Lựa chọn sách giáo khoa: Hãy tin tưởng vào thầy cô giáo!

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Năm 2007, tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, một hội thảo về giáo dục so sánh đã được tổ chức. Tại Hội thảo này, lần đầu tiên có ý kiến thảo luận nêu ra là các thầy cô giáo của chúng ta đang sử dụng sách giáo khoa như thế nào? Nhiều thầy cô dự hội thảo khi biết ý kiến của nhóm chúng tôi (những người được tham dự chương trình bồi dưỡng một tháng tại Australia về xây dựng chương trình học) là nhà nước (Bộ GD&ĐT) chỉ nên xây dựng và công bố chương trình khung cho mỗi môn học, việc xây dựng chương trình chi tiết nhất là việc xây dựng các bài giảng phải do giáo viên làm. Ý kiến của chúng tôi đã không được nhiều thầy cô dự hội thảo tán thành với lý do là các thầy cô giáo phải làm quá nhiều việc rồi, không còn thời gian đâu mà soạn bài giảng theo như chúng tôi trình bày nữa. Với lại, các trường đại học sư phạm khi đó làm gì có môn xây dựng và phát triển chương trình!


“Chắc chắn, khi thực hiện Nghị quyết 88, giáo dục nước nhà sẽ có một sự chuyển biến mới, năng động hơn, chất lượng hơn” - PGS.TS Nguyễn Kim Hồng.


Khi trao đổi ngoài hành lang hội thảo với thầy cô giáo, tôi có cho họ coi chương trình khung môn học địa lý lớp 10. Chương trình có 27 trang nội dung gồm: 4 chủ đề, 8 chủ chủ điểm, không có tên bài học và 42 trang còn lại là các hướng dãn về thực hiện chương trình (tập trung vào phương pháp dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá và phương pháp học cùng các loại tài liệu có thể tìm kiếm cho việc thực hiện chương trình).

Chương trình khung chỉ yêu cầu mức độ cần đạt của học sinh học xong chương trình. Trong phần hướng dẫn sau đó bao gồm: tổng số giờ học trong cả năm, số bài kiểm tra cần có trong năm, tài liệu tham khảo (trong đó có cả sách giáo khoa: Sách giáo khoa chỉ được tính là tài liệu tham khảo). Sau khi nghe tôi trình bày, có một đại biểu hỏi tôi rằng: “Làm như vậy thì loạn! Thầy cô giáo muốn làm gì thì làm à”. Tôi trả lời tôi không hiểu ý anh, bên Úc, các thầy cô giáo trong từng môn học sẽ cùng nhau soạn framework, các trường phải công bố framework của trường mình, rồi trong các hạt (đơn vị hành chính ở Úc) các trường có thể chọn ra framework tốt nhất để trao giải. Phụ huynh, đa phần căn cứ vào các framework của các trường để chọn trường cho con mình. Chính quyền bang sẽ dựa vào tiêu chí học sinh chọn theo học để cấp kinh phí.

Gần 15 năm trôi qua, các trường sư phạm đã có môn học về xây dựng chương trình, về kiểm tra đánh giá trong lớp học… Nghị quyết 88 của Quốc hội qui định một chương trình nhiều sách giáo khoa đã được thực hiện ở lớp 1 vào năm nay, những tranh luận về lựa chọn sách giáo khoa rồi cũng qua đi. Chắc chắn, khi thực hiện Nghị quyết 88, giáo dục nước nhà sẽ có một sự chuyển biến mới, năng động hơn, chất lượng hơn.

Về lựa chọn sách giáo khoa thì không quá phức tạp như một vài người nghĩ. Thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh cùng nhau chọn sách, thông thường thì chọn 1 nhưng nếu có 1-2 sách giáo khoa cho một môn học trong một nhà trường cũng không sao. Bởi các nhà soạn sách đã hiểu rất rõ chương trình học, họ biên soạn sách để thực hiện chương trình học nên không có chuyện sách này của tôi tốt hơn sách của người khác.

Hiện nay, chúng ta thực hiện 1 chương trình, nhiều sách giáo khoa. Theo tôi đây là một chủ trương đúng đang đi vào cuộc sống giáo dục. Nhiều sách giáo khoa được Hội đồng thẩm định thông qua, những sách giáo khoa này về nguyên tắc được “cấp phép” dùng trong các trường phổ thông. Sự lựa chọn của giáo viên nếu có chịu tác động sẽ chủ yếu do sách giáo viên (teacher book), sách hướng dẫn tốt, nhất là các hướng dẫn về phương pháp, về kiểm tra đánh giá tốt sẽ được giáo viên ưu tiên lựa chọn hơn.

Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo hãy tin tưởng vào thầy cô giáo và đội ngũ cán bộ quản lý bởi họ là người chịu trách nhiệm chính tới từng học sinh, phụ huynh. Họ cũng là những người làm nên chất lượng giáo dục đối với từng nhà trường.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top