Kinh nghiệm tâm huyết của giáo viên về Thông tư 30

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nâng cao nhận thức về việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30


Giáo viên muốn lời nhận xét, tư vấn của mình đúng đối tượng, có trọng tâm, không sáo rỗng, không nhận xét kiểu chung chung, lời nhận xét, tư vấn tác động trực tiếp đến học sinh, những vấn đề mà học sinh cần điều chỉnh theo hướng tích cực, đòi hỏi thầy cô phải suy nghĩ kĩ về mục tiêu bài dạy kết hợp với thực tế quan sát các đối tượng học sinh hàng ngày, thường xuyên trong các hoạt động khác nhau.

Cô Nguyễn Thị Lan


Sau khi nghiên cứu kĩ Thông tư 30 và sau hai năm thay đổi, tôi thấy rằng bản thân cần thay đổi nhận thức.

Có ý kiến cho rằng: Đánh giá chung Hoàn thành/Chưa hoàn thành là kiểu đánh giá “dở nhất” trong tất cả các kiểu đánh giá. Nó sẽ đánh đồng tất cả học sinh vào 1 loại, không những làm cho phụ huynh học sinh mà ngay cả giáo viên cũng sẽ thấy rất khó theo được kiểu đánh giá này.

Nhưng theo tôi nếu chúng ta suy nghĩ theo hướng tích cực, nghiên cứu kĩ mục tiêu của giáo dục tiểu học thì sẽ nhận ra rằng cách đánh giá mới hoàn toàn phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi tiểu học, phù hợp với mục tiêu của giáo dục hiện đại “Giáo dục làm sao để trẻ biết cách sống và biết sống”, phù hợp với yêu cầu về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo vì đánh giá vì việc học, đánh giá chính là quá trình học.

Ngoài việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa đổi mới hình thức, nội dung đánh giá, mỗi giáo viên cũng cần không ngừng học và tự học, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp dạy học hiện đại nhằm lôi cuốn học sinh vào bài học, tạo cơ hội cho nhiều học sinh được phát biểu ý kiến, mọi đối tượng học sinh trong lớp đều được cô quan tâm, động viên…

Nghiên cứu kĩ các bài học, các môn học


Trước mỗi bài dạy, tiết dạy, tôi xác định chính xác mục tiêu, kiến thức, kĩ năng, thái độ cần đạt ở mỗi bài dạy để từ đó định hướng cho mình: Nhận xét cái gì? Nhận xét năng lực, kiến thức, kĩ năng nào của học sinh? Ở những vấn đề của bài học hôm này cần quan tâm nhận xét những học sinh nào?

Ví dụ: Trong môn Tiếng việt 1- công nghệ giáo dục, giáo viên cần dạy đúng thiết kế, đúng quy trình 4 việc một cách nghiêm ngặt, vận dụng các bước trong từng việc linh hoạt. Giáo viên không được phép xem nhẹ hay bỏ sót một thao tác nào, không được thay đổi trật tự các thao tác. Từ đó, dự kiến các lời nhận xét cho phù hợp với từng bài, từng đối tượng học sinh, dự kiến những lời tư vấn, hướng dẫn để học sinh sửa chữa khắc phục những tồn tại thiếu xót…


Trường tiểu học Thanh Lạc (Ninh Bình) trong giờ học

Tích hợp các hình thức nhận xét, đánh giá

Đối với học sinh lớp 1 cần tăng cường nhận xét bằng lời, đặc biệt giai đoạn đầu năm học, khi học sinh mới bắt đầu tập đọc các tiếng bằng vật thật và mô hình, đọc các âm…, các em không thể đọc hiểu được lời nhận xét, đánh giá của giáo viên ghi trong vở.

Cuối học kì I, học sinh đã bắt đầu đọc được các câu dài. Lúc này lời nhận xét của giáo viên phải cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn.


Nếu giáo viên quan tâm sát sao tới từng học sinh, từng bài học, từng lỗi nhỏ sẽ giúp ích nhiều cho sự phát triển toàn diện của học sinh: Học sinh vui vì được cô quan tâm; những lời khen, lời nhắc nhở là động lực để các em vươn lên; được cô sửa lỗi cẩn thận để tránh mắc lại. Chính vì vậy đòi hỏi giáo viên, đặc biệt là giáo viên lớp 1 phải quan tâm rèn chữ, cách trình bày sao cho khoa học.

Sau khi nhận xét, đánh giá, giáo viên có thể gặp riêng học sinh, chỉ rõ lỗi và nêu lại lời nhận xét của mình cho học sinh nghe nhất là những học sinh cần được tư vấn, hướng dẫn. Nhưng không thể nêu lại với tất cả học sinh trong lớp vì như thế không có đủ thời gian. Vậy phải làm thế nào?

Tôi chia các đối tượng học sinh trong lớp thành các nhóm khác nhau để có thể phát huy năng lực cá nhân và quan tâm tới tất cả các đối tượng học sinh trong lớp. Trong các môn học, tôi lại chia nhỏ thành các nhóm năng lực khác nhau.

Từ việc chia thành các nhóm nhỏ như vậy, giáo viên có thể chủ động hơn trong nhận xét, đánh giá. Mặt khác, giáo viên cũng định hướng đúng những mặt học sinh cần giúp đỡ để từ đó quan tâm đến từng đối tượng cụ thể.

Cùng với lời nhận xét, tôi đặc biệt quan tâm đến đặc điểm tâm lí của học sinh là thích được khen, được tặng thưởng để động viên, khích lệ học sinh. Những món quà rất nhỏ thôi, một cục tẩy, một chiếc bút, một cái nhãn vở, một quyển truyện tranh, một hộp đất nặn... nhưng lại có tác dụng tuyệt vời. Học sinh sẽ vui, phấn khởi thế nào khi trong vở có dòng chữ: Em viết có tiến bộ; Nét chữ của em đẹp, đáng khen và kèm theo đó là một phiếu đổi quà!

Phối hợp các lực lượng của nhà trường trong nhận xét, đánh giá

Nếu trước đây, đánh giá học sinh chủ yếu dựa vào kết quả hai môn Toán và Tiếng Việt thì hiện nay theo cách đánh giá mới đã thay đổi hoàn toàn. Một học sinh phải được đánh giá toàn diện ở tất cả mọi mặt: kiến thức, kĩ năng, năng lực, phẩm chất.

Để học sinh phát triển toàn diện như vậy, một mình giáo viên chủ nhiệm không thể làm tròn trách nhiệm này. Đây là lí do mà tôi rất coi trọng vai trò của giáo viên bộ môn và Tổng phụ trách Đội.

Trước hết, tôi gặp gỡ trao đổi với đồng nghiệp về tình hình lớp học, sĩ số, những học sinh cá biệt ngay từ đầu năm học. Từ những trao đổi về đặc điểm lớp, giáo viên bộ môn sẽ có sự quan tâm cụ thể, giao nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm của từng em; cùng giáo viên chủ nhiệm đưa ra những nhận xét, đánh giá phù hợp với học sinh.

Từ thông tin giáo viên chủ nhiệm cung cấp, thầy cô Tổng phụ trách cũng sẽ chủ động lựa chọn nòng cốt cho các đội văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường. Việc làm này tạo thêm cơ hội để học sinh của lớp được tham gia vào các sân khấu lớn hơn, vượt ra khỏi phạm vi lớp học, học sinh có cơ hội giao lưu với bên ngoài nhiều hơn.

Sau khi trao đổi, cung cấp thông tin về học sinh cho các giáo viên bộ môn, Tổng phụ trách, giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ tiếp nhận thông tin ngược trở lại để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn về học sinh.

Bên cạnh nhận xét, đánh giá từ giáo viên, học sinh còn được tham gia vào hoạt động tự đánh giá nhận xét bản thân và nhận xét đánh giá, tư vấn cho bạn… Khi học sinh mạnh dạn, tự tin tự đánh giá mình và tham gia đánh giá bạn, phát huy vai trò của ban cán sự lớp, tất cả các em đều có cơ hội được làm lớp trưởng, lớp phó … luân phiên nhau. Nếu tổ chức tốt được hoạt động này, giáo viên cũng sẽ có những cơ sở thuận lợi để nhận xét, đánh giá học sinh một cách có hiệu quả.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt tập thể


Mục đích của các buổi sinh hoạt tập thể, các tiết hoạt động tập thể là tạo ra nhiều cơ hội để học sinh luyện tập, thực hành kĩ năng sống mà các môn học đã cung cấp cho các em.

Chẳng hạn như kĩ năng nghe, nói, đọc, viết từ môn Tiếng việt 1- công nghệ giáo dục, các kĩ năng giao tiếp trong môn Đạo đức, Tiếng việt, các kĩ năng sống trong môn Toán, Tự nhiên và Xã hội, Thủ công, Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục…. giúp học sinh thêm tự tin, tích cực qua đó giáo viên điều chỉnh, hướng dẫn thêm cho học sinh những điểm yếu mà trong quá trình học tập học sinh mắc phải một cách nhẹ nhàng, mang tính khích lệ.

Đầu tiên, giáo viên cần tổ chức tốt các buổi sinh hoạt lớp. Động viên học sinh tham gia vào các phong trào văn nghệ, các sân chơi trí tuệ do nhà trường tổ chức.


Bên cạnh việc động viên học sinh tham gia các phong trào của trường, tôi cũng động viên, khuyến khích các em tham gia các sân chơi trí tuệ. Sau khi thi cấp trường có những phần quà nhỏ tặng các em để khích lệ, động viên, kể cả em không được chọn để đi thi cấp huyện nhưng đã tích cực tự luyện để nâng cao kiến thức của mình…

Có thể nói, việc khuyến khích học sinh tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các sân chơi trí tuệ tạo điều kiện để học sinh được thể hiện mình. Từ đó, giáo viên lại có thêm những minh chứng để đánh giá, nhận xét học sinh được toàn diện hơn.

Sử dụng linh hoạt các lời nhận xét


Đối với các môn học, bên cạnh việc quan tâm đến các biện pháp để giáo viên chủ động, khắc phục khó khăn khi nhận xét, đánh giá học sinh theo Thông tư 30, tôi cũng đã suy nghĩ và ghi lại một số lời nhận xét cho các môn học, đặc biệt là với môn Toán, Tiếng Việt; nhờ đó bản thân bớt lúng túng, khó khăn hoặc những lúc cảm thấy bí từ có một điểm tựa để tham khảo.

Xem chi tiết những lời nhận xét TẠI ĐÂY

Những lời nhận xét trên được giáo viên sử dụng linh hoạt, ghi rõ ràng, cẩn thận trong vở như một lời nhắc nhở, động viên học sinh, tư vấn học sinh.

Ngoài ra với những học sinh có cố gắng, có tiến bộ… để ghi nhận nỗ lực của các em, tôi có thể ghi :

- Cô rất vui vì sự tiến bộ của em.

- Cô rất tự hào vì có học sinh chăm ngoan như em.

- Em hãy cố gắng hơn nữa nhé!

- Sự cố gắng của em đã thành công! Em đã nắm chắc kiến thức cô dạy!(Chữ viết, kĩ năng đọc, kĩ năng làm bài… của em đã tiến bộ)

Đối với việc xét tuyên dương khen thưởng học sinh: Dựa vào điều 16 Thông tư 30, nhà trường đã giúp chúng tôi có thêm căn cứ để dựa vào đó xét tuyên dương khen thưởng cho học sinh vào cuối kì I và cuối năm học với Bộ tiêu chí tuyên dương khen thưởng học sinh. Dựa vào đây, giáo viên có thêm cơ sở để có thể linh hoạt hơn trong nhận xét, đánh giá học sinh suốt quá trình học tập.


Phối hợp với cha mẹ học sinh trong nhận xét, đánh giá

Theo cách đánh giá trước đây, cha mẹ học sinh thực sự áp lực với con khi con được ít hơn điểm 9, 10. Chính vì lí do đó họ cũng thường quan tâm sát sao hơn với việc học tập của con, ép con học bằng bạn bằng bè, cho con đi học khắp nơi để mong con có kết quả học tập tốt nhất. Ép buộc con học vì điểm số dẫn đến việc học thêm tràn lan.

Hãy thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh! Trước hết, giáo viên cần trao đổi kĩ về những thay đổi trong nhận xét, đánh giá tại các buổi họp phụ huynh; giải thích rõ về mục tiêu, ý nghĩa của thay đổi để phụ huynh hiểu những ưu điểm của cách đánh giá mới. Đồng thời, phải giúp phụ huynh hiểu rằng: Phải cùng con “có trách nhiệm” với lời nhận xét, nhắc nhở của giáo viên.

Ngoài 2 việc trên, tôi tổ chức các tiết dạy mẫu cho các phụ huynh dự giờ. Cuối buổi, khuyến khích phụ huynh tìm hiểu thêm về thông tư 30 trên mạng, và cung cấp địa chỉ hỏi đáp về Thông tư 30 cho phụ huynh nắm được.

Bên cạnh đó, tham mưu với nhà trường chú trọng công tác tuyên truyền tới toàn thể cha mẹ học sinh và cộng đồng về việc đổi mới cách đánh giá nhận xét học sinh theo thông tư 30 thông qua đài truyền thanh 3 cấp, các buổi họp phụ huynh đầu năm, cuối kì và cuối năm học để phụ huynh ngày càng hiểu hơn và thông suốt về cách đánh giá mới này.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top