Liên kết với trường ĐH để thực hiện tốt dạy học liên môn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Phương pháp dạy tích hợp đang mang lại hiệu quả, được học sinh đón nhận


Từ định hướng đến thực tiễn

Một trong những định hướng quan trọng trong giảng dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên là thực hiện tích hợp, liên môn, đặc biệt là thực hiện liên môn trong giảng dạy.

Theo cô Nguyễn Thị Quốc Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên), đối với các môn khoa học tự nhiên, tính chất liên môn được xây dựng rất nhiều, rất đặc thù.

Ví dụ, ở góc độ bộ môn, môn Toán thường gần với Lý, Hóa, Sinh, thậm chí cả với Địa lý. Ngay cả các bộ môn khoa học xã hội cũng có liên quan đến Toán như phần thống kê, biểu đồ.

Cô Hòa cho biết: Liên môn thực tế có hai phần việc, đó là phần mà giáo viên trực tiếp thực hiện và phần hướng dẫn học sinh làm. Với giáo viên, nhà trường chủ yếu phát động ở các bài sinh hoạt tổ chuyên môn, các bài giảng dạy chuyên đề tại tổ chuyên môn. Giáo viên xây dựng xong sẽ giảng dạy để các giáo viên trong tổ học tập, đánh giá.

Với học sinh, việc hướng dẫn nghiên cứu những vấn đề liên môn có chỉ đạo rõ ràng hơn. Ví dụ, giáo viên bộ môn Sinh học có thể đưa ra chủ đề về môi trường, yêu cầu học sinh xây dựng các bài tập lớn, trong đó có cả phần Địa lý, Sinh học, Lịch sử.

Nhà trường cũng hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn, học sinh tập nghiên cứu khoa học...

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chủ đề liên môn, cô Nguyễn Thị Quốc Hòa cho rằng, việc đầu tiên, nhà trường phải giúp giáo viên hiểu thế nào là liên môn và tích hợp và nhận thức được đó là nội dung thiết thực.

Đồng thời, bắt kịp những đổi mới trong kiểm tra, đánh giá của Bộ GD&ĐT. Như trong đề thi THPT quốc gia năm nay đã có những nội dung đổi mới, đó chính là cơ sở để định hướng giáo viên thực hiện.

Bên cạnh đó, việc đổi mới phải bắt đầu từ tổ chuyên môn, từ giáo viên cốt cán, có năng lực; giáo viên phải là người tham gia nhiều hoạt động mới có thể sáng tạo trong thực hiện.

Nếu giáo viên đi học sau đại học sẽ có điều kiện tiếp cận những nội dung đổi mới, trong đó có thực hiện liên môn, tích hợp một cách sâu sắc hơn, tiếp cận mảng nghiên cứu lý luận kỹ hơn.

Những định hướng lớn trong đổi mới dạy - học

Tại Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên), hoạt động đổi mới dạy học Toán và các môn khoa học tự nhiên đã và đang được tích cực triển khai.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quốc Hòa chia sẻ: Riêng với môn Toán, 5 định hướng lớn đã được nhà trường quán triệt thực hiện. Cụ thể là: Tăng cường đưa các tình huống thực tiễn vào dạy học Toán; chú trọng ứng dụng của Toán đối với cuộc sống theo định hướng đề kiểm tra của PISA; đưa các yếu tố lịch sử Toán học, xây dựng khái niệm theo cách mô tả một phần con đường phát minh của các nhà bác học; giảm thiểu những nội dung kiến thức mang tính hàn lâm và cuối cùng là xây dựng các yếu tố của Toán liên quan đến cuộc sống như Toán kinh tế, xác xuất thống kê...; đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Toán cũng chú trọng việc đưa vào các kiến thức từ thực tiễn.

Đối với các môn khoa học, đáng lưu ý là nội dung ứng dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp này chủ yếu tiến hành ở THCS nhưng bắt đầu được tiếp cận ở THPT, được xây dựng, ứng dụng chủ yếu vào thực hành.

“Tại Trường THPT Chu Văn An, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, trong bài kiểm tra học kỳ, ngoài phần trắc nghiệm, tự luận còn có cả bài thực hành với 30% điểm. Môn Tiếng Anh, ngoài thi viết và đọc còn có hẳn một bài thi nghe cho học sinh” – cô Nguyễn Thị Quốc Hòa cho biết.

Động lực từ những giờ dạy mang hơi thở cuộc sống

Tuy nhiên, từ chỉ đạo đến thực hiện và thực hiện có hiệu quả trong mỗi giờ học là một vấn đề không đơn giản. Bất cứ giáo viên nào cũng nhận thức được việc vận dụng kiến thức từ thực tiễn vào dạy học sẽ giúp bài học trở nên sinh động, tạo hứng thú cho học sinh. Nhưng, làm được điều đó, ngoài sự chỉ đạo ráo riết của Ban Giám hiệu nhà trường, bản thân giáo viên cũng phải rất tâm huyết.

Cô Nguyễn Thị Quốc Hòa chia sẻ: Chúng tôi yêu cầu các giờ thao giảng, giáo viên phải thực hiện bài giảng gắn với thực tiễn, bài giảng mang hơi thở cuộc sống; lấy đó là một tiêu chí đánh giá và được điểm cao nhằm tạo động lực cho giáo viên.

Ngoài ra, nếu những hoạt động giáo viên đề xuất hay, thiết thực, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ, kể cả kinh phí nếu là chủ đề lớn. Với các tiết dạy, việc áp dụng các biện pháp đổi mới sẽ được khuyến khích.

“Có thể nói, việc triển khai đổi mới dạy học Toán và các môn khoa học tự nhiên của nhà trường khá thuận lợi, bởi nhiều giáo viên cũng chính là chủ nhiệm các câu lạc bộ. Toàn trường có 11 câu lạc bộ, trong đó có một số đặc thù bộ môn như Câu lạc bộ Toán Tin, Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật (bao gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học).

Chính việc tham gia tổ chức các hoạt động tại các câu lạc bộ này, việc giáo viên được giao thêm nhiều nhiệm vụ ngoài nhiệm vụ giảng dạy cũng giúp giáo viên thuận lợi hơn trong triển khai bài giảng đổi mới” – Cô Hòa cho hay.

“Một trong những giải pháp quan trọng các trường THPT cần chú ý là tạo mối liên kết với các trường ĐH. Hiện nay, tỉnh nào cũng có trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn, nếu thiết lập được mối quan hệ này, giáo viên trong trường sẽ có cơ hội tiếp cận với các giáo sư có chuyên môn sâu. Trường ĐH rõ ràng có lợi thế hơn trường phổ thông rất nhiều về mảng nghiên cứu và triển khai trực tiếp các đề án”.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top