Lưu ý khi sử dụng tài liệu về di sản trong dạy học Lịch sử

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Những kiến thức trong bài học sẽ không chỉ đơn thuần là những con số, các sự kiện khô khan mà sinh động hơn, có hồn hơn, giúp cho HS tái hiện được kiến thức và hiểu bài nhanh hơn, nhớ lâu hơn.

Tuy nhiên để khai thác tài liệu về di sản phục vụ cho bài học nội khóa, GV cần lưu ý: Tiến hành chọn lọc kĩ và xác minh tính chân thực của các tài liệu về di sản. Cần sắp xếp tài liệu thành hệ thống phù hợp với tiến trình bài học, kết hợp với các phương tiện trực quan, phương tiện kĩ thuật hiện đại để làm cho bài học sinh động hơn.

Tùy theo mục đích, nội dung bài học, GV khai thác những tài liệu khác nhau (có bài dùng tranh ảnh, có bài dùng hiện vật kết hợp miêu tả, tường thuật về di sản, kể chuyện vê nhân vật lịch sử…) phù hợp với trình độ, khả năng nhận thức của HS.

Cách sưu tầm, khai thác tài liệu

Việc sưu tầm, khai thác tài liệu có thể tiến hành như sau: Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất, đặc biệt là hỗ trợ về vật chất cho GV bộ môn đến nơi có di sản sưu tầm tài liệu phục vụ việc dạy học.

Trước khi đến tìm hiểu, sưu tầm nơi có di sản, GV phải nghiên cứu kĩ sách giáo khoa và lập một danh sách các di sản cần thiết phải sử dụng trong bài học hoặc nội dung dạy học của bộ môn.

Khi trực tiếp đến nơi có di sản, GV phải bao quát quá trình hình thành và xây dựng khu có di sản, sau đó tham quan toàn bộ để xác định những tài liệu nào, tranh ảnh, hiện vật, những mẩu chuyện, điệu hát…) phù hợp với nội dung giảng dạy.

GV có thể liên hệ, trao đổi với cán bộ quản lí di sản để nhờ họ giúp đỡ tìm hiểu sâu hơn, có hiệu quả hơn về sự hình thành, tồn tại và nội dung di sản

Giáo viên phát động học sinh tham gia sưu tầm tài liệu, tranh ảnh hoặc hiện vật về di sản phục vụ cho hoạt động dạy học. Công việc có thể phát động thường xuyên hoặc trong các đợt thi đua chào mừng những ngày lễ lớn thông qua đó mà tạo hứng thú học tập và bước đầu tập dượt nghiên cứu khoa học cho HS.

Khi đã sưu tầm được tài liệu về di sản, GV phải tiến hành phân loại cho phù hợp với nội dung từng bài học cụ thể để tiến hành việc dạy học.

Lưu ý khi soạn giáo án

Khi soạn giáo án, GV cần chọn những tài liệu điển hình nhất, cần thiết nhất để đưa vào bài giảng, tránh tình trạng đưa quá nhiều tài liệu, sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ, làm loãng nội dung cơ bản của bài học, gây quá tải về kiến thức với HS.

Những tài liệu về di sản dược sử dụng trong hình thức này như là các phương tiện trực quan, nguồn kiến thức. Do đó cần kết hợp chặt chẽ với trình bày miệng và các phương pháp khác. Song phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng HS.

Ví dụ: GV có thể sử dụng ảnh chụp kết hợp với việc miêu tả khái quát có phân tích những kiến thức liên quan, hoặc GV có thể sử dụng tranh ảnh về di sản kết hợp với những mẩu chuyện để cụ thể hóa kiến thức hay kết hợp sử dụng tranh ảnh về di sản với trao đổi đàm thoại nhằm giúp HS hiểu sâu sắc những kiến thức cơ bản của bài học.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top