Một vài suy nghĩ về chương trình, sách giáo khoa, người thầy

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
1. Phải hình thành niềm tự hào dân tộc cho thế hệ học sinh. Ngay từ khi là học sinh cho đến trưởng thành, lúc nào các em cũng tự hào rằng mình là người Việt Nam. Dù sống ở đâu, làm công việc gì cũng luôn nghĩ mình phải thể hiện “chất” Việt Nam trong cuộc sống của mình.

Tháng 9/1984 tôi sang làm chuyên gia giáo dục ở Algérie. Gặp tôi ở phố, người ta hỏi: Ông là người Nhật? Tôi trả lời: Việt Nam. Họ vây quanh tôi giơ ngón tay cái trước mặt, cùng nói to: “Général Giap - Điên Biên Phu”. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày khởi nghĩa, 1/11/1984, bạn bè trong trường đến chơi kể rằng, mở đầu Lễ kỷ niệm, Đài truyền hình Algérie đã chiếu phim Điện Biên Phủ rồi nói: “Chính nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam mà nhân dân Algérie chúng tôi tin rằng, chúng tôi đánh được Pháp”. Suốt thời gian dạy học ở Algérie, tôi được chào đón với tình cảm trìu mến.

Chương trình, sách giáo khoa phải tạo điều kiện để người thầy từng bước hình thành niềm tự hào là người Việt Nam cho học sinh, và các em học sinh luôn ý thức mình là người Việt Nam ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

2. Nội dung chương trình, sách giáo khoa phải chứa đựng các yếu tố giúp người dạy hình thành trong học sinh một năng lực tư duy.

Trình độ tư duy là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa con người với nhau.

Năm 1956 tôi học Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm. Tôi thường tranh thủ sang nghe Giáo sư Đặng Thai Mai giảng bài cho sinh viên Khoa Văn. Ông thường đứng giữa bục giảng, hai tay xoa xoa viên phấn, nói rất nhỏ. Lớp học im phăng phắc nghe ông giảng, vì ông nói những điều suy nghĩ của riêng ông, nói cách khác ông giảng những điều tư duy của ông.

Năng lực tư duy tạo nên sự khác biệt giữa con người.

Khi nói tác giả A là tiến sĩ khoa học thì ta hiểu rằng tác giả A thuộc vào lớp người sáng tạo. Năm 1956, tôi nghe thầy Nguyễn Cảnh Toàn kể rằng, thầy gửi luận văn viết về một công trình Toán để xin một trường đại học của Liên Xô đánh giá. Ba tháng sau, thầy nhận được công văn trả lời rằng công trình nghiên cứu của thầy đã giải quyết ở thế kỷ 19.

Mặc dù thầy Nguyễn Cảnh Toàn chưa đọc công trình này, nhưng kết quả nghiên cứu của thầy coi là không có giá trị về mặt đóng góp khoa học cho môn Toán. Thầy Nguyễn Cảnh Toàn tìm một hướng đi mới, mà sau này thầy đã trở thành “Người phát minh Hình học siêu phi Ơclit”, được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Hoa Kỳ tôn vinh vào bộ phận tinh hoa gồm 500 người.

3. Phải hướng các thế hệ học sinh vào tình yêu con người.


Tình yêu con người là nền móng cho sự bền vững và phát triển của xã hội.

Những nhà khoa học cống hiến cả đời mình nhằm kéo dài, mở rộng thời gian sống cho con người. Nhà bác học Louise Pasteur đã ngồi hàng ngày trước cũi con chó dại. Ông thấy con chó dại trước khi chết, vẻ mặt nó bần thần, nôn nao, lo lắng, ông cho rằng virus dại nằm ở não con chó. Ông đã dự đoán đúng và sau đó ông tìm ra vắc-xin cứu những người bị chó dại cắn thoát chết. Đó là tình yêu con người.

Những nhà hoạt động chính trị chân chính trăn trở về cuộc sống và hạnh phúc của xã hội hôm nay và mai sau. Đó là tình yêu con người.

Những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật quan tâm đến số phận của những người khác. Đó là tình yêu con người.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói tại Hội trường Trường Đại học Sư phạm năm 1961: “Càng yêu người bao nhiêu càng yêu nghề bấy nhiêu”.

Thời gian tới, một thế hệ bước vào chặng đường giáo dục mới. Chương trình học đã được xác định. Một số bộ sách giáo khoa đã được thẩm định. Vấn đề còn lại là các thế hệ người thầy sẽ tiếp nối nhau dẫn dắt lớp trẻ, từ lúc vào trường cho đến lúc vào đời, để lớp trẻ trở thành những con người, bàn tay có sức mạnh, không gian hiểu biết được mở rộng, tâm hồn đằm thắm tình yêu thương, góp phần xây dựng xã hội công bằng, văn minh, giàu mạnh.

Vũ Hoàng Lâm
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top