Kinh nghiệm sử dụng Power Point trong dạy học Sinh học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Cô Nguyễn Kim Hoàn - Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) cho rằng, việc sử dụng chương trình phần mềm Power Point trong dạy học môn Sinh học sẽ đem lại hứng thú giúp học, hiểu bài hiệu quả mà không gây áp lực nặng nề.


Ý tưởng xây dựng giáo án

Để thực hiện có hiệu quả tiết học dạng này, cô Hoàn cho rằng, giáo viên cần tìm hiểu và nghiên cứu kĩ để sử dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại kết hợp với các phương pháp dạy học truyền thống, từ đó sẽ lựa chọn những phần phù hợp của giáo án để đưa vào thay thế bằng các phương tiện kĩ thuật hiện đại.

Trên thực tế, việc ghi nội dung kiến thức cơ bản của bài học trên bảng đen vẫn rất quan trọng. Vì dàn bài trên bảng thể hiện được tính logic của nội dung kiến thức đồng thời chốt lại được những kiến thức cơ bản của bài học để học sinh ghi nhớ.

Còn việc sử dụng các phương tiện hiện đại để làm công cụ, thay thế cho các đồ dùng dạy học như tranh ảnh, mô hình, thí nghiệm thì lại thuận lợi cho giáo viên trong quá trình giảng dạy, đồng thời cũng đem lại hiệu quả rất cao cho quá trình lĩnh hội kiến thức của học sinh, đặc biệt là với các kiến thức về quá trình sinh lý, các cơ chế di truyền,... rất trừu tượng và khó hiểu.

Sử dụng phương tiện dạy học hiện đại trong 1 giờ lên lớp

Từ nhận thức, ý tưởng trên, giáo viên tiến hành soạn giáo án cụ thể. Trong giờ dạy, giáo viên cần làm chủ được phương tiện để có được sự chủ động trong các thao tác trên lớp, tránh làm mất thời gian và giảm hứng thú học tập của học sinh.

Giáo viên cung cấp hình ảnh, âm thanh, hiệu ứng,... tương ứng với nội dung kiến thức ở từng phần.

Học sinh quan sát, nhận xét, thảo luận và ghi vào phiếu học tập, trình bày kết quả thảo luận và rút ra kiến thức cụ thể.

Giáo viên chọn một số bài (phiếu học tập) của học sinh chiếu lên máy để cả lớp cùng nhận xét, đánh giá.

Củng cố, đánh giá: Giáo iên đưa ra các câu hỏi, bài tập hoặc có thể dùng sơ đồ câm yêu cầu học sinh trình bày lại nội dung kiến thức.

Thực hành giờ dạy cụ thể

Cô Nguyễn Kim Hoàn hướng dẫn cụ thể với tiết dạy về Thực hành - quan sát thường biến.

Giáo viên chuẩn bị tranh ảnh (mẫu vật) minh họa thường biến và tiến hành bài dạy theo các bước sau:

Giáo viên kiểm tra bài cũ, hỏi: Thường biến là gì? Nêu các tính chất của thường biến?

Sau khi học sinh trả lời; giáo viên nêu nội dung bài học: Nhận biết một số thường biến phát sinh dưới ảnh hưởng của ngoại cảnh; thường biến là biến dị không di truyền; ảnh hưởng khác nhau của cùng một điều kiện môi trường đối với tính trạng số lượng và tính trạng chất lượng.

Giáo viên ghi bảng nội dung: 1/ Nhận biết một số thường biến phát sinh dưới ảnh hưởng của ngoại cảnh.

Giáo viên bấm slide 1: Các VD và hình ảnh: Bộ lông cáo vào mùa đông và mùa hè. Mùa đông bộ lông cáo dày, trắng, lẫn với tuyết. Mùa hè, bộ lông cáo thưa hơn, chuyển thành màu xám hoặc vàng.

Slide 2: Mầm khoai tây ở trong bóng tối và ngoài ánh sáng. Mầm khoai tây mọc ngoài sáng có màu xanh lục. Mầm khoai tây mọc trong tối có màu tím

Slide 3: Cây rau dừa nước ở trên cạn và dưới nước. Cây rau dừa nước nếu mọc dưới nước thì rễ có phao màu trắng. Cây rau dừa nước nếu mọc ở trên cạn rễ không có phao.

Giáo viên đặt câu hỏi: Nhận xét sự khác nhau về kiểu hình ở các ví dụ và hình ảnh trên là do yếu tố nào ở môi trường?

Giáo viên gọi 3 học sinh trả lời, sau đó chốt lại: Slide 1: Màu lông cáo thay đổi do ảnh hưởng của yếu tố nhiệt độ của môi trường.

Slide 2: Màu sắc của 2 mầm khoai tây khác nhau do ảnh hưởng của yếu tố ánh sáng.

Slide 3: Rễ cây rau dừa nước ở 2 môi trường khác nhau do ảnh hưởng của yếu tố độ ẩm.

Giáo viên ghi bảng nội dung: 2. Thường biến là biến dị không di truyền.

Giáo viên bấm slide 4: Ruộng lúa gieo từ hạt của cây lúa ven bờ và cây lúa trong ruộng. (Hướng dẫn quan sát tranh)

Giáo viên đặt câu hỏi: Quan sát và nhận xét sự sai khác giữa các cây mạ ở 2 vị trí khác nhau ở vụ thứ nhất của cùng 1 thế hệ (hình ở trên) - Giải thích tại sao?

Quan sát và nhận xét cây lúa có nguồn gốc từ cây mạ ven bờ và cây lúa có nguồn gốc từ cây mạ trong ruộng (vụ thứ 2 - hình ở dưới) có khác nhau không? Giải thích tại sao?

Học sinh nhận xét; giáo viên chốt lại: Sự sai khác giữa các cây mạ ở 2 vị trí khác nhau ở vụ thứ nhất của cùng một thế hệ (hình trên) là biến dị xảy ra trong đời cá thể do ảnh hưởng của điều kiện dinh dưỡng.

Các cây lúa có nguồn gốc từ cây mạ ven bờ và các cây lúa có nguồn gốc từ cây mạ trong ruộng (vụ thứ 2) có kiểu hình không khác nhau. Vì đó là biến dị thường biến → Không di truyền.\

Giáo viên ghi bảng nội dung: 3. Nhận biết ảnh hưởng khác nhau của cùng một điều kiện môi trường với tính trạng số lượng và tính trạng chất lượng.

Giáo viên bấm slide 5: 2 luống su hào của cùng một giống nhưng được chăm sóc khác nhau. Luống được chăm bón tốt củ su hào to hơn. Luống ít được chăm bón củ su hào nhỏ hơn.

Giáo viên đặt câu hỏi: Quan sát về kích thước và hình dạng củ ở 2 luống su hào và nhận xét về ảnh hưởng của môi trường đối với tính trạng số lượng và tính trạng chất lương?

Học sinh trả lời; giáo viên chốt lại: Tính trạng số lượng (kích thước các củ su hào ở 2 luống khác nhau) chịu ảnh hưởng của điều kiện môi trường.

Tính trạng chất lượng (hình dạng củ su hào ở 2 luống không khác nhau) không (ít) chịu ảnh hưởng của điều kiện môi trường.

Phần Thu hoạch: Giáo viên yêu cầu học sinh làm bài thu hoạch, cho nhận xét về: Sự khác nhau giữa thường biến và đột biến; ảnh hưởng của môi trường đối với tính trạng số lượng và tính trạng chất lượng.


Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top