Kỳ thi THPT quốc gia: Lo tỉ lệ 'ảo' khi xét tuyển

DonQixote

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Từ năm 2015 tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi THPT quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Sẽ có “điểm sàn” từng môn

Trong năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ 9 – 12/6/2015). Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn (tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ.



Học sinh TPHCM dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Ảnh: Đức Hạnh

Với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký những môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ GDĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn này.

Các Sở GDĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Trước ngày 1/1 hàng năm, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ vào kết quả thi, Bộ GDĐT sẽ công bố điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế.

Theo Bộ GDĐT, việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia với ngưỡng điểm tối thiểu sẽ tạo thuận lợi, giảm áp lực, khó khăn cho các trường. Từng trường ĐH, CĐ chủ động đề xuất cách sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh với phương án cụ thể (điểm những môn nào, hệ số tính điểm của mỗi môn…) để xét tuyển phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo.

Vẫn lo thí sinh “ảo”

Bên lề cuộc họp của Bộ GDĐT với các sở GDĐT, trường ĐH, CĐ về kỳ thi THPT quốc gia ngày 26/9 tại TPHCM, lãnh đạo nhiều trường đã bày tỏ những hy vọng và lo lắng về năm đầu tiên tuyển sinh theo phương thức mới này.

TS Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, trong xét tuyển sẽ xem xét thêm một số yếu tố khác như khả năng hoạt động công tác xã hội của học sinh, yếu tố vùng… trong đó cơ bản là năng lực học tập của học sinh và chính sách của nhà nước. Tuy nhiên việc thực hiện này sẽ tiến hành theo lộ trình.

Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo ĐH Nông lâm TPHCM, các trường đang đợi phần mềm xét tuyển của Bộ GDĐT, đặc biệt là kho dữ liệu để học sinh tìm được đúng trường theo nguyện vọng của mình. Các trường có thể thi theo môn hoặc theo khối tùy theo đề án tuyển sinh của từng trường trình Bộ GDĐT. Với phương thức tuyển sinh này sẽ không còn sự phân biệt giữa trường trung ương hay trường địa phương mà chỉ phân theo khu vực địa lý cho phù hợp. Rất có thể sẽ phân thành 3 cấp độ xét tuyển: Các trường top trên (từ 17 trở lên) sẽ xét trước, rồi đến các trường top giữa và cuối cùng là top dưới, đồng thời cũng đề xuất rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn khoảng 10 ngày thay vì 20 ngày như hiện nay.

TS Trần Đình Lý cho biết: “Với phương thức tuyển sinh mới này, tính ảo của hồ sơ đăng ký dự thi sẽ giảm vì các em đã được phân luồng từ đầu, mục tiêu đã được xác định rõ ràng, nhưng tính ảo trong vấn đề xét tuyển có thể sẽ tăng cao. Trước đây mỗi thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả, nhưng năm tới để tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh, mỗi em sẽ có một dữ liệu điểm đăng ký nhiều môn thi tạo thành nhiều khối thi, thậm chí cho các em đăng ký online, việc này sẽ đồng nghĩa tăng tỉ lệ “ảo” cho các trường. “Ảo” này có thể sẽ xảy ra với cả các trường top trên chứ không chỉ các trường top dưới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin tưởng vào phần mềm sẽ lọc được dữ liệu cần thiết để kiểm soát và giảm được sự “ảo” này theo như khẳng định của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng”.

Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc trung tâm tuyển sinh ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, tỉ lệ ảo sẽ rơi nhiều vào nhóm trường top dưới. Ông Sơn cho biết, khó khăn nhất đối với các trường trong năm 2015 chính là chưa định dạng được tỉ lệ gọi nhập học như thế nào để tránh trường hợp ảo, vì thế bộ nên rút ngắn thời gian xét tuyển của mỗi đợt để các trường hạn chế được tỉ lệ ảo cũng như tránh được tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top