Làm sao luyện tốt môn Hóa?

dinhnhuy012

Thành viên
Thành viên BQT
#1
Hóa học là một môn khoa học thực nghiệm, chính xác nên việc học và luyện thi đòi hỏi một tư duy thích hợp, đó là năng lực quan sát, phân tích các hiện tượng thực nghiệm, năng lực khái quát, tổng hợp thành quy luật và phải có phong cách học tập khoa học, độc lập, sáng tạo.
Học tốt có nghĩa là nắm vững và có khả năng vận dụng thành thạo cũng như sáng tạo các kiến thức đã học. Ở trường phổ thông cũng như các trung tâm dạy thêm hiện nay, phương pháp học chủ yếu là nghe thầy giảng: giải thích lý thuyết, hướng dẫn bài tập, củng cố kiến thức... Lợi thế là kiến thức được truyền tải trực tiếp từ thầy sang trò những nội dung cốt lõi nhất, quan trọng nhất.
Học sinh phải nghiền ngẫm, suy nghĩ, đặt vấn đề, củng cố và mở rộng những vấn đề đã học để biến kiến thức của thầy thành cái riêng của mình, có thể tự trình bày các ý tưởng và kiến thức đó bằng suy nghĩ và lời nói của chính mình.
Thầy giáo chỉ nêu lên cái cơ bản, then chốt nhất và dạy cho người đọc cách tiếp thu cũng như phương pháp tư duy. Người học vừa phải tiếp thu được nội dung cốt lõi đó, vừa phải tự mình phát triển mở rộng những điều thầy không giảng. Có như thế mới làm chủ được những điều đã học.
Học sinh phải nắm được trình tự:
Biết -> Hiểu -> Vận dụng -> Sáng tạo. Mục đích chính ở trên lớp là làm thế nào để nội dung bài giảng được lĩnh hội một cách tích cực và nhớ được lâu dài.
Một trong những điều quan trọng là phải biết hứng thú và "cảm" thực sự với kiến thức cần lĩnh hội.
Để có thể ôn thi tốt môn Hóa, học sinh cần rèn luyện 3 bước sau:
- Bước 1: Soạn bài trước (có tham khảo tài liệu và chuẩn bị các câu hỏi).
- Bước 2: Chú ý nghe giảng, vừa nghe giảng, vừa suy nghĩ độc lập, vừa ghi chép, sự ghi chép đồng thời này giúp học sinh khắc sâu thêm kiến thức.
- Bước 3: Xem lại thường xuyên, giúp cho sự truyền tải những kiến thức này vào tiềm thức.
Luyện thi môn Hóa thực sự không khó. Khi chưa hiểu và chưa quen thì cảm thấy khó khăn, ngược lại khi hiểu thì cảm thấy rất thú vị và đam mê, do giải thích được nhiều vấn đề, hiện tượng trong cuộc sống.
Trước hết học sinh phải làm quen với những ngôn từ, phải biết và hiểu những khái niệm cơ bản (nguyên tố, nguyên tử, ion...), những định luật căn bản (định luật tuần hoàn, bảo toàn khối lượng...).
Sau khi có những kiến thức về bài học, học sinh phải hiểu và diễn đạt được, phải biết cách áp dụng (kỹ năng, kỹ xảo) qua các câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp dần lên. Học sinh phải có đầy đủ lý thuyết kiến thức để phân tích và tổng hợp được các dạng câu hỏi và bài tập. Khi tiếp nhận lý thuyết học sinh cần phải học những khái niệm chung, những tính chất...
Muốn luyện thi tốt, cùng với bài giảng của thầy, đọc thêm sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, mạng Internet... Tốt nhất là học sinh phải làm nhiều bài tập ở nhiều dạng, nhiều thể loại khác nhau. Nếu không còn đủ thời gian làm bài tập, các em cũng nên đọc để hiểu qua các loại bài tập này trong các loại sách ôn thi đang có ở nhà sách.
Nguyễn Bác Dụng
(Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM)​
 

Bình luận bằng Facebook

Top