Nâng cao chất lượng học Toán với phương pháp kiểm tra vấn đáp

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Những lưu ý khi thực hiện kiểm tra bằng vấn đáp

Cô Vũ Thị Thu Hương cho biết, mỗi học kì, mình tổ chức hai lần kiểm tra vấn đáp cho học sinh, vào giữa học kì và trước kì thi học kì hai tuần.

Mục đích giúp học sinh tự hệ thống lại được toàn bộ kiến thức đã học để chuẩn bị cho các kì kiểm tra; thấy được những nhận thức của mình đúng hay chưa, từ đó tự điều chỉnh bản thân để đạt được kết quả tốt trong các kì kiểm tra.

Trước khi kiểm tra vấn đáp, theo cô Hương, giáo viên nên đưa ra yêu cầu học sinh ôn lại toàn bộ những kiến thức đã được học. Đặc biệt nhấn mạnh: Phải hiểu kiến thức chứ không phải học vẹt.

Đồng thời bản thân giáo viên cũng phải chuẩn bị những bài tập lý thuyết sao cho phù hợp với những nội dung đã được học.

Hình thức kiểm tra: Giáo viên lần lượt từng học sinh vào bốc thăm, mỗi em được chuẩn bị 5 phút (Trong lúc một học sinh trả lời, một học sinh khác chuẩn bị).

Để khuyến khích học sinh, giáo viên có thể lấy làm điểm kiểm tra miệng. Những học sinh yếu kém không trả lời được câu hỏi, giáo viên cho bốc thăm câu hỏi phụ - chỉ là những bài toán lý thuyết đơn giản (như loại bài điền vào chỗ trống, trả lời những câu hỏi lý thuyết đơn giản).

Từ kết quả của buổi kiểm tra, giáo viên sẽ điều chỉnh, uốn nắn học sinh những lỗi hay mắc. Cũng qua đó, giáo viên đồng thời đánh giá bản thân mình đã hoàn thành trách nhiệm hay chưa, để đưa ra các phương pháp điều chỉnh kịp thời.

Hệ thống bài toán giúp kiểm tra kiến thức học sinh toàn diện

Cô Vũ Thị Thu Hương cho rằng, các bài toán trắc nghiệm sẽ giúp giáo viên kiểm tra kiến thức học sinh được rộng hơn, sâu hơn và nhanh hơn, đáp ứng mục đích của giáo dục là cung cấp cho học sinh kiến thức một cách đầy đủ và toàn diện.

Chính vì vậy, cô Hương chia sẻ mình đã không ngừng học hỏi đồng nghiệp, tham khảo sách và đã tìm tòi được một số bài toán trắc nghiệm trong quá trình giảng dạy.

Các đề bài toán cô Hương trình bày gồm 4 dạng: Các bài tập dạng trắc nghiệm đúng sai; Các bài tập dạng trắc nghiệm điền khuyết; Các bài tập dạng trắc nghiệm ghép đôi; Các bài tập dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Trắc nghiệm đúng sai là dạng bài toán về cả lý thuyết và bài tập. Để giải được dạng toán này học sinh cần phải nắm chắc và hiểu sâu kiến thức từ đó tìm được cách lựa chọn của mình cho đúng và phù hợp.

Các bài toán điền vào chỗ trống cho thích hợp: Đây là dạng bài toán về lý thuyết. Mục đích của bài toán giúp học sinh tiếp nhận và củng cố kiến thức một cách vững chắc. Để giải được dạng toán này học sinh cần phải chăm học, học đều và tránh được tình trạng học vẹt.

Bài toán dạng ghép nối là dạng toán giúp học sinh củng cố kiển thức đã học một cách chắc chắn. Học sinh cần phải học kỹ lý thuyết, nắm chắc kiến thức cơ bản mới không mắc phải các sai lầm khi làm bài.

Bài toán lựa chọn kết quả: Đây là dạng bài toán yêu cầu học sinh phải nắm chắc kiến thức để vận dụng vào bài tập. Trong hàng loạt các đáp số, học sinh phải có sự kết hợp hài hoà giữa lý thuyết và bài tập. Đôi khi học sinh phải dùng phương pháp suy luận (tính toán) để giải rồi lựa chọn kết quả.

Đây là phương pháp giáo viên dùng để ôn tập sau bài học,cuối chương học hay kiểm tra học sinh trong các bài định kỳ.

Những dạng bài tập nói trên, theo cô Hương, có thể giúp học sinh có thể tiếp nhận một cách thoải mái, dễ dàng kiến thức, từ đó vận dụng kiến thức đã học để giải ngay các bài tập trên lớp một cách thành thạo.

Xem chi tiết các bài toán cô Hương chia sẻ TẠI ĐÂY
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top