Kỹ năng vẽ và phân tích các dạng biểu đồ Địa lý lớp 9

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Chương trình địa lý 9 THCS mới đòi hỏi kỹ năng vẽ biểu đồ rất cao, đưa ra nhiều dạng biểu đồ mới và khó so với sách giáo khoa lớp 9 THCS cũ. Nhiều dạng biểu đồ học sinh còn trừu tượng như biểu đồ miền, đường...


Làm thế nào để nâng cao hiệu quả về kỹ năng vẽ và nhận xét biểu đồ? Kinh nghiệm cô Đàm Thị Hồng Thắm - Trường THCS Đoàn Kết (Lai Châu) chia sẻ dưới đây sẽ trả lời cho câu hỏi này.

Hướng dẫn học sinh lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp

Giáo viên hướng dẫn học sinh lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp nhất, có thể dựa vào: Lời dẫn (đặt vấn đề); bảng số liệu thống kê (bảng % hay tuyệt đối); lời kết nêu yêu cầu cụ thể cần làm.

Nếu bảng số liệu đưa dãy số (số liệu % hay tuyệt đối) thể hiện sự phát triển của các đối tượng theo một chuỗi thời gian, ta sẽ chọn vẽ biểu đồ đường biểu diễn.

Nếu có dãy số liệu tuyệt đối về quy mô, khối lượng của một hay nhiều đối tượng biến động theo một số thời điểm hay theo các thời kỳ (giai đoạn), ta chon vẽ biểu đồ cột.

Trường hợp gặp bảng số liệu được trình bày theo dạng phân chia ra từng thành phần cơ cấu, ta sẽ vẽ biểu đồ tròn khi có số liệu tương đối hoặc tuyệt đối của các thành phần hợp đủ giá trị tổng thể (mới có đủ dữ kiện tính ra tỉ lệ cơ cấu (%) để vẽ biểu đồ tròn).

Nếu một tổng thể có quá nhiều thành phần, khó thể hiện trên biểu đồ tròn (vì các góc hình quạt sẽ quát hẹp), trường hợp này chuyển sang biểu đồ cột chồng dễ thể hiện hơn.

Khi trên bảng số liệu, các đối tượng trải qua trên 3 thời điểm, không thể vẽ biểu đồ tròn, trường hợp này sẽ phù hợp với biểu đồ ba miền.

Hình thành cho học sinh kỹ năng tính toán, xử lí số liệu

Các kỹ năng gồm: Tính tỉ lệ giá trị cơ cấu (%); quy đổi tỉ lệ % ra góc hình quạt đường tròn;

Tính bán kính các vòng tròn có giá trị đại lượng tuyệt đối khác nhau (nếu số liệu của các tổng thể chỉ được ghi theo tỉ lệ %, sẽ vẽ các hình tròn có bán kinh bằng nhau. Nếu số liệu của các tổng thể được ghi bằng các đại lượng tuyệt đối lớn nhỏ hơn nhau, ta sẽ vẽ các biểu đồ có bán kính khác nhau);

Tính tỉ lệ chỉ số phát triển: Bảng số liệu về tình hình phát triển có ba đối tượng trở lên, với 3 đối tượng khác nhau, cần tính thành chỉ số phát triển % bằng cách: Đặt năm đầu tiên trong bảng thống kê thành năm đối chứng bằng 100%. Giá trị đại lượng của các năm tiếp theo đều được chia cho giá trị đại lượng năm đối chứng rồi nhân với 100 sẽ thành tỉ lệ phát triển % so với năm đối chứng.

Kỹ năng vẽ biểu đồ đường biểu diễn

Bước 1: Kẻ trục toạ độ trục đứng ghi các mốc về giá trị của đại lượng, trục ngang thể hiện các mốc thời gian. Chú ý kẻ trục dứng và trục ngang đảm bảo tính mỹ thuật, dễ quan sát

Nếu các đại lượng có giá trị quá lớn, quá lẻ có từ 3 đại lượng khác nhau trở lên thì chuyển đại lượng tuyệt đối thành tương đối để vẽ.

Đầu 2 trục vẽ hình mũi tên chỉ chiều tăng lên. Trên trục ngang chia mốc thời gian phải phù hợp khoảng cách năm, ở mỗi năm nên kẻ nét đứt mờ thẳng đứng để đánh dấu các đỉnh ở mỗi năm cho thẳng. Trục đứng phải ghi mốc giá trị cao nhất cao hơn giá trị cao nhất trong bảng số liệu.

Bước 2: Xác định các đỉnh, căn cứ vào bảng số liệu đối chiếu mốc trên trục đứng và trục ngang để xác định toạ độ các đỉnh. Nếu là biểu đồ có 2 đường biểu diễn trở lên, các đỉnh vẽ theo các kí hiệu khác nhau để phân biệt.

Ghi số liệu trên đầu các đỉnh; kẻ các đoạn thẳng nét đậm nối đầu các đỉnh để thành đường biểu diễn.

Bước 3: Hoàn thiện biểu đồ - Lập bảng chú giải có khung, tên biểu đồ.

Kỹ năng vẽ biểu đồ cột

Bước 1: Kẻ trục toạ độ chú ý sự tương quan giữa trục đứng và trục ngang cho phù hợp.Trục đứng ghi các mốc về giá trị của đại lượng, trục ngang thể hiện các mốc thời gian, giai đoạn hoặc địa điểm…

Chú ý mốc thời gian đầu tiên trên trục ngang cần lùi cách trục đứng một đoạn nhất định để khi vẽ cột không đè lấp vào trục đứng.

Bước 2: Dựng cột cần đảm bảo các cột đứng phải thẳng đứng tại các điểm mốc thời gian của trục ngang; cần đối chiếu với các mốc giá trị trên trục đứng để vẽ cho chính xác độ cao các cột; các cột có chiều ngang như nhau không quá to hoặc quá nhỏ; ghi số liệu lên đầu các cột.

Bước 3: Kí hiệu cho các cột nếu là 2 đối tượng t Thời gian nào…?

Kỹ năng vẽ biểu đồ tròn

Để vẽ biểu đồ tròn phải biết sử lí một số trường hợp tính toán (tính tỉ lệ cơ cấu %, quy đổi % ra góc hình quạt, tính bán kính khi tổng thể có giá trị tuyệt đối khác nhau).

Bước 1: Nghiên cứu đặc điểm chuỗi số liệu để xác định cần vẽ bao nhiêu hình tròn, vẽ hình tròn bằng nhau hay to, nhỏ khác nhau.

Bước 2: Thực hiện các phép tính cần thiết (tính tỉ lệ%. quy đổi % ra độ) nếu bảng số liệu dưới dạng tuyệt đối.

Bước 3: Cần sử dụng com pa và kẻ đường vòng tròn bằng nét mực mảnh, bố trí cân xứng với trang giấy. Nếu không cùng bán kính thì nên lấy thước kẻ bán kính trước rồi mới sử dụng com pa vẽ hình tròn (lưu ý các tâm của vòng tròn nên đặt trên cùng 1 đường thẳng).

Bước 4: Tiến hành vẽ các thành phần cơ cấu (hình quạt) cần đúng quy tắc sau:

Dùng thước đo độ để vẽ cho chính xác; vẽ từ tia 12 giờ, thuận chiều kim đồng hồ (trên mặt đồng hồ); vẽ lần lượt các thành phần trên bảng xắp xếp; kẻ các kí hiệu để phân biệt nan quạt (chú ý hình quạt có diện tích lớn kẻ nét thưa, hình quạt diện tích nhỏ kẻ nét mau vừa tiết kiệm thời gian mà không gây cảm giác bị rối).

Bước 5: Hoàn thành biểu đồ. Ghi tỉ lệ cơ cấu lên nan quạt, dưới mỗi biểu đồ ghi năm hoặc ngành hay vùng miền, lập bảng chú giải, ghi tên biểu đồ..

Vẽ biểu đồ cột chồng

Bước1: Xử lí số liệu tính ra tỉ lệ % nếu bảng số liệu là tuyệt đối.

Bước 2: Dựng một hệ trục toạ độ như khi vẽ biểu đồ cột, khoảng cách các cột vừa phải dễ quan sát, chiều ngang cần thiết không bé quá để thể hiện các thành phần bên trong.

Bước 3: Vẽ chiều cao các cột bằng 100%, vẽ các thành phần đầu tiên được chồng từ gốc toạ độ căn cứ vào thứ tự rồi chồng tiếp thành phần còn lại (đối với biểu đồ có 3 đối tượng trở lên để vẽ cho chính xác, và nhanh hơn thì khi vẽ thành phần thứ 2 lấy tỉ lệ cộng với tỉ lệ của thành phần 1 rồi vẽ tiếp lên).

Bước 4: Hoàn thiện biểu đồ: Kí hiệu các thành phần, ghi số liệu vào từng ô của các thành phần; lập bảng chú giải, tên biểu đồ.

Vẽ biểu đồ miền

Bước 1: Nếu bài cho số liệu tuyệt đối cần tiến hành chuyển sang số liệu tương đối

Bước 2: Kẻ khung hệ toạ độ gồm: Trục ngang thể hiện mốc thời gian, chia mốc phù hợp với tỉ lệ khoảng cách năm;

Trên thời gian đầu và cuối của trục ngang, ta dựng 2 trục đứng có mốc từ 0 đến 100. Nối đỉnh 2 trục đứng ngang mốc 100 để khép kín không gian của biểu đồ.

Trên trục ngang vẽ mờ những trục đứng trên các mốc thời điểm.

Bước 3: Đánh dấu mốc giá trị % của từng thời điểm (giống biểu đồ đường) rồi kẻ đường biểu diễn cho thành phần thứ nhất để tạo miền cho thành phần 1.

Căn cứ vào tỉ lệ giá trị cơ cấu của thành phần thứ 2 ta vẽ đường biểu diễn của thành phần này tạo miền thành phần thứ 2 chồng lên thành phần thứ nhất. Nếu đối tượng có 3 thành phần thì miền còn lại là miền của thành phần 3.

Bước 4: Vạch kí hiệu phân biệt các miền, lập bảng chú giải, tên biểu đồ.

Kỹ năng nhận xét, phân tích biểu đồ

Khi phân tích biểu đồ, cần căn cứ vào các số liệu ở bảng thống kê và đường nét thể hiện trên biểu đồ, không thoát ly khỏi các dữ kiện được nêu trong số liệu biểu đồ, không nhận xét chung chung (cần có số liệu dẫn chứng kèm theo các ý nhận xét). Phần nêu nguyên nhân cần dựa vào kiến thức các bài đã học để viết cho đúng yêu cầu.

Cần chú ý: Đọc kỹ câu hỏi để nắm được yêu cầu và phạm vi nhận xét, phân tích; cần tìm ra mối liên hệ hay tính quy luật nào đó giữa các số liệu.

Không được bỏ sót các dữ kiện cần phục vụ cho nhận xét, phân tích; trước tiên, cần nhận xét phân tích các số liệu có tầm khái quát chung sau đó mới phân tích các số liệu thành phần;

Chú ý tìm mối quan hệ so sánh giữa các con số theo cả hàng ngang và hàng dọc nếu có;

Chú ý những giá trị nhỏ nhất, lớn nhất và trung bình. Đặc biệt chú ý đến những số liệu hoặc hình nét đường, cột thể hiện sự đột biến (tăng hay giảm nhanh)

Cần có kỹ năng tính tỉ lệ (%) hoặc tính ra số lần tăng hay giảm của các con số để chứng minh cụ thể ý kiến nhận xét.


Những lưu ý quan trọng

Cô Đàm Thị Hồng Thắm cho biết, để tăng hiệu quả rèn kỹ năng vẽ, nhận xét biểu đồ cho học sinh, giáo viên cần chuẩn bị chu đáo nội dung, kiến thức của tiết học. Yêu cầu học sinh có đủ đồ dùng (thước kẻ, com pa, bút chì, màu…).

Đồng thời, tổ chức hoạt động cho học sinh rõ ràng, cụ thể. Trước khi yêu cầu học sinh thực hành vẽ biểu đồ, giáo viên cần hướng dẫn cụ thể để học sinh nắm các kỹ năng cơ bản thể hiện từng loại biểu đồ. Yêu cầu một học sinh lên bảng vẽ, các học sinh còn lại hoạt động độc lập tự vẽ vào vở, giáo viên quan sát uốn nắn các học sinh còn lúng túng.

Cuối giờ thực hành có đánh giá, nhận xét, cho điểm những học sinh có kỹ năng vẽ và nhận xét tốt.

Giáo viên cũng có thể ứng dụng CNTT vào dạy vẽ biểu đồ tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Theo đó, hướng dẫn học sinh cách vẽ trên máy, kích thích tính tò mò, hứng thú tự học và rèn kĩ năng vẽ biểu đồ ở học sinh.

Ra bài tập ở nhà, khuyến khích học sinh vẽ biểu đồ trên máy. Kết hợp với môn tin học để những học sinh gia đình chưa có máy tính được thực hành vẽ biểu đồ trên máy, qua đó kích thích tính tự giác, tích cực học và làm bài ở nhà của học sinh.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top