Làm văn nghị luận về chi tiết, hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Học sinh Trường THPT C Nghĩa Hưng (Nam Định) trong giờ Ngữ văn trước kỳ thi THPTQG 2017


Khái quát các bước làm bài

Với dạng văn nghị luận về chi tiết, hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, cô Phạm Thị Thanh Nhàn trao đổi cách làm theo từng phần như sau:

Phần đặt vấn đề: Yêu cầu học sinh có cách dẫn dắt phù hợp từ đó dẫn dắt đến các chi tiết cần bàn luận.

Giải quyết vấn đề, học sinh lưu ý các bước: Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm; khái quát về chi tiết và vai trò của chi tiết trong tác phẩm; phân tích cụ thể nội dung, nghệ thuật để rút ra nghĩa của chi tiết; so sánh các chi tiết.

Khi khái quát về chi tiết và vai trò của chi tiết trong tác phẩm văn chương (trong truyện ngắn), học sinh nêu vai trò của chi tiết trong tác phẩm văn học: Chi tiết nghệ thuật có tính tạo hình, chi tiết gắn liền với quan niệm nghệ thuật về con người, chi tiết có vai trò biểu lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện.

Khi phân tích cụ thể nội dung, nghệ thuật để rút ra nghĩa của chi tiết, học sinh nêu cảm nhận về từng chi tiết theo các bước: Phân tích nội dung; phải thấy rõ chi tiết ấy nói về điều gì? Bình sâu các từ ngữ quan trọng; phân tích sâu ý nghiã gợi ra từ chi tiết đó. Phải có sự so sánh, mở rộng liên hệ sâu với các chi tiết khác ở tác phẩm cũng như các chi tiết có liên quan ở các tác phẩm khác. Phân tích nghệ thuật xây dựng chi tiết (gắn với nét đặc trưng trong phong cách của nhà văn)

Khi so sánh các chi tiết, học sinh chú ý so sánh điểm tương đồng và khác biệt về nội dung, nghệ thuật; lý giải nguyên nhân (từ hoàn cảnh xuất hiện chi tiết, từ ý nghĩa của chi tiết).

Cuối cùng, kết thúc vấn đề, học sinh đánh giá về ý nghĩa của các chi tiết: Chi tiết làm mạch truyện trở nên thống nhất và giữ vai trò chủ đạo làm nên ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm; thể hiện rõ phong cách của tác giả. Sau đó, đánh giá sự thành công của tác phẩm…

Ví dụ cụ thể

Làm rõ phương pháp làm văn nghị luận về chi tiết, hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, cô Phạm Thị Thanh Nhàn chia sẻ ví dụ với đề bài “Cảm nhận về hình ảnh tiếng sáo đêm xuân trong “Vợ chồng A Phủ”- Tô Hoài”, cụ thể:

Đặt vấn đề: Giới thiệu từ hình tượng người nông dân trong văn học sau 1945 với khuynh hướng viết khẳng định sức sống của họ để hướng họ đến với ánh sáng của cách mạng- dẫn đến hình ảnh “Tiếng sáo đêm xuân” trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”)

Giải quyết vấn đề:

- Khái quát về tác giả, tác phẩm;

- Khái quát về chi tiết văn học;

- Phân tích hình ảnh “Tiếng sáo đêm xuân”: Tiếng sáo xuất hiện lần thứ nhất ở ngoài đầu núi “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”.

Ý nghĩa: Tiếng sáo đã đánh thức tâm hồn cô Mị bởi tiếng sáo “thiết tha bổi hổi” và cô đã “nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”

“Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai, con gái

Ta đi tìm người yêu”

Lần thứ 2: Tiếng sáo văng vẳng ở đầu làng “tai Mị nghe tiếng sáo văng vẳng đầu làng”.

Ý nghĩa: Tâm hồn cô Mị như được hồi sinh. Mị nhớ lại ngày xưa “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”.

Tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ bay ngoài đường:“Anh ném pao, em không bắt/ Em không yêu, quả pao rơi rồi”.

Ý nghĩa: Tiếng sáo đã giục giã cô Mị hành động. Mị muốn đi chơi “Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng rồi vẫn đi chơi ngày Tết huống chi Mị và ASử không có lòng với nhau và vẫn phải ở với nhau”. Và cô Mị sửa soạn đi chơi “Mị quấn lại tóc, Mị với lấy cái váy hoa vắt ở trong vách”.

Khi Mị bị trói, tiếng sáo vẫn vang vọng:“Em không yêu quả pao rơi rồi/ Em yêu người nào, em bắt pao nào”.

Ý nghĩa: Tiếng sáo vẫn thôi thúc tâm hồn Mị “đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi”.

Cuối cùng: “Tiếng sáo, tiếng chó sủa xa xa”. Ý nghĩa: Tiếng sáo như cũng đang lặng dần với tâm trạng khổ đau của cô gái Mèo đầy bất hạnh.

- Nhận xét, so sánh:

Điểm giống nhau về nội dung: Cùng nói về âm thanh, sắc điệu của tiếng sáo trong sự cảm nhận của Mị vào đêm tình mùa xuân từ đó thể hiện sức sống tiềm tàng đang trỗi dậy trong tâm hồn của cô Mị.

Nghệ thuật: Miêu tả chi tiết giàu hình ảnh, giàu sức gợi, dùng chi tiết ấy để miêu tả diến biến tâm lí rất tinh tế của nhân vật.

Điểm khác nhau: Mỗi chi tiết xuất hiện trong hoàn cảnh cụ thể khác nhau thể hiện cho những cung bậc cảm xúc trong tâm trạng của cô Mị. Thể hiện tài năng của nhà văn trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top