Lịch sử phát triển văn hoá việt nam

dinhnhuy012

Thành viên
Thành viên BQT
#1
II. TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ VIỆT NAM

Mỗi dân tộc đều có nền văn hoá riêng của mình. Văn hoá dân tộc là thành tựu của cả dân tộc đi cùng lịch sử của dân tộc đó.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc bình đằng với tất cả các dân tộc trên thế giới, có chủ quyền, độc lập và toàn vẹn về lãnh thổ, có lịch sử dựng nước và giữ nước, do đó có nền văn hoá riêng, mang phong cách, bản sắc độc đáo của khu vực Á-Đông.
Văn hoá dân tộc Việt Nam là thành tựu của cả dân tộc Việt Nam, được hình thành trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên, chống xâm lược ngoại bang và thực tiễn lao động sản xuất.
Văn hoá Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc. Trước hết là nền văn hoá thời Tiền sử với những thành tựu ban đầu của người nguyên thuỷ ở núi Đọ (Thanh Hoá) và sau đó là nền văn hoá Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ). Đặc trưng của nền văn hoá này là săn bắt, hái lượm, dùng đá làm công cụ sản xuất. Theo dấu tích khảo cổ học, thời kỳ này "người nguyên thuỷ đã biết dùng lửa. Họ chôn người ngay nơi cư trú. Thức ăn chủ yếu là nguyễn thể, những cây, quả, hạt và một số các loại động vật vừa và nhỏ"6. Từ thế giới quan triết học phải thừa nhận rằng, hành vi chôn người chết của người nguyên thuỷ biểu hiện một quan niệm duy tâm-tôn giáo. Chính việc chôn người chết kèm theo những vật dụng ngay nơi cư trú là thể hiện niềm tin về một thế giới khác sau khi lìa bỏ thế giới sống trần tục. Đây cũng được xem là một quan niệm nhân văn, nhân đạo sâu sắc bước đầu của tổ tiên người Việt.
Thời kỳ đá mới (cách đây hơn một vạn năm) đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lối sống của con người. Thời kỳ này con người đã nhận biết, tận dụng và sử dụng nhiều loại nguyên vật liệu từ đá, đất sét, sừng, xương, tre, nứa, gỗ,.. để làm công cụ sản xuất. Đặc biệt hơn, họ đã biết làm gốm, thuần dưỡng động vật, biết trồng cây, biết quy hoạch định cư thành từng nhóm, dân số theo đó cũng tăng lên,..Chính phương thức sống này đã đẩy văn hoá phát triển lên một tâm cao mới, tiêu biểu cho sự tiến bộ đó là những đặc trưng của nền văn hoá Hoà Bình.
Văn hoá thời Sơ sử với ba trung tâm lớn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam:
-Văn hoá Đông Sơn hình thành ở các lưu vực sông (Sông Hồng, Sông Cả, Sông Mã). Đặc trưng của phương thức sống thời kỳ này vẫn là sự chuyển tải nội dung của nền văn hoá Hoà Bình nhưng ở một trình độ cao hơn. Vào thời kỳ này, cư dân tiền Đông Sơn đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc làm thức ăn, làm phương tiện chuyên chở hàng hoá,... Tuy nhiên việc tìm thấy vật liệu đồng thau đã gây ra sự tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế-xã hội thời kỳ này. Chính nguyên vật liệu từ đồng đã thúc đẩy nghề đúc đồng phát triển. Phần lớn những công cụ sản xuất, vũ khí được đúc bằng đồng với kỷ thuật tinh xảo. Đặc biệt những chiếc trống đồng là sản phẩm đằng sau kỷ thuật đỉnh cao của nghệ nhân thời Đông Sơn đã trở thành biểu tượng của văn hoá dân tộc.
Từ các di chỉ khảo cổ cho thấy, thời kỳ Đông Sơn đã có sự phân khu, phân tầng văn hoá, đồng thời cũng diễn ra sự giao lưu văn hoá giữa các bộ lạc bởi vì đã có hoạt động trao đổi kinh tế, tặng vật phẩm tín ngưỡng tôn giáo,... Và cũng chính những hoạt động này là căn cứ thừa nhận tư duy sáng tạo trong đời sống tín ngưỡng cũng như nghệ thuật của một nền văn hoá non trẻ. Trong lĩnh vực nghệ thuật, thời kỳ này, con người đã biết trang trí với những hoạ tiết có tính đối xứng chặt chẽ. Cho nên, về mặt triết học phải thấy được rằng đó là "tư duy phân đôi", ít nhiều mang tính biện chứng của người Sơ sử.
Văn hoá, nghệ thuật thời kỳ này cũng rất đa dạng và phong phú với những huyền thoại, thần thoại mang tính sử thi ("Đẻ đất đẻ nước") cùng những nhạc cụ âm nhạc sinh động từ vật liệu thiên nhiên, đặc biệt là đồng với những chiếc trống có âm thanh vang xa, vọng.
Nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân Đông Sơn gắn liền với nghề trồng lúa nước. Vì vậy, thần Mặt trời là vị thần chủ đạo được thờ phụng nhằm cầu may cho mùa màng tốt tươi để cư dân được no ấm, an bình,...
-Văn hoá Sa Huỳnh có không gian phân bố rộng lớn, từ Bình Trị Thiên kéo dài tới lưu vực sông Đồng Nai.
Nếu văn hoá Đông Sơ với đặc trưng lớn nhất là những cộng cụ, vật dụng bằng đồng, phục vụ cho sản xuất thì nền văn hoá Sa Huỳnh lấy sắt làm nguyên liệu chủ yếu để chế tạo ra những cộng cụ phụ vụ cho nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, cùng các loại cây ăn quả, củ khác. Cũng đặt trong so sánh, nếu cư dân Đông Sơn hãnh diện về kỷ thuật đúc đồng thì cư dân Sa Huỳnh cùng tự hào về kỷ thuật đúc sắt. Những công cụ bằng sắt của cư dân Sa Huỳnh nhiều không kém công cụ bằng đồng của cư dân Đông Sơn, Thậm chí còn nhiều hơn.
Ngoài ra cư dân Sa Huỳnh còn nổi tiếng với truyền thống dệt vải, đúc đồ gốm, làm trang sức bằng nhiều chất liệu từ thiên nhiên. Điều đó chứng tỏ tư duy của người Sa Huỳnh đã phát triển ở tâm cao, tạo ra một nền văn hoá tiến bộ, chủ động khai phá, cải biến tự nhiên.
-Văn hoá Đồng Nai là nền văn hoá của cư dân vùng Nam Bộ. Đặc điểm của nền văn hoá này gắn liền điều kiện tự nhiên (sông nước miệt vườn). Vì vậy, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.
Nếu cư dân Đông Sơn dùng nguyên liệu đồng, cư dân Sa Huỳnh dùng Sắt để chế tạo cộng cụ sản xuất là chủ yếu, thì cư dân Đồng Nai sử dụng đá làm nguyên liệu chính thống chế tác ra những công cụ sản xuất và thậm chí cả những hàng trang sức để phụ vụ đời sống tinh thần.
Đời sống tín ngưỡng của cư dân vùng này còn dừng lại ở cấp độ "Bái vật giáo", song họ vẫn tin có một thế giới khác ngoài thế giới hiện thực của con người người sống.
Nhìn chung, cư dân Đông Nai sống ven cửa sông, rạc, biển nên từ lâu đời đã có truyền thống "ăn to nói lớn", khoáng đảng, bổ bả, ít suy tư trầm lắng như người vùng ngoài.
Văn hoá Bắc thuộc là nền văn hoá phụ thuộc vào sự thống trị của Phong kiến Trung Hoa ở phương Bắc. Thời kỳ này đã đặt văn hoá Việt Nam vào thế cam go phải đấu tranh với sự đô hộ của phong kiến xâm lược chống lại sự đồng hoá dân tộc.
Văn hóa Việt Nam vốn dĩ độc lập trong sự cởi mở, rộng lượng của truyền thống người Việt cổ sau quá trình tiếp biến thiên nhiên và cuộc sống lâu dài nay có nguy cơ bị Hán hóa, biến thành một tiểu khu của Trung Hoa đại lục.
Phong kiến phương Bắc đưa chân đến đất Nam không chỉ chuyên chở ý đồ chính trị mà còn kéo theo văn hoá bản địa. Hành trang chủ yếu của văn hoá bản địa là đạo Nho, Lão-Trang với những nội dung phục vụ cho mục đích đồng hoá.
Không chịu khuất phục trước sức mạnh về số lượng, dân tộc Việt Nam trương cao ngọn cờ: Đấu tranh để bảo vệ bản sắc, bảo vệ dân tộc, chống đồng hóa, tiếp tục phát huy giá trị văn hóa dân tộc, giải phóng đất nước.
Tuy nhiên, từ giác độ xã hội học phải thừa nhận rằng: Những nội dung máng đậm tính nhân văn của đạo Nho Trung Quốc (nhân-lễ-nghĩa-chính danh) rất gần gũi trong nếp ăn, thói ở của người Việt. Cho nên, Phong kiến Trung Hoa đã biết lợi dụng điều đó mà khuyếch trương, truyền giáo. Nếu có thể đặt ra ngoài vấn đề chính trị mà nhìn sâu vào đời sống tinh thần thì có thể thấu rõ được một sự thực là: Bản thân những giá trị nhân văn, nhân bản của Nho giáo đã tồn tại trong lòng truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Cùng với những chuẩn giá trị đạo đức của các tôn giáo Trung Hoa, mà chủ yếu là đạo Nho. Phật Giáo (một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới) cũng có mặt ở Việt Nam. Những kỷ cương, luân lý của đạo Phật đã góp phần không nhỏ xiết chặt lối sống buông thả của con người trần tục. Xét về mặt ý nghĩa, nó phù hợp với tâm can hướng thiện của người Việt. Cho nên văn hoá Việt Nam tiếp biến đạo Phật là góp thêm phần đa dạng, phong phú và nhân đạo của một truyền thống lâu đời.
Trước khi bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, văn hoá Việt Nam ghi nhận dấu ấn của nền văn hoá champa và Óc Eo.
Với sự thống trị của các triều đình phong kiến Việt Nam (đặc biệt là triều đình nhà Nguyễn), vào thế kỷ thứ XVI một tôn giáo có nguồn gốc từ Phương tây đã xâm nhập vào văn hoá Việt Nam. Đó là Thiên Chúa Giáo-tôn giáo làm nên văn minh phương Tây.
Nội dung của Thiên Chúa giáo tập trung chủ yếu ở phúc âm. Giáo lý dạy: Con người là một sinh linh vô cùng nhỏ bé, khi sinh ra đã mang nặng tội tổ tông. Vì vậy, sống kiếp làm người phải ăn năn, xám hối, chuộc lỗi với Chúa, cầu mong Chúa cứu rỗi, ban ơn,...Sự nghiệp trần thế của con chiên là phụng dưỡng ý đồ cứu độ của Thiên Chúa để khi chết không bị đầy xuống tuyền đài mà được trở về với Thiên đường sống hạnh phúc bên Thiên Chúa vô vàn tôn kính.
Lý tưởng của Kinh Thánh sớm ăn nhập vào tâm tri của một bộ phận không nhỏ dân chúng có cuộc sống khổ đau, bần hàn. Nó đã được dân tộc việt Nam tiếp biến, cải biên phần nào cho phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc. Từ đây, văn hoá Việt Nam được bổ một nội dung văn hoá tôn giáo mới, tăng thêm phân đa dạng và sâu sắc.
Nửa sau thế kỷ XIX, văn hoá Việt Nam đặt dưới sự thống trị của thực dân. Dưới sự chèo lái của triều đình nhà Nguyễn,"dân tộc Việt Nam đã đánh mất hành động độc lập trong lịch sử”7, làm cho con thuyền văn hoá dân tộc chỉu nặng ý đồ chính trị thực dân Phương tây. Lúc này, văn hoá Việt Nam mang hai nội dung chủ yếu là: “Tiếp xúc và giao thoa văn hóa Việt Pháp; và giao lưu văn hóa tự nhiên Việt Nam với thế giới Đông tây”8.
Đặc biệt lĩnh vực văn hoá vật chất được thực dân Pháp phát triển ồ ạt trên lãnh thổ Việt Nam, làm phai nhạt tính đậm đà, bản sắc của văn hoá dân tộc và thay vào đó bằng văn hoá ngoại lai, xa lạ với cư dân nông nghiệp lúa nước.
Vì vậy, trước khi cách mạng tháng 8 thành công, năm 1943 Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xây dựng bản Đề cương văn hoá, vạch ra tình trạng "Văn hoá Việt Nam hiện nay về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản. Chiến tranh và xu trào văn hoá hiện nay: Ảnh hưởng của văn hoá Phát xít làm cho tính chất phong kiến, nô dịch trong văn hoá Việt Nam mạnh lên, những đồng thời chịu ảnh hưởng của văn hoá tân dân chủ, xu trào văn hoá mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nẩy nở"9. Xuất phát từ thực trạng văn hoá này, đảng ta đã đề ra nhiệm vu xây dựng nền văn hoá mang nội dung: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng.
Năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, đánh dấu một mốc son vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bức vào kỷ nguyên của độc lập, tự chủ, xây dựng nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa. Từ đây, những nội dung của bản Đề cương văn hoá dân dần được bổ sung, phát triển theo tỉnh hình cách mạng của dân tộc.
Sau năm 1955, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền: Miền bắc xây dựng, phát triển kinh tế-chính trị, văn hoá-xã hội xã hội chủ nghĩa; Miền nam còn chịu ách thống trị của thực dân-đế quốc Mỹ, do đó văn hoá Miền nam bị ảnh hưởng nhiều bởi lối sống của văn hoá Phương tây.
Năm 1975, Miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, giang sơn thu về một mối, văn hoá Việt Nam thống nhất phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trải qua một thời kỳ văn hoá bao cấp, năm 1986 Đẳng ta đổi mới tư duy phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng đời sống mới. Từ đây, cùng với các lĩnh vực khác, văn hoá được Đảng ta trú trọng quan tâm bằng những quyết sách cụ thể.
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI chỉ rõ: "Công tác văn hoá, văn học, nghệ thuật phải được nâng cao chất lượng. Mỗi hoạt động văn hoá, văn nghệ đều phải tính đến hiệu quả xã hội, tác động tốt đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của nhân dân. Quan tâm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu lành mạnh của các tầng lớp xã hội và các lứa tuổi"10.
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng (khoá VI) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII vạch ra nhiệm vụ của cách mạng văn hoá Việt Nam là: "Tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá Việt Nam, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Vận động toàn dân thực hiện lối sống cần, kiệm, văn minh, lịch sự. Phổ biến rộng rãi trong nhân dân những kiến thức văn hoá cần thiết cho sản xuất và đời sống. Thực hiện nam nữ bình đẳng, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ. Phát động phong trào quần chúng bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác"11.
Đại Hội lần thứ VIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các hoạt động văn hoá, văn nghệ có vị trí quan trọng trong việc hình thành nhân cách, làm phong phú đời sống tinh thần con người Việt Nam. Bản sắc dân tộc và tính chất tiên tiến của nền văn hoá phải được thấm đậm không chỉ trong công tác văn hoá-văn nghệ, mà cả trong mọi hoạt động xây dựng, sáng tạo vật chất, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo sao cho trong mọi lĩnh vực chúng ta có cách tư duy độc lập, có cách làm vừa hiện đại vừa mang sắc thái Việt Nam"12. Do đó, "Mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển xã hội". Đồng thời, "kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần, đạo đức và thẩm mỹ, các di sản văn hoá, nghệ thuật của dân tộc"13.
Tiếp tục đường hướng nói trên, năm 1998 Đảng ta tổ chức Hội Nghị TW V, chuyên bàn về vấn đề văn hoá. Xác định xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn phát triển mới.
Nền văn hoá tiên tiến không có nghĩa là xoá bỏ truyền thống mà nó là nền văn hoá mang những đặc trưng cụ thể như: Yêu nước, tiến bộ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-lênin, tư tưởng Hồ Chí minh; nhân văn; phong phú cả về nội dung và hình thức.
Tính chất tiên tiến phải đảm bảo được nội dung nhân văn, nhân đạo sâu sắc, nhưng đồng thời phải thể hiện sự đa dạng và phong phú về hình thức.
Tính chất đậm đà của nền văn hoá dân tộc đảm bảo giữ gìn và phát huy những giá trị mang bản sắc dân tộc như lòng yêu nước, tinh thần nhân ái, sự bao dung, độ lượng, quý trọng nghĩa tình, đạo lý, dũng cảm và đặc biệt giữ gìn tinh thần đoàn kết dân tộc.
Để xây dựng nền văn hoá vừa tiên tiến vừa đậm đà, Hội Nghị TW V đã xác định:
-Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hộ;
-Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
-Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
-Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng;
-Văn hoá là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.
Nhìn lại 20 năm đất nước đổi mới, văn hoá Việt Nam đang "thăng hoa", tiến bước cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Bên cạnh sự tăng trưởng về kinh tế, ổn định về chính trị, phát triển về giáo dục,...văn hoá nghệ thuật đã gặt hái được nhiều thành tựu góp phần đưa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, thì đại ngày này được xem là thời đại vũ bảo, guồng máy phát triển của thế giới được bôi trơn bởi nền tri thức vượt bậc của nhân loại. Xu hướng toàn cầu hoá đã cuốn hút tất cả các nền văn hoá dân tộc trên thế giới vào quỷ đạo chúng. Chính quá trình này đã diễn ra sự "đụng độ" giữa các nền văn minh, và văn hoá của các dân tộc có cơ hội được "cọ sát".
Toàn cầu hoá là cơ hội để Việt Nam tham gia vào sân "chơi trí tuệ" của thế giới, từ đó học hỏi, thu nhận có chắt lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại. Nhưng toàn cầu hoá cũng là một thách thức không nhỏ, bởi vì nếu không vững lập trường sẽ rất dễ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Vì vậy, phải xác định: "Hoà nhập nhưng không hoà tan". Văn hoá là tấm thẻ căn cước để tham gia vào quá trình hội nhập, nhưng bằng mọi giá phải giữ cho được tấm thẻ đó, nếu mất nó là đánh mất quyền lợi trong "cuộc chơi" và cũng đồng nghĩa với việc đánh mất mình.
Tóm lại, văn hoá là những giá trị vật chất và tinh thần của con người được hình thành sau lịch sử đấu tranh mạnh mẽ với thiên nhiên, với xã hội. Mỗi một dân tộc đều có lịch sử văn hoá của riêng mình biểu hiện tính cách, bản sắc độc đáo không lặp lại hay đồng nhất với bất kỳ văn hoá của dân tộc nào trên thế giới. Vì vậy, "giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá" không chỉ là sự lựa chọn mà còn là nhiệm vụ, là mục tiêu của cả dân tộc Việt nam trong thời đại mới. Đây cũng là lời kết cho tiểu luận này !
TRỊNH SƠN HOAN
 

Bình luận bằng Facebook

Top