Lực đẩy đổi mới phương pháp từ người quản lý

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Đổi mới phương pháp đang là xu thế tất yếu của giáo dục hiện nay. Mục tiêu của đổi mới phương pháp là phát huy hiệu quả giảng dạy; học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo tiếp nhận kiến thức; giáo viên tổ chức hướng dẫn các hoạt động dạy - học một cách linh hoạt làm cho giờ dạy trở nên hấp dẫn, thiết thực.


Thầy Đoàn Công Thạo - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Hà Nộ)

Trong nhà trường, người quản lý có vai trò vô cùng quan trọng tạo hiệu quả thực sự của đổi mới phương pháp.

Tuy nhiên, các biện pháp quản lý hoạt động đổi mới phương pháp thường đang được thực hiện là: Cho giáo viên dự các lớp tập huấn (đa số là xem băng hình các giờ dạy mẫu hoặc dự giờ dạy mẫu); yêu cầu giáo viên dạy theo giờ dạy mẫu đó, cán bộ quản lý dự giờ, rút kinh nghiệm.

Cách làm này, theo thầy Đoàn Công Thạo - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) có hạn chế cơ bản là đẩy giáo viên - những người thực hiện đổi mới phương pháp về thế thụ động thực hiện các mệnh lệnh quản lý.

Do đó, việc đổi mới phương pháp đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng hiệu quả chưa được cao như mong muốn. Đổi mới phương pháp chưa đạt đến học sinh là trung tâm của quá trình dạy học.

Giúp giáo viên nắm vững quy trình các phương pháp

Để thực hiện đổi mới phương pháp, giáo viên không thể không nắm vững quy trình phương pháp hiện nay. Đơn cử, quy trình thực hiện phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề gồm các bước như sau:


Cần giúp giáo viên nhận thức đổi mới phương pháp là việc thiết yếu trong quá trình dạy học hiện nay; do sự thay đổi về chương trình, sách giáo khoa trung học cơ sở; do sự thay đổi về đặc điểm tâm sinh lý của học sinh trung học cơ sở;

Do xu thế đổi mới chung của dạy học thế giới; dứng ngoài quy luật đổi mới này, mỗi giáo viên sẽ tự bị đào thải.

Giáo viên cần nắm rõ: Cốt lõi của quá trình dạy học theo phương pháp mới thực sự là chuyển từ thụ động sang chủ động, tích cực của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên.


Bước 1: Xác định vấn đề (là nội dung trọng tâm của bài học).

Bước 2: Nêu vấn đề và vạch kế hoạch giải quyết vấn đề. Ở bước này, giáo viên tạo tình huống có vấn đề (dựa trên nội dung vấn đề, trình độ học sinh, cách thức tổ chức giờ học...) và hướng dẫn học sinh cách thức giải quyết vấn đề.

Bước 3: Giải quyết vấn đề (học sinh làm việc; giáo viên hướng dẫn khi cần thiết).

Bước 4: Đánh giá kết quả (Giáo viên giúp học sinh đánh giá được phương án, cách thức giải quyết vấn đề và kết quả giải quyết vấn đề của học sinh).

Quy trình thực hiện phương pháp dạy học hợp tác (phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp cùng tham gia) bao gồm các bước:

Bước 1: Tổ chức các nhóm và giao nhiệm vụ cho nhóm (Giáo viên nêu vấn đề, xác định nhiệm vụ và cách thức tiến hành hoạt động cho từng nhóm).

Bước 2: Hoạt động theo nhóm: Học sinh phân công trong nhóm, các cá nhân làm việc độc lập rồi trao đổi ý kiến, thảo luận trong nhóm tiến tới thống nhất ý kiến; phân công đại diện trình bày kết quả trước tập thể.

Bước 3: Các đại diện nhóm trình bày kết quả; các học sinh khác nghe, quan sát, nhận xét, bổ sung, đánh giá.

Bước 4: Giáo viên tổ chức xác nhận kiến thức chuẩn; đánh giá và cho điểm trên mức độ đóng góp của các cá nhân trong hoạt động nhóm, đặt ra vấn đề tiếp theo (nếu có).

Quy trình tổ chức phương pháp vấn đáp gợi tìm bao gồm các bước:

Bước 1: Chuẩn bị hệ thống câu hỏi, chuẩn bị các tài liệu và phương tiện dạy học hỗ trợ và định hướng cho học sinh chuẩn bị thông tin tham gia vấn đáp.

Bước 2: Giáo viên nêu vấn đề cần vấn đáp; có thể gợi tìm bằng các câu hỏi cụ thể hơn.

Bước 3: Học sinh suy nghĩ trả lời; các học sinh khác nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Giáo viên nhận xét và hệ thống hoá nội dung vấn đề.

Quy trình thực hiện phương pháp hướng dẫn học sinh đọc sách:

Đọc để học giúp phát triển được kỹ năng quan trọng và sử dụng thường xuyên của mỗi con người trong cuộc sống sau này. Đọc cũng cho phép học sinh học tập theo một tốc độ riêng tuỳ thuộc khả năng của từng cá nhân mà không làm ảnh hưởng đến người khác.

Vấn đề đặt ra là nhà quản lý giúp giáo viên thực hiện quy trình hướng dẫn học sinh đọc sách như thế nào để đọc sách có thể trở thành phương pháp dạy học có hiệu quả.

Thầy Đoàn Công Thạo cho biết, có thể tóm tắt quy trình thực hiện phương pháp hướng dẫn học sinh đọc sách thành 4 bước như sau:

Bước 1: Cung cấp tài liệu cho học sinh đọc. Có 3 mức độ khó dần của tài liệu đọc được cung cấp là: bài giảng của giáo viên; những tài liệu do giáo viên yêu cầu đọc và những tài liệu học sinh tự tìm đọc căn cứ vào chủ đề mà giáo viên nêu ra. Cần tăng cường dần kỹ năng đọc sách cho giáo viên theo 3 mức này.

Bước 2: Hướng dẫn giáo viên đọc. Giáo viên có thể định hướng cho học sinh bằng cách hướng dẫn cho học sinh khi đọc nắm được nội dung, những vấn đề trọng tâm, những mối liên hệ của tài liệu; những ưu điểm và hạn chế của tài liệu; cách đặt vấn đề khác so với cách đặt vấn đề của tài liệu...

Bước 3: Tổ chức cho học sinh đọc.

Bước 4: Tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá. Có thể sử dụng hình thức tập thể hoặc nhóm nhỏ hoặc cá nhân trong bước này. Sử dụng hình thức tập thể với những tài liệu là bài giảng của giáo viên; hình thức nhóm nhỏ với việc học sinh đọc những tài liệu do giáo viên yêu cầu đọc; hình thức cá nhân với những sách học sinh tự tìm đọc để nâng cao kiến thức.

Quản lý giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp


Ở mức độ đơn giản, các nhà quản lý đều có thể cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên trong quyền hạn của mình:

Chế độ khen thưởng với giáo viên giảng dạy tốt hơn, tôn trọng sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà giáo, khuyến khích nhà giáo viết sáng kiến kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính cho giáo viên có điều kiện học tập và nghiên cứu;

Mở rộng phòng học và phòng làm việc, tự động hoá công việc phòng nhằm giảm bớt công việc hành chính sự vụ của giáo viên.

Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ cho rằng, các nhà quản lý cần có những biện pháp sát thực, hữu hiệu để đổi mới phương pháp trong phạm vi mình quản lý có hiệu quả.



Cụ thể là tổ chức chuyên đề bồi dưỡng giáo viên, đẩy mạnh các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm, trong đó chú trọng triển khai phương pháp làm mẫu, nhân rộng điển hình.

Phương pháp này rất có hiệu quả vì nó trực quan, sinh động với giáo viên. Thay vì nghe thuyết giảng lý thuyết một cách chung chung, các nhà quản lý nên lựa chọn những giáo viên có năng lực, có phương pháp đổi mới để dạy mẫu, giáo viên khác dự giờ, trên cơ sở đó học tập, rút kinh nghiệm.

Biện pháp này hiện nay đang được triển khai tích cực và cần được phát huy vì nó có hiệu quả.

Người quản lý hướng dẫn giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp bằng những biện pháp cụ thể, trực tiếp. Thông thường, giáo viên có thể nắm được nội dung, quy trình đổi mới phương pháp, dự giờ đồng nghiệp để thấy được đổi mới phương pháp là như thế nào nhưng khi chính họ áp dụng vẫn sẽ có những vướng mắc do đặc thù của dạy học còn phụ thuộc vào từng đối tượng lớp cụ thể.

Do vậy, hướng dẫn giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp, nhà quản lý còn cần trực tiếp dự giờ, rút kinh nghiệm cho từng giáo viên (hoặc giao việc dự giờ, rút kinh nghiệm cho giáo viên có năng lực, có kinh nghiệm về đổi mới phương pháp, đặc biệt là các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn).

Qua quá trình dự giờ cần tận tình chỉ ra những bước đi, cách thức tiến hành cụ thể, tỉ mỉ trong từng công đoạn dạy học.

Cũng cần hướng dẫn giáo viên khi sử dụng các phương pháp cần tránh khuynh hướng tuyệt đối hoá một vài phương pháp hoặc hình thức tổ chức dạy học. Cần vận dụng linh hoạt phương pháp, hình thức dạy học trong mỗi bài học để khơi dạy hứng thú học tập ở học sinh.

Người quản lý cần tạo điều kiện để giáo viên tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đổi mới phương pháp

Dẫn quan niệm về quản lý chất lượng tổng thể trong giáo dục: Mỗi thành tố trong hệ thống giáo dục đều có vai trò tự quản lý và chỉ khi vai trò này được phát huy thì hoạt động của hệ thống mới thực sự có hiệu quả, thầy Thạo cho rằng mỗi tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn có trách nhiệm quản lý hoạt động của tổ nhóm mình; mỗi giáo viên có trách nhiệm quản lý hoạt động dạy của chính mình và hoạt động học của học sinh; mỗi học sinh phải quản lý được hoạt động học của mình.

Đã là hoạt động quản lý phải có đủ chu trình quản lý bao gồm lập kế hoạch - tổ chức - chỉ đạo - kiểm tra. Như vậy không chỉ có hiệu trưởng, hiệu phó mà mỗi giáo viên, học sinh đều phải có kỹ năng quản lý (kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động dạy và học) chứ không phải chỉ có kỹ năng thực thi.

"Khi giáo viên tự chịu trách nhiệm trong quy trình hoạt động của mình thì chắc chắn hiệu quả của họ tốt hơn và làm cho hệ thống tốt hơn" - thầy Đoàn Công Thạo khẳng định.


Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top