Kinh nghiệm tổ chức lớp học VNEN

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - “Để lớp có một bộ máy hoạt động hiệu quả khi tham gia các hoạt động học tập, giúp học sinh làm tốt công tác tự quản khi học và có trách nhiệm về từng mảng việc xuyên suốt trong quá trình học tập mỗi lớp phải bàn với học sinh để tiến hành bầu ra một hội đồng tự quản”.


Đó là chia sẻ của cô Mai Thị Biên – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai).

Hướng dẫn HS kỹ năng làm nhóm trưởng


Mỗi học sinh của chương trình dự án VNEN đến trường luôn ý thức được mình phải bắt đầu và kết thúc hoạt động học tập như thế nào, không cần chờ đến sự nhắc nhở của giáo viên


Theo cô Biên, trong mô hình VNEN việc học nhóm là một hoạt động học chủ đạo trong suốt quá trình học.

Việc các em có biết cách hỗ trợ nhau trong khi học hay không, kết quả học nhóm có đạt yêu cầu hay không chính là nhờ vai trò của nhóm trưởng trong việc chỉ đạo nhóm mình.

Chính vì vậy trong những buổi đầu khi cho các em hoạt động nhóm giáo viên cần tập huấn riêng cho tất cả các em làm nhóm trưởng những kĩ năng lãnh đạo cơ bản.

Ví dụ khi các bạn trong lớp hoặc trong nhóm không tập trung thảo luận thì bạn lớp trưởng - nhóm trưởng cho cả lớp hát một bài hay chơi một trò chơi.

Hoặc khi thảo luận nhóm các bạn chưa chủ động tham gia vào các hoạt động của nhóm thì nhóm trưởng phải biết nêu ra một số nội dung còn bỏ ngỏ hay câu chuyện hấp dẫn nhưng chưa có phần kết nhằm lôi kéo sự tìm tòi của các bạn trong nhóm.

Ngoài ra, giáo viên cũng phải hướng dẫn học sinh cách báo cáo cá nhân, báo cáo nhóm khi làm xong bài hoặc có những tín hiệu cần sự hỗ trợ của cô và các bạn.

Cô Biên dẫn giải: Trong giờ thủ công giáo viên có thể hướng dẫn mỗi em làm một thẻ học cá nhân có hai mặt xanh và đỏ và mỗi nhóm làm một bông hoa học nhóm cũng có hai mặt xanh và đỏ và sử dụng như sau:

Khi làm việc cá nhân nếu có khó khăn cần có sự hỗ trợ của cô thì các em giơ thẻ mặt xanh, còn nếu làm xong bài rồi muốn báo với cô để cô kiểm tra thì giơ thẻ mặt đỏ và với hoạt đông nhóm các em cũng làm như vậy.

Trong các giờ học cô và trò tiến hành học như vậy thì giờ học sẽ diễn ra nhẹ nhàng hiệu quả.

Tổ chức các chuyên đề - đổi mới phương pháp dạy học


Hướng dẫn học sinh kỹ năng làm nhóm trưởng

Giáo viên cần có kế hoạch xây dựng và tích cực tổ chức chuyên đề. Kinh nghiệm của cô Biên là, mỗi chuyên đề được thực hiện, cô sẽ trực tiếp cùng tổ khối chuyên môn xây dựng phương án lên lớp, lựa chọn giáo viên có tay nghề vững vàng để soạn giáo án chi tiết và thể hiện thao giảng.

“Trước mỗi bài học, tiết học tôi đã chỉ đạo cho giáo viên lập kế hoạch giảng dạy để điều chỉnh, bổ sung nội dung, cách thức học tập sao cho phù hợp với đặc điểm nhận thức của học sinh và sau đó ghi lại nhật kí sau mỗi bài học, tiết học để từ đó rút ra những bài học, những kinh nghiệm cho các bài học sau.

Khi thao giảng xong, mọi thành viên trong trường tham gia rút kinh nghiệm và rút ra những bài học cho riêng mình.

Làm sao sau mỗi chuyên đề là một bài học bổ ích để giáo viên có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào bài dạy của mình sao cho phù hợp và hiệu quả.

Kết quả năm học vừa qua trường đã thực hiện được 6 chuyên đề về dạy học theo mô hình VNEN. Trong đó có 2 chuyên đề cấp Thành phố” – Cô Biên trao đổi.

Ngoài ra, giáo viên cần thực hiện dạy học phù hợp với đối tượng học sinh trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình.

Dạy học phù hợp với nhận thức và nhu cầu của từng đối tượng học sinh, nâng cao vai trò của thủ lĩnh lớp học, tạo cơ hội để nhiều em trong lớp được thể hiện vai trò quản lý của mình.

Phải mạnh dạn đổi mới trong chỉ đạo dạy học, trên cơ sở khuyến khích là chủ yếu không để tình trạng quá nặng về dạy kiến thức, ít quan tâm đến việc giáo dục các kĩ năng sống cho học sinh dẫn đến học sinh thiếu hụt hiểu biết về môi trường xung quanh, ứng xử cần thiết trong cuộc sống.

Lấy điều đó làm đòn bảy để mỗi giáo viên có nhiều cơ hội phát huy tính sáng tạo trong dạy học và phải nhận thấy trách nhiệm lớn lao của mình đối với việc giáo dục học sinh, biết cải thiện môi trường học tập và vận dụng các hình thức dạy học để các tiết học đều đạt được mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, giáo viên không chỉ học tập nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, mà còn thường xuyên quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của học sinh.

Căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của học tập để điều chỉnh , đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ …. nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.


Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top