Làm thế nào để đạt kết quả cao môn Văn?

dinhnhuy012

Thành viên
Thành viên BQT
#1
Với tâm huyết và kinh nghiệm giảng dạy của mình, PGS, TS Lê Quang Hưng, Phó Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học, trường ĐH Sư phạm I đã chia sẻ với thí sinh bí quyết để làm điểm Văn đạt kết quả cao trong mùa thi này:

Tuy chương trình cơ bản không có gì thay đổi nhưng trong đề thi văn năm nay vẫn sẽ nảy sinh ra một vấn đề mới: đề thi phải ra theo hai chương trình theo hai bộ sách giáo khoa cũ và sách giáo khoa thí điểm của hai đối tượng phân ban và không phân ban.
Với 2 phần: phần bắt buộc cho tất cả các thí sinh và phần tự chọn, đương nhiên phần ra chung cho thí sinh nằm trong chương trình cơ bản và phần này các em không phân ban và các em phân ban đều phải học. Đề thi môn Văn nằm trong phạm vi kiến thức, tác giả, tác phẩm trong văn học giai đoạn từ 1930 đến 1975 và một số tác giả, tác phẩm thời đổi mới sau này. Còn chương trình thi tốt nghiệp thì đề sẽ nằm trong phạm vi chương trình lớp 12.
Để hoàn thành bài thi môn Văn với kết quả tốt nhất, các em cần lưu ý 5 điểm sau đây khi học ôn:
1.Các em hãy nhìn phục lục của hai bộ sách giáo khoa có chỉnh lý năm 2000 và sách giáo khoa thí điểm của lớp 12 và hãy nhìn phần mục lục xem phần giao nhau giữa hai chương trình phân ban và không phân ban, tìm những tác giả, tác phẩm giống nhau thì học ôn, đó chính là phần trọng tâm.
Ví dụ: Văn xuôi, phần giao nhau giữa hai chương trình là những tác phẩm có từ trước cách mạng như “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, “Chí phèo” của Nam Cao, “Hạnh phúc của một tang gia” của Vũ Trọng Phụng- Đó là những bài ở lớp 11.... Còn lớp 12: “Vợ chồng A phủ của Tô Hoài, “Vợ nhặt” của Kim Lân, “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, “Rừng Xà Nu” của Nguyễn Trung Thành ... Còn phần Hồ Chí Minh thì có “Tuyên ngôn độc lập” và truyện ngắn “Vi hành”.
Còn về thơ: Sau một số bài thơ lãng mạn của lớp 11, Tràng Giang (Huy Cận), Vội vàng (Xuân Diệu), Đây thôn vĩ dạ (Hàn Mạc Tử). Đến lớp 12 thì có Tây Tiến (Quang Dũng), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Sóng (Xuân Quỳnh), đặc biệt là bài Việt Bắc (Tố Hữu), Kính gửi cụ Nguyễn Du....Những bài tham khảo các em không cần quan tâm vì Bộ GD&ĐT không yêu cầu ra đề thi ở phần này.
2. Hãy nắm bắt kỹ những thông tin về tác giả của những tác phẩm nằm trong phần trọng tâm. Lâu nay, những người ra đề văn thường không ra vào những vấn đề nghị luận chung chung mà hướng tới những câu cụ thể liên quan trực tiếp đến tác giả, tác phẩm. Một nhược điểm của học sinh bây giờ là ít đọc tác giả, tác phẩm hay nói đúng hơn là không biết đọc tác phẩm mà chỉ chăm chăm nghĩ đến... bài mẫu trong khi không phải bài văn mẫu nào cũng tốt cả vì nhà nhà làm sách, nên cứ sao chép của nhau! Đây là cách học ngọn, chưa tự sống và cảm thụ tác phẩm nên chỉ tiếp thu một cách bị động. Học văn phải cảm thụ ngay từ trong cách hiểu của mình thì mới có khả năng tự phân tích bài viết.
3. Đọc và hiểu tác phẩm như thế nào cho hiệu quả nhất ? Phải nắm được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đó, tâm trạng, tâm thế , ý đồ của tác giả. Phải nắm được mạch của tác phẩm và hình tượng trung tâm. Đặc biệt là thuộc những hình ảnh hay.
Trong văn xuôi: Phải nắm được cốt chuyện và tình huống. Đặc biệt là phải nắm nhân vật để phân tích. Vì “đơn vị” cơ bản nhất của văn xuôi tự sự là nhân vật. Nhà văn bao giờ cũng truyền tải nội dung, chủ đề quan niệm nhân sinh qua hệ thống nhân vật, tương quan giữa các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính. Phải biết nắm được đặc điểm này thì mới có một dàn bài chi tiết làm bài. Ngoại hình, đặc tả, ngôn ngữ nhân vật, đời sống nội tâm nhân vật, hành động cử chỉ gây ấn tượng của nhân vật... Nhớ cốt chuyện, tình huống, nhân vật trung tâm, những bước ngoặt của dòng cốt chuyện, quan trọng nhất là nắm nhân vật, quan hệ của nhân vật, chính, phụ, phản diện, chính diện, ngôn ngữ, cử chỉ nhân vật. Phân tích nhân vật phải nắm tính cách, số phận của nhân vật. Các em phải nhớ chi tiết cụ thể để có chất liệu làm bài. Phải có ý thức đọc để làm bài, đọc phải nhớ, phải có định hướng.
4. Phải biết vận dụng những kiến thức mình học được để làm bài. Không nên phụ thuộc vào bài mẫu. Phải tự tiết chế bài viết, không nên quá say sưa mà quá đà. Nhiều em học sinh bây giờ khi đọc đề là thấy đúng với những gì mình đã đọc ở bài mẫu này rồi và viết hết lên những gì mình đã học, chứ không biết ý thức là vận dụng kiến thức mình đã có để tổ chức bài làm theo yêu cầu cụ thể của đề mà cứ viết . Nên vận dụng những kiến thức mình đã học để tổ chức sắp xếp bài viết của mình chứ không phụ thuộc vào bài mẫu nào, bài giảng nào.
5. Phải biết bố trí hợp lý thời gian hoàn thành cho từng câu. Bố trí thời gian và lượng viết cho cân đối. Không nên quá sa đà vào từng câu, phải biết mức độ yêu cầu từng câu.
Mai Minh- Hồng Hạnh
(ghi)
Việt Báo (Theo_DanTri
 

Bình luận bằng Facebook

Top