“Mềm hóa” những giờ học về văn bản nhật dụng

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo - Giáo viên dạy Ngữ văn Trường THCS Mỹ Đình II (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm dạy văn bản nhật dụng gắn với thực tiễn nhằm đạt hiệu quả cao.

Dạy học sinh từ toàn cảnh đến cận cảnh


Văn bản nhật dụng mang nội dung gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội, hướng người học tới những vấn đề thời sự hằng ngày mà mỗi cá nhân, cộng đồng đều quan tâm như: Môi trường, dân số, sức khỏe cộng đồng, quyền trẻ em.


Cô Thảo dẫn giải: Chẳng hạn như với Văn bản Ôn dịch, thuốc lá.

Khi dạy bài này ngoài việc xác định được quyết tâm phòng chống thuốc lá trên cơ sở nhận thức tác hại to lớn, nhiều mặt của thuốc lá đối với đời sống cá nhân và cộng đồng, giáo viên cần phải tác động đến tâm lí của học sinh nhất là học sinh bậc THCS, bởi đây là lứa tuổi mà nếu các em nhận thức một cách đầy đủ về tác hại của thuốc lá thì chính các em sẽ là những tuyên truyền viên về phòng chống tác hại của thuốc lá.

"Có thể qua các phương tiện thông tin đại chúng, các em đã thấy được tác hại khôn lường của thuốc lá, nhưng qua bài học dựa vào những chứng cớ khoa học với cách lập luận đầy thuyết phục của tác giả thì rõ ràng các em sẽ có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về tác hại của thuốc lá, từ đó các em rút ra được bài học cho bản thân trong việc ngăn ngừa và phòng chống thuốc lá" - Cô Thảo chia sẻ.

Cũng theo cô Thảo, khi dạy nội dung này, cô thường tìm thêm các tài liệu liên quan đến nội dung bài học, nhằm giúp các em có cái nhìn từ toàn cảnh đến cận cảnh về những nguy hại của thuốc lá.

"Chẳng hạn như: tôi tham khảo thêm báo cáo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và đưa các con số như: Trên thế giới có 5 triệu người chết về các bệnh liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2020 có khoảng 10 triệu người chết vì thuốc lá.

Ở nứơc ta tỉ lệ người hút thuốc lá rất cao, nam giới là 56%, nữ giới là 3%. Tiêu dùng cho thuốc ở nước ta mỗi năm hơn 8200 tỉ đồng, số tiền này có thể mua lương thực nuôi sống 15 triệu người trên năm.

Chính những con số ấy sẽ cho các em có cái nhìn cận cảnh hơn về tác hại của thuốc lá, từ đó các em sẽ có những thận thức và hành vi đúng đắn trước cuộc chiến với thuốc lá" - cô Thảo trao đổi.

Lồng ghép hệ thống câu hỏi gắn với thực tiễn

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo bên học sinh của mình
Ngoài ra, giáo viên cần biết đặt hệ thống câu hỏi lồng ghép. Chẳng như: Trước khi học văn bản này, em biết gì về tác hại của thuốc lá? Với những chứng cớ khoa học về tác hại của thuốc lá mà tác giả đưa ra như vậy, bản thân em cần phải làm gì để tham gia vào việc phòng chống tệ nạn thuốc lá? Ở nước ta, em thấy có những việc làm gì để phòng chống thuốc lá? Hiện nay trong học sinh chúng ta vẫn có một số em lén lút hút thuốc lá (không nhiều), em nghĩ gì về trường hợp này?...
Hay như với văn bản về bài toán dân số, đây cũng là một loại văn bản nhật dụng phục vụ cho chủ đề “Dân số và tương lai của dân tộc, nhân loại”.

Theo cô Thảo, khi dạy văn bản này giáo viên cần xác định mục đích và nội dung chính mà tác giả đặt ra là cần phải hạn chế gia tăng dân số, giúp cho học sinh thấy rõ vấn đề dân số ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng đời sống gia đình và toàn xã hội.

Qua đó giáo dục học sinh ý thức tham gia tuyên truyền chủ trương kế hoạch hóa gia đình ngay trong chính địa phương của mình.

Cũng theo cô Thảo, khi dạy văn bản này, ngoài những câu hỏi trong sách giáo khoa giáo viên có thể nêu thêm những câu hỏi như: Con đường nào là con đường tốt nhất để hạn chế sự gia tăng dân số? Vì sao sự gia tăng dân số có tầm quan trọng hết sức to lớn đối với tương lai nhân loại, nhất là đối với các dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu?

Giáo viên cần định hướng cho học sinh hiểu dân số phát triển quá nhanh sẽ ảnh hưởng đến đời sống của con người ở nhiều phương diện như: chỗ ở, lương thực, môi trường, việc làm, giáo dục, và kết quả là dẫn đến đói nghèo, bệnh tật, lạc hậu v.v...

"Tóm lại, khi dạy các Văn bản nhật dụng, giáo viên không nên áp đặt những câu hỏi một cách máy móc, điều quan trọng là cần đưa ra những câu hỏi dẫn dắt để lồng ghép một cách hợp lí và khai thác khả năng nhận biết, sáng tạo của học sinh để từ đó học sinh thấy được ý nghĩa cũng như những việc cần làm sau khi học xong Văn bản" - Cô Thảo nhấn mạnh.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top