Muốn đổi mới, phải thay đổi vai trò của cả người dạy lẫn người học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
PV: Một trong những lực cản lớn nhất hiện nay đối với công cuộc đổi mới, đó là thói quen đọc - chép khô cứng trong giảng dạy còn tồn tại nhiều nơi. Theo ông, làm sao giải quyết được tình trạng này?

Ông Phan Đoàn Thái: Đối với GD&ĐT, một trong những mục tiêu quan trọng, cấp thiết là đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó thói quen “GV đọc - HS chép” đang tạo “sức ỳ” cần sớm loại bỏ. Tất nhiên, tùy vào tính chất đặc thù của từng cấp học, từng môn học, từng tiết học để sử dụng phương pháp “đọc chép” sao cho phù hợp.

Trên thực tế hiện nay có không ít GV, với nhiều lý do như sợ giảng sai, sợ “cháy” giáo án … trong lúc giảng dạy đã lựa chọn giải pháp “an toàn” là đọc lại kiến thức từ giáo án “mẫu”, từ sách giáo khoa để HS chép nguyên văn. Dạy - học theo phương pháp này, GV nhàn, nhưng HS thì thụ động, quen học thuộc lòng, thủ tiêu tư duy sáng tạo… Do vậy, cần kiên quyết có “cuộc cách mạng” xóa bỏ ngay kiểu dạy- học này trong các trường học.



Ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận


Trước hết, giải pháp cốt lõi là thay đổi vai trò, trách nhiệm của cả người dạy và người học trong quá trình dạy - học.

Người dạy cần có kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm vững vàng để thiết kế linh hoạt sáng tạo các hoạt động học, để hướng dẫn, trợ giúp người học tự học chiếm lĩnh kiến thức và rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

Ngoài ra, người dạy cần có các thiết bị hỗ trợ (ví dụ như máy tính, đèn chiếu…), nắm vững quy trình thực hiện các phương pháp dạy học tích cực, phải đầu tư soạn lại giáo án theo hướng mở - thường xuyên cập nhật cái mới. Cuối cùng, việc đánh giá GV phải thực hiện thường xuyên, chính xác, tạo động lực để người thầy không ngừng tự học, bồi đắp kiến thức chuyên môn và năng lực sư phạm.

Người học phải được hướng dẫn để học chủ động tư duy độc lập, có khả năng cộng tác với người khác trong quá trình thảo luận - nhưng phải làm những bài tập kiểm tra riêng biệt để chứng tỏ mình đã có học thực sự. Chuyển cách kiểm tra, đánh giá kết quả GD từ nặng về trí nhớ sang năng lực vận dụng kiến thức, giải quyết vấn đề…

PV: GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, nhưng thực tế trong hệ thống ngạch bậc lương quốc gia, thì lương của nhà giáo nằm ở khoảng giữa của hệ thống. Ông có nghĩ rằng đây vẫn còn là điều bất cập để kích thích người GV dạy tốt?

Ông Phan Đoàn Thái: Thực tế hiện nay, lương của GV tuy có thấp, nhất là đội ngũ GV mới ra trường (khoảng 2-3 triệu đồng/ tháng). Nhưng những năm qua, ngành GD&ĐT đã đạt được những thành tích nhất định, lương tâm và đạo đức nhà giáo không cho phép nhà giáo suy nghĩ theo kiểu “trả lương kiểu nào - tôi dạy kiểu đó”.

Chuyện lương thấp, Sở GD&ĐT Bình Thuận cũng đã có những kiến nghị cụ thể và tôi tin rằng với sự nghiệp đổi mới GD hiện nay, Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm nhiều hơn vấn đề này trong thời gian đến.

PV: Theo dư luận, để “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hội nhập quốc tế sâu rộng”, trước hết những người đứng đầu các cơ sở GD - nhất là hiệu trưởng cần phải được “thay máu” một cách quyết liệt. Theo ông, nội hàm này có ý nghĩa ra sao và cần thực hiện như thế nào?

Ông Phan Đoàn Thái: Đối với tôi, chữ “thay máu” nên được hiểu là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD, nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ và năng lực quản trị trường học. Tất nhiên, “thay máu” có thể bao gồm cả việc thay đổi nhân sự CBQLGD, nhưng không nên hiểu đơn giản chỉ là thay đổi đội ngũ này một cách cứng nhắc.

Song song đó, các cơ quan thẩm quyền cần hoàn thiện Chuẩn CBQLGD (trong đó có Chuẩn hiệu trưởng). Cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng đạt Chuẩn rồi mới bổ nhiệm; phải có chính sách đãi ngộ phù hợp.

Thực tế, từ năm 2008, chúng tôi đã, đang bồi dưỡng kiến thức- nghiệp vụ đổi mới cho hơn 600 hiệu trưởng trường phổ thông. Các kiến thức này được tiếp tục bổ sung thông qua các đợt tập huấn, hội thảo khoa học, thực tập...

Mới đây, với sự tài trợ của dự án FCB (Vương quốc Bỉ), Sở GD&ĐT Bình Thuận đã phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đào tạo và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cho hiệu trưởng các trường phổ thông. Qua đó giúp hiệu trưởng biết sử dụng các phần mềm tin học để phân tích điểm kiểm tra, điểm thi của HS, nhằm đưa ra những điều chỉnh phù hợp về phương pháp dạy và học.

PV: Muốn sàng lọc một cách chuẩn xác lực lượng GV, thì cách thức dự giờ, thao giảng, hội giảng, đánh giá, xếp loại GV như lâu nay cần phải đổi mới mạnh mẽ. Dư luận cho rằng lâu nay cách làm và kết quả của sự sàng lọc nhìn chung không thực chất. Ông có suy nghĩ gì?

Ông Phan Đoàn Thái: Theo tôi, dự giờ, thao giảng, hội giảng không phải nhằm mục đích sàng lọc GV và không phải là biện pháp duy nhất để sàng lọc GV. Các hoạt động này chỉ đơn giản nhằm giúp thầy, cô rèn luyện nghiệp vụ giảng dạy thông qua tự đánh giá, đồng đánh giá và đánh giá ngoài.

Mỗi GV đều phải thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ chiến lược: giảng dạy và giáo dục. Nếu giảng dạy cung cấp tri thức khoa học cho HS, thì giáo dục giúp các em hình thành nhân cách theo những mục tiêu đã định. Ngoài ra, GV phải tự bồi dưỡng và tham gia nhiều công tác khác.

Nếu ở đâu đó và tại một thời điểm nào đó, việc sàng lọc GV thực hiện thông qua dự giờ, thao giảng, hội giảng (nếu có) thì cách thức này còn phiến diện. Einstein từng viết: “Mọi người đều là thiên tài. Nhưng nếu ta đánh giá một con cá dựa vào khả năng leo cây của nó, ta sẽ suốt đời tin rằng con cá ấy ngu ngốc”.

Việc đánh giá GV phải được thực hiện toàn diện và phát huy được năng lực đặc thù của họ, thay vì áp đặt những chuẩn mực rập khuôn, phiến diện. Theo nghĩa này, người đánh giá GV cần được đào tạo đúng chuẩn về chuyên môn - nghiệp vụ, phải có kinh nghiệm sư phạm dồi dào và lương tâm nhà giáo trong sáng.

Theo tôi, để góp phần cho việc “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” thành công, phải coi thanh tra sư phạm (TTSP) là một nghề, có ngạch lương riêng như những nghề khác. TTSP được sơ tuyển, đào tạo ban đầu trước khi bổ nhiệm và bồi dưỡng định kỳ sau khi bổ nhiệm.

TTSP sẽ là lực lượng chủ lực để đánh giá năng lực giảng dạy của GV. Còn việc đánh giá năng lực giáo dục và các công tác khác của người thầy nên trao cho hiệu trưởng. Hai loại đánh giá này sẽ được tổng hợp, phục vụ cho các chính sách đãi ngộ GV, nâng lương, thuyên chuyển, bổ nhiệm.

PV: Xin cám ơn ông
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top