Nét sáng tạo sơn mài

dinhnhuy012

Thành viên
Thành viên BQT
#1
Uyển chuyển tranh sơn mài
Từ trước đến nay, nhắc đến sơn mài người ta nghĩ ngay đến những tấm vóc đen bóng lưỡng được mài khắc công phu bằng vỏ sò thô cứng cùng màu sơn then, sơn cánh gián sắc đậm. Nhưng với tranh sơn mài trên quả bầu khô, vẻ đẹp cứng nhắc, góc cạnh ấy bỗng trở nên mềm mại, uyển chuyển đến lạ thường.

Vẫn với những chất liệu màu truyền thống của nghề sơn mài vậy mà khi thể hiện trên vật dụng quen thuộc của đồng bào dân tộc, nét vẽ như được bay bổng, uốn lượn theo từng đường cong khúc khuỷu của quả bầu. Chính điều đó đã ghi dấu ấn sáng tạo rất riêng của người nghệ sĩ khi thổi hồn vào bức tranh sự sống động và thanh thoát khó tìm thấy ở những tác phẩm trên nền vóc bình thường.
Bên cạnh đó, mỗi quả bầu lại có hình dáng, kích thước khác nhau nên người họa sĩ phải sáng tạo không ngừng để tìm ra hình vẽ phù hợp, dàn trải được trên nền cong lồi lõm của quả bầu. Đây thật sự là thử thách cho đơn vị thực hiện - Công ty Việt An, bởi với nghệ thuật truyền thống như tranh sơn mài thì người nghệ sĩ phải thật tinh tế và tỉ mỉ vì sự cách tân không hợp lý có thể làm mất đi vẻ đẹp vốn có của truyền thống. Tuy nhiên, với tâm huyết dành cho tranh sơn mài, những họa sĩ trẻ nơi đây đã thể nghiệm thành công ý tưởng "không giống ai" của mình.

Tranh sơn mài từ lâu đã trở thành một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam và có lần, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã khẳng định: "Màu sắc sơn mài đằm thắm, sắc nhị âm vang sâu rộng, rung tới tận đáy lòng người xem. Không một màu đỏ nào đứng cạnh màu son của sơn mài mà không bị tái nhợt. Chưa thấy một màu đen nào đặt cạnh màu đen của sơn mài mà không bị bạc và trơ". Tuy nhiên, theo thời gian, nền gỗ dùng làm tấm vóc đôi khi bị cong, vênh do điều kiện khí hậu, thời tiết... thế nên nét đằm thắm, trầm mặc của sơn mài cũng nhạt phai ít nhiều.
Trăn trở với điều đó, họa sĩ Nguyễn Thanh Tịnh - Giám đốc Dự án của Việt An Art đã nghĩ ra một chất liệu mới bền lâu hơn và cũng lạ đời hơn là quả bầu khô. Khi còn là sinh viên Trường đại học Mỹ thuật, anh Tịnh từng có thời gian thực tập vẽ tranh ở Tây Nguyên nên hiểu rõ những trái bầu khô đã trải qua sương gió vùng cao có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt, bền bỉ qua thời gian. Thêm vào đó, quả bầu vốn đã lồi lõm nên về lâu dài không lo sợ bị cong, vênh như nền vóc đen truyền thống. Nghĩ là làm, cùng với những người bạn cũng tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật, anh đã thử nghiệm chất liệu độc đáo này vào tranh sơn mài.


Họa sĩ Phan Ngọc, một trong những họa sĩ ở Việt An Art, kể lại: "Khi mới bắt tay vào vẽ trên chất liệu quả bầu thì ai cũng cảm thấy khó. Không như vẽ trên vóc bằng phẳng, phạm vi quả bầu rất giới hạn, lại lồi lõm vô chừng, thêm vào đó chẳng trái nào giống nhau nên cứ mỗi bức tranh lại phải mày mò sáng tạo, nghĩ ra cách vẽ cho phù hợp với hình dáng trái bầu".

Hơn 16 năm vẽ tranh sơn mài nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng mới này, anh mới ngỡ ra rằng nghệ thuật dân tộc vẫn còn nhiều tiềm năng phong phú để sáng tạo và cách tân. Từ những khó khăn, thử thách ban đầu, giờ đây anh Ngọc và nhiều họa sĩ đã bị lôi cuốn theo từng nét vẽ của tranh sơn mài trên quả bầu khô.Nhưng điều làm tâm hồn người nghệ sĩ thỏa chí nhất chính là tác phẩm của mình đã lưu giữ lại nét đẹp truyền thống của dân tộc trên chính một vật dụng văn hóa cũng có truyền thống lâu năm - quả bầu khô!

Và đá cũng biết nói, cười

Không chỉ có tác phẩm sơn mài trên quả bầu khô "độc nhất vô nhị", showroom Việt An Art (số 8, đường 27 - Trần Não, phường Bình An, quận 2) còn mang đến cho những người yêu nghệ thuật những viên đá được chạm khắc tinh vi và sắc sảo. Vẽ tranh sơn mài trên đá cũng khó như vẽ trên quả bầu khô, phải được mài dũa kỳ công qua bàn tay của người nghệ sĩ bởi những viên đá đen gồ ghề, to nhỏ khác nhau là một thử thách thật sự cho ai đã quen với những bức tranh trên giá vẽ bằng phẳng thông thường.

Có mặt trong buổi khai trương showroom nghệ thuật này, giáo sư Trần Văn Khê, người đã dành trọn đời mình để nghiên cứu, giữ gìn văn hóa dân tộc, đã không tiếc lời khen: "Trước giờ người ta thường bảo trơ như đá, nhưng qua bàn tay của người nghệ sĩ, đá cũng biết mỉm cười, biết bâng khuâng. Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy nhiều khuôn mặt dễ thương của đá đến như vậy". Những nghệ nhân ở Việt An Art đã gửi gắm vào đá vô tri những bức tranh sơn mài ấn tượng cùng những chạm khắc tinh tế, công phu để người thưởng lãm có thể cảm nhận được trong đá có cả sự sống, và tình yêu.
Lạ mắt nhất là những viên đá được chạm khắc bằng kỹ thuật bào mòn lớp bên ngoài để lộ phần khoáng chất màu trắng bên trong. Khác với kiểu khắc đá thông thường để lại những vết rạn sần sùi trên bề mặt, những viên đá này láng mịn như thể chưa từng chịu qua một vết xước. Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của kỹ thuật, hình khắc có độ đậm nhạt khác nhau nên đã diễn tả được trọn vẹn cảm xúc, chiều sâu của tác phẩm, trông như một bức tranh nghệ thuật trắng đen sâu lắng và trầm mặc.

Chính vì những viên đá khắc có thể chuyển tải hết sắc thái, linh hồn của tranh ảnh và lại không bị phai màu theo thời gian nên nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên đã ký kết độc quyền cung cấp hình ảnh cho Công ty Việt An, bởi theo ông "những sáng tạo để tôn vinh, lưu giữ nghệ thuật như thế rất đáng được trân trọng".

Ông rất tâm đắc bởi hình ảnh những thiếu nữ xuân thì duyên dáng, mềm mại lại được khắc trên những hòn đá góc cạnh, gồ ghề, tưởng chừng như đối lập nhưng lại kết hợp hài hòa với nhau. Trên chất liệu đá đen ấy, nét đẹp thanh xuân của người con gái được giữ lại nguyên vẹn bất chấp sự bào mòn của năm tháng. Xét cho cùng thì đó cũng chính là sứ mệnh của nghệ thuật - gìn giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất của con người và cuộc đời tồn tại suốt với thời gian.
 

Bình luận bằng Facebook

Top