“Lửa” đến từ thầy cô

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Qua những dự án, đề tài nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật các em thể hiện, cuộc thi đã minh chứng đây là sân chơi trí tuệ, bổ ích.

Không chỉ khuyến khích HS nghiên cứu, vận dụng kiến thức đã học để có những sáng kiến, giải pháp sáng tạo, hiệu quả nhằm giải quyết yêu cầu từ cuộc sống, cuộc thi còn góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập và phát triển năng lực của HS theo tinh thần đổi mới; Đồng thời, trường trung học, góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ hội thi các cấp và quốc gia, học sinh Việt Nam cũng đã khẳng định khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), kỹ thuật được quốc tế ghi nhận với nhiều giải thưởng cao.

Lợi ích của việc đẩy mạnh NCKH trong trường phổ thông đã được khẳng định qua thực tế và phong trào này khởi sắc qua mỗi năm, chất lượng nghiên cứu được nâng lên. Thế nhưng xét cả bề rộng lẫn bề sâu, hoạt động NCKH trong nhà trường phổ thông vẫn chưa phát triển như mong đợi. TS Nguyễn Lâm Duy, Phó Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, với hơn 7,8 triệu học sinh đang theo học THCS và THPT trên cả nước, mới có khoảng 20.000 học sinh tham gia các dự án NCKH, tỷ lệ chưa đến 0,3%; bình quân mỗi trường học có một học sinh tham gia. Ghi nhận từ các địa phương cũng cho thấy, số lượng học sinh tham gia hoạt động trên chưa đồng đều.

Có nhiều rào cản đối với việc đẩy mạnh NCKH trong trường phổ thông, trong đó đáng chú ý là năng lực và phương pháp tổ chức, hướng dẫn học sinh của cán bộ quản lý, giáo viên còn nhiều hạn chế. Khả năng tìm tòi, nghiên cứu bằng tiếng Anh vẫn là điểm yếu đối với cả người dạy lẫn người học. Đa số trường trung học không có kinh phí nên phần nhiều các hoạt động phải dựa vào nguồn tài trợ, xã hội hóa. Điều kiện thực hành, thí nghiệm là một trở ngại lớn đối với học sinh vùng sâu, vùng xa.

Để đẩy mạnh hoạt động NCKH trong trường phổ thông, cần thêm nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh tham gia. Song song với đó, các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp giữa ngành GD-ĐT và khoa học - công nghệ, một số tổ chức, hiệp hội nghiên cứu khoa học kỹ thuật cũng như trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để tạo đầu ra cho công trình nghiên cứu.

Câu chuyện ở tỉnh vùng cao như Lào Cai dù còn nhiều khó khăn nhưng tại Cuộc thi khoa học - kỹ thuật toàn quốc năm 2019, có 5/6 dự án đoạt giải, trở thành địa phương có số giải Nhất nhiều nhất toàn quốc, có dự án đoạt giải tại Cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc tế ở Mỹ là một minh chứng cho nỗ lực của nhà trường và giáo viên về hoạt động này. Chính sách, kinh phí, điều kiện NCKH rất cần thiết nhưng quan trọng hơn nữa là vai trò, trách nhiệm của nhà trường, thầy cô giáo trong việc thổi niềm đam mê, cảm hứng yêu khoa học, thích nghiên cứu, sáng tạo trong học sinh. Chỉ khi giáo viên được tập huấn kỹ, tham gia, nắm vững quy trình, có ý thức thiết kế bài học theo định hướng nghiên cứu, chú trọng tính ứng dụng thực tiễn và hình thành các kỹ năng… mới có đủ nhận thức, kinh nghiệm để truyền tải lại, giúp các em có thêm đam mê, nhiệt huyết với hoạt động NCKH.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top