Kinh nghiệm hay giảng dạy môn Toán trước kì thi THPT quốc gia

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Phân loại học sinh

Thầy Nguyễn Văn Thọ cho rằng, đây là khâu rất quan trọng và thiết thực. Nếu giáo viên bộ môn phân loại đúng đối tượng học sinh sẽ rất hữu ích cho việc lập kế hoạch ôn tập một cách cụ thể và đề ra được biện pháp phụ đạo ôn tập thích hợp cho từng đối tượng.

Nên chia thành ba nhóm: yếu - kém, trung bình , giỏi - khá để tiến hành ôn tập, cụ thể:

Nhóm 1: Gồm những học sinh yếu hay sức học trung bình, yếu. Đây là nhóm học sinh giáo viên cần quan tâm nhiều nhất, cần được theo dõi sát sao, luôn phải nhắc nhở, động viên, kiểm tra thường xuyên việc học bài, làm bài tạp về nhà.

Nhóm 2: Gồm những học sinh trung bình hoặc trung bình khá. Đối tượng này sức học được nhưng chưa thật sự chăm chỉ, nếu không nhắc nhở, kiểm tra, các em sẽ lơ đãng, thiếu tập trung vào học tập.

Nhóm 3: Gồm những học sinh khá, giỏi. Đây là đối tượng có thể tự học, làm tốt các bài toán giáo viên yêu cầu, giải quyết tốt các bài toán khó, tự nghiên cứu được bài vở.

"Trong các kì thi tốt nghiệp mấy năm qua, tỉ lệ tốt nghiệp của bộ môn cao hay thấp tùy thuộc rất nhiều vào nhóm đối tượng số 1. Do đó, muốn có kết quả cao, giáo viên cần có sự quan tâm đặc biệt, có kế hoạch và biện pháp cụ thể, chi tiết, kịp thời và phù hợp cho đối tượng này" - thầy Nguyễn Văn Thọ cho hay.

Chia theo từng giai đoạn, từng chủ đề ôn tập

Các giai đoạn ôn tập được thầy Nguyễn Văn Thọ chia sẻ cụ thể như sau:

Giai đoạn 1 gồm 3 tuần, giáo viên tiến hành ôn tập củng cố kiến thức trọng tâm, hệ thống hóa các kiến thức đã học, các bài tập thường gặp.

Yêu cầu cụ thể về mức độ kiến thức cần nắm, các dạng bài tập cần làm cho phù hợp đối tượng từng nhóm.

Kiến thức chủ yếu tập trung: khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị hàm số, giải phương trình mũ, logar, tính thể tích khối chóp.

Giai đoạn 2 khoảng 4 tuần. Trong thời gian này, giáo viên rèn luyện kĩ năng làm bài thi tốt nghiệp thông qua việc cho học sinh làm bài thi thử với mức độ thời gian như một bài thi tốt nghiệp. Qua mỗi bài cần chỉ ra lỗi, nhận xét ưu nhược điểm rút ra kinh nghiệm, điều chỉnh, khắc phục kip thời.

Giai đoạn 3 - tuần cuối, giáo viên tổng kết lại toàn bộ kiến thức thật trọng tâm, các dạng bài tập thường gặp, nêu một số sai sót học sinh thường phạm phải. Sau đợt này phải đạt được mục tiêu là học sinh nắm được bài, biết giải quyết các bài toán trong thi.

Kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng

Trong 3 giải đoạn nói trên, thầy Nguyễn Văn Thọ cho rằng cần có cách tiến hành phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Giai đoạn 1:

Với học sinh yếu kém, đa phần các em quên hết các kiến thức Toán, học công thức âu thuộc nhưng lại mau quên, một dạng bài tập phải làm đi làm lại nhiều lần vẫn chưa thành thạo được, kĩ năng vận dụng kiến thức vào bài tập rất hạn chế, kỹ năng tính toán rất kém, sử dụng máy tính cầm tay lúng túng hay sai sót.

Do đó, ở giai đoạn 1, với nhóm đối tượng này, giáo viên cần yêu cầu thật cụ thể: phải nắm được kiến thức trọng tâm, cơ bản, cần thiết và thường xuyên kiểm tra việc nắm bài của học sinh đến đâu. Chỉ dẫn cụ thể, từng bước làm những bài tập cơ bản, không đòi hỏi giải bài tập khó, phức tạp. Thực hành trong đề thi trắc nghiệm với những dạng bài dễ, cơ bản nhất mà vẫn có trong đề thi

Luôn cho đối tượng này dạng bài tập tương tự, chỉ như thay số, để rèn luyện và tự học ở nhà. Hằng tuần giáo viên phải kiểm tra, tổng kết, đánh giá tình hình học tập. Không được nóng vội, phải ân cần, kiên trì, nhẫn nại động viên và chỉ bảo các em một cách vui vẻ, cho các em có động lực để tự tin , hứng thú học Toán hơn

Đối với nhóm học sinh trung bình: Giáo viên củng cố lại kiến thức trọng tâm, các dạng bài tập cơ bản, hệ thống hóa bài học. Do nhóm này chưa thực sự cố gắng ôn tập, lơ đãng, chểnh mảng việc học nên mau quên bài, do đó giáo viên cần luôn nhắc nhở, động viên các em ôn tập, kiểm tra bài học ở nhà. Thực hành trong đề thi trắc nghiệm với những dạng bài dễ, cơ bản và trung bình mà vẫn có trong đề thi

Giáo viên cố gắng tổ chức cho học sinh ôn tập theo hình thức như: đố vui, hái hoa dân chủ, rung chuông vàng, mục tiêu “giải nhanh, nhớ tốt” cho học sinh bớt mệt mỏi, hứng thú trong quá trình ôn tập

Đối với nhóm học sinh khá - giỏi, giáo viên yêu cầu học sinh tự tổng kết kiến thức trọng tâm, các dạng bài tập của mỗi chương hoặc qua những bài quan trọng. Sau đó, thông qua giáo viên bộ môn để đúc kết và mở rộng kiến thức, đồng thời giao thêm bài tập tương đối nhiều so với các đối tượng khác. Yêu cầu học sinh làm được các câu dễ đến khó và kiểm tra sau mối giờ học; thực hành trong đề thi trắc nghiệm với những dạng bài mà có trong đề thi

Giai đoạn2:

Đối với học sinh yếu, kém, giáo viên yêu cầu làm được, làm đúng các bài cơ bản, giải quyết được các bài tập dạng thường gặp, cố gắng được 4 - 5 điểm (các kiến thức về khảo sát, sự biến thiên, cực đại cực tiểu, giá trị lớn nhất nhỏ nhất, phương trình tiếp tuyến, tương giao của hai đồ thị, lôga mũ, số phức, hình tọa độ oxyz)

Đối với học sinh trung bình: Cần lưu ý đến kĩ năng làm bài, phải làm được các bài toán thường gặp, tính toán chính xác, cố gắng tư duy để làm được các câu khó hơn. Đối tượng này cố gắng kiếm được điểm câu nào thì tốt, cũng phải 6 điểm

Đối tượng học sinh khá - giỏi, yêu cầu đạt được 7- 8 điểm trở lên, dành thời gian ôn tập rèn luyện các dạng toán tư duy cao, cần logic, nhanh.

Giai đoạn 3:

Giáo viên tổng hợp các dạng toán thông qua những trò chơi đơn giản: tìm ô chữ, đố vui… nhắc nhở học sinh đọc kĩ đề, những sai lầm, hay bẫy thường gặp phải, làm câu dễ trước, phần chủ công, học chắc trước, cho đỡ mất thời gian, cảm thấy tự tin, hưng phấn cho các câu tiếp theo, tránh tình trạng hoảng loạn và hoang mang.

Dạy học sinh xử lý những câu khó còn lại không biết làm, khi làm trắc nghiệm, nên chọn đáp án nào để có xác suất đúng cao nhất.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top